Nghiên cứu và đề xuất giải pháp quản lý kiến trúc mái trong đô thị

Về công tác quản lý liên quan đến kiến trúc mái

Hệ thống các quy định quản lý liên quan đến kiến trúc mái nói riêng và kiến trúc công trình nói chung tại Việt Nam hiện nay được hàm chứa từ Luật Quy hoạch, Xây dựng, Luật Di sản văn hóa và gần đây nhất là Luật Kiến trúc, các Nghị định về quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư, cấp phép xây dựng…; Ở phạm vi địa phương có các quy định, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực, các đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, các quy định về đầu tư, xây dựng, cấp phép xây dựng và quản lý trật tự đô thị.. đều cho thấy khái niệm “kiến trúc mái” hầu hết không có các quy định hoặc hướng dẫn riêng. Điều này không hẳn là khiếm khuyết, bởi luận điểm kiến trúc mái là khái niệm thuộc về một bộ phận của tổng thể kiến trúc công trình hoặc quy hoạch đô thị, được trang bị tri thức thiết kế trong quá trình đào tạo nhân lực, được tư duy trong tổng thể công trình hoặc khu vực, địa điểm quy hoạch… và việc quản lý mái nói riêng, kiến trúc công trình nói chung thông qua một quy trình đầy đủ, có thể tóm lược như sau:

Các Luật và Nghị định quy định các quy tắc tuân thủ đối với quy hoạch, kiến trúc và xây dựng, hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị và công trình đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả đầu tư và sử dụng công trình xây dựng, hiệu quả cảnh quan đô thị trên cơ sở đảm bảo tính thống nhất tổng thể cảnh quan khu vực và đô thị, như Quy chế quy hoạch kiến trúc chung của Thành phố Hà Nội đã cụ thể hoá “Chỉ giới đường đỏ, khoảng lùi công trình, mật độ xây dựng, tầng cao công trình và hình thức kiến trúc công trình phải đảm bảo phù hợp với tổng thể kiến trúc cảnh quan chung của tuyến phố và khu vực xây dựng hiện hữu; tuân thủ quy định theo quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc tại khu vực.. Kiến trúc công trình phải đảm bảo đồng nhất về hình thức, phong cách; kiểm soát chiều cao mỗi tầng theo tuyến phố và lô phố”

Quá trình định hình kiến trúc của một công trình xây dựng và khu vực đô thị được xác định thông qua việc lập quy hoạch chi tiết khu vực, dự án, thiết kế đô thị của tuyến phố hoặc quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực, trên cơ sở đó Sở Xây dựng hoặc UBND quận huyện cấp phép xây dựng theo quy định, hệ thống thanh tra xây dựng sẽ giám sát quá trình xây dựng công trình.

Tuy nhiên tính đến nay việc cấp phép xây dựng theo quy định này đã và đang vướng mắc:

  • Các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và quy chế hiện chưa phủ kín các khu vực, và sẽ còn rất lâu để hoàn thành nội dung đó, trong khi việc cấp phép xây dựng, đặc biệt các công trình riêng lẻ vẫn liên tục và tiếp diễn triển khai thực hiện;
  • Liệu các sản phẩm quản lý quy hoạch kiến trúc nêu trên cần phải đạt độ sâu hoặc giải pháp đề ra như thế nào để trở thành công cụ phù hợp hữu hiệu cho công tác cấp phép xây dựng?
    Vì thế việc cấp phép xây dựng nhất là đối với các công trình nhà ở riêng lẻ trong tổng thể rất lớn các khu ở, tuyến phố dân cư hiện trạng hầu như chỉ dựa vào các bản vẽ xin phép xây dựng thiếu tính nghiên cứu tổng thể như tinh thần mục tiêu của các Luật và Nghị định liên quan đã yêu cầu, điều này dẫn đến tình trạng thiếu tính thống nhất hoặc tổng thể như Luật xây dựng, luật quy hoạch cho đến các quy chế của Thành phố mong đợi, tạo nên tình trạng xây dựng lộn xộn của các khu vực nhà ở riêng lẻ rộng lớn và đặc biệt là hệ thống mái.

Các đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và quy chế quản lý khu vực

Có thể khẳng định từ trước đến nay, trong các đồ án quy hoạch ở các cấp độ đều không đề cập đến nội dung quản lý phần mái công trình kiến trúc ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, dù cũng có các bản vẽ mặt đứng hoặc phối cảnh nói lên sự lựa chọn hình dáng mái bằng hay dốc, và yêu cầu đồng điệu thống nhất trong yêu cầu của đồ án, hoặc lựa chọn một số điểm nhấn đột biến, hoặc đối với các đồ án thiết kế đô thị các khu vực cải tạo (áp dụng cho các tuyến đường). Phần mái công trình được đề cập đến cùng với các công trình theo tuyến từ khâu điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất hướng dẫn cải tạo mặt đứng công trình hiện có, với giải pháp chung, thường hướng đến việc khống chế cao độ đỉnh mái theo cùng một tham số độ cao – đảm bảo phân vị ngang của các công trình liền mạch trong một khoảng chiều dài nhất định; tức là hướng đến một sự ngăn nắp, tính trật tự của công trình theo đường, phố. Ở các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố Cổ, phố Cũ Hà Nội có đề cập đến việc bảo tồn, cải tạo – sửa chữa, hoặc cải tạo kết hợp xây dựng mới các công trình có giá trị, thậm chí tại một số vị trí cụ thể còn yêu cầu hình thức mái dốc.. cũng có nghĩa là có đề cập đến phần mái của các công trình kiến trúc..

Tuy nhiên, không thể nhìn nhận “phần mái” một cách riêng biệt – tách rời, ngay cả khi nhìn nhận chỉ riêng ở khía cạnh công trình kiến trúc. Đối với các dự án công trình lớn, phương án kiến trúc hoặc thiết kế cơ sở và giấy phép xây dựng luôn được xem xét trên cơ sở trong tổng thể kiến trúc khu vực, tuy nhiên đối với các công trình nhà ở đơn lẻ trên các tuyến phố và khu vực làng xóm đô thị hoá, là đối tượng xây dựng có số lượng lớn nhất của Hà Nội, các cơ quan cấp phép xây dựng sẽ căn cứ vào đâu để quyết định khi không có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hoặc có các đồ án này nhưng chưa đủ độ sâu nội dung để định hướng hiệu quả cho công tác triển khai hoặc cấp phép xây dựng ?

Một hướng tiếp cận khác, phải chăng ở góc độ quản lý trật tự xây dựng và tính hữu hiệu trong công tác thanh tra xây dựng, ý thức của các chủ đầu tư và đặc biệt là của người dân cũng góp phần lớn tạo nên sự lộn xộn của kiến trúc công trình nhà ở riêng lẻ tại các khu vực làng xóm đô thị hóa mới, tự ý sửa chữa, lắp dựng thêm tầng hay các cấu kiện khác cũng sẽ từng bước phá vỡ trật tự vốn có ban đầu của các khu đô thị.

Quản lý kiến trúc, xây dựng mái ở nước ngoài

Nếu xét về hình thái kiến trúc các khu vực đô thị thì Hà Nội không là ngoại lệ, hầu hết các đô thị lâu đời trên Thế giới đều có 3 khu vực cảnh quan dân dụng chính gồm các khu dân cư thấp tầng cố hữu, khu trung tâm với các toà nhà lịch sử lớn và các khu vực đô thị mới hiện đại. Hà Nội có sự đan xen của các khu dân cư thấp tầng nhiều và đậm đặc hơn, thậm chí có cả phát triển mới do lấn chiếm, kéo theo hệ thống mái cũng lộn xộn hơn, trong khi các khu thấp tầng các đô thị phát triển trật tự về phân tuyến giao thông ngay cả bên trong, trật tự chỉ giới chiếm dụng cũng như đồng đều hơn hẳn về chiều cao, tầng cao và mái.

Trong khi Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng không có nội dung quy định cụ thể nào về mái, dù là quy định riêng hay quy định thành phần mái trong tổng thể quy định kiến trúc, xây dựng chung, thì tại các nước bằng cách này hay cách khác, luôn có các quy đinh. Tại các nước luôn có các quy định cụ thể ịề không gian khi xây dựng mái hoặc lớp công trình tác động tới mái, nhất là các khu vực bảo tồn, tại Luật nước Anh 2015 số 596 có sửa đổi hiện hành, quy định về Quy hoạch Thành phố và nông thôn có 04 phụ lục chính, thì Phụ lục 2, Phần 1- Xây dựng trong khuôn viên nhà, class B- Xây dựng bổ sung mái, class C- Những thay đổi khác trên mái nhà trong đó quy định coi trọng đặc biệt việc giữ nguyên hình dáng các mái hiện trạng khu vực hiện hữu, chỉ cho phép thay đổi cao do với mái cũ tối đa 0,15m, cho phép mở rộng mái nhưng giữ nguyên chiều dốc phía mặt đường hoặc mở cửa sổ mái với chiều cao phải trên 1,7m…, thậm chí bao gồm cả các quy định để bảo vệ các loài chim trong khu vực; hay tại Mỹ việc áp dụng Quy chuẩn xây dựng được thông qua một bộ “Quy chuẩn Quốc tế” chung, được ban hành bởi khái niệm Hội đồng quy chuẩn quốc tế làm cơ bản, trên cơ sở đó bổ sung thêm quản lý xây dựng công trình của mỗi bang hoặc đô thị riêng. Tại bộ Quy chuẩn nói trên gồm 35 Chương , có 1 chương riêng về “Xây dựng và cấu trúc kết cấu mái” với 12 điều khoản bao gồm các nội dung quy định từ từ thoát nước, phù hợp thời tiết, chống cháy, xây dựng cấu tạo, cấu trúc, vật liệu, pin mặt trời, sửa chữa. thi công mái..,.. trong khi đó, từ tháng 3/2015 Chính phủ Pháp đã ban hành Luật quy định mái mọi công trình xây dựng tại khu thương mại phải trồng cây hoặc sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời..

Đối với các quy định kiểm soát xây dựng công trình cũng có nội dung liên quan đến mái, với hầu hết các nước đều không cho phép xây dựng bất kỳ bộ phận công trình vượt ra ngoài chỉ giới đường đỏ (trên thực tế quy chuẩn xây dựng Việt Nam cũng quy định như vậy nhưng đến tháng 4/2016 Hà Nội mới thực hiện), trong một số trường hợp mặt cắt ngang đường cho phép mái đua một cách hạn hữu thống nhất bao gồm cả độ dốc, tạo nên bộ mặt ngăn nắp của đô thị, còn có giới hạn góc nghiêng kiểm soát mặt đứng theo chiều cao áp dụng cho các con phố hoặc ngõ nhỏ, các kiểm soát cũng tạo nên các tình huống mái đặc trưng hơn, như khái niệm khái niệm mặt phẳng nghiêng lộ thiên (sky exposure plane – Hướng dẫn của Sở Quy hoạch Thành phố New York hoặc góc nghiêng 56º tại Nhật Bản)….

Trong khi các đồ án thiết kế đô thị tại nước ngoài không nhiều nội dung về việc tổ chức kiến trúc mái mà chủ yếu xây dựng các vấn đề sắp xếp tổ chức không gian kiến trúc khu vực nghiên cứu, thì các quy định về kiến trúc mái nói riêng được kiểm soát thông qua các hệ thống luật cơ bản cùng sự tuân thủ đảm bảo tính thống nhất.

Từ các vấn đề đã nêu ở trên, cho thấy tại Hà Nội nói riêng và các đô thị Việt Nam nói chung đang có một khoảng trống nhất định trong việc quản lý quy hoạch kiến trúc và xây dựng công trình, đặc biệt trong các khu vực xây dựng nhà ở đơn lẻ trong các khu vực thấp tầng và nhiều tầng dày đặc trong đô thị, góp phần tạo nên tình trạng lộn xộn cảnh quan tại khu vực này, đặc biệt là mái, cụ thể:

  • Sự thiếu đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị khu vực hoặc tuyến phố, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực để định hướng công tác cấp phép xây dựng công trình, dẫn đến ngay cả việc cấp phép xây dựng thiếu cơ sở để đảm bảo tính thống nhất hoặc hiệu quả tổng thể để mang đến cho chúng ta bộ mặt cảnh quan ngăn nắp, trật tự như mong muốn;
  • Hệ thống quy chuẩn hoặc quy định xây dựng hiện hành thiếu các quy định cụ thể về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng mái;
  • Việc tuân thủ trật tự không gian của đường đỏ theo quy chuẩn xây dựng đã ban hành là yếu, cũng như việc xây dựng các công trình riêng lẻ nói chung và phát triển lắp đặt hệ thống mái có xu hướng tự phát và các nội dung liên quan đến mái nói riêng đều thiếu sự nghiên cứu tổ chức không gian chung.

Giải pháp

  • Trong khi chờ hệ thống các đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hoàn thành, cần thiết phải đẩy mạnh các thiết kế chỉnh trang tuyến phố đồng thời ban hành bổ sung quy định nội dung nghiên cứu kiến trúc hiện trạng đoạn, tuyến phố hoặc khu vực thông qua ảnh chụp và đề xuất kiến trúc chung, ít nhất là mặt đứng của đoạn tuyến trên cơ sở đề cao tính thống nhất hoặc hiệu quả tổng thể tích cực vào hồ sơ xin phép xây dựng, bao gồm cả các công trình được cấp phép xây dựng tạm;
  • Xây dựng nội dung quy định về kiến trúc mái, trước mắt là các quy định về cảnh quan không gian để sửa chữa các khiếm khuyết tạo nên tình trạng mái lộn xộn hiện nay, đồng thời làm cơ sở thiết kế kiến trúc chung của đoạn tuyến cụm công trình phục vụ cấp phép; khuyến khích hoặc chỉ ra các yêu cầu về kiến trúc mái nói riêng hoặc tạo lập điểm nhấn đô thị nói chung đối với các công trình có vị trí quan trọng theo đặc điểm . Trong 1 tương lai dài hơn cần phải xây dựng bộ quy chuẩn hoặc bổ sung nội dung quy chuẩn trong đó có nội dung về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng mái;
  • Công tác giám sát, thanh kiểm tra trật tự xây dựng ngoài việc đẩy mạnh cũng cần được đổi mới, với việc xem xét sự tham gia của cộng đồng dân cư khu vực cùng với việc được tăng cường thêm các thành phần kiến trúc sư cho từng khu vực nhất định.

Trần Việt Thắng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2019)