Người thầy đầu tiên của Le Corbusier

Lời dẫn

Camillo Sitte

Vào thế kỷ 19 tại châu Âu, chủ nghĩa Xã hội lớn mạnh dưới sự dẫn dắt của Karl Marx và Friedrich Engels. Điều này đã tác động không nhỏ tới tư tưởng kiến trúc và quy hoạch, khi các quy hoạch gia và KTS có những triết lý hạn chế chủ nghĩa tư bản và nhấn mạnh sự duy lý với bình đẳng hóa trên mọi phương diện. Tuy vậy, sự phân hóa triết lý đó lại tạo tiền đề phát triển cho một người đi đầu về quy hoạch đô thị hữu cơ: Camillo Sitte. Ông là người đầu tiên phổ biến rộng rãi khái niệm về thiết kế đô thị qua những ấn phẩm về sự cần thiết trong nghệ thuật hóa và sinh động hóa đô thị.

Tiểu sử

Camillo Sitte (1843 – 1903) sinh ra tại Vienna, Áo. Ông là con trai duy nhất của Franz Sitte, một KTS nổi tiếng với khá nhiều giải thưởng. Sự nghiệp của Camillo Sitte cũng gắn liền với công việc của cha ông. Những công việc đầu đời của ông bao gồm giám sát thi công các công trình do cha ông thiết kế, bao gồm Nhà thờ Giáo xứ Altlerchenfelder, Bệnh viện linh mục ở quận 3 Ungargasse Vienna, Tháp chuông nhà thờ Piarist. Ông cũng làm việc tại văn phòng KTS Franz Sitte từ năm 1871 – 1873. Chính thời gian làm việc cho cha mình đã định hình tư duy kiến trúc theo chủ nghĩa lịch sử của Camillo Sitte1.

Nghệ thuật Xây dựng Thành phố

Năm 1889, Sitte xuất bản Quy hoạch Thành phố theo Nền tảng Nghệ thuật (thường được dịch là Nghệ thuật Xây dựng Thành phố). Được minh họa phong phú bằng các bản phác thảo và bản đồ vùng lân cận, Sitte đã vẽ ra sự tương đồng giữa các yếu tố của không gian công cộng trong đô thị và nội thất trong một căn phòng, và ông khẳng định mạnh mẽ rằng trải nghiệm thẩm mỹ của không gian đô thị phải là yếu tố hàng đầu của quy hoạch đô thị, trong đó yếu tố của đô thị cộng đồng như thời Trung cổ cần được phục hưng, đối trọng với chủ nghĩa công năng hậu công nghiệp hóa. Đồng thời, ông cũng rất phê phán các mô hình đô thị công nghiệp ở châu Âu vào thời điểm đó, bao gồm cả việc phát triển nhiều quy hoạch dọc theo Ringstraße ở quê hương Vienna của ông.

Cuốn sách của Camillo Sitte đã có tác động đến những diễn đàn thảo luận ở châu Âu về quy hoạch và kiến trúc đô thị. Eliel Saarinen lưu ý rằng cuốn sách Nghệ thuật Xây dựng Thành phố của ông được trích dẫn bởi rất nhiều kiến trúc sư nói tiếng Đức vào cuối thế kỷ 19. Trừ năm 1889 đến năm 1922, cuốn sách đã được xuất bản/tái bản ít nhất 5 lần bao gồm một bản dịch tiếng Pháp năm 1902. Tuy nhiên, một bản dịch tiếng Anh đã không được xuất bản cho đến năm 1945 – một lý do cho sự thiếu phổ cập của ông ở Đế quốc Anh và Hoa Kỳ trong những năm trước Thế chiến thứ Hai. Dù vậy, những ý tưởng của Sitte đã xuất hiện nhiều trong các bài viết của nhà quy hoạch nổi tiếng người Anh, Raymond Unwin, người chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nghệ thuật Xây dựng Thành phố. Kevin Lynch, một trong những người khởi xướng cho trào lưu thiết kế không gian mở – cộng đồng tại Mỹ cũng phát triển luận thuyết của mình dựa trên những nghiên cứu của Camillo Sitte.

Triết lý của Camillo Sitte

Các lý thuyết của Sitte đã ảnh hưởng đến các nhà đô thị học tiếp theo, bao gồm Karl Henrici và Theodor Fischer. Không giống như các quy hoạch gia duy lý luôn nhấn mạnh về vấn đề chức năng và quản lý đô thị, Camillo Sitte cho rằng mục đích trước nhất của một đô thị là tạo cảm giác chào đón và thiện cảm đối với người mới đến. Để được như vậy, đô thị cần phải sống động, linh hoạt, giảm thiểu các quy tắc cứng nhắc. Những không gian mở cần được đặc biệt lưu tâm. Lần đầu tiên, thiết kế đô thị với mục đích nâng cao môi trường sống cũng được đưa vào như một khâu bắt buộc của một quá trình quy hoạch có hệ thống, thay vì chỉ quan tâm tới chức năng đô thị đơn thuần.

Đối với Sitte, bản chất và tính sáng tạo của từng không gian đô thị có ảnh hưởng chung tới hình ảnh và giá trị của cả đô thị hơn là chỉ mang giá trị từng khu vực. Ông cho rằng nhiều nhà quy hoạch đô thị đương thời đã bỏ qua việc xem xét các kích thước không gian của quy hoạch đô thị, tập trung quá nhiều vào các quy hoạch trên giấy; và cho rằng cách tiếp cận này đã cản trở tính thẩm mỹ của quy hoạch đô thị. Ông nhấn mạnh rằng, tương tự Châu Âu thời Trung cổ và Phục hưng, những quy hoạch đô thị cổ đại cần học tập các hình thức đô thị Cổ điển như quảng trường trung tâm (agora) của Athens và đàn tế La Mã – các ví dụ về không gian đô thị được thiết kế tốt.

Tầm nhìn về triết lý của Camillo Sitte có những va chạm với nhiều quy hoạch gia nổi tiếng có tầm ảnh hưởng không kém. Nổi bật nhất phải nhắc tới là Otto Wagner (1843 – 1903), người được coi là cha đẻ của kiến trúc và quy hoạch hiện đại. Cùng sống ở Vienna trong cùng một thời kỳ, Wagner đã nhiều lần trực tiếp tranh cãi với Camillo Sitte khi ông cho rằng quy hoạch đô thị dựa trên nền tảng nghệ thuật thể hiện sự ích kỷ và không thực tế của các quy hoạch gia, không phù hợp với thời kỳ hậu công nghiệp hóa. Những người theo chủ nghĩa công năng cũng có xu hướng đưa Camillo Sitte ra bàn thảo để nâng cao quan điểm. Le Corbusier, hậu bối của Sitte và là một trong những KTS vĩ đại nhất lịch sử, nhiều lần công khai chỉ trích những ấn phẩm của Camillo Sitte là lệch lạc và không thực tế2.

Sự phục hưng của nghệ thuật cộng đồng và thẩm mỹ đô thị được Camillo Sitte coi là nền tảng cho quy hoạch đô thị
Từng “cụm” không gian mở trong thành phố Lucca, gồm Piazza Grande Napoleone (1), Piazza del Giglio (2), Via del Duomo (3), Piazza S.Giovanni (4), Piazza S.Martino (5) and Piazza Antelminelli (6)3.

Các nguyên lý về quy hoạch đô thị

a) Quảng trường

Các tòa nhà bao quanh quảng trường công cộng (đường phố không chạy quanh quảng trường); Các tòa nhà và đài tưởng niệm bố trí dọc theo 1 cạnh của quảng trường, không nằm ở giữa; Quảng trường không mang hình dạng cứng nhắc (mặt bằng tự do, ngẫu hứng); Trung tâm quảng trường mở; Đường chạy vào từ các góc; Trong quảng trường nên tránh sử dụng nhiều phương tiện đi lại; Từ bất cứ điểm nào trên quảng trường, trong một thời điểm chỉ có thể nhìn được ra 1 hướng; Các quảng trường phá cách làm tôn thêm nét tự nhiên kích thích sự sảng khoái và làm tăng sinh động, ấn tượng. Điều này sẽ dễ dàng cho phép bố trí các đài tưởng niệm vào quảng trường.

b) Đường phố

Đường phố lý tưởng phải tạo thành một đường gấp khúc khép kín. Con người sẽ cảm thấy dễ chịu khi tầm nhìn không vượt đi quá xa. Một nguyên lý như thế đối lập với cách bố trí những con đường thẳng tắp kiểu truyền thống, trừ các thành phố có địa hình đồi (như San Francisco), khi việc lên xuống dốc gây rào cản cho tầm nhìn. Đôi khi đồi quá dốc khiến cho đường phải giật cấp và cảm giác bao trùm bởi các tỉ lệ nhàm chán trở nên hoàn hảo.

c) Công viên

Công viên là các vườn ẩn, nối liền nhau, kín gió bởi các mặt tiền khép kín của các tòa nhà cao tầng. Các công viên ngày nay thường bị vây bởi các con phố, làm giảm cảm giác bao bọc, ngoại trừ các đường phố phân tán rời xa công viên tùy vào diện tích công viên, độ che phủ của cây và địa hình, ví dụ Golden Gate Park ở San Francisco, công viên Balboa ở San Diego và Central Park ở New York4.

Di sản của Camillo Sitte

Camillo Sitte là một trong những tác giả nghiên cứu đô thị đầu tiên nhấn mạnh một cách có ý thức giá trị của thẩm mỹ bất quy tắc trong hình thái đô thị. Ông đã thách thức xu hướng đang lớn mạnh về sự đối xứng cứng nhắc trong thiết kế đô thị đương đại, bao gồm cả việc bố trí biệt lập các nhà thờ và tượng đài trong các mảnh đất rộng và thoáng. Ông cũng xác định và ủng hộ một loạt các phương pháp tiếp cận truyền thống để tạo ra không gian công cộng, phát triển ra khỏi truyền thống quy hoạch đô thị của châu Âu. Chính sự chậm trễ trong việc phổ cập “Nghệ thuật Xây dựng Thành phố” đã phần nào giúp đưa triết lý của Camillo Sitte vào phát triển đô thị thời hiện đại. Các đô thị mới phát triển ngoài châu Âu, bắt đầu từ Chicago với phong trào Thành phố Đẹp (City Beautiful 1893) đã bắt đầu áp dụng những triết lý nền tảng đó để tạo ra cơn sốt toàn cầu. Nhu cầu thẩm mỹ đô thị cũng được nâng cao tại những thành phố đã từng trải qua công nghiệp hóa, tiêu biểu như một số thành phố tại Trung Quốc và khu vực Trung Đông. Sự quan tâm tới thiết kế đô thị trong thế kỷ 21 cũng được đưa lên hàng đầu, và đây là lúc những nghiên cứu và triết lý của Camillo Sitte sẽ lại được quan tâm và nghiên cứu một lần nữa.

“Người thày đầu tiên” của Le Corbusier5

Le Corbusier

Trong cuốn Urbanisme của mình, Le Corbusier đề cập ngay đoạn mở đầu rằng ông đã nghiên cứu những cuốn sách của Camillo Sitte lúc bắt đầu chập chững học hỏi về quy hoạch và thiết kế đô thị. Le Corbusier cho rằng mình đã bị lạc lối theo ý tưởng của Sitte về một “quá khứ ủy mị ở một quy mô nhỏ xinh, như một bông hoa nhỏ ven đường”, như con lừa cuốn mình theo gió , thay vì đi con đường thẳng tắp của một người thông thái. Ông ví triết lý của Camillo Sitte như một tôn giáo, với những người ủng hộ là giáo đồ thờ cúng vẻ đẹp không thể so sánh của những đường cong được tô vẽ đầy hoa mỹ. Mặc dù phủ nhận triết lý của Camillo Sitte và coi thời gian nghiên cứu những cuốn sách của Camillo Sitte là phí hoài, những tác phẩm của Le Corbusier về quy hoạch đô thị vẫn vô thức dựa rất nhiều vào các ý tưởng của Sitte.

KTS. Lê Quang Minh  – Lê Hoàng Phương
Sinh viên năm cuối Khoa Quy hoạch Đô thị/ DAAP University of Cincinnati, USA
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2021)


Chú Giải

  1. http://architectuul.com/architect/camillo-sitte
  2. http://www.jstor.org/stable/40100984
  3. Sự ra đời của Quy hoạch Thành phố Hiện đại, Camillo Sitte 1889
  4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Camillo_Sitte
  5. https://www.biography.com/artist/le-corbusier
  6. Ám chỉ sự vòng vo, bế tắc và mu muội