Nghiên cứu chất lượng không gian mở tuyến đường Ông Ích Khiêm – Đà Nẵng

Việt Nam là một quốc gia với bề dày phát triển không gian công cộng khá khiêm tốn[1]. Điều này dẫn đến nhận thức sử dụng của người dân trong ranh giới giữa công cộng và tư nhân là khá nhập nhằng. Một mặt, do sự khan hiếm đất mở đô thị dành cho các mục đích công cộng. Mặt khác, do hình thức đô thị và tiếp cận quy hoạch ở Việt Nam cũng khá riêng, đô thị lấy đường giao thông làm yếu tố chính để định hình. Cũng vì lẽ đó mà không gian mở công cộng quan trọng nhất ở Việt Nam được xem là không gian đường phố. Thật vậy, Lisa Drummond đã xác nhận điều này trong các nghiên cứu về văn hóa và đô thị Việt Nam và cũng cho rằng, cũng nhờ điều này, các đô thị Việt Nam vẫn trường tồn qua thời gian dẫu cho các nước Tây Phương phải trải qua sự chết đi của các đô thị [1]. Nhưng sự thật cho thấy, các đô thị ở Việt Nam, đang vật lộn với sự đông đúc trên đường phố, tạo ra các xung đột xung quanh việc sử dụng không gian này. Nghiên cứu của Kaid Benfield về đường phố đã chỉ ra rằng đường phố cũng là một không gian công cộng, nó không chỉ là giao thông mà còn mang đến định nghĩa về dân cư và các mối quan hệ xã hội và thương mại [2]. Theo giáo sư Alan Jacobs, – tác giả cuốn sách Great Street “Nếu chúng ta có thể quy hoạch và thiết kế các đường phố sao cho chúng thật tuyệt vời, là những nơi chốn đầy hứa hẹn của kiến trúc và cộng đồng, là không gian hấp dẫn mọi người… thì chúng ta đã thiết kế thành công 1/3 không gian đô thị và có tác động to lớn đến toàn bộ phần còn lại”[3].

Đã có nhiều các nghiên cứu về thiết kế đô thị chỉ ra việc làm thế nào để thiết kế không gian đường phố tối ưu hơn góp phần quan trọng trong việc mang lại giá trị cho đô thị cũng như thõa mãn tính tiện nghi cho người sử dụng. Do đó, việc đánh giá một không gian thế nào là chất lượng là một việc làm cần thiết trước tiên và là tiền đề để giải quyết các vấn đề tiếp theo trong chuỗi quy trình cải tạo và nâng cấp chất lượng cuộc sống.

Nghiên cứu nhằm tìm hiểu nhu cầu và sự đánh giá của người sử dụng trong không gian mở công cộng đường phố ở bối cảnh xã hội Việt Nam, giúp cho các nhà quy hoạch, thiết kế, cũng như nhà làm chính sách trong việc xây dựng, cải tạo không gian công cộng ở đô thị có hiệu quả hơn. Lấy tuyến phố cũ Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng làm đối tượng xem xét, nghiên cứu này tập trung vào phân tích nhu cầu sử dụng của con người và đánh giá chất lượng không gian.

Cơ sở lý luận

1. Khuôn khổ lý thuyết

Nghiên cứu này áp dụng cơ sở lý thuyết hành vi – môi trường như một cơ sở lý luận để đánh giá chất lượng cũng như tìm hiểu hiện trạng sử dụng của môi trường xung quanh trong sự tương tác với con người. Hơn nữa, lý thuyết này bao quát toàn thể các biến số và lý giải mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh, là một lĩnh vực đa ngành nhấn mạnh sự tham gia của người sử dụng và lấy con người làm trọng tâm [4].

2. Phác thảo điều tra

Đầu tiên sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu bằng phiếu khảo sát và quan sát để khám phá nhu cầu, mối quan tâm của họ trong không gian này. Tiếp theo là lập bản đồ hoạt động để tìm hiểu về các loại hình hoạt động cũng như hành vi của người sử dụng.

(1)12 video được ghi lại vào 3 thời điểm khác nhau (sáng, trưa, chiều tối) trong 4 ngày (2 ngày trong tuần và 2 ngày cuối tuần) với mục đích tìm hiểu và đo đếm các hoạt động diễn ra trên toàn tuyến.

(2)179 phiếu khảo sát đã được thực hiện để đo đếm sự thỏa mãn của người sử dụng và thái độ của họ đến những yếu tố vật lý và phi vật lý trong không gian đường phố được tổng hợp trong trong nghiên cứu do tác giả và cộng sự thực hiện năm 2018, 2019 [5, 6] (Hình 1). Bảng 1 mô tả các thông tin nhân khẩu học cơ bản từ những người tham gia trong khảo sát. Phiếu khảo sát được xây dựng với 55 câu hỏi dựa trên dữ liệu định tính từ việc quan sát các hoạt động ở phần trên; nhằm mục đích khảo sát sự đánh giá của người dùng với không gian tuyến đường. Các đánh giá của người sử dụng được xem xét ở 4 khía cạnh khác nhau bao gồm: Mức độ hài lòng khi sử dụng không gian đường phố, mức độ hài lòng với môi trường vật lý (như thùng rác, trạm xe buýt, cây cối, bảng hiệu, chỗ chỗ xe, ghế ngồi…); sức thu hút bởi yếu tố xã hội hấp dẫn của tuyến đường; Đến và sử dụng không gian đường phố như là thói quen cá nhân. Đánh giá được chia theo 5 cấp độ: 1 rất không đồng ý (rất không hài lòng) đến 5 rất đồng ý (rất hài lòng).

Hình 1: Các biến số tác động đến nhận thức của con người trên đường phố nguồn Do (2018,2019)[5].
Bảng 1: Khái quát về người phản hồi phỏng vấn

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

1. Loại hình hoạt động trên tuyến đường

Các hoạt động diễn ra trên tuyến đường được quan sát và ghi lại bằng các video. Sau đó là quá trình đo đếm, định vị một cách tương đối chính xác các hoạt động và hành vi trên bản đồ, từ đó mã hóa thành các dữ liệu định lượng để phân tích đánh giá.

Kết quả cho thấy có tổng cộng 26 loại hoạt động của con người được ghi lại lên trên toàn tuyến (Bảng 2).

Bảng 2: Thống kê các hoạt động trên tuyến đường

Với đa dạng các loại hoạt động diễn ra trên không gian tuyến đường, không chỉ là các hoạt động liên quan đến giao thông, mà còn các hoạt động về kinh doanh – dịch vụ, cũng như các hoạt động tương tác xã hội , có thể thấy rằng đây là một không gian khá sôi động và tác động đến nhiều đối tượng sử dụng.

Dữ liệu thống kê cho thấy các hoạt động liên quan đến Di chuyển kèm phương tiện giao thông (hoạt động 2), Đi bộ (hoạt động 4), Chờ đợi người khác (hoạt động 10) và Quan sát (hoạt động 21) là những hoạt động phổ biến nhất trong cả các ngày cuối tuần và trong tuần. Trong khi đó các hoạt động: Bán hàng cố định (hoạt động 6), Chờ xe buýt (hoạt động 11), Bảo dưỡng công cộng (hoạt động16), Chơi (hoạt động 8) và Nghỉ ngơi (hoạt động 22) là các hoạt ít diễn ra thường xuyên. Các hoạt động còn lại là các hoạt động diễn ra thường xuyên và khá đều đặn giữa các khung giờ của các ngày trong tuần cũng như cuối tuần; và các hoạt động này hầu như đều có liên quan đến các dịch vụ kinh doanh trên tuyến đường.

Đáng chú ý, có thể thấy rằng, ngoài các hoạt động liên quan đến di chuyển, hoạt động Quan sát là hoạt động rất phổ biến và thường xuyên trên toàn tuyến, điều đó cho thấy hành vi này đã trở thành thói quen của khá nhiều cư dân đô thị. Bên cạnh đó, việc Chờ xe buýt (hoạt động 11) lại là hoạt động diễn ra với tần suất thấp nhất trên toàn tuyến, cả ngày trong tuần và cuối tuần (có 2 ngày giá trị này bằng 0 trên toàn tuyến) trong khi hoạt động Chờ đợi người khác (hoạt động 10) lại rất cao.

Kết quả việc quan sát hoạt động chỉ ra rằng, chức năng chính của không gian tuyến đường này hầu hết tập trung phục vụ các vấn đề liên quan đến sự di chuyển, kinh doanh – dịch vụ. Ngoài ra, tuyến đường này còn đóng vai trò là nơi giải trí của người dân thông qua các hoạt động ngồi ngắm nhìn dòng người qua lại và các hoạt động diễn ra trên đường. Kết quả này còn cho thấy một điều khá thú vị rằng, mặc dù các phương tiện công cộng hoạt động ở các tuyến đường đông đúc nhưng số người sử dụng dịch vụ này khá hạn chế. Do đó cần một chiến lược khác tiếp cận nhằm thúc đẩy sự phát triển hệ thống giao thông công cộng trong đô thị một cách hiệu quả hơn.

2. Phân tích người sử dụng trên tuyến đường và sự đánh giá

Kết quả khảo sát trong bảng 3 cho thấy rằng, nhóm người tham gia sử dụng tuyến đường này ở độ tuổi từ 26-55 nằm trong nhóm thu nhập thấp hơn nhóm người dưới 26 tuổi. Trong khi tìm hiểu về số người sinh sống trong các khu dân cư tiếp cận với tuyến đường này cho thấy rằng, 79.2% nằm trong nhóm có thu nhập thấp. Số người sử dụng tuyến đường sở hữu được nhà chiếm 45.8%. Người có thu nhập cao chỉ chiếm 13.4% trong tổng số người tham gia vào các hoạt động trên tuyến đường này. Và con số khảo sát còn cho thấy rằng, số người có lịch sử sinh sống lâu dài trên tuyến đường này chiếm 59.2%.

Bảng 3: Khái quát về chỉ số nhân khẩu học trong khảo sát

Nhìn chung, kết quả phân tích cho thấy quyết định tham gia hoạt động của người sử dụng trên tuyến đường này đều có liên quan đến ba chiều thước gồm các thiết lập vật lý, cá nhân, và xã hội.

Những nhóm người sử dụng khác nhau bị tác động bởi các yếu tố không giống nhau trong không gian đường phố. Cụ thể, những yếu tố liên quan đến sự an toàn, dễ điều hướng (là khả năng dễ dàng tìm kiếm một vị trí hay phương hướng họ muốn) tác động đến tiềm năng sử dụng đường phố của người trong nhóm có thu nhập cao. Trong khi đó, những người trong nhóm thu nhập thấp hơn đánh giá một cách tích cực từ các yếu tố như khả năng có thể đi bộ được, điều hướng, tiện ích công cộng, tính kết nối giữa hai bên đường và giữa các khu phố, sự gần gũi thiên nhiên, tính dễ dàng tiếp cận, các hoạt động tập thể và tương tác xã hội (như chơi cờ, tán gẫu). Ngược lại, các yếu tố như sự lấn chiếm vỉa hè, tính thông suốt tầm nhìn, bóng nắng, sự sạch sẽ, bán hàng rong, tính đa chức năng và tính an toàn được đánh giá là tiêu cực trong nhóm người có thu nhập thấp hơn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, sự đánh giá của người sử dụng không chỉ đơn giản bị tác động bởi các thiết lập vật lý mà còn từ các yếu tố khác. Hơn nữa, nhận thức sử dụng cũng khác nhau giữa các nhóm người khác nhau mặc dù có cùng điều kiện môi trường. Ở không gian đường phố đang nghiên cứu, mặc dù chất lượng các thiết lập không tốt nhưng vẫn chứa đựng những yếu tố thu hút người sử dụng điều mà làm nên sự đông đúc và nhộn nhịp. Thật vậy, những người có lịch sử cư trú lâu dài và gắn bó cuộc đời họ bằng những nghề kiếm sống trên những con đường cũ, họ quen thuộc với cuộc sống đơn giản. Đối với họ, một không gian sống tốt nằm ở các yếu tố phi vật lý điều cung cấp cho họ một sự kết nối chặt chẽ với xã hội xung quanh họ. Mặc dù thu nhập không cao, nhưng họ vẫn cảm thấy thoả mãn với cuộc sống của chính họ vì ở đó, họ tìm thấy sự gần gũi, quen thuộc

Nghiên cứu này cũng gợi lên suy nghĩ về các vấn đề liên quan đến sự công bằng trong sự tương tác với môi trường xung quanh. Thật vậy, có nhiều không gian đã được cải tạo hoặc thiết kế bằng nhiều cách khác nhau đã có những tác động khác nhau đến những nhóm người sử dụng. Tuy nhiên, nhận thức sử dụng một không gian công cộng là bị ảnh hưởng bởi một tổ hợp của các chiều thước vật lý và phi vật lý xuyên suốt qua những nhóm dân số, từ đó nhận định các nhu cầu khác nhau của cộng đồng từ đó cung cấp những dịch vụ công cộng hữu ích hơn.

Kết luận

Nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi mối quan tâm của các nhà thiết kế và chính quyền về những khía cạnh thiết lập vật lý đến các khía cạnh phi vật lý trong sự phát triển các không gian sống cho con người. Thật vậy, cải thiện môi trường vật lý là không đủ để kích thích con người đến một nơi nào đó bằng bối cảnh văn hóa và xã hội của chúng.
Những mối quan tâm cần thiết cho tuyến đường này bao gồm:

Xử lý các vật cản trên vỉa hè bằng các giải pháp thiết kế và quản lý nhằm cung cấp lối đi bộ thông suốt có tính kết nối cao, đồng thời gia cường tính thẩm thấu trong tầm nhìn trên vỉa hè;

Cung cấp không gian cho các hoạt động thương mại – kinh doanh như bán hàng rong nhằm kích thích các loại hoạt động và tính sống động trên đường. Việc này còn giúp gìn giữ khái niệm kinh tế vỉa hè;

Cải thiện chất lượng lối đi bộ và các tiện nghi công cộng như là cung cấp các mái che tạo bóng mát nhằm khuyến khích người dân đi bộ và lối sống tích cực;

Cải thiện tính đa chức năng trên đường phố bằng cách tái thiết lập cấu trúc sử dụng đất dọc đường phố và tạo ra sự đa dạng loại hình kinh doanh phù hợp với sự đa dạng cộng đồng nhằm thu hút lưu dòng dịch chuyển của con người;

Cung cấp tầm nhìn thông thoáng và các tạo vật thị giác nhằm tạo cảnh quan đường phố;

Vỉa hè cần phải tăng cường tính tiếp cận;

Gìn giữ không gian đường phố sạch sẽ bằng cách đưa ra các quy định cho người dân, người bán hàng rong, các chủ cửa hàng và nâng cao vai trò và năng lực của cơ quan vệ sinh môi trường đô thị trong tuyến đường này;

Nâng cao tính an toàn cho người dân khỏi những nguy cơ như giao thông, tội phạm;

Khuyến khích các hoạt động tương tác trên đường phố tạo nên sự kết nối bền vững giữa những con người và môi trường nhằm tạo nên cố kết xã hội;

Thiết lập các điểm hoặc vùng cho những hoạt động tương tác xã hội và tìm hiểu văn hoá, lịch sử địa phương.

Những yếu tố này không chỉ có ý nghĩa trên phương diện tạo nên sức sống của một nơi chốn, nhưng cũng tạo nên sự công bằng mang tính môi trường cho các nhóm người khác nhau. Hiệu quả của việc cải tạo không gian đường phố có thể dựa vào những bối cảnh xã hội khác nhau và môi trường, dẫn đến những sự khác nhau trong kiểu mẫu hành vi- môi trường. Mỗi kiểu mẫu có những đặc điểm riêng mà cần những tiếp cận khác nhau.

Những nhà quy hoạch, thiết kế cần phải hiểu những đặc điểm cộng đồng ở đó dựa trên những nghiên cứu khoa học nghiêm túc, nhằm tạo ra một nơi chốn mà ở đó con người xích lại gần nhau hơn.

Lời cảm ơn
“Nghiên cứu này được tài trợ kinh phí bởi Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng trong đề tài có Mã số T2019-06-125”.

Võ Thị Vỹ Phương
Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng; vtvphuong@ute.udn.vn
Đỗ Duy Thịnh
Đại học Xây dựng Miền Tây; doduythinh@gmail.com
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2022)


Tài liệu tham khảo
[1] Drummond, L.B., Street scenes: practices of public and private space in urban Vietnam. Urban studies, 2000. 37(12): p. 2377-2391.
[2] https://www.citylab.com/design/2013/07/streets-can-be-public-spaces-too/6235/
[3] Jacobs, A.B., Great streets. ACCESS Magazine, 1993. 1(3).
[4] Thinh, D.D., Khoa học nghiên cứu về hành vi – môi trường: Cơ sở lý luận cho thiết kế môi trường kiến trúc. Vietnamese Architecture Journal, 2020(2).
[5] Do, D.T., S. Mori, and R. Nomura, An Analysis of Relationship between the Environment and User’s Behavior on Unimproved Streets: A Case Study of Da Nang City, Vietnam. Sustainability, 2018. 11(1): p. 1-19.
[6] Do, D.T., S. Mori, and R. Nomura, A Comparative Study of User Behaviors on Unimproved and Improved Street Spaces in Da Nang, Vietnam. Sustainability, 2019. 11(12): p. 3457.