Nhìn lại Quy hoạch và Kiến trúc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 – 2015

Trong 5 năm qua, kể từ năm 2010 đến năm 2015, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ vào khoảng những năm 2000, tình hình kinh tế TP HCM có phần chững lại do khủng hoảng chung của thế giới và khu vực. Kéo theo đó là tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản. Nhiều dự án phát triển đô thị bị đình trệ do thiếu vốn, sản phẩm đầu ra thanh khoản thấp… Tuy nhiên, trong bức tranh có phần ảm đạm đó lại xuất hiện những điểm sáng của kiến trúc đô thị. Đó là các công trình công cộng với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau được tập trung đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách Thành phố. Đó là việc các nhà đầu tư dự án buộc phải tìm kiếm cơ hội cạnh tranh bằng chất lượng và tính độc đáo của các giải pháp kiến trúc trong những dự án đầu tư của mình…

Bộ mặt đô thị TP HCM ngày một khởi sắc. Ảnh trong bài: Nguồn internet
Bộ mặt đô thị TP HCM ngày một khởi sắc. Ảnh trong bài: Nguồn internet

Một số kết quả đạt được về Quy hoạch và Kiến trúc đô thị TP HCM

Trong bối cảnh chung như vậy, phải nhìn nhận rằng. Những năm gần đây, bộ mặt đô thị tại TP HCM đã có nhiều thay đổi đáng kể. Nhiều công trình lớn, đường phố, khu đô thị và các khu nhà ở mới đã được xây dựng. Tại các khu vực nội thành, nhiều khu nhà lụp xụp, kém chất lượng đã được cải tạo, xây mới đưa tổng khối lượng xây lắp mỗi năm gấp nhiều lần những năm trước đây. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xây dựng, công tác quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị cũng đã đạt được những bước tiến nhất định. Sự thay đổi này không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và cải thiện môi trường sống cho nhân dân mà còn tạo ra một diện mạo kiến trúc đô thị mới.

Tòa nhà Vincom Eden
Tòa nhà Vincom Eden

 

Quảng trường Nguyễn Huệ
Quảng trường Nguyễn Huệ

rtbrtb

Khắp nơi trong thành phố, các dự án công trình tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, đi vào sử dụng. Đáng chú ý là các dự án của các nhà đầu tư phát triển vững mạnh, có uy tín được đầu tư kỹ lưỡng về kiến trúc ngoại thất và nội thất. Có thể thấy ở trung tâm thành phố, khu vực gần trụ sở Ủy ban và Hội đồng nhân dân thành phố, Toà nhà Vincom Center A ở vị trí khu Eden cũ trước đây, cùng với phần mở rộng của Khách sạn Rex đối diện, Toà nhà The Arcade ở khu vực Nhà hát lớn… hình thành quần thể kiến trúc mới với phong cách tân cổ điển.

Ở khu vực Chợ cũ, Tòa nhà Bitexco Financial Tower vừa có kiến trúc khối tháp mang tính biểu tượng cao, đóng vai trò như điểm nhấn kiến trúc trên bầu trời thành phố; vừa có khối bệ hấp dẫn, cùng với không gian quảng trường hồ nước phía dưới hình thành một khu vực đô thị sống động.

Ở các khu đô thị mới phát triển như Khu đô thị Nam thành phố ở Quận 7, Nhà Bè, Khu đô thị phía Đông ở Quận 2… các khối chung cư mới vẫn đang được xây dựng. Chất lượng không gian sống được nâng cao: Không gian mở, thảm xanh, mặt nước, các tiện ích cộng đồng như trường mầm non, chăm sóc y tế; thiết kế nội thất căn hộ phong phú đa dạng.

Dọc theo các tuyến đường trục chính vừa được hoàn thành như đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng… bộ mặt đô thị đã bắt đầu thay hình đổi dạng, từ những ngôi nhà cũ lụp xụp trước đây nay chuyển mình khang trang hơn, nhiều công trình công cộng được cải tạo, xây dựng mới.

Có thể nói, dù trong một số khía cạnh còn băn khoăn (về môi trường, xã hội…), các dự án, công trình trong thời gian qua đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị ở nhiều khu vực: Từ các công trình mới mọc lên trên nền các “vùng lõm đô thị” xuống cấp ngay trong khu vực trung tâm thành phố, cho đến các khu dân cư, khu đô thị mới dần hình thành ở các khu vực thập niên trước còn là vùng ven, vùng xa của thành phố (như các quận, huyện phía Đông, phía Nam).Tuy nhiên, về không gian đô thị, có thể thấy một mặt trái ở một số dự án chỉnh trang đô thị làm thành phố phần nào nhạt nhòa đi bản sắc vốn có ở một số khu vực: Khu biệt thự Quận 3 đang mất dần những khuôn viên biệt thự Pháp do tình trạng chia tách biệt thự cho nhiều hộ cư trú, công trình cũ xuống cấp bị cơi nới, biến dạng hay tháo dỡ để xây dựng lại công trình khác; hay những dãy phố người Hoa ở khu vực Chợ Lớn quận 5, quận 6 bắt đầu đan xen những nhà phố xây mới hoặc công trình cao tầng với kiến trúc chưa thực sự phù hợp…

Nhà ở riêng lẻ trong những năm gần đây cũng được người dân chăm chút, trao đổi với KTS để đem lại những không gian sống phù hợp nếp nhà, những hình khối và mặt dựng phong phú đóng góp vào sắc thái phố thị. Đặc biệt, với xu hướng “kiến trúc xanh” đang lan tỏa mạnh trong nhiều nhà ở riêng lẻ hiện nay, nhất là nhà phố với điều kiện tiếp cận bên ngoài hạn chế, các KTS đã tổ chức thông thoáng chiếu sáng tự nhiên bằng giếng trời, vườn treo và còn kết hợp với nhiều giải pháp che chắn nắng như hệ lam, hoa gió, dây leo…
Rõ ràng là xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng… ngày càng được khẳng định là xu thế tất yếu của kiến trúc thành phố. Trên toàn địa bàn thành phố đã có nhiều thực hành tích cực. Ví dụ: vỉa hè xanh, sau mấy năm đầu thử nghiệm và rút kinh nghiệm, đến nay đã được triển khai trên hầu hết các tuyến đường chính ở các quận huyện; góp phần giảm thiểu việc bê tông hóa bề mặt, tăng cường mảng xanh, đất thấm nước. Một số cao ốc như các công trình Financial Tower, President Place,… đã đạt những tiêu chuẩn quốc tế về tiết kiệm năng lượng. Những thực hành mới này một mặt góp phần vào khả năng thích ứng của thành phố với các vấn đề môi trường, mặt khác cũng đóng góp vào diện mạo không gian cảnh quan kiến trúc đô thị.

Có một sự tiến bộ rõ nét đối với kiến trúc các công trình hạ tầng đô thị ở thành phố. Hơn 5 năm trước đây, ở nhiều công trình như cầu, đường, công viên đô thị, còn thể hiện sự lúng túng về chủ đề thiết kế, cách xử lý lựa chọn vật liệu, thiết bị như đèn chiếu sáng, lan can, hay vật liệu ốp lát… Trong những năm vừa qua, các công trình trên được chú trọng hơn về kiến trúc, như kiểu dáng của cầu, kiểu dáng lan can, kiểu dáng đèn, cách chiếu sáng trên cầu… Đây là tín hiệu đáng khích lệ đối với kiến trúc mỹ quan đô thị nói chung.

Đại lộ Võ Văn Kiệt
Đại lộ Võ Văn Kiệt

Song song với việc tập trung phát triển đô thị, Thành phố cũng tập trung nghiên cứu bảo tồn các di sản văn hóa – lịch sử – kiến trúc trên địa bàn Thành phố. Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo bảo tồn kiến trúc và cảnh quan đô thị gồm nhiều chuyên gia và một đội ngũ các nhà khoa học để nghiên cứu đề xuất các quy định cần thiết nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống các công trình kiến trúc và cảnh quan đô thị cần bảo vệ. Cũng xuất phát từ tầm nhìn này, Thành phố đã rất thận trọng trong việc nghiên cứu để cải tạo – phát triển Khu trung tâm hiện hữu bằng việc tổ chức thi tuyển quốc tế để lập Đồ án quy hoạch phân khu TL 1/2000 và quy chế quản lý kiến trúc khu trung tâm hiện hữu mở rộng TP HCM như đã nói ở trên.

Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam, một không gian Quảng trường đi bộ với quy mô lớn đã được xây dựng trên cơ sở cải tạo trục đường Nguyễn Huệ với chủ thể là Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 40 năm ngày thống nhất đất nước. Phải khẳng định đây là một trong những không gian công cộng hoành tráng và hiện đại vào loại tầm cỡ không những trong nước mà còn tại khu vực Đông – Nam Á. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các không gian công cộng từ khu vực Hồ Bán nguyệt trong Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, dải công viên dọc bờ Tây sông Sài Gòn, Quảng trường Nguyễn Huệ…nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và sinh hoạt cộng đồng của người dân Thành phố ngày càng được quan tâm đáp ứng tốt hơn, TP HCM đang từng bước hướng tới một Đô thị Văn minh – Hiện đại.

Không gian, cảnh quan dọc sông Sài Gòn
Không gian, cảnh quan dọc sông Sài Gòn

Vai trò của KTS và Hội KTS TP HCM

Thành phố có một lực lượng KTS đông đảo, hùng hậu. Lực lượng này đã luôn đồng hành cùng với sự phát triển đô thị thành phố, đóng góp vào hầu hết các đồ án quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, giữa giai đoạn 2010-2015, một bộ phận các KTS quy hoạch đã có điều kiện tham gia vào công tác lập quy hoạch phân khu ở các quận huyện, góp phần phủ kín quy hoạch đối với khu vực đô thị trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, giai đoạn này cũng giai đoạn đầy thách thức của giới KTS thành phố nói chung do hệ quả của thị trường bất động sản gặp khó khăn. Một bộ phận giới KTS đã không ngừng tìm tòi, phát huy sức sáng tạo, khẳng định mình bằng chất lượng thiết kế kiến trúc; chủ yếu phát triển theo chiều sâu cứ không theo diện rộng.

Bên cạnh các dự án lớn vẫn còn tình trạng giao cho các đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài thiết kế, một số công trình cao tầng như cao ốc văn phòng, khách sạn… cũng được thiết kế bởi bàn tay KTS thành phố với chất lượng kiến trúc không hề thua kém. Các KTS đã mạnh dạn áp dụng nhiều giải pháp kiến trúc tiến bộ như tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu địa phương… Nhiều công trình từ công trình công cộng (như trường học…) đến nhà ở riêng lẻ đã được giới thiệu trên các tạp chí kiến trúc thế giới, đoạt được các giải thưởng kiến trúc quốc tế danh giá.

Cùng với một số KTS thành danh vững vàng trong nước và một số KTS người Việt trở về từ nước ngoài, nhiều KTS trẻ thành phố đã được nâng cao kiến thức nghề nghiệp, tiếp thu xu hướng thế giới và thực tế bản địa, từng bước chuyên nghiệp hóa cách thức hành nghề, tổ chức triển khai công việc theo mạng lưới liên kết, phối hợp.

TP.Hồ Chí Minh, tháng 04/2015

PGS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

( Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07 -2015 )