Một cột mốc giản dị – Nhà văn Nguyễn Trương Quý

Hồ Hoàn Kiếm được xác định là trung tâm cộng đồng của Hà Nội chỉ 132 năm, kể từ khi người Pháp tiến hành lập một thành phố kiểu Tây. Con số đó ngắn ngủi so với chiều dài hơn 1000 năm của Thăng Long, song có lẽ là sản phẩm quy hoạch ổn định nhất trên mảnh đất này từ trước tới giờ. Nếu các thành phố lấy địa điểm đặt nhà bưu điện trung tâm là mốc Km0, thì không cần phải bàn cãi mốc này chính là vị trí bên bờ hồ Hoàn Kiếm đối diện tòa nhà Bưu điện Hà Nội hiện tại. Song cột mốc số 0 còn có những ý nghĩa khác.

Cột mốc địa lý và cột mốc văn hóa

Hiển nhiên vị trí trung tâm Hà Nội suốt mười mấy thập niên ứng với thành phố hiện đại đã biến hồ Hoàn Kiếm thành một mốc ước định bất thành văn. Nhưng trên thực tế, việc nắn chỉnh hồ Hoàn Kiếm thành hình bầu dục và ở vị trí cân xứng giữa khu phố Hà Nội cũ có cơ sở thuận lợi của các khoảng cách từ đường biên đến lõi trung tâm. Từ một cái hồ thông với vài hồ khác không có hình dạng hình học rõ ràng, hồ Hoàn Kiếm được hoạch định chiều dài theo hướng Bắc Nam vừa không bị khuôn tròn cứng nhắc, vừa giúp cho việc phát triển các tuyến phố ngang đâm ra sông Hồng và dọc theo tuyến sông một cách hợp lý. Khoảng cách từ mép hồ đến 2 trục cạnh của khu phố cũ cân đối nhau, cũng như là trọng tâm cân xứng giữa khu phố bản địa (“36 phố phường”) phía Bắc và khu phố Tây phía Nam, tạo ra vị trí điểm mốc không thể hợp lý hơn.

Điều này cho thấy sự thay đổi so với mốc của các triều đại phong kiến khi dường như trạm Hà Trung, khu vực gần cửa Nam ngày nay được coi là điểm bắt đầu của con đường thiên lý thời trước. Mốc này đương nhiên gắn với Hoàng thành nhà Lê-Nguyễn, thể hiện sự tập trung của nền quân chủ. Cho dù qua thời gian, khi Hà Nội mở rộng về phía Tây với sông Tô Lịch từng là ranh giới nội thành, cửa Nam ở vào đúng vị trí xuất phát của đường quốc lộ 1A về phía Nam, QL 32 đi Sơn Tây và gần với nơi bắt đầu QL 6 đi Hà Đông, nghĩa là mốc địa lý số 0 thực sự (và phần nào là cột mốc chính trị khi gần với khu Ba Đình), thì trên phong cảnh truyền thống, vị thế cột mốc số 0 của hồ Hoàn Kiếm vẫn khó thay đổi. Điều này có nguyên do là cột mốc ước định đã chuyển hóa thành cột mốc mang tính văn hóa.

Sự bồi đắp của thời gian

Tất nhiên để trở thành cột mốc mang tính văn hóa thì khu vực hồ Hoàn Kiếm đã nhận được sự bồi đắp cả về vật chất lẫn truyền thống suốt cả hơn trăm năm. Những việc can thiệp ở mức độ phá dỡ hoặc xây mới ảnh hưởng đến cảnh quan của hồ để lại những tranh cãi và tiếc nuối lâu dài. Có cả một danh sách của những công trình và dự án kiểu này suốt lịch sử quy hoạch hồ: Ngôi chùa Báo Ân bị phá vào cuối thế kỷ 19, Nhà bưu điện và Trụ sở UBND thành phố xây mới quá to trong thập niên 1980-1990, Tòa nhà “Hàm Cá Mập” thiếu duyên dáng ở một vị trí quá nổi bật, Dự án tòa nhà khách sạn Hà Nội vàng cuối thập niên 1990, Tòa nhà Tràng Tiền Plaza thô nặng so với công trình phong cách Art-Deco của Bách hóa tổng hợp cũ, Dự án khách sạn Four Seasons có nguy cơ áp đảo cảnh quan hồ, hay các cao ốc mọc lên nhiều hơn trước gần đây.

Song song với những sự thay đổi không thích đáng, quả thực hồ Hoàn Kiếm nhận được sự đầu tư ưu ái nhất trong số các không gian cảnh quan đô thị của Hà Nội, cho dù có một giai đoạn khá dài việc chăm sóc cảnh quan bị xem nhẹ. Ngay từ những năm đầu sau khi tiếp quản Hà Nội, bên cạnh những ngày rực rỡ đèn hoa, là một sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng quanh hồ Hoàn Kiếm. Trong một số trang nhật ký và một bài viết mang tên Một ngày chủ nhật đăng tháng 11-1956, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã bộc lộ mối ưu tư về khung cảnh như vậy: “Chán phè với những hòm rác, những bảng trưng bày hình ảnh các nước bạn, nó làm xấu hồ đi, và chỉ là nơi muỗi ở, xấu mắt và ngượng quá cho Thủ Đô… Nhưng Hồ Gươm đã mất nhiều vẻ đẹp lắm rồi. Nước hồ gợn váng, ven đầy rác rưởi. Bờ không được sạch, lủng củng những quảng cáo vụng về, bày vô tổ chức, những biển giới thiệu hình ảnh các nước bạn, hầu như không ai săn sóc, vì mặt kính không mấy khi sạch xác ruồi muỗi. Có cảm tưởng hồ bị bưng kín, và bé lại. Đường đi có nhiều chỗ lầy lội. Thùng rác như chiếc quan tài lù lù bên lối đi”.

Tiếng nói của Nguyễn Huy Tưởng đã gặp phải sự phê bình của các lãnh đạo giới văn nghệ, để rồi câu chuyện giữ gìn Hồ Gươm chìm xuống suốt những năm chiến tranh. Cho dù hồ Hoàn Kiếm vẫn tiếp tục là trung tâm của những bài hát hay bài thơ ngợi ca vẻ đẹp thủ đô, nhiều chục năm khó khăn của nền kinh tế bao cấp không để lại được nhiều dấu ấn quanh hồ. Đề xuất mang tính quy hoạch đầu tiên cuối thời bao cấp có lẽ là bản đề xuất chỉnh trang hồ Hoàn Kiếm của KTS Tạ Mỹ Duật. Các đề án gây tiếng vang truyền thông giai đoạn sau Đổi mới dường như tập trung vào những ý tưởng lãng mạn, chẳng hạn một nhóm KTS đề xuất xây dựng một nhóm tượng đài chín con rồng ở khu vườn hoa phía nam hồ, tạo ra biểu tượng về sự hội tụ thống nhất: Sông Cửu Long hướng về trái tim của cả nước. Sau này vào thập niên 2010, một số đề xuất tiếp tục tăng cường quy tâm hóa hồ Gươm, chẳng hạn việc nối dài tuyến phố Nhà Thờ xuyên qua khuôn viên trụ sở báo Nhân Dân từ phố Hàng Trống ăn ra phố Lê Thái Tổ, để tạo thành một trục ảo xuyên Đông Tây qua hồ…

Những công trình thành hiện thực như quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ, đồng hồ hoa Thụy Sĩ, các hoạt động như tạo tuyến phố đi bộ quan hồ vào cuối tuần kết nối với tuyến Hàng Đào – Đồng Xuân và Tràng Tiền, ít nhiều tạo ra được một khung cảnh hoàn chỉnh cho một trung tâm đô thị đúng nghĩa.

Bao nhiêu là đủ?

Nhưng dù là trung tâm được ưu ái nhất, cũng phải thừa nhận một vấn đề: Hồ Hoàn Kiếm nằm giữa một khu vực mật độ xây dựng dày đặc. Các khối tích của các công trình lớn như cao ốc, khách sạn lân cận dù có thể cách hồ vài trăm mét song vẫn hiện diện lừng lững ở đường chân trời. Những khoảng trống còn lại quanh hồ lại khá tản mát, trừ hai quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và Lý Thái Tổ bên cạnh hồ. Vì vậy, đã trải qua nhiều dịp các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được trưng bày, chúng vấp phải thực tế là khoảng không gian để ngắm khá hạn chế. Bất cứ tác phẩm nào “cài cắm” vào không gian này cũng xung đột với luồng người tản bộ, chưa kể đến các tán cây xanh hay bụi hoa chưa đủ hô ứng với bản thân các tác phẩm này. Trong khi đó, người dân đã quá quen mắt với độ che phủ của hệ cây xanh đang có, sự can thiệp nào cũng rất dễ gây phản ứng. Ngay trong các đồ án lãng mạn nêu trên, nếu thực hiện cũng sẽ xáo trộn đáng kể môi cảnh hiện tại.

Một trong những vị trí được đề xuất làm cột mốc số 0 của Hà Nội là đồng hồ hoa Thụy Sĩ hiện tại, tác phẩm này đã không đạt được tiêu chí gây ấn tượng tương xứng với vị trí. Mặt đồng hồ nghiêng ra hồ, trong khi nền đất ở khu vực này dốc xuống hồ, kết quả cả người đi bộ lẫn người đi trên phố Đinh Tiên Hoàng hay Hàng Khay đều không nhìn rõ được chiếc đồng hồ này. Đó là một điều đáng tiếc, khi khoảng chiếm đất của tác phẩm này khá lớn. Điều này cho thấy cột mốc hay biểu tượng nào cũng cần tính đến sự hòa hợp cảnh quan và tối ưu hóa trường nhìn người vãn cảnh. Có những công trình mang tính biểu tượng đã có sẵn như Tháp Bút, Tháp Rùa hay Tháp Hòa Phong, những công trình có độ cao vừa phải. Vì vậy, không nhất thiết phải là một công trình hoành tráng, dễ gây xung đột với các thứ đã có. Có thể chỉ là một khối đá trắng, một khối cầu thể hiện các đặc điểm địa lý, hay một cột mốc hội tụ nội dung công nghệ cao, thể hiện đặc trưng của thời đại chúng ta đang sống.

Bên cạnh đó, về mặt quy hoạch biểu tượng đô thị, cũng rất có thể có một hệ thống nhận diện không gian Hà Nội bằng các cột mốc khác, lấy cột mốc số 0 làm điểm xuất phát. Trước đây, một số cửa ngõ Hà Nội có các bức tranh tường cổ động tạo ra một sự kết nối ý nghĩa với trung tâm trên những con đường hướng tâm, mà vừa qua câu chuyện di dời bức tranh tường chủ đề “Hà Nội chào mừng” ở chợ Mơ chiếm sự quan tâm rộng rãi của cư dân. Sau thời những cửa ô, những bức tranh tường cửa ngõ, nên chăng cũng nên có một hệ thống những cột mốc số 1, số 2,… cùng với những vườn hoa tạo điểm nhấn cho các trung tâm vệ tinh trong nội thành? Trong khi việc xây dựng những tượng đài vừa tốn kém vừa rất ít thành công, ý tưởng cột mốc giản dị có lẽ đem lại được những kết quả tích cực hơn.

Nguyễn Trương Quý
© Tạp chí Kiến trúc

Tạp chí Kiến trúc trân trọng giới thiệu đến bạn đọc ý kiến, quan điểm, chia sẻ của các chuyên gia, giám khảo Cuộc thi thiết kế Cột mốc Km0. Nội dung sẽ liên tục được cập nhật tại website cuocthi.tckt.vn/thietkecotmockm0. 
Chi tiết cuộc thi xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/thiet-ke-cong-trinh-cot-moc-km-0.html