Tóm tắt
Tại các đô thị lớn, nhà cao tầng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh, thể hiện sự phát triển đô thị. Tại các thành phố (TP) ven biển Việt Nam, xu hướng phát triển du lịch bền vững gắn với các công trình kiến trúc, trong đó có nhà cao tầng, ngày càng được quan tâm phát triển. Các nhà quản lý, thiết kế đô thị và kiến trúc sư cần nhìn nhận, nhà cao tầng không chỉ đơn thuần là một nơi lưu trú, nghỉ dưỡng mà còn là công trình góp phần tạo dựng hình ảnh đô thị, là điểm đến du lịch ấn tượng nhằm thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ du lịch. Nghiên cứu này sẽ phân tích và đánh giá các giá trị, tiềm năng và hạn chế của nhà cao tầng khu vực ven biển TP Nha Trang. Từ đó, kết hợp với kinh nghiệm kiến tạo điểm đến du lịch của nhà cao tầng trên thế giới để đề xuất một số định hướng phát triển nhà cao tầng tại Nha Trang, góp phần tạo dựng hình ảnh hấp dẫn cho đô thị, nâng cao trải nghiệm của du khách tại TP biển xinh đẹp.
Abstract:
In major urban centers, high-rise buildings play a crucial role in shaping the city’s identity and reflecting its urban development. In Vietnam’s coastal cities, the trend of sustainable tourism development, closely linked to architectural structures-including high-rise buildings-is receiving increasing attention. Urban planners, designers, and architects must recognize that high-rise buildings are not merely spaces for accommodation and leisure but also key contributors to the urban image, serving as iconic tourist attractions that draw visitors to explore, experience, and utilize tourism services. This study aims to analyze and assess the values, potential, and limitations of high-rise buildings in the coastal areas of Nha Trang City. By integrating global best practices in developing high-rise buildings as tourist destinations, the research seeks to propose strategic directions for high-rise development in Nha Trang. These recommendations aim to enhance the city’s visual appeal, strengthen its position as a tourist destination, and enrich the visitor experience in this beautiful coastal city.
1. Giới thiệu
Về kiến tạo địa điểm du lịch, đây là quá trình tạo ra các môi trường vật lý mang lại cảm giác riêng biệt về địa điểm cho một khu vực, trong khi đáp ứng các nhu cầu sinh lý, xã hội và tâm lý cơ bản của con người (Oldenburg, 2007). Cảm giác về địa điểm là một phẩm chất thiết yếu có ý nghĩa đối với tất cả mọi người bất kể văn hóa, tuổi tác, giới tính, giai cấp xã hội, chủng tộc hay TP của họ (Lynch, 1960: Fleming, 2007, Relph, 2007). Kevin Lynch (1960) cho rằng “Bản thân cảm giác về địa điểm nâng cao mọi hoạt động của con người diễn ra ở đó và khuyến khích việc lưu giữ dấu vết ký ức”. Việc nuôi dưỡng cảm giác về địa điểm trong các TP tạo nên một trong những trải nghiệm quan trọng nhất, trực tiếp và liên tục nhất của con người. Một trải nghiệm đô thị như vậy ảnh hưởng sâu sắc khiến chúng ta cảm thấy thoải mái và phấn khích (Al-Kodmany, 2013). Đối với các đô thị du lịch, việc kiến tạo các địa điểm với mục đích tham quan du lịch có khả năng tạo ra nhiều trải nghiệm hơn đối với du khách; đồng thời, thúc đẩy các mối quan hệ cộng sinh lành mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cho đô thị.
Về nhà cao tầng và kiến tạo điểm đến du lịch, trong nhiều đô thị lớn, nhà cao tầng đã trở thành những điểm nhấn ấn tượng vì chúng ngày càng chiếm ưu thế trên đường chân trời đô thị. Đồng thời, nhà cao tầng mang lại lợi thế về bất động sản và kinh doanh tại các đô thị, bởi tính biểu tượng, hướng đến các lợi ích quảng bá và cạnh tranh của chúng. Tuy nhiên, trong bối cảnh du lịch, chúng cũng có các hạn chế. Khối tích lớn của nhà cao tầng dễ gây ra vấn đề thiếu không gian cùng hạ tầng đi kèm. Các khuôn mẫu thiết kế chung của nhà cao tầng được thực hiện tại nhiều nơi, gây nên hình ảnh văn hóa đơn sắc, tạo ra tính đồng nhất trong cảnh quan đô thị. Việc xây dựng các tòa nhà tại các vị trí không hợp lý trong đô thị cũng gây nên những hạn chế đáng kể đối với cảnh quan đô thị và khai thác các tài nguyên du lịch.
Các vấn đề nêu trên gây ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch của du khách; ngoại trừ một số ít tòa nhà cao tầng đặc biệt được đầu tư chu đáo trong thiết kế và được quản lý tốt. Do đó, việc xem xét lại vai trò của nhà cao tầng trong thúc đẩy du lịch thông qua kiến tạo điểm đến du lịch, tạo môi trường trải nghiệm cho du khách cần được nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng. Điều này sẽ góp phần nâng cao khả năng thu hút du khách, cân bằng các lợi ích kinh tế xã hội tại địa phương.
2. Bối cảnh tại Nha Trang
Tại TP du lịch ven biển Nha Trang, các khách sạn và căn hộ du lịch cao tầng bắt đầu phát triển từ năm 1996 với công trình đầu tiên là Khách sạn Nha Trang Lodge. Giai đoạn bùng nổ từ năm 2008 đến năm 2019, khi hàng loạt nhà cao tầng được xây dựng dọc theo tuyến đường ven biển Trần Phú – Phạm Văn Đồng, mang đến diện mạo và sắc thái mới cho đô thị. Tuy nhiên, việc phát triển nhà cao tầng chưa được quản lý một cách chặt chẽ, còn manh mún, chưa khai thác tối đa vai trò của chúng trong kiến tạo điểm đến du lịch.
Một số khách sạn được xây dựng trong giai đoạn gần đây khai thác hiệu quả vị trí đắc địa và chiều cao – một yếu tố có giá trị cốt lõi đối với công trình du lịch cao tầng. Ví dụ như khách sạn Havana với sân trên mái ngắm tòan cảnh TP biển cùng skylight bar; khách sạn Sheraton với nhà hàng café và bar trên đỉnh mái…; khách sạn Panorama với bể bơi nước mặn vô cực đáy kính trong suốt tại độ cao 151 mét, tạo ấn tượng mạnh cho du khách trải nghiệm cảm giác khi bơi trên cao có thể thấy các hoạt động phía dưới. Ngoài ra, nhiều khách sạn cao tầng khác, đơn thuần chỉ là nơi lưu trú, nghỉ dưỡng của du khách.
Trong tổ hợp không gian đô thị, một số nhà cao tầng có lưu ý đến hình khối và đường nét kiến trúc tạo giá trị cho địa điểm, một số khác được đặt tại các vị trí chưa hợp lý trong không gian đô thị, gây ra hạn chế đối với cảnh quan đô thị, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế có được với các điều kiện đặc biệt về cảnh quan nhân tạo và thiên nhiên ven biển nơi đây.
3. Bài học kinh nghiệm thế giới
Nhiều bài học thành công về kiến tạo điểm đến du lịch thông qua nhà cao tầng tại các nước trên thế giới có thể được xem xét, nghiên cứu, tham khảo.
Nhà cao tầng kiến tạo địa điểm trong cảnh quan diện hẹp
Vấn đề tỷ lệ của công trình với con người luôn được quan tâm. Việc xây nhà cao tầng thấp hơn, có thể hỗ trợ sự hài hoà tỷ lệ con người, thay thế các tòa nhà cao tầng đơn lẻ, nguyên khối cao bằng các nhóm cấu trúc nhỏ hơn hoặc thông qua kiểu “khép vòng” như Tổ hợp khách sạn dịch vụ City of Dream tại Macau hay Crown tại Sydney.
Tương tự như vậy, cảnh quan diện hẹp có thể đạt được thông qua thay thế các tòa nhà đơn lẻ siêu cao bằng các tháp đôi, tháp ba… Những tòa tháp này có thể tạo ra các địa danh dễ dàng được hình dung vì mối quan hệ gắn bó với nhau giữa các tòa tháp và tạo ấn tượng tại vị trí xây dựng. Chúng có xu hướng đối xứng, tạo ra các địa danh “tập thể” và thúc đẩy tính ba chiều, gợi sự hình dung mạnh mẽ và tạo sự tương tác trực quan sinh động.
Nhà cao tầng kiến tạo địa điểm trong cảnh quan diện rộng
Ngược lại, với cảnh quan diện hẹp, cảnh quan diện rộng hỗ trợ việc tạo dựng địa điểm ở quy mô lớn hơn trong môi trường xây dựng. Việc tạo dựng địa điểm có thể được cải thiện nhờ lý thuyết về khả năng hình ảnh của Kevin Lynch; qua đó, các tòa nhà cao tầng có thể được sử dụng để tạo ra các điểm mốc, cạnh, đường dẫn, nút và khu vực sống động. Khả năng hình ảnh giúp tạo ra những địa điểm có sự tôn trọng rõ ràng đối với môi trường xây dựng, giúp hiểu và điều hướng trong TP dễ dàng hơn. Đặc biệt, các điểm mốc có thể tăng cường khả năng trực quan tạo ra tính dễ đọc đô thị và nâng cao trải nghiệm thị giác TP. Các tòa nhà cao tầng là những công trình vật lý quan trọng, có thể nâng cao hơn nữa tính dễ đọc bằng cách tạo ra các cạnh sống động và là một thành phần thiết yếu của các đường phố và đại lộ chính, chúng cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng hình ảnh hóa của một con đường. Việc tập trung cẩn thận các tòa nhà cao tầng xung quanh các không gian mở, quảng trường ngoài trời…có thể tạo ra các nút ấn tượng. Tương tự như vậy, việc tập trung chúng ở quy mô địa lý lớn hơn có thể tạo ra một khu vực dễ hình dung hơn.
Sự tương phản trực quan
Duy trì sự hài hòa giữa các tòa nhà mới được đưa vào và kết cấu đô thị hiện có không phải là cách duy nhất để thúc đẩy việc tạo dựng địa điểm. Trường hợp ba công trình cao tầng đứng cạnh nhau tại quảng trường Postdam, Berlin có chức năng như một lối vào khu vực được tái tạo này. Một yếu tố tương phản giữa các công trình cũng có thể nâng cao việc tạo dựng địa điểm. Tòa nhà Daimler Chrysler (hay còn gọi Tháp Kollhoff – KTS thiết kế) và Tháp Debis cho thấy một sự tương phản tuyệt vời với khối xây dựng lân cận, tòa nhà Deutschbank (do KTS Helmut Jahn thiết kế). Bằng cách tương phản giữa đường nét hình khối kiến trúc và màu sắc, vật liệu (gạch nâu – kính, ceramic và kính), cung cấp một yếu tố rõ ràng theo chiều cong và các góc cạnh giữa các công trình, vì các cạnh được phân định bằng các dải riêng biệt. Sự tương phản trực quan này gợi lên một cuộc đối thoại không gian độc đáo tại quảng trường.
Kết nối con người với kiến trúc bản địa
Trong một thế giới toàn cầu hóa tạo ra môi trường đô thị đồng nhất, việc tạo ra hàng loạt các công trình tương tự, thì nhà cao tầng mang nét kiến trúc bản địa đặc biệt quan trọng đối với việc tạo dựng địa điểm. Trước năm 1990, hầu hết các tòa nhà cao tầng đều được xây dựng ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, ngày nay, phần lớn các tòa nhà cao tầng đang được xây dựng tại các khu vực khác cụ thể khu vực Châu Á và Trung Đông. Do đó, kiểu nhà cao tầng tại các đô thị cần được định hình lại để tránh “Manhattan hóa các TP trên thế giới, vì nhiều TP đã bắt đầu đánh mất bản sắc của mình thông qua việc nhập khẩu những “người khổng lồ đô thị” này” (Al-Kodmany và cộng sự, 2013). Kiến trúc bản địa có tiềm năng kết hợp các hình thức truyền thống với thiết kế công nghệ cao, một cách tiếp cận có thể phục hồi văn hóa địa phương trong khi vẫn truyền tải được cảm giác hiện đại (Al-Jokhadar & Jabi, 2017: Askxir, 2007).
Phần đế của tòa nhà
Phần đế của tòa nhà cần thiết kế đảm bảo tính liên tục về mặt thị giác giữa không gian trong và ngoài nhà, đồng thời hỗ trợ các hoạt động kinh tế xã hội. Do đó, phần đế nhà cao tầng không nên trống rỗng, cồng kềnh hoặc vụng về, khu vực lối vào phải được nhận biết rõ ràng. Để đáp ứng tỷ lệ con người và cung cấp tầm nhìn các thành phần khác của tòa nhà, phần đế không được vượt quá năm hoặc sáu tầng. Các hàng cột và mái che tại tầng đế có lợi thế bảo vệ người đi bộ khỏi các yếu tố bất lợi thời tiết; trong khi, không gian và các khoảng mở ở tầng trệt đáp ứng các mục đích sử dụng công cộng, ví dụ có thể thấy ở 200 South Wacker Drive (1981) tại Chicago hay Melbourne. Ngoài ra, phần đế cần tổ chức chức năng kinh tế xã hội để kích thích đời sống xã hội ở cấp độ đường phố với tòa nhà, tạo cảm giác chào đón của điểm đến (Gehl, 2010).
Thiết kế quảng trường đô thị và công viên công cộng để thu hút công chúng và hỗ trợ đời sống xã hội
Cấu trúc xã hội bao quanh các tòa nhà cao tầng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng địa điểm. Các tòa nhà cao tầng mang tính biểu tượng cần vượt ra ngoài tính thẩm mỹ mới và các thiết kế hào nhoáng để thúc đẩy đời sống xã hội lành mạnh cho toàn bộ TP. Các công viên công cộng và không gian giải trí là những thành phần thiết yếu cho môi trường sống đô thị lành mạnh và bền vững; do đó, cần được nhấn mạnh (Ryan, 2006). Các quảng trường đô thị thành công có thể thu hút hàng nghìn người đến với nhau trong các không gian công cộng chung và mang đến sự thư giãn cho cả người lao động và du khách. Cư dân và du khách của trung tâm đô thị có thể sử dụng những không gian này để thư giãn, ăn uống hoặc chỉ đơn giản là ngắm nhìn mọi người. Nếu được thiết kế tốt, các quảng trường và không gian mở gần các tòa nhà cao tầng có nhiều cơ hội được sử dụng hợp lý vì các tòa nhà cao tầng có xu hướng thúc đẩy mật độ dân số cao (Elbakheit 2018).
Các yếu tố thiết kế chung làm cho quảng trường đô thị thành công bao gồm nhiều không gian ngồi, mối quan hệ tích cực với đường phố, với các yếu tố, cảnh quan (cây xanh, mặt nước), nghệ thuật công cộng …(Whyte 1980). Xác định vai trò của quảng trường có thể giúp các nhà thiết kế hướng nỗ lực của họ vào việc tạo ra một không gian đô thị thu hút công chúng và du khách phù hợp nhất. Cuối cùng, quảng trường có thể thực hiện một vai trò bổ sung quan trọng trong thiết kế nhà cao tầng, chúng có thể cùng nhau làm phong phú thêm đời sống xã hội của TP.
4. Đề xuất kiến tạo điểm đến du lịch với nhà cao tầng tại Nha Trang
Với việc phân tích và đánh giá nhà cao tầng khu vực ven biển Nha Trang ở phần trên, có thể thấy, trong những năm gần đây, một số công trình được xây dựng đã khai thác các yếu tố lợi thế về vị trí, độ cao… để thu hút đáng kể lượng du khách; tuy nhiên, vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, cá thể các công trình. TP chưa có chiến lược dài hạn và cụ thể trong việc xây dựng các mô hình kiến tạo điểm đến du lịch, thu hút du khách, thông qua các công trình, tổ hợp cụm công trình cao tầng nổi bật. Do vậy, sức hút và các ảnh hưởng trong việc kiến tạo điểm đến du lịch của nhà cao tầng khu vực ven biển Nha Trang vẫn còn mờ nhạt.
Từ những kinh nghiệm đáng chú ý tại các đô thị trên thế giới, vận dụng vào bối cảnh của TP Nha Trang, việc khai thác nhà cao tầng trong kiến tạo điểm đến du lịch có thể được tiếp cận từ quy mô tổng thể đến chi tiết như sau:
Trên quy mô tổng thể
- Các tòa nhà cao tầng luôn phải được xem xét trong mối quan hệ với bối cảnh của chúng, từ đó, có các giải pháp phù hợp;
- Phân định các khu vực phát triển nhà cao tầng và vai trò của việc kiến tạo điểm đến du lịch thông qua chúng. Các khu vực có nhà cao tầng cần gắn với ngữ cảnh thiên nhiên xung quanh, phía sau có phông nền núi, phía trước có công viên, bãi tắm hay không? Số lượng du khách tập trung tại khu vực? Công trình có nằm tại các vị trí có nút giao thông đặc biệt như ngã ba, quảng trường, cửa sông, đầu cầu…?
- Trong khu vực với các tòa nhà cao tầng, cần xác định công trình nào sẽ là công trình điểm nhấn, thu hút của vùng, để từ đó có định hướng là công trình chủ đạo trong kiến tạo điểm đến du lịch của khu vực.
Ở mức độ chi tiết - Khuyến khích nhà cao tầng có đa chức năng; đặc biệt tại khối đế và các không gian ngoài trời tại khu vực tầng chuyển giữa khối đế và khối tháp. Nơi có thể đưa các hoạt động dịch vụ để cho du khách bên ngoài có thể tiếp cận, gắn kết, “thẩm thấu” cuộc sống đô thị vào công trình;
- Tạo khoảng lùi lớn nhằm có không gian quảng trường, mảng xanh trước công trình, thuận tiện tổ chức các hoạt động xã hội; đồng thời, khai thác các dịch vụ du lịch tại không gian chuyển tiếp giữa công trình và tuyến phố. Việc này, sẽ tạo sức hút tập trung du khách đến với công trình để tham quan mua sắm và trải nghiệm các hoạt động du lịch;
- Đóng các không gian tạo các quảng trường hoặc quảng trường “bỏ túi” thông qua nhà cao tầng, nhằm tạo khả năng tập trung đông người tại các địa điểm này. Từ đó, nâng cao khả năng trải nghiệm của du khách. Kết hợp sử dụng công nghệ hiện đại về chiếu sáng tại bề mặt và khối đế nhà cao tầng, tăng khả năng tương tác giữa du khách và nhà cao tầng;
- Xây tổ hợp nhà cao tầng “khép vòng” tạo ấn tượng đối với du khách qua khối tích và không gian. Việc này có thể áp dụng đối với các quỹ đất lớn tại khu vực đầu sân bay Nha Trang cũ hoặc phía Bắc TP, nơi có thể xây dựng các tổ hợp dịch vụ du lịch lớn.
Thay lời kết
Các tòa nhà cao tầng đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng địa điểm trong bối cảnh của TP. Đặc biệt, tại các TP du lịch, cần chú ý đến cách các tòa nhà mới phù hợp với kết cấu đô thị hiện có; cách chúng có thể bổ sung vào cảm giác về điểm đến du lịch cho TP; phản ánh văn hóa, khí hậu và môi trường. Phần đế của nhà cao tầng cần phải gắn kết với cấp độ dành cho du khách và người đi bộ, tích hợp các dịch vụ và tiện nghi của nó với cộng đồng xung quanh. Khai thác độ cao ấn tượng của tầng mái, mở ra góc nhìn tòan cảnh TP và cảnh quan thiên nhiên; đồng thời, làm tăng tính trải nghiệm độ cao của du khách. Bên cạnh đó, việc tạo ra các không gian quảng trường ấn tượng với nhà cao tầng, kết nối con người với kiến trúc bản địa càng làm tăng cảm giác muốn khám phá điểm đến của du khách.
Bằng cách xem xét các yếu tố tạo dựng địa điểm của nhà cao tầng – khả năng hình dung, quy mô con người, hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội, các KTS và nhà thiết kế đô thị có thể thiết kế các tòa nhà cao tầng đóng góp tích cực trong kiến tạo điểm đến du lịch tại TP biển Nha Trang.
ThS.KTS Nguyễn Hải Bình
Khoa Kỹ thuật Công trình, Trường Đại học Tôn Đức Thắng,
PGS.TS.KTS. Ngô Lê Minh
Trường Đại học Kiến trúc TP HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2025)
Tài liệu tham khảo:
1. Al Kodmany (2018), Planning guildelines for enhancing placemaking with tall buildings, Archnet-IJAR: International Journal of Architectural Research, 12(2), 5-23.
2. Al Kodmany (2020), Tall Buildings and the City: improving the understanding of placemaking, imageability, and tourism, Springer: Singapore.
3. Al-Jokhadar, A. & Jabi, W. (2017). Applying the Vernacular Model to High-Rise Residential Development in the Middle East and North Africa. ArchNet-IJAR: International Journal of Architectural Research, 11(2), 175-189.
4. Fleming, R. (2007). The Art of Placemaking: Interpreting Community Through Public Art and Urban Design, Merrell Publishers: Cambridge, MA.
5. Kevin Lynch (1960). The Image of the City (Harvard-MIT Joint Center for Urban Studies Series)
6. Oldenburg, R. (2007). The problem of place in America. The Urban Design Reader, eds. M. Larice & E. Macdonald, Routledge: London and New York, pp. 138~148.
7. Relph, E. (2007). Prospects for places. The Urban Design Reader, eds. M. Larice & E. Macdonald, Routledge: London and New York, pp. 119-124.
8. Thủ tướng chính phủ (2023). Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040.
9. Whyte, W. H. (1980). The social life of small urban spaces. Washington DC: The Conservation Foundation.