Nhà ở công nhân và thiết chế công đoàn theo định hướng xanh – bền vững

Sự phát triển của các Khu công nghiệp và hiện trạng Nhà ở cho Công nhân tại các Khu Công nghiệp

Qui hoạch 1/500 Khu Thiết chế Công đoàn Tỉnh Nam Định – 4,99ha (Thiết kế: Tập đoàn GFS)

1. Sự phát triển của các Khu công nghiệp

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3/2021, cả nước hiện có 392 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 119,9 nghìn ha (trên tổng thể 575 KCN trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp trên khắp cả nước đã giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước (trung bình hàng năm khoảng 5 tỷ USD); giải quyết việc làm cho hơn 4 triệu lao động trực tiếp, chiếm 7,3% lực lượng lao động của cả nước; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế hàng năm chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

2. Tình trạng Nhà ở cho Công nhân tại các Khu Công nghiệp

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến năm 2021, số công nhân làm việc tại các KCN có nhu cầu nhà ở khoảng 4,2 triệu người, tương đương 33,6 triệu m2 nhà ở. Nhưng đến nay, cả nước mới hoàn thành 266 dự án Nhà ở xã hội (NƠXH), quy mô xây dựng hơn 142.000 căn, tổng diện tích hơn 7.100.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 278 dự án, quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn, tổng diện tích khoảng 13.800.000 m2.

So với thực tế, nguồn cung này chỉ đáp ứng được 8% nên còn rất hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về chỗ ở của công nhân tại các KCN. Thiếu chỗ ở, phần lớn công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc. Ngoài ra còn tình trạng một số KCN đã xây dựng nhà ở cho công nhân thuê nhưng tỉ lệ lấp đầy rất thấp do hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiếu, không đồng bộ, chất lượng công trình còn thấp, xuống cấp nhanh sau một số năm hoạt động.

Qui hoạch 1/500 Khu Thiết chế Công đoàn – Khu CN Suối Dầu, Tỉnh Khánh Hòa – 9,4 ha

Nhà ở cho Công nhân – Đề án Thiết chế Công đoàn

Tổng quan về đề án Thiết chế Công đoàn

Ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các Khu công nghiệp (KCN), Khu chế xuất (KCX)”. Mục tiêu của đề án là đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại các KCN, KCX để tạo điều kiện nâng cao đời sống công nhân trong tình hình mới.

Về cơ chế chính sách của đề án thực hiện theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển NƠXH. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thỏa thuận thống nhất cơ chế đặc thù khác để đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các KCN, KCX theo quy định của pháp luật.

Tháng 8 năm 2021, vượt qua các nhà đầu tư uy tín tham gia đấu thầu, Tập đoàn GFS đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tin tưởng lựa chọn là Nhà đầu tư đồng hành cùng Tổng Liên đoàn hợp tác đầu tư xây dựng các Khu Thiết chế Công đoàn cho các KCN, KCX tại một số Tỉnh Thành trên cả nước.

Ngày 15/9/2021, tại Hội nghị toàn quốc “Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Viện Công nghệ GFS đã trình bày tham luận về đề tài: “Sản xuất và ứng dụng cấu kiện tiền chế trong lĩnh vực xây dựng”, được đánh giá là đề tài mang tính thời sự và khoa học, xuất phát từ nhu cầu bức thiết về nhu cầu nhà ở của hàng triệu người dân lao động trong cả nước gắn với trách nhiệm bảo vệ bền vững môi trường sinh thái.

Sơ đồ Qui trình công nghệ xử lý tro bay để sản xuất cấu kiện tiền chế GFS
17 Mục tiêu phát triển bền vững

Định hướng và các giải pháp phát triển công trình Xanh và Bền vững cho các Dự án Thiết chế công đoàn

1. Định hướng Công trình xanh và bền vững cho các Dự án Thiết chế công đoàn

Phát triển bền vững ở Việt Nam dựa trên 17 Mục tiêu phát triển bền vững được 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015 trong Chương trình Nghị sự toàn cầu về phát triển đến năm 2030.

Việc phát triển các công trình xanh thân thiện với môi trường ở Việt Nam những năm gần đây đã trở thành xu hướng tất yếu trong lĩnh vực xây dựng trong đó có khu Thiết chế công đoàn góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Quan trọng hơn hết, việc xây dựng công trình xanh không chỉ dừng lại ở phạm vi dự án hay sự kiện mà nó còn góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về một cách sống hòa hợp với môi trường đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi con người nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững.

2. Một số giải pháp phát triển công trình Xanh và Bền vững cho các dự án Thiết chế công đoàn tại Tập đoàn GFS

Với kinh nghiệm nhiều năm trong Lĩnh vực đầu tư các dự án Bất động sản cùng các thành tựu Nghiên cứu khoa học đã đạt được, ngoài những giải pháp được áp dụng phổ biến, Tập Đoàn GFS cùng đơn vị thành viên là Viện Công nghệ GFS đã và đang phát triển những giải pháp đồng bộ để triển khai xây dựng các Tổ hợp công trình Xanh và Bền vững trong đó có công nghệ độc quyền về sử dụng cấu kiện tiền chế.

Viện Công nghệ GFS được thành lập năm 2015, là thành viên của VUSTA, đã quy tụ và hợp tác với các nhà khoa học hàng đầu trong nước cũng như các chuyên gia quốc tế trong các hoạt động: Nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ và triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực (Công nghệ xây dựng; Năng lượng tái tạo; Nông nghiệp hữu cơ và Thủy sản công nghệ cao; Công nghệ sinh học…). Viện Công nghệ GFS đã và đang sở hữu trên 40 phát minh, sáng chế trong lĩnh vực xây dựng gồm: Nền móng, kết cấu, vật liệu và các giải pháp công nghệ tối ưu khác,…

Riêng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Viện Công nghệ GFS đã nghiên cứu sử dụng tro bay – chất thải gây hại của Nhà máy nhiệt điện thay thế cát mịn để sản xuất thành công một số sản phẩm: Tấm panel tường (không cần lớp trát hoàn thiện), panel sàn (từ 70% tro bay), các cấu kiện bê tông đúc sẵn. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (DIN EN 12602:2016) và Việt Nam, đủ điều kiện sử dụng để xây dựng nhà tiền chế tại các khu công nghiệp, thiết chế Công đoàn; Bê tông Geopolymer (bê tông Xanh từ nguyên liệu chính là tro xỉ thải nhà máy nhiệt điện – không sử dụng xi măng và cát tự nhiên) để kè sông, biển, đảo,…, tạo được sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, có thể giảm hơn 10 lần lượng phát thải khí CO2 do quá trình sản xuất xi măng, giảm tới 80% lượng điện tiêu thụ trong qúa sản xuất, góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm hiện trạng môi trường do sản xuất từ “vật liệu xanh”.

Sản phẩm Panel sàn, Panel tường bê tông ACC của Viện Công nghệ GFS nghiên cứu và phối hợp với Công ty TNHH Sông Đà Cao Cường sản xuất có trọng lượng nhẹ (700 Kg/m3); chịu tải cao (1.000KG/m2 cho nhịp vượt 4,8m), cách âm, cách nhiệt tốt, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường, giá thành rẻ hơn khoảng 15-20% so với sản phẩm hiện đang sử dụng và có thể giảm được 20% tổng chi phí xây dựng khi đạt sản lượng trên 200.000 m2 sàn/ năm. Sản phẩm có độ chính xác cao, phù hợp với các công trình xây dựng lắp ghép, giảm được 20-25% tổng thời gian xây dựng, giảm được 35-40% số lượng công nhân tại hiện trường do áp dụng cơ giới hóa trong xây dựng và giảm thiểu đến mức thấp nhất rác thải xây dựng so với phương pháp truyền thống.

Dự kiến, năm 2022, các sản phẩm tấm Panel sàn, Panel tường sản xuất từ tro bay sẽ được Tập đoàn GFS đầu tư sản xuất hàng loạt và sử dụng để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, các khu Thiết chế công đoàn hay các chung cư tại một số thành phố lớn, hy vọng sẽ tạo ra các khu nhà ở với diện mạo mới, bền, đẹp và thân thiện môi trường.

Dự án Khu Nhà ở Công nhân Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – Hậu Giang. Thiết kế áp dụng Cấu kiện tiền chế GFS cùng Hệ thống điện mặt trời mái.

Đề xuất và Kiến nghị:

Cho tới thời điểm hiện tại, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hoàn thành triển khai 01 Khu thiết chế điển hình tại Hà Nam. Sau thời gian Tập đoàn GFS đồng hành cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để triển khai đồng bộ các Khu thiết chế công đoàn và các dự án xây dựng lại chung cư cũ, nhà ở xã hội đã vướng phải một số vấn đề cần tháo gỡ dưới đây:

1. Đối với khu Thiết chế công đoàn

Trong Nghị định 49/2021 cần quy định rõ hơn về phương pháp tính toán tỷ lệ quỹ đất thương mại 20% giành cho nhà đầu tư được sử dụng xây dựng nhà ở Thương mại do Nghị định 49/2021 không định nghĩa, hướng dẫn chi tiết thế nào là đất xây dựng nhà ở. Thời gian qua nhiều địa phương có văn bản hỏi Bộ Xây dựng về nội dung này nhưng chưa được giải quyết triệt để.

  • Đề xuất: Nên giao đất cho Nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào khu thiết chế Công đoàn để vận hành tòa nhà, đặc biệt đẩy mạnh việc cho công nhân thuê nhà.

2. Về quỹ đất làm NƠXH trong các khu Dự án nhà ở thương mại

Theo Nghị định 49/2021 “Dự án từ 2 ha trở lên phải dành 20% quỹ đất để làm NƠXH” ngay trong khu dự án ở phân khúc cho người có thu nhập cao là chưa hợp lý (trước đây được đóng bằng tiền).

  • Đề xuất: Chính phủ tiếp tục cho sửa đổi, bổ sung Nghị định 49/2021 tháo gỡ cho doanh nghiệp về quy định quỹ đất khu vực làm nhà xã hội. NƠXH nên được quy hoạch đồng bộ và xây khu riêng sẽ giảm được chi phí hạ tầng cho nhà đầu tư và người lao động. Ngoài ra, nên giao chỉ tiêu phát triển NƠXH trong kế hoạch 5 năm và hàng năm cho thành phố và các địa phương.

3. Về chính sách tài chính

Tại Nghị định 49/2021 đang quy định mức lãi suất vay vốn mua nhà không cao hơn 50% lãi suất cho vay bình quân của các Ngân hàng thương mại.

  • Đề xuất: Chính sách huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân và chính sách áp dụng cho người mua NƠXH hay công nhân mua nhà tại các khu Thiết chế công đoàn không vượt quá 40% lãi suất cho vay bình quân của các Ngân hàng thương mại bởi những khách hàng này là những người có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn.

4. Về xử lý tro, xỉ thải và cấu kiện tiền chế

Với tình trạng đang tồn đọng nhiều triệu tấn tro xỉ hiện nay đã gây nhiều hệ lụy và ô nhiễm môi trường,…các nhà máy Nhiệt điện dùng than sẽ phải đối phó với nguy cơ dừng hoạt động do không có bãi chứa, nhằm giải quyết triệt để vấn đề này:

  • Đề xuất:
    • Chính phủ cần có những chính sách và giải pháp thiết thực, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cấp đất để doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý tro, xỉ, sản xuất cấu kiện tiền chế gần các nhà máy nhiệt điện vì hiện nay quy trình cấp đất tại các tỉnh còn rất chậm.
    • Kèm theo các chính sách đồng bộ cần hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp xử lý tro xỉ sản xuất cấu kiện tiền chế. Tạo cơ hội cho sản phẩm cấu kiện tiền chế, lắp ghép cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh so với phương pháp xây dựng truyền thống là yếu tố đẩy mạnh phát triển xây dựng tiền chế theo vòng xoáy tăng dần mang tính đột phá.

5. Các nội dung liên quan khác

Cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật; Phát triển hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn chứng nhận công trình xanh, bền vững và hiệu quả năng lượng.
Xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển, tuyên truyền, đào tạo và tập huấn nâng cao nhận thức của người lao động về phát triển bền vững tại Việt Nam dựa trên các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới.

KTS. Trần Vũ Minh
Phó TGĐ Tập đoàn GFS – Phó Chủ tịch Chi Hội Kiến trúc Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2021)