Đặc trưng và định hướng phát triển không gian Kiến trúc cảnh quan tuyến phố thương mại – dịch vụ tại khu trung tâm cũ Tp HCM

Theo bản quy hoạch Sài Gòn của Coffyn lập vào đầu thế kỷ 20, các khu thương mại dịch vụ được xác định như các tâm điểm cho sự phát triển không gian đô thị. Tâm điểm của các khu thương mại dịch vụ thời bấy giờ thường là các khu phố chợ mang đậm hình thức sinh hoạt đô thị truyền thống Á Đông, hòa trộn cùng nét kiến trúc phương Tây như: Chợ Bến Thành, Chợ Tân Định, Chợ Bình Tây… Qua hơn 100 năm sử dụng, các không gian quy hoạch thời Pháp đã dần dần được cư dân người Việt biến đổi và sử dụng theo lối sống riêng của mình. Tuy nhiên, các không gian thương mại khu trung tâm cũ TP HCM tại Quận 1, Quận 3, Quận 5 vẫn tồn tại những nét đặc trưng riêng biệt. Việc duy trì và phát triển các đặc trưng này giúp hạn chế sự phát triển tràn lan, tùy tiện… nhằm giữ gìn bản sắc cho đô thị cũng như đảm bảo cho phát triển hài hòa, bền vững. Do đó, định hướng phát triển dựa trên tính đặc trưng đa dạng cảnh quan vốn có, đặc thù kiến trúc, văn hóa, lối sống người dân là yêu cầu quan trọng đối với cảnh quan tuyến phố thương mại dịch vụ TP.HCM hiện nay.

Cảnh quan sông nước TP HCM
Cảnh quan sông nước TP HCM

Đặc trưng về kiến trúc cảnh quan của các tuyến phố thương mại – dịch vụ tại khu Trung tâm cũ TP HCM
Đặc trưng các tuyến phố thương mại người Hoa khu trung tâm quận 5
Đây là một trong hai khu vực trung tâm hình thành lâu đời nhất TP vào nửa sau thế kỷ 18. Khu trung tâm quận 5 còn có tên gọi là Chợ Lớn, được các thương nhân người Hoa lập ra từ năm 1778, có vị trí gần sông để tiện việc giao thương bằng đường thuỷ. Trong những năm gần đây, trung tâm quận 5 tiếp tục phát triển thành khu TMDV sầm uất . Hoạt động thương mại diễn ra ở khắp mọi nơi, khu trung tâm ngày càng mở rộng, khiến cho việc xác định khu vực trung tâm trở nên rất khó khăn. Hầu hết các thương nhân Trung Hoa đều định cư ở đây. Hình thức kinh doanh phổ biến nhất ở đây là các cửa hàng dọc theo tuyến phố. Các cửa hàng trên cùng một tuyến phố thường bán các mặt hàng giống nhau. Tại các tuyến phố này có đầy đủ mọi mặt hàng như trong chợ hay một TTTM thực thụ, từ quần áo, giày dép, giường tủ cho đến mọi đồ dùng gia đình.

Hầu hết các tuyến phố thương mại tại quận 5 là những con đường hẹp, khá mất vệ sinh, nhưng do các sản phẩm rẻ và đa dạng nên tình hình kinh doanh rất tốt. Điều đặc biệt là các siêu thị và TTTM tại khu vực trung tâm quận 5 lại khá vắng vẻ và hoạt động không hiệu quả lắm, có lẽ vì các tuyến phố thương mai – dịch vụ kể trên đã “hút” phần lớn khách hàng. Hầu hết các khách hàng là cư dân của quận 5 và các thương nhân đến đây mua sỉ rồi đem bán lại cho nơi khác với giá cao hơn.

Đặc trưng các tuyến phố thương mại phong cách Pháp – Mỹ khu trung tâm quận 1
Hầu hết các tuyến phố thương mại – dịch vụ ở đây đều mang tính cao cấp, sang trọng hơn hẳn các khu vực trung tâm quận khác. Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách du lịch và những người có thu nhập khá trở lên. Khác với quận 5, các cửa hàng tại đây mang tính chất độc quyền và loại hình hàng hoá chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ăn mặc, giải trí, nghệ thuật là chính, như: quần áo giầy dép, tranh ảnh, sách, mỹ phẩm, đồ thêu. Các mặt hàng độc quyền đều tập trung ở đây như: Miss Ao dai, Phở 24… Các cửa hàng phần lớn được đặt ở tầng trệt các ngôi nhà phố, sảnh hay bên hông khách sạn… Vỉa hè rộng thoáng cho người đi bộ, có cây xanh, đèn chiếu sáng và lát gạch khá sạch sẽ.

Tuy nhiên, ở đây vẫn có những khu vực mang tính “bình dân” hơn như Chợ Bến Thành, Chợ Cũ, Sài Gòn Square…tạo nên sự pha trộn không chỉ về mặt kiến trúc mà cả về mặt kinh tế, xã hội (mức sống, lối sống) tại khu vực trung tâm quận 1

Đặc trưng các tuyến phố thương mại cho giới trẻ khu trung tâm quận 3
Từ sau chính sách Đổi mới vào năm 1986, khu trung tâm quận 3 từ một khu dân cư cao cấp thời Pháp, Mỹ dần trở thành một trung tâm mua sắm và giải trí cho giới trẻ. Vô số các cửa hàng, quán ăn, quán cafe mọc lên trên những tuyến đường vốn yên tĩnh và rợp bóng cây xanh.

Bên cạnh một số khu vẫn giữ được sự yên tĩnh và trang nghiêm vốn có, nhiều tuyến đường đã trở nên nhộp nhịp và sống động, trẻ trung hơn. Giới trẻ rất thích lui tới mua sắm nơi đây vì hàng hoá đa dạng, thời trang, giá cả phù hợp. Ngoài ra, nơi đây còn hấp dẫn bởi các quán ăn bình dân, các quán cafe kiêm cơm văn phòng sạch sẽ thoáng mát. Trước đây, ùn tắc giao thông rất hiếm xảy ra ở đây. Gần đây, cùng với sự phát triển nhộn nhịp của khu vực, việc ùn tắc đã xảy ra thường xuyên trên một số tuyến đường như: Hai Bà Trưng, Võ Thị sáu, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai…

Sự xuất hiện và đan xen của nhiều hình thức thương mại, dịch vụ sôi động kể trên vào những tuyến phố vốn yên tĩnh của khu trung tâm Quận 3 đã tạo nên sự thay đổi lớn về cảnh quan nơi đây. Nhiều tuyến đường nằm cạnh nhau nhưng có đặc trưng hoàn toàn khác biệt (Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Con Rùa…) đã tạo nên cảnh quan hết sức đa dạng và hấp dẫn, đặc biệt là với giới trẻ.

Sự cần thiết định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố thương mại – dịch vụ khu trung tâm cũ TP HCM
Nghĩ đến TP HCM, đôi khi người ta nghĩ đến một khu “Chợ” lớn, bởi các không gian thương mại – dịch vụ ở khắp mọi nơi, trên hầu hết mọi tuyến đường trọng yếu của thành phố. Sự phát triển này đến nay hầu hết đều không đồng bộ và thiếu tính định hướng. TP HCM bước sang thế kỷ 21 có nhiều thay đổi, hòa vào sự thay đổi chung của thế giới. Các đô thị hiện nay cạnh tranh không chỉ ở tính hiện đại, tính kinh tế mà còn nhờ nét hấp dẫn về bản sắc. Chính vì vậy, nghiên cứu phát triển không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố thương mại – dịch vụ TP HCM không chỉ nhằm tìm ra định hướng về thẩm mỹ cho không gian kiến trúc đô thị mà còn tạo tiền đề cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường xã hội và tự nhiên, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan cho các dạng tuyến phố thương mại – dịch vụ điển hình tại khu trung tâm cũ TP HCM
Duy trì và phát triển tính đặc trưng đa dạng cảnh quan
Tại các thành phố lớn Nhật Bản như Tokyo, Osaka… có thể thấy phần đông các khu đều mang đặc trưng rất khác nhau (Ginza: Khu mua sắm cao cấp, Daikanyama: Khu mua sắm của giới trẻ…), các khu này đều phát triển rất tốt mặc dù có nhiều khác biệt lớn về hình thái không gian và phương thức hoạt động thương mại-dịch vụ. Đây là một minh chứng cho khả năng phát triển của các khu vực cảnh quan đa dạng khác nhau. Quan điểm chủ đạo của quy hoạch Nhật Bản là “tiếp cận từng phần” – các không gian cảnh quan được điều chỉnh từng chút và tôn trọng đặc trưng riêng của từng khu vực
Quan điểm quy hoạch “tiếp cận từng phần” giúp duy trì đặc trưng riêng của từng khu vực
Các tuyến phố thương mại dịch vụ ở Hồng Kông hay Thái Lan cũng có cách phát triển tương tự như vậy nhờ những định hướng, chính sách phát triển và duy trì tính đặc trưng đa dạng cảnh quan.
Chính sách “Rộng mở và linh hoạt” giúp duy trì những không gian cảnh quan đường phố đa dạng ở Bangkok – Thailand.

Hiện trạng đặc trưng các tuyến phố thương mại khu trung tâm cũ TP HCM cho thấy có khá nhiều điểm tương đồng về phương thức phát triển cảnh quan giống như các nước nói trên, cần tạo điều kiện phát triển cho tất cả các không gian và loại hình thương mại-dịch vụ khác nhau trong tương lai. Thực tế cho thấy đối tượng lui tới các khu vực này có thể rất khác khau về độ tuổi, thành phần (khu vực có tính hiện đại phần đông là giới trẻ, khu vực có tính truyền thống phần đông là người lớn tuổi…). Điều đó cho thấy TP HCM cần xây dựng các khu vực mang đặc thù riêng biệt để đáp ứng nhu cầu của các thành phần khác nhau trong xã hội và góp phần hình thành nên bản sắc đô thị.

Phát triển kiến trúc cảnh quan tuyến phố thương mại dịch vụ khu trung tâm cũ TP HCM dựa trên đặc thù kiến trúc, văn hóa và lối sống người dân
– Các tuyến phố thương mại là nét đặc thù của TP HCM, có sức hút rất cao nên cần được trân trọng và gìn giữ. Việc sửa chữa, nâng cấp là cần thiết nhưng cần xác định rõ đặc thù khu vực để không phá vỡ nó
– Bảo tồn và tôn tạo các công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử cao. Chú trọng cải tạo những không gian xung quanh sao cho kiến trúc hài hòa với cảnh quan, tạo thành những khu vực mang đặc trưng riêng
– Việc xây dựng những công trình hiện đại trên các tuyến phố trung tâm là cần thiết, nhưng kiến trúc công trình cần lưu ý không được phá vỡ đặc trưng chung của tuyến phố. Đôi khi cần thiết phải mô phỏng, lặp lại những nét kiến trúc sẵn có của công trình cũ
– Từng tuyến phố thương mại tại mỗi khu vực trung tâm đa phần đều có đặc trưng riêng khác biệt nhau nên chưa tạo thành một thể thống nhất. Cần xác định đặc thù quan trọng nhất của khu vực, xác định tuyến phố kiểu mẫu và nhân rộng mô hình kiểu mẫu này trên cả khu vực.
– Việc xây dựng các khu phố thương mại nối tiếp, liên tục nhau có thể làm phá vỡ ranh giới, khiến các đặc trưng riêng khu vực bị trộn lẫn vào nhau. Việc xác định ranh giới, tên gọi, tính chất khu vực cần rõ ràng, chính xác, cụ thể…Có thể xác định hoặc tạo lập các không gian ranh giới hay khu vực chuyển tiếp để bảo vệ các khu vực cảnh quan mang đặc thù riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bến Nghé xưa – Sơn Nam
2. Sai Gon 1698-1998 – Stephane Dovert, Lê Quang Ninh – NXB Tp. HCM, 1998
3. Đô thị hóa ở Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh từ góc nhìn lịch sử văn hóa – Viện nghiên cứu xã hội TP HCM – Tạp chí người đô thị, 2008
4. Những giá trị văn hóa đô thị Sài Gòn – TP HCM – PGS.TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân – NXB Tổng Hợp Tp.HCM, 2010
5. Di sản kiến trúc đô thị TP HCM – Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Ủy ban nhân dân TP HCM, 2012
6. Phát triển không gian đô thị Sài Gòn – TP HCM – Viện nghiên cứu phát triển TP HCM, Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển, 2012
7. Thiết kế đa dạng: Design for Diversity: Exploring socially Mixed Neighborhoods – Emily Talen (2008). Elsevier Ltd. USA
8. Quy hoạch đô thị theo đạo lý Châu Á – William S.W.Lim (2007)-NXB Xây Dựng, Hà Nội.
9. The Urban Sociology Reader – Lin, J., Mele C. Routledge: New York – 2005

ThS.KTS Nguyễn Thị Bích Ngọc