Nâng cao chất lượng môi trường không khí trong nhà chung cư cao tầng tại việt nam

Tại sao lại đặc biệt quan tâm chung cư cao tầng?

Bài báo quan tâm đặc biệt đến các chung cư cao tầng trong các đô thị, vì các lý do:

  • Chung cư cao tầng là nơi sinh sống tập trung với mật độ cao của người dân đô thị, khác với khu nhà biệt thự, nhà lô có số người ở ít hơn nhiều;
  • Là nơi ở, nơi lưu trú nhiều thời gian nhất trong một ngày để hồi phục sức khỏe sau những giờ làm việc căng thẳng. Trong nhà chung cư còn có những người già, trẻ nhỏ và người đau ốm, có thể sống suốt ngày, suốt tháng trong nhà;
  • Dân cư đông, “chất thải” cũng nhiều hơn, trong khi không gian căn hộ lại nhỏ hẹp (so với biệt thự hay nhà lô) nên việc phát tán chất thải cũng khó hơn nhiều.

Các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà (căn hộ)

Chất ô nhiễm đầu tiên phải kể đến là CO2. Để sống, chúng ta phải thở (hít lấy Oxy) và thải ra CO2. Lượng thải CO2 của mỗi người tùy thuộc mức độ hoạt động và tuổi tác (xem bảng 1), trong khi Tiêu chuẩn nồng độ CO2 cho phép thấp hơn rất nhiều (Bảng 2).

Nghiên cứu của Đại học Kiến trúc quốc gia Thành công (Đài Loan) cho thấy: 1 m2 nhà cửa phát thải 300 kg CO2 mỗi năm, vậy một nhà ở chiều cao trung bình diện tích 116 m2 sẽ phát thải hàng năm khoảng 34.000 kg CO2, tương đương lượng CO2 hấp thụ để quang hợp của một cây cổ thụ trong 40 năm [5]. Vì vậy, đã có trường hợp “người ngủ luôn không dậy” do phòng đóng quá kín nên lịm dần vì hít quá nhiều CO2 do chính mình thải ra mà không có Oxy. Ngoài ra, da thịt con người cũng luôn thải ra các chất thải khác, có thể gọi chung là “mùi người”, cũng không dễ chịu chút nào khi phải hít lại chúng.

Vì lý do đó, ở các nước xứ lạnh cửa sổ luôn có hai lớp và phải đóng kín để giữ ấm ban đêm, nhưng phải mở một cửa sổ nhỏ, và các phòng ngủ luôn có đường ống thoát khí thải CO2 đặt tại một góc trên trần phòng. Nhà ở nước ta cửa sổ chỉ một lớp, lại không kín nên không quan tâm việc này.

Chất ô nhiễm thứ hai là từ khu vệ sinh trong mỗi căn hộ. Nhà chung cư tại các nước xứ lạnh bao giờ cũng có một hệ thống ống thoát và cấp hơi riêng cho khu vực này. Chung cư vùng nhiệt đới đôi khi không áp dụng, tuy nhiên do nhà cửa thoáng hở nên nhiều khi chúng ta không cảm thấy khó chịu.

Khu bếp mỗi gia đình là nơi cung cấp chất thải thứ ba. Đó là khói bếp, khí gas, hơi bốc lên khi chế biến thức ăn không hoàn toàn dễ chịu. Hãy quan sát khu bếp sau dăm năm sử dụng, trần luôn bị bám khói (bồ hóng) đen một vùng! Chính vì vậy, cũng như khối vệ sinh, vị trí khu bếp trong căn hộ hết sức quan trọng để tạo ra môi trường không khí vệ sinh, sạch sẽ trong nhà.

Nguyên tắc cơ bản tạo môi trường không khí tiện nghi trong nhà

Nguyên tắc chung để tạo môi trường không khí sạch sẽ trong nhà là phải thải hết các chất độc hại ra không gian bên ngoài và đón không khí sạch, tươi mới vào nhà. Không khí đến từ rừng cây, đặc biệt không khí từ biển được coi là vô cùng quý giá và cũng là ưu thế của các nước vùng nhiệt đới ven biển như nước ta. Phần lớn các đô thị đô thị nước ta đều nằm ven biển. Ở khoảng cách bờ biển 100 – 200 km, nếu để ý, vẫn cảm nhận được gió (không khí) từ biển thổi vào. Không khí từ biển luôn luôn được coi là trong sạch (trừ vài trường hợp biển bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến một không gian có giới hạn). Không khí từ các cánh đồng nói chung cũng tươi mát, trừ những ngày bị xử lý bằng các chất độc hại diệt sâu bọ…

Bảng 1. Lượng CO2 do người thải ra
Bảng 2. Tiêu chuẩn nồng độ CO2 cho phép

Trong một đô thị, cần có giải pháp khử các chất thải độc hại do tất cả các hộ gia đình thải ra, và đưa ra ngoài thành phố, chưa nói đến chất độc hại khác do các hoạt động sán xuất, giao thông, xây dựng, … góp vào môi trường không khí thành phố. Lúc đó, vai trò cây xanh được coi là quan trong nhất.

Tác dụng quan trọng nhất của cây xanh là hấp thụ khí CO2 và cung cấp Oxy (O2) – khí thở thiết yếu của con người. Đó là quá trình “quang hợp”- cây thu năng lượng của ánh sáng mặt trời, khí cacbonic (CO2) và lấy nước từ đất để tổng hợp thành thức ăn (cacbonhidrat). Quá trình này sẽ giải phóng Oxy. Như vậy, có thể coi cây xanh như một nhà máy hóa học, thu khí độc CO2 và cung cấp Oxy cho con người.

Hình 1. Đề xuất hệ thống cây xanh cho thị xã Hoàng Mai
bản vẽ có sự tham gia của KTS Ngô Hoàng Ngọc Dũng

Trong phạm vi toàn cầu, quá trình quang hợp có vai trò cực kỳ to lớn. Mỗi năm thực vật màu xanh đã đồng hóa 170 tỷ tấn CO2, phân ly 130 tỷ tấn nước và giải phóng 115 tỷ tấn Oxy. Người ta tính rằng, nếu không có quang hợp, chỉ riêng sự đốt cháy than, dầu sẽ làm tăng hàm lượng CO2 lên gấp vài chục lần, hủy diệt các loài sinh vật hiếu khí và tăng nhanh quá trình Biến đổi khí hậu [5]. Vì lẽ đó, các đô thị rất cần có các rừng cây hoặc các vành đai xanh, vì rừng cây là lá phổi của đô thị. Nhiều thành phố lớn trên thế giới đều có các rừng cây ven đô thị, không chỉ để cung cấp khí Oxy, còn là nơi vui chơi yêu thích của người dân đô thị trong những ngày nghỉ. Khi vào rừng, không cần máy đo,chúng ta cũng cảm nhận được ngay không khí sạch sẽ, trong lành mà trong nội đô không có.

Tính toán theo số liệu của ĐH Kiến trúc quốc gia Thành công nêu trên (một nhà ở chiều cao trung bình diện tích 116 m2 sẽ phát thải hàng năm khoảng 34.000 kg CO2, tương đương lượng CO2 hấp thụ để quang hợp của một cây cổ thụ trong 40 năm), mỗi đô thị 500.000 dân cần trồng 5 triệu cây (ứng với 40 cây cho 1 hộ dân, 4 người), tương ứng cần 5000 ha đất cây xanh (với diện tích 10 m2 mỗi cây) [5]. Con số này quá lớn, khó có đô thị nào đáp ứng được. Tương tự, các nhà nghiên cứu ở Anh cho rằng, cây xanh của toàn nước Anh cũng không hấp thụ hết CO2 chỉ riêng của một thành phố London.

Bên cạnh đó, cây xanh còn có nhiều “giá trị quý” khác, không chỉ riêng việc cung cấp Oxy và hấp thụ CO2. Vai trò che trực xạ mặt trời, làm giảm nhiệt độ bề mặt các công trình xây dựng, đường giao thông được coi có hiệu quả cao nhất chống lại “Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị / Urban Heat – Island Effect”, nâng cao chất lượng khí hậu đô thị, tạo điều kiện tiện nghi cho hoạt động đường phố, đặc biệt đối với vùng nhiệt đới. Cây xanh đường phố giảm bụi cho nhà cửa hai bên đường (bụi bám trên lá cây, rồi được mưa rửa lá mang đi), cây xanh còn hấp thụ bớt tiếng ồn đô thị, dù chưa được trồng đúng như một “dải cây chống tiếng ồn” thực thụ, … Một số loài cây, như tùng, bách, sồi, liễu, phong, bạch đàn, … còn có khả năng tỏa ra chất Phyntoncide, có khả năng diệt một số vi khuẩn, nấm và vi sinh vật gây bệnh [5]. Ví dụ một hecta cây tùng cối mỗi ngày đêm tỏa ra 30 kg Phyntoncide, đủ để khử trùng cho một đô thị lớn. Chính vì vậy “Không gian xanh / Green Space” tính theo tỷ lệ giữa diện tích vườn cây (gardens) và công viên (parks) so với số người dân đô thị được coi là “Chỉ số đáng sống / Liveable” của các đô thị thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị, xét về sức khỏe cộng đồng, mỗi thành phố tối thiểu phải có 9 m2 không gian xanh cho mỗi người, tốt nhất là 10 – 15 m2 [xem thêm 5]. Lưu ý rằng ở Việt Nam, chưa có thành phố nào đạt tỷ lệ không gian xanh 1,5 – 2 m2/ người, thấp hơn rất nhiều so với khuyến nghị tối thiểu của WHO.

Giải pháp quy hoạch đô thị và quy hoạch khu nhà ở

Như đã nói ở trên, hai vấn đề rất đáng quan tâm khi xây dựng các đô thị, có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống (cả vật chất và tinh thần) của người dân đô thị là Rừng cây ven đô và Công viên trong đô thị. Trường hợp không đủ diện tích cho rừng cây, nên tạo ra các dải cây xanh vành đai, kết hợp chống ảnh hưởng gió tây khô nóng tại các đô thị miền Trung nước ta. Hình 1 là đề xuất dải cây xanh ngăn và làm giảm hiệu quả gió tây (kết hợp phun nước lên cao từ ngọn cây) cho đô thị Hoàng Mai, Nghệ An.

Singapore – quốc đảo chỉ có diện tích trên 700 km2 nhưng đã có tỷ lệ diện tích không gian xanh chiếm 47% diện tích thành phố, cỡ lớn nhất thế giới (đứng đầu là Moscow với 54%) [7]. Công viên lớn Gardens the Bay nổi tiếng lớn nhất nước này chính do Thủ tường Lý Hiển Long ký quyết định xây dựng (Hình 2).

Hình 2. Quốc đảo Singapore và Gardens the Bay (nguồn Internet)

Bên cạnh đó, cần tạo nhiều vườn cây trong đô thị, sẽ góp phần cải thiện vi khí hậu nhà ở. Vườn cây quanh nhà, ngoài tác dụng cung cấp Oxy, còn có thể làm giảm nhiệt độ không khí 2 – 4oC chủ yếu nhờ tác dụng che trực xạ mặt trời và bay hơi nước. Do cây xanh hạ thấp nhiệt độ không khí bên ngoài, nên không khí mát từ vườn cây có áp lực cao hơn sẽ tràn vào nhà. Vì lý do này các nhà nghiên cứu kết luận rằng: Các vườn cây nhỏ phân bố đều đặn có tác dụng cải thiện vi khí hậu trong nhà hơn các công viên lớn [7]. Cần có thêm nhiều sáng kiến tạo ra các vườn cây trong các khu nhà ở chật hẹp, như KTS Võ Trọng Nghĩa hay trồng cây trên mặt chính (Hình 3) và trên mái nhà (mái xanh).

Hình 3. Vườn cây của KTS Võ Trong Nghĩa và Babylon- Hotel Biên Hòa

Những con sông hiền hòa trong thành phố được coi là báu vật đô thị, là vốn quý về cảnh quan, không chỉ cung cấp nguồn nước cho thực vật và thoát nước hiệu quả sau các trận mưa lớn, chúng như những con kênh dẫn không khí tươi mới vào sâu trong đô thị và đưa không khí đã ô nhiễm ra khỏi thành phố. Hình 4 là ví dụ thành công ở Paris. Con đường ven sông Duna, Budapest được coi là đẹp nhất thủ đô, nơi đặt các công trình kiến trúc độc đáo nhất, nên được vinh danh di sản văn hóa thế giới (Hình 4). Tiếc rằng các sông Hàn (Đà Nẵng), sông Hương (Huế) chưa được sử dụng một cách tương xứng.

Hình 4. Sông Seine, Paris, Pháp (trái), đường ven sông Duna, Budapest – di sản thế giới (phải)

Vùng ven biển được thiên nhiên ưu đãi cung cấp gió mát và sạch sẽ thổi vào hàng ngày (gió đất – gió biển / Brezee). Vì vậy, các đô thị ven biển dọc đất nước ta cần được quy hoạch để đưa được không khí biển vào sâu tới được các khu dân cư. Các đường phố rất có hiệu quả trong việc này. Hình 5 giới thiệu quy hoạch đường phố quận El. Salvado, Lima, Peru với các đường phố chính vuông góc với bờ biển đã làm rất tốt việc này [3].

Hình 5. Bản đồ quy hoạch quận El. Salvado, Lima, Peru

Lãnh thổ Việt Nam có bốn khối gió mùa thổi vào hàng năm, trong đó có hai khối gió từ biển đem tới không khí biển mát mẻ trong mùa nóng. Các thành phố dù cách bờ biển 200- 300 km vẫn nhận được hai loại gió này và cần lơi dụng tốt khi tổ chức không gian trong một khu nhà ở, sao cho các tòa nhà phía trước không thành tường ngăn gió của tòa nhà sau. Giải pháp quy hoạch so le và bảo đảm khoảng cách giữa các tòa nhà sẽ tạo được “trường gió” trong khu nhà ở sớm trở lại như ngoài không gian tự nhiên. Tuy nhiên cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  1. Trong vùng Bắc bộ, gió mát bị vịnh Bắc bộ đổi hướng thành Nam và Đông Nam. Vì vậy dân ta mới có câu “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”. Câu thành ngữ này chỉ đúng cho vùng Bắc bộ với ý nghĩa gió vùng này là “đơn hướng”;
  2. Vùng miền Trung, như Đà Nẵng gió mát có hướng Đông và Nam. Vùng này tâm niệm câu: “Nắng mặt trời có thể che được, nhưng gió không đón được là mất”;
  3. Các thành phố phía Nam, như TP Hồ Chí Minh, gió mát là đa hướng, tùy theo vị trí và đặc điểm khu nhà mà lựa chọn hướng có lợi nhất.
Hình 6. Hoa gió ba thành phố Việt Nam: Hà Nội, Đà Nẵng tháng 6,7,8. HCM 2 mùa

Hình 6 giới thiệu Hoa gió trung bình 20 năm (1981 – 2000) của ba thành phố có xét đến tần suất theo ba mức vận tốc khác nhau – nghiên cứu chúng tôi thực hiện năm 2002-2005 [4]. Ngày nay người thiết kế có thể tìm thấy “Bánh xe gió” các địa phương Việt Nam với 36 hướng khác nhau, kèm theo tần suất, nhiệt độ và độ ẩm (Hình 7).

Giải pháp thiết kế kiến trúc nhà chung cư ở Việt Nam

Quan điểm của chúng tôi để nâng cao chất lượng môi trường không khí trong nhà đối với nhà chung cư Việt Nam là:

  • Tất cả các căn hộ phải thông thoáng tốt để thải hết các chất độc hại ra không gian bên ngoài và đón không khí sạch sẽ, tươi mới vào nhà.
  • Giảm tối thiểu việc sử dụng hệ thống ĐHKK trong nhà chung cư.

Giải pháp quan trọng nhất, có thể coi là một tiêu chí hàng đầu, bắt buộc trong thiết kế nhà chung cư, là đạt được tốt nhất “Thông gió tự nhiên xuyên phòng / Cross ventilation” cho tất cả các căn hộ, cố gắng cho tất cả các phòng trong căn hộ, đặc biệt các phòng ngủ, khối vệ sinh và khu bếp.

Những nội dung liên quan để giải pháp này là:

  • Hướng nhà;
  • Hành lang và vị trí – yếu tố quan trọng hàng đầu;
  • Sân xanh và hiên trong căn hộ: Vị trí và hướng;
  • Tổ hợp các phòng trong một căn hộ;
  • Tổ chức sân xanh, hiên xanh, mái xanh, mặt đứng xanh.

Chúng tôi biết rằng những nội dung này đã được nhiều người thiết kế quan tâm và có những giải pháp sáng tạo. Dưới đây trao đổi một số giải pháp thành công và chưa thành công trong các công trình đã thiết kế ở Việt Nam và các nước trong vùng nhiệt đới. Giải pháp này đặc biệt quan tâm “tính hướng” của gió tại các miền Việt Nam.

Hình 7. Bánh xe gió (Wind Wheel) Hà Nội
Hình 8. Thông gió cơ khí cho tòa nhà ở Zimbabwe

Giải pháp 1.Thông gió đứng (Hình 8). Giải pháp thông gió cơ khí theo chiều đứng này vừa xử lý ô nhiễm, vừa cải tạo VKH khi cho gió thổi qua một vùng phun hơi nước mát, áp dụng hiệu quả cho vùng nóng khô, không cần vận tốc gió trong nhà.

Giải pháp 2. Thông gió xuyên phòng còn gọi thông gió ngang (cross ventilation) (Hình 9). Thông gió xuyên phòng hoàn toàn lợi dụng gió tự nhiên, vừa thải khí ô nhiễm, vừa cải thiện VKH nhờ đạt được vận tốc 0,5 – 2,0 m/s, cho tất cả các không gian hoạt động trong căn hộ, mong muốn đạt được trong vùng khí hậu nóng và ẩm ướt như Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu và thực nghiệm nổi tiếng Baruch Givoni, hướng gió trên mặt đón gió có hiệu quả nhất trong phạm vi 20 – 30o so với pháp tuyến của cửa sổ [1]. Nguyên tắc cơ bản của thông gió xuyên phòng là phải có cửa đón gió và cửa thoát gió. Vị trí và kích thước của chúng có liên quan đến diện tích được thông gió và vận tốc gió đã có nhiều nghiên cứu. Hình 9 cho thấy, muốn thông gió cho nhiều không gian, phải tạo ra các “hành lang dẫn gió”.

Hình 9. Thông gió xuyên phòng nhà ở Bombay (Charles Correa, India)

Giải pháp 3. Tổ chức không gian trên mặt bằng. So sánh thiết kế hai tòa chung cư ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (Hình 10) với Tòa nhà MBF Tower, Malaysia (Hình 11). Rõ ràng chung cư Hà Nội không thể có thông gió xuyên phòng, ngay cả các căn hộ ở phía đón gió. Thuận Kiều Plaza mỗi căn hộ đều có mặt thoáng, nhưng thông gió tự nhiên chỉ tốt cho một nửa các căn hộ phía đón gió. Các căn hộ của tòa MBF (KTS Ken Yeang) có lợi thế hơn hẳn: Dù gió đến từ hướng nào các căn hộ đều được thông gió xuyên phòng. Không khí từ các căn hộ phía sau không bị nhận lại khí thải từ các căn hộ phía trước. Thêm nữa, cửa mở để thông gió không ảnh hưởng đến “tính riêng tư” của các căn hộ.

Hình 10. Mặt bằng một chung cư ở Hà Nội và Thuận kiều Plaza TP HCM
Hình 11. Tòa nhà MBF Tower, Malaysia (KTS Ken Yeang)

Giải pháp 4. Hành lang, sân xanh. Tổ chức không gian tòa chung cư có vai trò rất quan trọng để tạo được môi trường không khí tiện nghi trong nhà. Phần lớn các chung cư đã xây dựng tại các thành phố nước ta chọn giải pháp hành lang giữa, nhằm tăng số lượng căn hộ. Các phương án ví dụ trên Hình 12 không thể tạo được môi trường không khí tốt cho một nửa các căn hộ phía khuất gió, vì không nhận được không khí tự nhiên, chỉ nhận được khí thải từ căn hộ phía trước nếu mở cửa. Ngay cả các căn hộ phía đón gió, muốn có thông gió xuyên phòng, phải mở cửa chính vào nhà, gây ảnh hưởng đến hoạt động của gia đình.

Hình 12. Mặt bằng một số tòa nhà chung cư Hà Nội (Nguồn Internet)
Hình 13. Ví dụ đề xuất cải tạo xanh một nhà chung cư: a – trên, b – dưới
(Bản vẽ có sự tham gia của Ths. KTS. Phạm Tiến Bình)

Hình 13 giới thiệu giải pháp đề xuất cải tạo thiết kế hai tòa chung cư 26 tầng hành lang giữa (đã giới thiệu trong [6]).

  1. Mỗi 6 tầng nhà, biến hai căn hộ giữa (màu xanh) thành sân xanh cộng đồng. Sân có chiều cao thông 2 tầng. Giả thiết tòa nhà hướng nam hoặc nhìn ra biển, sẽ đón được gió mát qua sân vào hành lang, tới các căn hộ phía sau;
  2. Để gió mát có thể lên tới hành lang của 4 tầng phía trên, mặt sàn 4 tầng trên sân được đục thông (tô màu đỏ). Phía cuối hành lang mỗi tầng có cửa điều khiển thổi gió thổi ra ngoài tạo ra mức độ thông gió tự nhiên mong muốn;
  3.  Trên mái của khối giữa làm thêm sàn để tạo thành 3 “sân xanh” trên cao, dùng chung cho cả tòa nhà;
  4. Bổ sung thêm một số “hiên xanh” cho các căn hộ biên của tòa nhà (phần tô màu xanh)

Với phương án đề xuất, mỗi tòa nhà “mất” 12 căn hộ (để biến thành sân xanh cộng đồng đón gió mát), tỷ lệ căn hộ giảm bớt khoảng 2,3% có thể làm tăng giá bán căn hộ tương ứng.

Cần lưu ý rằng các “sân xanh” phải được mở về phía đón gió mát: Băc bộ là hướng nam, đông nam, miền ven biển là hướng đông, đông nam, Nam bộ có thể chọn theo hướng có lợi nhất. Tuy nhiên, nếu xét về giảm bức xạ mặt trời chiếu lên vỏ nhà và vào nhà, thì hướng nhà có lợi nhất ở vùng nhiệt đới luôn là hướng Nam (Ken Yeang [2]).

Hình 14. Sân trong kín tòa nhà Grand View, TP HCM (trái) và sân trong hở của Elephant & Castle, London (T.R. Hamzah & Yeang International, phải).

Giải pháp 5. Sân trong kín, sân trong hở. Sân trong được các KTS Nhật Bản coi là “Lõi sinh thái / Ecological Core” của tòa nhà [4], rất phù hợp với các thành phố gần biển, có mưa to, gió lớn và bão tố như nước ta. Sân trong có thể là “sân trong kín” hoặc sân trong hở (Hình 14). Sân trong tuy kín nhưng phải “mở” để đón gió mát tới các căn hộ phía sau. Không gian mở, hoặc “miệng mở” của sân trong phải đặt ở hướng đón gió mát.

Giải pháp 6. Vật liệu nội thất (Bê tông, gạch, thạch cao, sơn) có ảnh hưởng đến chất lượng môi trường trong nhà. Ngòai việc phải kiểm tra về an toàn vệ sinh nơi sản xuất, Hệ thống đánh giá công trình xanh Mỹ (LEED) đòi hỏi sau khi hoàn thành xây dựng, phải thổi 4.500 m3 không khí qua 1m2 sàn nhằm tẩy sạch các hóa chất có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. LED cũng yêu cầu có thiết bị để quan trắc thường xuyên không khí ngoài và trong nhà.

Kết luận

Một khu chung cư cho người dân sống tốt nhất, cả vật chất, sức khỏe và tinh thần liên quan đến rất nhiều nội dung, bao gồm cả các hoạt động xã hội, cộng đồng, và cả lối sống của mỗi người. Ví dụ, mùa hè chúng ta thường đi nghỉ ở vùng biển, suốt ngày thở hít không khí biển, nhưng đêm về lại đóng chặt cửa, mở ĐHKK. Hãy nhớ câu nổi tiếng của KTS Norman Foster: “Vì sao cứ phải trang bị hệ thống ĐHKK rất tốn kém tại những nơi chúng ta chỉ cần giải pháp đơn giản là mở các cửa sổ ra?”. Khí hậu Việt Nam, rất nhiều nơi, nhiều thời gian trong năm áp dụng rất đúng câu nói này. Nếu chỉ ngại mở cửa vì muỗi, ta chỉ việc lắp thêm vào cửa “lưới chống côn trùng”, mà từ một khách sạn rẻ tiền ở Campuchia đến nhà ở vùng khí hậu lạnh như Canada đều làm.

Để đánh giá toàn diện chất lượng nhà chung cư, có lẽ đầy đủ nhất là dựa theo “Hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh”. Chỉ riêng lĩnh vực môi trường không khí, các phân tích và đề xuất giải pháp của chúng tôi mới chỉ theo một “góc nhìn”, chắc chắn vẫn còn chưa hoàn thiện, thậm chí đôi khi trái ngược nếu theo góc nhìn khác. Chúng tôi mong muốn được trao đổi, thảo luận thêm để có khuyến nghị đầy đủ nhất cho người thiết kế khi thực hiện công trình.

*PGS.TS Phạm Đức Nguyên
Ủy viên Hội đồng Kiến trúc xanh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2020)

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo

  1. Baruch Givoni. Climate Considerations in Building and Urban Design. Van Nosfrand Reinhold. 1998.
  2. Ken Yeang. Tropical Urban Regionalism. Building in South-East Asian City. A Mimar Book.
  3. G.Z. Brown, Mark Dekay. Sun, Wind & Light. Architectural Design Strategies, 2001.
  4. Phạm Đức Nguyên. Phát triển kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh ở Việt Nam. Nxb Trí thức. 2012, 2015, 2017.
  5. Các tiêu chí và giải pháp tạo môi trường sống tốt trong các thành phố thông minh Việt Nam. Báo cáo Hội thảo “Chiến lược & giải pháp phát triển đô thị thông minh” TP Hồ Chí Minh 8/2018 & Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 33-2018.
  6. Trao đổi về thiết kế kiến trúc nhà chung cư dưới “Góc nhìn Xanh”. Tạp chí Kiến trúc. https://www.tapchikientruc.com.vn.
  7. Cây xanh, mặt nước và môi trường đô thị thời Biến đổi khí hậu. Tạp chí Kiến trúc 278-6- 2018.