Phát triển quy hoạch đô thị Đà Nẵng từ mô hình thành phố Chiba – Nhật Bản

Đôi nét về thành phố Chiba

Thành phố Chiba là đô thị lớn nhất trong 37 thành phố của tỉnh Chiba, có quy mô 1 triệu dân, mật độ dân số 3.375 người/km2, gấp 4 lần Đà Nẵng. Cách Tokyo khoảng 50km về phía Tây, nổi tiếng với sân bay Narita và công viên giải trí Disneyland, Chiba còn nổi tiếng với các công viên Hoa Anh Đào ra hoa vào lúc tiết trời chuyển từ mùa xuân sang mùa hạ.
Chiba và Đà Nẵng có mối quan hệ gắn bó từ cấp độ chính quyền đến giao lưu nhân dân. Hai thành phố đều có cảnh quan thiên nhiên đa dạng, kết hợp hài hòa giữa đại dương, vịnh biển, núi rừng và đồng quê. Chiba cũng có khí hậu tương đồng với Đà Nẵng khi nằm bên cạnh dòng biển nóng Kuroshio nên mùa đông ấm áp và mùa hè mát mẻ hơn rất nhiều so với các thành phố lân cận. Tận dụng được các lợi thế sẵn có của địa phương, Chiba đã phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực như cảng biển, công nghiệp, nông nghiệp, đánh bắt nuôi trồng thủy sản [1]… giúp Chiba trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất Nhật Bản.

Vị trí thành phố Chiba thuộc tỉnh Chiba – Nhật Bản

Mô hình quy hoạch đô thị Chiba

Thành phố và thiên nhiên đan xen

Thiên nhiên được coi là báu vật của Chiba, những bãi biển, khu rừng, Yatsuda (cánh đồng lúa trong thung lũng) và dòng sông được bảo tồn trọn vẹn trên quy mô lớn [3]. Cây xanh được phủ rộng trên các tuyến đường, trong mỗi tòa nhà, tất cả đều được chăm sóc, quét dọn, cắt tỉa công phu. Các tiểu khu nhà ở đều có những công viên nhỏ phục vụ cộng đồng với hình thái tự nhiên không bị bê tông hóa. Như công viên Isobe, Takahaima Daisan hay Kitatakahama diện tích nhỏ nhất 1,7ha, công viên Minato rộng 3,3ha nằm cạnh tòa thị chính thành phố, công viên Chiba port 13ha nằm trong cảng biển, công viên Inage seaside dọc theo bờ biển rộng 43ha, đến những công viên lớn như Aobanomori Makuhari Seaside lên đến 280ha chạy cắt qua nhiều tuyến phố, uốn lượn theo địa hình tự nhiên, chạy nối từ bờ biển vào trung tâm thành phố. Ngoài ra, người ta còn xây hẳn 1 công viên nổi 2 tầng tại trung tâm thành phố dài 715m rộng 50m, phía dưới là bãi đậu xe. Công viên nằm phía trên được kết nối với các tòa nhà, con đường 2 bên bằng các cầu vượt đi bộ. [4]

Hình ảnh thành phố Đà Nẵng trên cao

Đô thị Chiba phát triển dọc theo vịnh Tokyo. Từ bất kì nơi đâu trong TP cũng có thể quan sát được vịnh với tầm nhìn gần như không bị hạn chế. Không có những dãy nhà cao tầng nào dành lấy bãi biển cho riêng mình, mà chỉ có các rừng cây, bãi cỏ và một số công trình công cộng thấp tầng, như các sân bóng đá ngoài trời, sân vận động bóng chày hình tròn, bãi đậu xe công cộng, hoặc trung tâm xử lý nước thải, cung cấp nước sạch, trung tâm y tế,… Chỉ có duy nhất một công trình cao tầng nằm gần bờ biển, đó là Tháp cảng Chiba (Chiba Potto Tawa) cao 125m, đây là một trong những biểu tượng của thành phố, vút cao và tỏa sáng như ngọn Hải đăng. Đứng trên tầng 24 của tòa nhà Makuhari Techno Garden đường Nakase nhìn về phía Đông Nam, toàn bộ vịnh Tokyo hiện ra như nằm ngay trước mắt, bao la rộng lớn và rõ nét. Thành phố này như được tạo ra từ vịnh biển, đô thị này như được nhào nặn từ thiên nhiên.

Đa dạng trong thống nhất

Nhìn từ tổng thể, Chiba có nhiều hình thái quy hoạch đan xen, phối hợp một cách hài hòa, sinh động. Xuất phát từ vịnh biển, các tuyến đường chính, trục cảnh quan, công viên phát triển vào trung tâm và tỏa đi các vùng xa hơn.

Trục chính của thành phố là trục cảnh quan công viên được tách ra khỏi đại lộ 2 bên là Koshukai-Odiri và Bussiness-Dori với 1 tỷ lệ mặt cắt hài hòa. Các tòa nhà cao tầng chạy dọc theo trục này, và được tách với công viên bằng 2 con đường nữa, tạo ra 1 trục chính đô thị hướng biển rõ nét. Tại tầng 3 của các nhà cao tầng 2 bên trục chính có các cầu vượt đi bộ nối với nhau và nối với công viên, xuyên qua bên trên đường đi và bãi xe, tạo ra một mạng lưới giao thông trên cao liên hoàn, thuận tiện cho người dân tiếp cận thiên nhiên một cách an toàn, yên tĩnh. Giải pháp này này hiện bắt đầu áp dụng tại một số nơi tại Việt Nam, như Khu vực trụ sở các Bộ ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây – Hà Nội, hoặc quy hoạch thiết kế Quảng trường trung tâm thành phố Đà Nẵng. Dù chưa thành hình, nhưng ý tưởng đề cao trục cảnh quan, đem con người lại gần thiên nhiên cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong nhận thức xã hội.

Khu vực trung tâm thành phố Chiba
Công viên trên cao Makuhari Messe

Các khu vực được quy hoạch phân định rõ ràng theo tính chất và hình thái. Các công trình văn phòng, khách sạn cao tầng hợp thành một khu riêng, các khu nhà ở như chung cư cao tầng, chung cư thấp tầng, nhà ở đơn lập cũng đều được phân định nhau hết sức rõ ràng. Ngay cả với hình thái công trình, công trình cao tầng dạng hình vuông nằm tách biệt với hình thái dạng đơn tuyến, thậm chí khu vực của những công trình xếp chéo hay xếp thẳng cũng phân thành các khu vực khác nhau. Các khu vực được nối nhau bằng các khoảng trống như công viên nhỏ, sân thể thao, bãi xe, … giúp việc chuyển tiếp không gian được tự nhiên, mềm mại. Tất cả tạo ra bản quy hoạch đô thị tổng thể phong phú, hài hòa có trật tự.

Thành phố tiện ích và hấp dẫn

Diện tích đậu xe chiếm tỷ trọng lớn trong không gian đô thị. Bãi đậu xe trên mặt đất, ngầm dưới công viên, trong các khối nhà dành riêng cho đậu xe, và ngay cả trên mái nhà. Như bãi đậu xe của Makuhari Messe rộng gần 200.000m2; bãi đậu xe mặt đất của Aeon Mall rộng hơn 50.000m2; bãi đậu xe trên mái nhà tầng 4 cũng của Aeon Mall rộng 22.000m2, bãi đậu xe dưới trục cảnh quan trung tâm rộng 32.000m2. Nhỏ như bãi đậu xe của Tòa thị chính Chiba cũng có diện tích lên đến 10.000m2; nhà đậu xe tại đường Koshukai 3 tầng diện tích sàn 24.000m2; …. vô số những bãi đậu xe rộng lớn nằm khắp mọi nơi. [4]Mặc dù thành phố đông đúc người và xe, nhưng đường phố và vỉa hè đều sạch sẽ. Cây xanh cắt tỉa theo nhiều hình thức, gọn gàng. Các thiết kế đô thị được chú trọng bằng nhiều tác phẩm điêu khắc lớn nhỏ, gạch lát vỉa hè tinh tế công phu với đa dạng các pattern, chất liệu, màu sắc khác nhau, giúp thành phố trở nên xinh đẹp, sinh động, hấp dẫn.

Bãi đậu xe ở khắp nơi trong thành phố
Sân vườn trên mái
Hình khối kiến trúc đơn giản, thống nhất
Điêu khắc trong công viên

Kiến trúc công trình là một đặc điểm thú vị, rất hiện đại nhưng đầy “chất” Nhật Bản. Các tòa nhà cao tầng được thiết kế theo các dạng hình học cơ bản như vuông, chữ nhật, tam giác hoặc hình tròn theo nguyên tắc nhất định. Đại đa số đều có khối đế trải rộng cao từ 3-7 tầng, khối tháp phía trên lùi vào có diện tích nhỏ hơn, giúp khu trung tâm đô thị tuy có mật độ xây dựng cao nhưng không bị cảm giác nhà cao tầng san sát. Hình thức kiến trúc ít trang trí phức tạp, thiên về tạo khối nghệ thuật. Tuy không tòa nhà nào giống tòa nhà nào, mỗi công trình đều tìm tòi những bố cục tạo hình khác nhau, nhưng tổng thể lại hài hòa dựa trên tỷ lệ, chất liệu, màu sắc tương đồng.

Nghĩ về quy hoạch đô thị Đà Nẵng

 Tồn tại hiện hữu

Đà Nẵng có những đặc điểm riêng biệt từ thiên nhiên, lịch sử, văn hóa so với các đô thị khác, nên thành phố cũng mang những bản sắc đặc trưng phản ánh chiều dài phát triển của mình. Bãi biển Mỹ Khê hình vầng trăng khuyết trải dài cát mịn thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế, nên đô thị có xu hướng dồn về phía biển để khai thác tối đa giá trị thương mại du lịch, tạo ra một rừng “bê tông” che chắn toàn bộ tầm nhìn thành phố. Việc giá đất cũng quá đắt đỏ so với đời sống, khiến đại bộ phận dân cứ nói chung thích ở nhà mặt đất bề ngang 5m, nên cảnh quan đường phố lộn xộn, khó kiểm soát. Việc có ít các bãi đỗ xe tiêu chuẩn cũng gây nên tình trạng tắc đường ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, trong khi mật độ dân số còn tương đối thấp so với một đô thị phát triển. Thành phố bị bê tông hóa cao độ ngay cả với công viên, cộng với việc các dãy nhà san sát nhau khiến đô thị gặp hiện tượng đảo nhiệt, suy giảm chất lượng không khí hoặc thoát nước mưa. Tiềm lực kinh tế xã hội hạn chế, cộng với một thời kì mang tư duy phát triển nóng, nên quy hoạch đô thị ít có các khu đất lớn để xây những công trình lớn, làm đô thị thiếu vắng các công trình lớn để tạo ra sức bật của đô thị trong thời kì mới.

Cấu trúc không gian đô thị Đà Nẵng
Tầm nhìn tổng thể tương lai Khu Trung tâm TP Đà Nẵng

Trong khi Chiba phát triển đa dạng các lĩnh vực kinh tế, thì Đà Nẵng hầu như chỉ tập trung cho Du lịch. Đại dịch Covid-19 làm thành phố phát triển âm trong 2 năm liên tiếp. Tất cả chạy theo du lịch “tắm biển” khiến thành phố dễ tổn thương khi chịu tác động của môi trường, biến đổi khí hậu hoặc dịch chuyển xu hướng nghỉ dưỡng của du khách từ các thị trường lớn. Đô thị trở nên mất cân bằng, thiếu bền vững.
Đứng trước những tồn tại đó, trong bản quy hoạch điều chỉnh TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg, mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ [2], đa dạng hóa nền kinh tế là chiến lược hoàn toàn đúng đắn.

Áp dụng kinh nghiệm phát triển của Chiba

Để hiện thực hóa những mục tiêu tham vọng trong quy hoạch này, Đà Nẵng có thể tham khảo thêm những tổng kết mà Thành phố Chiba đã xây dựng, qua 4 quan điểm chiến lược [3] cụ thể:

  • Phát triển cộng đồng truyền lại trong 100 năm tới;
  •  Phát triển một cộng đồng sáng tạo, tạo và tận dụng sự thư giãn;
  •  Phát triển cộng đồng bao quát tận dụng tính đa dạng kết nối thế giới;
  •  Kích hoạt kinh tế và xã hội địa phương qua tận dụng sự tập trung của các chức năng đô thị.

Các chiến lược trên được hoạch định thành một số giải pháp liên quan đến quy hoạch, kiến trúc đô thị như sau:

Tạo không gian mà mọi người cảm thấy gần gũi và gắn bó với thiên nhiên:

  • Bảo tồn các cảnh quan tự nhiên ven sông, ven biển, khu rừng;
  • Giữ gìn các diện tích đất nông nghiệp;
  • Quy hoạch diện tích lớn dành cho công viên, thiết kế các công viên theo lối tự nhiên;
  • Giải phóng tầm nhìn ra sông, ra biển cho đô thị. Hạn chế xây nhà cao tầng ven các điểm nhấn cảnh quan có giá trị. Đem lại giá trị thiên nhiên cho tất cả người dân được tận hưởng.

Nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, tạo sức hấp dẫn đô thị:

  • Quy hoạch các bãi đậu xe và công trình đậu xe quy mô lớn;
  •  Tạo thông thoáng tối đa cho các dòng thoát nước ra biển;
  • Quy hoạch các ô đất lớn để xây dựng những khu chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại lớn;
  • Hạn chế và tiến đến chấm dứt việc chia lô 5m, chỉ quy hoạch khu ở bằng nhà đơn lập hoặc chung cư;
  •  Phát triển giao thông đa tầng để tiết kiệm quỹ đất, tiến tới đô thị nén;
  •  Khuyến khích trang trí mái nhà thấp tầng thành sân vườn trên cao, hoặc tận dụng làm bãi đậu xe, bằng giải pháp quy đổi cho phép nâng cao số tầng cao xây dựng.
  • Chú trọng thiết kế đô thị, trang trí vỉa hè, tiểu cảnh công viên, hồ nước.

Tạo môi trường cho người dân gần gũi thể thao, yêu thích nghệ thuật:

  •  Phát triển mạng lưới các sân thể thao quy mô lớn;
  •  Đầu tư mạnh các thiết chế văn hóa, như bảo tàng, rạp hát. Các thánh đường nghệ thuật này còn là điểm nhấn kiến trúc đô thị;
  •  Khuyến khích giao thông xe đạp, đi bộ bằng cách phát triển các lane đường riêng có khung cảnh xanh mát, an toàn, thân thiện.

Kết luận

Đà Nẵng đã có những cây cầu hiện đại, mang tầm quốc tế, đây là cơ sở để thành phố có những đồ án quy hoạch và công trình kiến trúc đẳng cấp. Những giải pháp quy hoạch trên đây sẽ giúp thành phố khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa lịch sử, cho phép Đà Nẵng hiện đại hóa khu vực đô thị hiện tại, nhằm đạt được tầm nhìn về “Một đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững”.

Muốn vậy, việc học hỏi kinh nghiệm của những đô thị phát triển như Chiba là điều hết sức cần thiết. “Cùng nhau, những cư dân thành phố sẽ tạo ra một đô thị ngày càng phong phú, quyến rũ, mà trong đó, thành phố và thiên nhiên đan xen, và mọi người đều ánh lên sáng ngời” [3]

TS.KTS. Dư Tôn Hoàng Long*
*Đại học Đông Á – Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2025)


Ghi chú:
1 – https://www.city.chiba.jp/ Cổng thông tin tòa thị chính Chiba;
2 – https://danang.gov.vn/ Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng;
3 – Bản trích yếu Kế hoạch cơ bản thành phố Chiba từ năm tài chính 2023 đến 2032 – Cục chính sách tổng hợp thành phố Chiba xuất bản năm 2023;
4 – Dữ liệu từ bản đồ vệ tinh Google Earth.