Nghiên cứu các giá trị và đề xuất giải pháp bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống vùng nam sông Tiền, Đồng Tháp theo hướng bền vững

Nhà ở truyền thống Việt Nam là nơi lưu giữ bản sắc dân tộc của người Việt, theo đó, không gian nhà ở vùng miền, dân tộc khác nhau sẽ có những điểm đặc trưng khác nhau [1]. Theo thời gian, sự tác động từ thiên nhiên, con người và quá trình đô thị hóa đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến không gian, công trình kiến trúc truyền thống. Do vậy, loại hình kiến trúc nhà ở truyền thống cũng chịu sự tác động không nhỏ từ quá trình đô thị hóa. Kiến trúc nhà ở truyền thống vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng Nam Sông Tiền nói riêng có những đặc trưng mang dấu ấn của các thế hệ người dân di cư đến vùng đất này để sinh sống và lập nghiệp.  

Bảo tồn di sản kiến trúc nhà ở truyền thống là một trong những đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, ví dụ như: “Đặc điểm cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long” của Trần Phỏng Diều, sách “Nhà xưa Nam Bộ” của tác giả Ngô Kế Tựu, tác phẩm “Cơ sở văn hóa Việt Nam” và “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” của GS. Trần Ngọc Thêm hay công trình nghiên cứu “Nam Bộ vài nét lịch sử – văn hóa” của Trần Thuận… Đó là các tài liệu ghi chép khái quát về những đặc điểm kiến trúc nhà ở truyền thống, về quá trình hình thành văn hóa của người dân vùng Nam Bộ. Riêng tại đô thị Sa Đéc đã có những nghiên cứu về kiến trúc nhà ở truyền thống như “Giao thoa văn hóa trong kiến trúc nhà ở truyền thống tại Sa Đéc” của KTS Nguyễn Tiến Dũng cho kết quả phân tích, đánh giá các giá trị của nhà ở truyền thống đô thị và nông thôn tại TP Sa Đéc trên cơ sở đặc điểm, đặc trưng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người và kiến trúc; “Bảo tồn kiến trúc đô thị Sa Đéc” của KTS Lê Kiến Quốc đề xuất các giải pháp nhằm giữ mối liên kết và sự chuyển tiếp hài hòa chiều cao giữa không gian cũ và mới; “Mô hình nhà ở Làng hoa Sa Đéc – Đồng Tháp theo xu hướng kiến trúc sinh thái” của KTS Trần Văn Đức, đề xuất mô hình nhà ở theo hướng kiến trúc sinh thái cho khu vực làng hoa Sa Đéc, được xây dựng dựa trên nguyên tắc kế thừa và phát huy đặc trưng kiến trúc truyền thống nhằm kết nối giá trị kiến trúc truyền thống và hiện đại. Hay “Bảo tồn các di sản đô thị, nông thôn theo hướng bảo tồn thích ứng” của KTS Phạm Hùng Cường về định hướng bảo tồn, khai thác những giá trị di sản kiến trúc trong bối cảnh hội nhập, những thách thức phải đối mặt khi đặt mục tiêu bảo tồn di sản ở Việt Nam… đã cho thấy, vấn đề bảo tồn kiến trúc đô thị, các vấn đề nhà ở của xã hội luôn nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.

Bản đồ tỉnh Đồng Tháp và Vùng phía Nam sông Tiền (Nguồn: Tác giả)

Bài báo mong muốn giới thiệu các đặc trưng về nhà ở truyền thống Vùng Nam Sông Tiền, Đồng Tháp và đề xuất một số vấn đề cần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa kiến trúc của địa phương, phát huy vai trò của nhà ở xã hội theo hướng bền vững.

Tổng quan về vùng Nam sông Tiền (Vùng Sa Đéc)

Giới thiệu chung

Đồng Tháp thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, là một trong ba tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp), nằm giữa sông Tiền và sông Hậu; cách TP HCM khoảng 165 km về phía Tây Nam.

Nhà ở vùng Sa Đéc bám cửa sông

Diện tích đất tự nhiên là 3.382,3km² (Chiếm 1,02% diện tích cả nước, đứng thứ 5/13 của vùng ĐBSCL – Số liệu năm 2022). Tỉnh được chia thành 12 đơn vị hành chính trực thuộc . Trong đó TP Sa Đéc là hạt nhân của Vùng Sa Đéc.
Khởi thuỷ Sa Đéc là vùng đất trũng, quanh năm nước ngập, dân cư sống thành cụm, rải rác và thưa thớt. Địa danh Sa Đéc được người dân địa phương phiên âm từ chữ “Phsa-Dar”, tên một vị thần của người Khmer, còn có nghĩa là chợ Sắt, khi người Khmer đến đây giao thương, lập chợ đã dùng tên gọi Sa Đéc từ đó. Do được thiên nhiên ưu đãi, trong một thời gian dài, Sa Đéc từng là khu chợ sung túc bậc nhất vùng Nam bộ [2]. Lịch sử hình thành Vùng Nam Sông Tiền gắn liền với những biến động từ lịch sử tách nhập địa giới hành chính, điều đó đã góp phần hình thành nên vùng đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc đô thị mang nét đặc trưng kiến trúc riêng của vùng sông nước Miền Tây Nam Bộ [2].

Quá trình hình thành vùng Nam sông Tiền (Nguồn: Tác giả)

Khoảng đầu thế kỷ 17, một bộ phận lưu dân người Việt từ miền Trung đã di dân tự phát đến các vùng đất mới để khai hoang sinh sống. Khi lên đất liền để lưu trú thì cất tạm những mái nhà đơn sơ gọi là “nhà đá”, “nhà đạp”, để khi di chuyển đi nơi khác thì đạp bỏ, đá bỏ dễ dàng. Khi bắt gặp vùng đất trù phú, thuận lợi cho việc sinh sống thì chọn và dừng lại lập nghiệp, định cư lâu dài, tích lũy của cải và xây dựng nhà ở kiên cố hơn [2].

Đặc điểm nhà ở Vùng Nam Sông Tiền

Yếu tố giao thông đường thủy đóng vai trò chính yếu tại các địa phương ở miền Tây Nam bộ lúc bấy giờ, tạo sự gắn kết những quần thể dân cư qua đó thúc đẩy mối quan hệ giao thương, trao đổi hàng hóa với các vùng lân cận.

Do vậy, người dân thường chọn xây dựng nhà ở tại các khu đất tiếp giáp với những con sông trong khu vực sinh sống, gần mặt nước để thuận lợi đi lại bằng xuồng ghe, mưu sinh với nghề đánh bắt thủy sản trên sông, nhằm tận dụng và thích nghi với môi trường sông nước [3].

Sơ đồ hình thành nhà ở (Nguồn Tác giả)

Thời kỳ này, người Khmer đã có mặt ở vùng Bảy Núi (An Giang) và các vùng đất dọc theo sông Tiền. Nhà ở truyền thống của họ là nhà sàn với lối lên ở giữa mặt chính của ngôi nhà [4]. Để thích ứng với điều kiện tự nhiên của vùng đất mới, các lưu dân tộc Việt đã học hỏi và vận dụng kiểu nhà sàn của người Khmer bản địa để xây dựng riêng cho mình loại hình nhà ở mới, vừa dễ xây dựng vừa phù hợp với hình thức gia đình có quy mô nhỏ nhưng vẫn lưu giữ được bố cục không gian nhà truyền thống của mình.

Nhà sàn ở ven sông ảnh hưởng nhà sàn của người Khmer (Nguồn: E.A.I VN)

Ngoài ra, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của thủy triều và nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong, nhà ở cũng được người dân xây dựng trên các giồng, gò đất cao đảm bảo tính an toàn và thích nghi với môi trường trở thành điểm đặc trưng của các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong thời kỳ thuộc địa, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt phát triển gắn liền với sự ra đời của các khu phố, tuyến phố nội thị. Nhà ở cũng hình thành trên các trục đường với nhiều dạng nhà liền kề bám theo các trục đường, nhưng vẫn không tách rời khỏi yếu tố sông nước và giao thông thủy.

Nhà lá – nhà tạm – nhà ở dọc theo kênh rạch (Nguồn: nongnghiep.vn)

Tóm lại, sông nước đóng vai trò quan trọng trong việc chọn nơi định cư của người dân địa phương, các loại nhà ở thích ứng với điều kiện, đặc điểm của địa hình sông nước đã tạo nên hình thức định cư độc đáo và khác biệt của miền Tây Nam Bộ nói chung và Vùng Sa Đéc nói riêng.

Cơ sở lý luận và phân tích các đặc điểm nhà ở

Thực trạng công tác bảo tồn công trình kiến trúc Vùng Nam Sông Tiền

Nhà ở truyền thống Vùng Nam Sông Tiền phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung trong khu vực nội ô Sa Đéc (ở ba huyện Lấp Vò, Lai Vung và Châu Thành thì phân tán rải rác tại các khu vực trung tâm xã trên địa bàn huyện). Qua thống kê, nhà ở truyền thống hiện nay được phân thành nhiều loại như nhà sàn, nhà đất, nhà bè. Tựu chung ở một số dạng theo hình thức bố trí mặt bằng như: Nhà chữ Nhất , nhà chữ Nhị và nhà Đinh trong Hán tự; (i) Nhà chữ Nhất (nhà Bát Dần): Là nhà ở với mặt bằng hình chữ nhật đơn giản, có cấu tạo ba gian hai chái, mái dạng khu nóc như nhà Rường nhưng hình thức và kết cấu đã được lược giản. Nhà phụ được bố trí tùy thuộc vào nhu cầu của gia chủ; (ii) Nhà chữ Nhị (nhà Thảo Bạt, nhà Sắp Đọi): Nhà chính và nhà phụ được ghép nối tiếp nhau, là nhà ba gian, có chiều ngang bằng nhau, chiều sâu nhà chính thường dài hơn nhà phụ. Nhà chính là nơi thờ cúng tổ tiên, tiếp khách; hai gian kề sát, ngoài cùng là phòng ngủ; nhà phụ là nơi chứa nông cụ, lương thực, ăn uống…; (iii) Nhà chữ Đinh: Nhà chính – nhà phụ ghép vuông góc nhau theo kiểu chữ Đinh. Nhà phụ có kết cấu tương tự nhà chính nhưng quy mô nhỏ hơn, chiều cao thấp hơn. Nhà chính có chức năng thờ cúng, tiếp khách, ngủ… còn nhà phụ thường dùng để chứa nông cụ, thực phẩm, lương thực hay nấu nướng, bếp núc…

Hình 6: Nhà ở dọc các tuyến đường (Nội ô đô thị Sa Đéc) (Nguồn: chuyenxua.net)

Nhà chữ (一), (二), (丁) và nhà cột giữa, nhà rường (Nguồn: tác giả)

Về kết cấu, loại hình nhà ở Nam bộ cũng được phân chia thành hai loại: (i) Nhà cột giữa (là nhà Nọc ngựa, nhà Rọi): có hình thức vì kèo là một cột nằm chính giữa (cột giữa) chống trực tiếp đỡ cây đòn dông và (ii) Nhà Rường (nhà Xuyên Trính): Sử dụng cấu trúc vì kèo có hai cột ở trung tâm (hai cột hàng nhất, cột cái) nằm về hai phía đối xứng với đòn dông.

Kiến trúc nhà ở truyền thống Vùng Nam Sông Tiền (nguồn: dongthap.gov.vn)

Lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam thời kỳ thực dân Pháp đô hộ là thời kỳ chuyển tiếp quan trọng trong tiến trình phát triển kiến trúc Việt Nam. Từ cuối thế kỷ 19 về trước, chủ yếu là kiến trúc truyền thống, kiến trúc gỗ. Người phương Tây, mang theo nền kiến trúc mới cùng với công nghệ vật liệu và mỹ thuật Châu Âu tạo ra bước chuyển tiếp sang kiến trúc hiện đại. Những ngôi nhà hiện tồn tại trên địa bàn TP Sa Đéc là minh chứng quan trọng cho một thời kỳ lịch sử nhất định về chính trị, văn hóa – xã hội, môi trường, hệ thống hạ tầng đô thị…

Những giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống tiêu biểu cần bảo tồn

Nhà ở truyền thống Vùng Sa Đéc có sự kế thừa từ kiến trúc nhà ở truyền thống Bắc bộ và Trung bộ, những yếu tố tác động từ sự giao thoa văn hóa, tín ngưỡng và chính trị – xã hội đã làm cho nhà ở truyền thống nơi đây có những đặc trưng riêng, mang hơi thở của vùng sông nước đa sắc tộc, đa văn hóa và tín ngưỡng. Qua khảo sát thực tế, các công trình di tích kiến trúc đại diện cho một thời kỳ lịch sử, văn hóa, tôn giáo… đang dần xuống cấp theo thời gian nhưng chưa có giải pháp tu bổ và tôn tạo phù hợp.

Để bảo tồn được nét đẹp truyền thống, vừa phát huy hiệu quả của di sản kiến trúc thông qua việc khai thác hài hòa về mặt kinh tế và xây dựng đô thị, cần nhận định đúng về các giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống, cụ thể như:

  •  Về giá trị sử dụng: Mỗi công trình đều có nhiệm vụ, chức năng riêng và thay đổi theo từng giai đoạn khác nhau. Công trình nhà ở truyền thống khu vực Vùng Sa Đéc không nằm ngoài quy luật đó. Nhà ở truyền thống vẫn giữ được chức năng chính là nhà ở, nhưng giá trị sử dụng đã giảm do xuống cấp và không phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
  •  Về giá trị nghệ thuật kiến trúc: Công trình kiến trúc góp phần tạo nên đặc trưng của đô thị. Kiến trúc nhà ở truyền thống Vùng Nam Sông Tiền là đại diện cho kiến trúc nhà ở Nam Bộ Vùng Sa Đéc xưa vào đầu thế kỷ 20, phản ánh rõ nét sự giao thoa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây.
  •  Về giá trị kỹ thuật, nghệ thuật: Nhà cổ truyền thống tồn tại đến nay có nhiều giá trị về kỹ thuật xây dựng, trong đó có giá trị về kiến trúc – kỹ thuật lắp dựng nhà gỗ. Ngoài ra, các mảng trang trí, điêu khắc là những tác phẩm nghệ thuật, truyền tải quan niệm, suy nghĩ và mong muốn của người dân.

Phân tích, bàn luận và đề xuất giải pháp

Quan điểm, mục tiêu và định hướng bảo tồn

Quan điểm bảo tồn các di sản kiến trúc nhà ở vùng Nam sông Tiền, cần thiết phải: (i) Nhận diện đúng giá trị của di sản, giá trị gốc và các giá trị được hình thành trong quá trình bảo tồn di sản, giá trị đương đại của di sản văn hóa kiến trúc; (ii) bảo tồn tối đa giá trị gốc, kế thừa và lựa chọn các giá trị mới để bổ sung cho di sản trong bối cảnh mới; (iii) có sự tham gia chủ động của cộng đồng và gắn liền với điều kiện thực tiễn địa phương, nhất là hoạt động du lịch dịch vụ.

Chọn giải pháp ít can thiệp vào công trình cũ nhưng vẫn giữ giá trị chung

Với mục tiêu cụ thể là: (i) Kế thừa và phát triển, kiến trúc nhà ở truyền thống có giá trị lịch sử cần được giữ gìn và khai thác, đồng thời phát triển để phù hợp với thực tiễn cuộc sống; (ii) nghiên cứu và phát triển phải phù hợp với phong tục, tập quán và lối sinh hoạt của cư dân bản địa; (iii) phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu; (iv) ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa thời gian, chi phí, tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu bền vững và (v) đảm bảo tính hiệu quả kinh tế, tính khả thi.

Để triển khai và thực hiện đầy đủ các mục tiêu trên, cần thiết tập trung một số vấn đề cụ thể sau:

  •  Về văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị tốt đẹp, giữ gìn bản sắc là mục tiêu của các cộng đồng, dân tộc đều hướng đến. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa kiến trúc nhằm truyền tải giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của Vùng Sa Đéc, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc với những đặc điểm về không gian thiên nhiên sông nước, cảnh quan tự nhiên…
  • Về kinh tế – xã hội, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội của người dân địa phương nhất là phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ là định hướng quan trọng. Từ đó, gắn quyền lợi và trách nhiệm của người dân với công tác bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc.
  • Về phát triển nông nghiệp đô thị, cần nghiên cứu và ứng dụng các mô hình chuyển đổi số, khai thác du lịch làng nghề, các phân vùng chức năng nghiên cứu sản xuất nông nghiệp thuần tuý và khai thác giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với làng nghề, gắn với sự tham gia của người dân và chính quyền địa phương là định hướng tích cực trong việc bảo tồn văn hóa và phát triển nông nghiệp đô thị. Đây cũng là xu hướng được các nước trên thế giới khai thác thành công và hiệu quả, tạo ra môi trường sống xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.

Nguyên tắc chung của Bảo tồn thích ứng là bảo tồn được giá trị tinh thần của di tích, đáp ứng nhu cầu sử dụng đương đại, bảo tồn tối đa bản thể gốc nhưng không cứng nhắc mà cần tìm ra những chức năng mới, phù hợp cho di tích để làm cơ sở cho sự tồn tại của di tích, di sản [5] bao gồm các nhóm giá trị: (i) Giá trị tự thân của công trình, khu vực di sản là giá trị gốc, bao gồm các giá trị như: Kiến trúc và nghệ thuật; lịch sử; kỹ thuật xây dựng, yếu tố bản địa; văn hóa phi vật thể… (ii) Giá trị kế thừa, chuyển tiếp trong bối cảnh đương đại. Giá trị này nếu nhìn về thời gian coi là gốc của di sản thì nó chưa hình thành, mà nó được hình thành dần từ quá khứ cho đến ngày hôm nay: Cảnh quan; nơi chốn, bản sắc, biểu tượng văn hóa xã hội đương đại. (iii) Giá trị tích hợp nâng cao, có thể xem đây là sự tích hợp nhưng không phải là phép cộng của hai nhóm, vì vậy, cần nhìn nhận giá trị một cách đầy đủ và hệ thống.

Các đô thị lịch sử được nhận thức như là những sản phẩm vật chất, xã hội, nhân văn tích lũy trong tiến trình phát triển. Với sự nối tiếp của nhiều thế hệ cư dân và nhiều giai đoạn lịch sử, tạo nên một thực thể kết nối quá khứ với hiện tại [6]. Bảo tồn trong phát triển tiếp nối là phương thức giảm thiểu những mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, cách ứng xử này giúp giảm khoảng cách niên đại giữa “chủ thể hóa” và “hiện đại hóa”, ngăn ngừa những rào cản phát triển ở một mặt và cả các hiện tượng đào thải cái cũ ở mặt khác. Bảo tồn trong phát triển tiếp nối giúp cho dòng chảy lịch sử của đô thị được tiếp nối, đồng thời, củng cố tính hài hòa và liên tục lịch sử của kiến trúc đô thị.

Một số đề xuất bảo tồn giá trị nhà ở đô thị

Hiện tại, các di sản kiến trúc đang có nguy cơ bị thay thế bởi các công trình đương đại và chưa được quan tâm nhiều công trình nhà ở truyền thống tiêu biểu đang dần xuống cấp. Để có giải pháp bảo tồn phù hợp, cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng, doanh nghiệp, người dân, chính quyền và các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn.

Trước mắt, cần có một số giải pháp đối với công trình nhà ở trong đô thị Sa Đéc như sau:

Hệ thống nhà cổ trong đô thị tạo nên dấu ấn đặc trưng riêng cho đô thị Sa Đéc. Tuy nhiên, nhiều công trình xuống cấp cần được tu bổ và sửa chữa. Đến nay, các quy định về việc giữ hay thay thế các công trình trong đô thị này vẫn chưa có hướng dẫn, nếu có thể giữ lại các kiến trúc nhà cổ sẽ tạo điểm nhấn trong khu đô thị. Tập trung phát triển các dạng nhà ở mới ở các khu vực khác. Đối với một số công trình mới xây dựng, cần có hướng dẫn và quy định nhất quán trong việc tạo dựng và thiết kế mặt đứng hài hòa với công trình lân cận. Chú trọng việc sử dụng lam che, kính xen lẫn cây xanh để đồng bộ và tiết chế sự khác biệt về hình thức mặt đứng giữa công trình cũ – mới.

Tạo điều kiện để người dân cải tạo công năng bên trong công trình, theo hướng phục vụ tối ưu đời sống sinh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo hình thức bên ngoài nhà được bảo tồn. Nhất là khai thác các không gian xanh, cảnh quan xanh để kết nối mặt đứng công trình mới và cũ. Đảm bảo bộ mặt đô thị được nhất quán.

Giữ hình thức nhà cũ nhưng vẫn đảm bảo công năng bên trong

Một số đề xuất về công tác quản lý và kiến nghị

Để làm tốt công tác bảo tồn nhà ở truyền thống vùng Nam sông Tiền, qua các nghiên cứu và cơ sở lý luận cũng như thực trạng nhà ở, bài báo đề xuất một số nội dung: (i) Cần tiến hành phân loại các công trình kiến trúc nhằm xác định mục tiêu, quan điểm và định hướng bảo tồn, đảm bảo sự phù hợp với từng loại hình di sản kiến trúc, đảm bảo độ tin cậy; (ii) nghiên cứu các giải pháp, bài học kinh nghiệm về bảo tồn trong nước và trên thế giới đảm bảo phát triển tiếp nối, thích ứng, hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại; (iii) đảm bảo tính khả thi và khả năng hoạt động, tự duy trì… làm cho công trình bảo tồn có công năng hợp lý, phù hợp với kiến trúc; (iv) tiếp tục phát huy những đặc trưng văn hóa truyền thống vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Đồng thời kiến nghị: (i) Cần có giải pháp cụ thể trong công tác trùng tu, bảo dưỡng các công trình cổ, công trình kiến trúc có giá trị, ban hành các quy định quản lý kiến trúc đối với các khu đô thị hiện hữu và xây dựng mới; (ii) cần có quy chế bảo tồn cấp tỉnh để công tác bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc trên địa bàn được đồng bộ và phù hợp theo quy định hiện hành; đảm bảo sự tuân thủ ở các cấp chính quyền địa phương; (iii) cần đánh giá, phân loại, xác định chiến lược bảo tồn và quản lý cho từng khu vực, cụm công trình và công trình dựa trên đặc trưng quy hoạch, kiến trúc…với sự tham gia của nhiều bên liên quan; (iv) tổ chức khảo sát, lập hồ sơ danh mục công trình kiến trúc có giá trị, công trình nhà ở truyền thống làm cơ sở quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc truyền thống, (v) tiếp tục có chính sách duy trì và phát triển các điều kiện kinh tế xã hội; nâng cao mức sống của người dân; (vi) cần phổ biến rộng rãi đến người dân, cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo tồn.

Kết luận

Theo lịch sử, nhà ở truyền thống Vùng Sa Đéc chịu ảnh hưởng từ kiến trúc nhà truyền thống miền Trung như nhà chữ Đinh, chữ Nhất, nhà Bát Dần, nhà Thảo Bạt, nhà Sắp đọi … gắn chặt và hài hòa với cảnh quan xung quanh: Vườn cây, ao cá, sân phơi… Qua quá trình phát triển, văn hóa nhà ở của các dân tộc khác đã cùng tham gia và làm đa dạng, phong phú kiến trúc nhà ở của đô thị Sa Đéc. Nổi bậc là yếu tố thích ứng với điều kiện tự nhiên sông nước: Là đặc trưng của cấu trúc đô thị, loại hình kiến trúc đô thị tiêu biểu, đặc điểm tổ chức không gian đô thị vùng Nam Sông Tiền.

Di sản kiến trúc nhà ở truyền thống Vùng Nam Sông Tiền còn là sản phẩm giao thoa văn hóa – kiến trúc, sự pha trộn giữa các yếu tố kiến trúc Pháp và kiến trúc Việt. Các công trình kiến trúc nhà ở truyền thống được xây dựng ở nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều công trình được thiết kế bởi KTS người Pháp, có giá trị thẩm mỹ cao và sự phù hợp với điều kiện tự nhiên bản địa. Điều này thể hiện qua sự đa dạng về phong cách, hình khối kiến trúc, cùng các chi tiết trang trí đa dạng mang màu sắc kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa.

Bảo tồn các giá trị truyền thống của nhà ở vùng Nam Sông Tiền, xác định trên cơ sở kế thừa các giá trị văn hóa vốn có, đặc biệt là giải quyết bài toán về chất lượng nhà ở xã hội cho người dân địa phương gắn liền với phát triển và khai thác hiệu quả trong quá trình phát triển đô thị là việc tiên quyết và cũng là xu hướng bảo tồn thích ứng mà một số trường hợp bảo tồn quốc tế đã áp dụng [7]

ThS.KTS. Nguyễn Trần Quốc Thống
TS. KTS. Phan Bảo An
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 1-2024)


Tài liệu tham khảo
[1] T. V. T. Phan Bảo An – “Văn hóa Việt Nam với Kiến trúc nhà ở” – Tạp Chí kiến trúc, p. 16, 2017.
[2] Nguyễn Đình Đầu – “300 năm Sa Đéc” 44B, 2007.
[3] Trần Ngọc Thêm – “Tính cách văn hóa Nam Bộ như một hệ thống” – TP HCM: Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, 2008.
[4] Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp – “Danh mục các di tích được xếp hạng của tỉnh Đồng Tháp (cập nhật đến tháng 01/2018)” – Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp, Đồng Tháp, 2018.
[5] Phạm Hùng Cường – “Bảo tồn thích ứng – Phương pháp tiếp cận để bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng xã truyền thống” – Kỷ yếu hội thảo Di sản kiến trúc đô thị TP HCM., p. 33, 2016.
[6] P. P. C. Nguyễn Khởi – “Thực trạng và định hướng bảo tồn phát huy các giá trị của kiến trúc Pháp tại Sài Gòn -TPHCM” – Kỷ yếu hội thảo Di sản kiến trúc đô thị TP HCM, p. 137, 2012.
[7] Phạm Hùng Cường – “Bảo tồn di sản đô thị, nông thôn theo hướng bảo tồn thích ứng” – Tạp chí Kiến trúc Số 11-2020, p. 23, 2021.