Nhu cầu xã hội và xu hướng thiết kế căn hộ linh hoạt

Đặt vấn đề

Theo T. Schneider & J. Till: Khái niệm “Nhà ở linh hoạt” đề cập đến khả năng thích ứng một cách linh hoạt với các nhu cầu mới về nhà ở theo thời gian trong quá trình ở. Do đó, nhà ở linh hoạt hoạt động trong suốt quá trình sử dụng. Cách tiếp cận linh hoạt sẽ cho phép người dùng trong tương lai có nhiều lựa chọn về bố cục không gian. Trên thực tế, trong quá trình ở, người sử dụng ngôi nhà theo nhiều cách khác nhau, không bị ràng buộc bởi các chi tiết cụ thể về chỉ định phòng mà còn có thể thực hiện các điều chỉnh phù hợp với không gian sống trong ngôi nhà của mình.

Tính linh hoạt trong nhà ở là khả năng thích ứng với những thay đổi trong tương lai, được mô tả như một khía cạnh nội tại của nhà ở bền vững. Trong đó, những nhu cầu đa dạng của người sử dụng được tính đến trong quá trình thiết kế và kiến trúc nhà ở được nghiên cứu, cân nhắc các khả năng thay đổi linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu đó. Steven Groák, KTS và nhà lý thuyết Hà Lan, định nghĩa khả năng thích ứng là “Có khả năng sử dụng cho các mục đích xã hội khác nhau; và tính linh hoạt là “Có khả năng sắp xếp thành các cấu trúc vật lý khác nhau”. Khả năng thích ứng đạt được thông qua việc thiết kế các phòng hoặc không gian sao cho chúng có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, chủ yếu thông qua cách tổ chức các phòng, mô hình lưu thông và chỉ định các chức năng. Khả năng thích ứng mô tả các không gian có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau mà không tạo ra những thay đổi cấu trúc vật lý. Mặt khác, tính linh hoạt, theo định nghĩa của Groák, đạt được bằng cách thay đổi kết cấu vật lý của căn nhà: Bằng cách nối các phòng hoặc các đơn vị không gian lại với nhau, bằng cách mở rộng chúng hoặc thông qua các bức tường và đồ nội thất trượt hoặc gấp. Do đó, tính linh hoạt áp dụng cho cả những thay đổi bên trong và bên ngoài, cũng như cho cả những thay đổi tạm thời (thông qua khả năng trượt tường hoặc cửa) và những thay đổi lâu dài (thông qua việc di chuyển vách ngăn bên trong hoặc tường bên ngoài.) Trong khi khả năng thích ứng dựa trên các vấn đề sử dụng, tính linh hoạt liên quan đến các vấn đề về hình thức, cấu trúc không gian và kỹ thuật.

Các nghiên cứu xã hội học về nhu cầu nhà ở theo hướng linh hoạt

Về lý thuyết, nghiên cứu nhu cầu xã hội về nhà ở của người sử dụng để có được một chiến lược tổng thể trong định hướng thiết kế nhà ở là cần thiết, nếu không nói là không thể thiếu, nhất là đối với phát triển nhà ở theo hướng linh hoạt để luôn thích ứng với nhu cầu mới.

Trong một nghiên cứu về Nhà ở thích ứng, Paula Femenias và Faustine Geromel ghi lại quá trình tân trang, cải tạo do chủ nhà thực hiện tại 313 căn hộ chung cư ở Thụy Điển năm 2018. Người ta nhận thấy rằng, ngoài việc tân trang lại bề mặt và thay thế đồ nội thất nhà bếp, thiết bị và thiết bị vệ sinh, người dùng cũng đã thay đổi cách bố trí không gian trong căn hộ mới xây của họ bằng cách tháo dỡ hoặc lắp đặt mới các bức tường, hoặc đóng, mở các vị trí cửa phòng…Những cải tạo và chuyển đổi bên trong này tuy đáp ứng được các nhu cầu sử dụng nhưng lại làm thay đổi thiết kế thông gió chiếu sáng của căn hộ do thiết kế ban đầu chưa tính đến các phương án thay đổi cấu trúc không gian căn hộ. Đó là những vấn đề bất cập trong định hướng thiết kế nhà ở ban đầu và các dạng thức cơ cấu mới của căn hộ trong quá trình cải tạo.

Một khảo sát khác về xã hội học nhà ở vào mùa thu năm 2015, một bảng câu hỏi đã được gửi tới 462 hộ gia đình sống trong 5 khu chung cư ở Thụy Điển được xây dựng từ năm 2001 đến năm 2008. Kết quả, một số lượng đáng kể, chiếm 35% số hộ gia đình phản hồi đã thay đổi thiết kế mặt bằng ban đầu. Tổng cộng có 18% hay 57 trong số 313 hộ gia đình đã thay đổi cách bố trí bếp và dựng thêm bức tường ngăn cách nhà bếp với phòng khách. Đồng thời, cũng có 21% khác dỡ bỏ bức tường ngăn cách giữa bếp và phòng khách. Trong tổng số, 11,5% hay 36 hộ gia đình đã tạo thêm một hoặc thậm chí hai phòng bằng cách sáp nhập hai phòng hoặc bằng cách ngăn thêm một không gian trong phòng khách… .

Phân bố toàn bộ mẫu căn hộ theo diện tích và phân bổ mẫu phụ các căn hộ được sắp xếp lại. Trong cùng một nhóm quy mô. Các căn hộ lớn chiếm tỷ lệ đáng kể ở mẫu căn hộ được sắp xếp lại. (Nguồn: Paula Femenias và Faustine Geromel)

Các cuộc khảo sát về nhà ở xã hội ở miền Bắc Trung Quốc cho thấy hơn 1/4 (29,9%) số đơn vị nhà ở được điều tra đã được người sử dụng sửa đổi cấu trúc để phù hợp với các cách bố trí khác nhau. Tình trạng này chỉ ra rằng một thiết kế cố định không thể đáp ứng các yêu cầu khác nhau của người sử dụng nhà ở. Open Building là một dự án được tổ chức và triển khai tốt nhằm tăng khả năng thích ứng và tính bền vững của nhà ở. Bằng việc nghiên cứu mô hình “Tòa nhà mở” để cố gắng tìm ra các giải pháp thiết kế khả năng thích ứng trong nhà ở xã hội ở Trung Quốc.

Dựa trên các loại đơn vị ở, không gian ở, phương thức sống và điều kiện nhân khẩu học của các đơn vị nhà ở xã hội đã được điều tra; và liên quan đến những điều chỉnh thực tế được thực hiện trong các đơn vị nhà ở xã hội, nghiên cứu này khám phá hai cấp độ của phương pháp thiết kế và kiểm soát: Căn hộ điển hình mẫu cho các dạng bố cục khác nhau và các phân vùng linh hoạt để cấu hình lại chức năng không gian.

Để thu thập thông tin hữu ích về nhà ở xã hội của Trung Quốc và hiểu cách người dân sử dụng và điều chỉnh nhà của họ, một cuộc khảo sát đã được thực hiện trong 297 gia đình ở miền Bắc Trung Quốc, hầu hết đều ở Thẩm Dương và TP Đại Liên. Nói chung, một đơn vị ở bao gồm một phòng khách, một nhà bếp, một phòng tắm và một hoặc hai phòng ngủ. Như đã đề cập, khoảng 30% số căn hộ (80/268) đã được người sử dụng điều chỉnh lại thiết kế, thay đổi cấu trúc không gian bên trong. Những sửa đổi này được thực hiện chủ yếu dựa trên ba lý do:

  • 29% (23/80) của việc sửa đổi là để có thêm một phòng hoặc không gian thông qua việc xây dựng một vách ngăn trong phòng khách. Căn phòng mới hoặc không gian riêng biệt sẽ được sử dụng làm nơi phòng ngủ (23/16) hoặc nhà bếp (23/7);
  • Khoảng 50% (38/80) sửa đổi là có được một căn phòng rộng hơn bằng cách loại bỏ những bức tường bên trong: Kết hợp phòng khách có bếp (22/38) là sửa đổi phổ biến nhất trong nhóm này;
  • 14/80 gia đình đã thay đổi vị trí các bức tường bên trong để điều chỉnh kích thước của các phòng trong nhà.

Dự án nghiên cứu khác do Jie Huang và một nhóm các nhà khoa học tại các trường đại học lớn ở Trung Quốc với mục tiêu “Khám phá hiện trạng cải tạo và chiến lược linh hoạt về nhà ở đô thị ở Trung Quốc” cho thấy: “Mặc dù thị trường nhà ở thương mại ở Trung Quốc rất đa dạng và có đặc điểm là nhu cầu cao, nhưng loại và cách bố trí nhà ở trong cộng đồng người Trung Quốc tương đối đơn giản và khó đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân. Những nhu cầu đa dạng này chủ yếu nảy sinh do các yếu tố sau: Thay đổi cơ cấu gia đình, thay đổi điều kiện kinh tế, áp dụng công nghệ và thiết bị mới, sự thích nghi của người già và các yêu cầu cá nhân khác. Những thay đổi năng động về nhu cầu nhà ở chắc chắn sẽ dẫn đến việc chuyển đổi hoặc di dời tòa nhà. Do các yêu cầu thay đổi, việc cải thiện tính linh hoạt của nhà ở có thể giúp giảm bớt vấn đề nhà ở này ở một mức độ nào đó. Ở Trung Quốc, các chủ đầu tư xây dựng và cung cấp các căn hộ ở thống nhất theo cùng một tiêu chuẩn, đặc biệt là về cách bố trí trên các tầng khác nhau trong một tòa nhà. Trong tình hình này, tính linh hoạt của nhà ở giúp tạo ra sự đa dạng trong cuộc sống và khả năng thích ứng và là nền tảng quan trọng để đáp ứng nhu cầu thay đổi năng động của xã hội. Mục đích chính của sự linh hoạt về nhà ở là tìm ra sự cân bằng thích ứng giữa cấu trúc gia đình, điều kiện kinh tế, lối sống, đổi mới công nghệ và các yếu tố khác.”

Cuộc khảo sát bắt đầu vào mùa đông năm 2019; trong 3 tháng thực hiện, tổng cộng 500 bảng câu hỏi đã được phát và 439 mẫu trả lời hợp lệ đã được chọn, bao gồm các khu vực khác nhau, bao gồm Đông, Nam, Bắc, Tây Bắc và Tây Nam Trung Quốc. Có 57 người trả lời cho biết họ đã trải qua 2 lần cải tạo trở lên và hơn một nửa trong số này cho biết rằng lần cải tạo gần đây nhất được thực hiện để cải thiện môi trường sống của họ sau khi điều kiện kinh tế được cải thiện. Ngoài ra, thời gian trung bình giữa hai lần cải tạo là 5,8 năm, là khoảng thời gian tương đối ngắn đối với những thay đổi trong nhu cầu sử dụng của một gia đình.

Về mặt bố trí chức năng, gần một nửa số người được hỏi (46,3%) đã thực hiện một số thay đổi, liên quan đến nhiều chức năng. Trong đó, phòng khách là vị trí thay đổi thường xuyên nhất, chiếm 53,2%, tiếp theo là phòng ngủ (44,9%), trong khi tỷ lệ thay đổi ở ban công, bếp và phòng ăn gần như giống nhau (khoảng 38%), hầu hết đều chọn cách bố trí phòng tắm ban đầu. Về số lượng phòng, 75,4% số hộ không có sự thay đổi nào, (nguyên nhân chủ yếu do cách bố trí cơ cấu, một số hệ thống kết cấu nhà ở hạn chế khả năng điều chỉnh số phòng, đặc biệt là kết cấu tường gạch và bê tông). 84 mẫu còn lại (24,6%) cho biết đã thực hiện các điều chỉnh ở các mức độ khác nhau.

Đối với kỳ vọng của người dân về tính linh hoạt trong các thành phần cải tạo cụ thể trong 4 lĩnh vực là: Bố trí chức năng, thiết bị và đường ống, đồ nội thất và kho, trang trí và chi tiết. Phân tích thống kê cho thấy yêu cầu về tính linh hoạt tương đối cao. Đối với cả bốn lĩnh vực, 26,8% số người được hỏi trả lời là “rất mong muốn”, 50,1% “mong muốn”, 4,7% “không mong muốn” và dưới 1% “rất không mong muốn”. Nhu cầu linh hoạt trong bố trí công năng thấp nhất so với 3 khu vực còn lại, trong khi yêu cầu linh hoạt trong khâu hoàn thiện nội thất lại cao nhất. Nguyên nhân chính là do tính linh hoạt của đồ nội thất và các chi tiết trang trí có tính trực quan và dễ nhận thấy hơn, trong khi việc điều chỉnh công năng, đường ống lại cần có kiến thức liên quan và phụ thuộc vào sự tương thích của hệ thống kỹ thuật, cơ cấu không gian và kết cấu trong thiết kế ban đầu. Sự phân bổ kỳ vọng của người dân đối với từng tiểu mục được thể hiện trong hình sau.

Kỳ vọng của người dân về tính linh hoạt trong các thành phần cải tạo cụ thể: Bố trí chức năng, thiết bị và đường ống, đồ nội thất và kho, trang trí và chi tiết

Kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu cao của người dân về nhà ở linh hoạt thông qua các khía cạnh bố trí công năng sử dụng, hệ thống kỹ thuật, thiết kế nội thất. Giai đoạn thiết kế cần được nghiên cứu một cách tổng thể để có thể cung cấp cho người sử dụng những tùy biến thay đổi không gian căn hộ linh hoạt đáp ứng các nhu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng. Đặc biệt các vấn đề liên quan đến thay đổi cơ cấu không gian chức năng, hệ thống kỹ thuật trong căn hộ.

Xu hướng tiên phong về thiết kế nhà ở linh hoạt trong thế kỷ 20

Từ những thập niên đầu thế kỷ 20, cùng với sự ra đời của Kiến trúc hiện đại theo chủ nghĩa công năng, kiến trúc nhà ở đã bắt đầu bước sang một trang mới, phản ánh những quan điểm tiên phong về thiết kế nhà ở phù hợp với cuộc sống và xã hội công nghiệp. Một trong những thuộc tính quan trọng nhất trong kiến trúc nhà ở là tính linh hoạt đã được các KTS hàng đầu quan tâm và đề xướng trong các tác phẩm của mình và có giá trị như những tuyên ngôn về quan điểm thiết kế.

Vào những năm 1920, KTS Le Corbusier trong cuốn sách “Hướng tới một Kiến trúc” , đã có một quan điểm nổi tiếng “Ngôi nhà là một cỗ máy để ở”. Nó phản ánh tầm nhìn theo Chủ nghĩa Công năng của ông về tương lai của thiết kế nhà ở: “Một hệ thống xây dựng có thể ghép lại theo vô số sự kết hợp của các kế hoạch” để cho phép “Xây dựng các bức tường ngăn ở bất kỳ điểm nào trên mặt tiền hoặc bên trong” (hình 3).

Nhà (Maison) Dom-Ino của Le Corbusier – Kiến trúc hiện đại tiên phong cho xu hướng thiết kế linh hoạt

Công trình Nhà 14 và 15 Weissenhof-Siedlung, Stuttgart là ngôi nhà có cấu trúc bê tông cốt thép, thể hiện những phẩm chất trong tuyên ngôn Năm điểm của Le Corbusier: Pilotis (sử dụng cột để nâng tòa nhà lên trên mặt đất), khu vườn trên mái, mặt bằng tự do, cửa sổ dài và mặt tiền tự do. Một cải tiến quan trọng của tòa nhà là không gian sống là không gian mở có thể biến đổi, có thể ngăn chia thành nhiều phòng ngủ bằng vách ngăn trượt; tương tự, giường sẽ trượt ra khỏi tủ âm tường lớn. Do Chiến tranh thế giới thứ hai, Weissenhof-Siedlung rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngày nay, sau những nỗ lực phục hồi mạnh mẽ, Ngôi nhà 14 và 15 đã trở thành một bảo tàng công cộng để du khách tìm hiểu về quá trình phát triển và tham quan không gian nội thất đúng như thiết kế ban đầu.

Công trình Nhà 14 và 15 Weissenhof-Siedlung, Stuttgart do Le Corbusier + Pierre Jeanneret thiết kế – Một biểu hiện ban đầu cho tầm nhìn mang tính cách mạng của ông về tương lai của kiến trúc. (Nguồn: Bau und wohnung)

Công trình Ngôi nhà Rietveld Schröder (1924) ở Utrecht, Hà Lan do KTS Rietveld cùng với chủ nhà Truus Schröder lên ý tưởng thiết kế là một công trình mang phong cách kiến trúc hiện đại tiên phong với khả năng ngăn chia linh hoạt không gian thành các công năng khác nhau theo nhu cầu sử dụng. Ngôi nhà Rietveld Schröder ngày nay là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận .

Tầng trên của Nhà Schröder, bởi Gerrit Rietveld và Truus Schröder (Utrecht, 1924), với các vách ngăn được mở ra (ở trên) và gấp lại (ở dưới).
(Nguồn: Martín Hernández, Manuel. Ngôi nhà và kiến trúc hiện đại)

Dự án nhà ở Weissenhofsiedlung’ được xây dựng vào năm 1927, được thiết kế bởi Ludwig Mies van der Rohe một trong những bậc thầy thực sự của kiến trúc Hiện đại. Nằm trong triển lãm xây dựng “Die Wohnung”, TP Stuttgart với mục đích được tuyên bố là xây dựng các tòa nhà sáng tạo cho cuộc sống lành mạnh và tiện dụng trong tương lai, tòa nhà chung cư mà ông thiết kế xây dựng tại Weissenhof được nhìn nhận như một tác phẩm hàng đầu của Kiến trúc linh hoạt. Mies đã từ bỏ hoàn toàn quyền kiểm soát không gian riêng tư và để lại quyền quyết định cho nhu cầu của chủ sở hữu. Thiết kế lắp đặt các vách ngăn có thể di chuyển được, cho phép người dân định hình các phòng và không gian theo ý muốn, thể hiện quan điểm của ông: “Tôi dự định thử nghiệm những phương án đa dạng nhất trong căn hộ chung cư này. Hiện tại tôi chỉ xây tường ngoài và tường chung, bên trong mỗi căn hộ chỉ có hai trụ đỡ trần. Tất cả những gì còn lại là sự tự do nhất có thể.” 

Nhà ở ở Stuttgart. KTS Mies van der Rohe, (1927). Tất cả các căn hộ có cấu trúc không gian khác nhau để thể hiện các khả năng linh hoạt của sơ đồ mặt bằng. (Nguồn: Bau und wohnung)

Mặc dù các KTS khác ở Weissenhof được giao nhiệm vụ lắp đặt đồ nội thất trong nhà của họ nhưng Mies chỉ thiết kế hai khu vực trong kế hoạch tự do của mình, một lần nữa gợi ý cho người xem về khả năng biến hóa không gian nội thất linh hoạt tùy theo sự lựa chọn của người sử dụng. Đối với Mies, đó là một sự khám phá. Bên cạnh việc sở hữu tính hợp lý về mặt xây dựng như mong muốn, nó còn mang lại “Sự tự do hoàn toàn để phân chia không gian bên trong”.

Nhận xét

Về nhà ở, thì căn hộ chung cư là một loại hình nhà ở đặc biệt mang tính điển hình, được thiết kế theo các tiêu chuẩn cho các mô hình gia đình có nhân khẩu khác nhau. Đó là dạng nhà ở thương mại xây dựng trong các dự án phát triển đô thị. Các không gian cơ bản của căn hộ được bố trí theo một công thức chung gồm 3 nhóm: không gian chung gồm tiền phòng, phòng sinh hoạt – tiếp khách – ăn uống (có thể gồm cả bếp); không gian riêng tư gồm có phòng ngủ; không gian phụ trợ gồm có bếp, hành lang, lô gia, khu vệ sinh. Cấu trúc các căn hộ về nguyên tắc đều lấy không gian chung (không gian mở) làm hạt nhân và cũng là nút giao thông để đi lại tiếp cận các không gian khác. Số lượng phòng ngủ tùy theo quy mô căn hộ thông thường có từ 1- 4 phòng. Đây là dạng căn hộ thương mại có thể đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của một gia đình và được thiết kế dạng điển hình trong một tòa nhà hoặc một dự án.

Tuy nhiên, trong sự vận động, phát triển liên tục của đời sống xã hội, của công nghệ kỹ thuật cũng như các nhu cầu nội tại của một gia đình, những căn hộ được thiết kế tiêu chuẩn không đáp ứng được những thay đổi đó.

Thực tế nêu trên được phản ánh rõ nét qua tình trạng người mua nhà phải thiết kế cải tạo căn hộ ngay khi mới nhận bàn giao nhà, hoặc trong suốt thời gian sử dụng. Khi các hộ gia đình có thay đổi về nhân khẩu hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng họ buộc phải chuyển sang chỗ ở khác phù hợp hơn do việc cải tạo, thay đổi, dịch chuyển không gian hầu như không thực hiện được vì thiết kế ban đầu của căn hộ không thích ứng cho việc thay đổi cấu trúc. Mặt khác, với các thiết kế căn hộ điển hình, chưa tính đến các khả năng thay đổi không gian linh hoạt của căn hộ, ngăn chia không gian bằng kết cấu tường vách xây cố định…việc cải tạo căn hộ gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của cộng đồng, ảnh hưởng đến vệ sinh, môi trường của khu nhà, tốn kém thời gian, tiền bạc do chi phí phá dỡ, vận chuyển phế thải và vật liệu xây dựng. Do đó cần có những nghiên cứu mang tính tổng thể trong giai đoạn thiết kế để không gian căn hộ có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng đa năng cũng như khả năng chuyển đổi cấu trúc linh hoạt trong suốt vòng đời sử dụng.

KTS Nguyễn Như Hoàng
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 1-2024)


Tài liệu tham khảo
1/ Groák, Steven, The idea of building: Thought and action in the design and production of buildings. 1992: E & FN Spon, London Schneider,
2/ Hassan Estaji, A Review of Flexibility and Adaptability in Housing Design. 2017: International Journal of Contemporary Architecture “The New ARC”.
3/ https://weissenhofmuseum.de/siedlung/
4/ Martín Hernández, Manuel. House and architecture modern. 2014: Barcelona: Reverté
5/ Paula Femenias, Faustine Geromel, Adaptable housing? A quantitative study of contemporary apartment layouts that have been rearranged by end users. 2018: Published online
6/ Guopeng Li, Zhubin Li, Yanbing Li, Open building as a design method for adaptability in Chinese public housing. 2019: World Journal of Engineering and Technology
7/ Young-Ju Kim, A Design Strategy for Flexible Space, 2008: Massachusetts Institute of Technology.