Những điều làm nên kỳ tích của bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn (Vũ Hán – Trung Quốc)

Bệnh viện Hỏa Thần Sơn là bệnh viện dã chiến của quân y Trung Quốc ở Vũ Hán để điều trị bệnh nhân virus corona đã đón bệnh nhân đầu tiên ngày 4/2/2020 sau 10 ngày xây dựng.

Theo một cách lý giải, tên gọi “Hỏa Thần Sơn” có liên quan tới nguyên tố “hỏa” (lửa) trong thuyết ngũ hành của Trung Quốc. Trong mối quan hệ tương khắc thì hỏa khắc kim (lửa có thể nung nóng, làm tan chảy kim loại). Bên cạnh đó, theo đông y, phổi là cơ quan cũng mang yếu tố kim. Do đó, tên gọi “Hỏa Thần Sơn” ngụ ý rằng lửa sẽ tiêu diệt được chủng virus corona mới đang tấn công phổi.

Bệnh viện Hỏa Thần Sơn có quy mô 1.000 giường bệnh, rộng 25.000 m2 và đi vào hoạt động ngày 3/2. Quân đội Trung Quốc cử 1.400 nhân viên quân y tới bệnh viện Hỏa Thần Sơn – đợt điều động lớn nhất của lực lượng quân y Trung Quốc kể từ trận động đất kinh hoàng ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam nước này, vào tháng 5/2018.

Có hàng nghìn công nhân vận hành 800 thiết bị để chạy đua với thời gian, làm nhiều ca để hoàn tất bệnh viện.

Bệnh viện nằm cách xa trung tâm thành phố, có đủ tuyến đường giao thông, và có sẵn một số dịch vụ như hệ thống nhà ăn, ký túc xá. Bệnh viện Hỏa Thần Sơn bao gồm một khu chăm sóc đặc biệt, phòng bệnh nhân, phòng tư vấn, phòng thiết bị y tế và nhiều hơn nữa. Các phòng kiểm dịch riêng biệt được xây dựng để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm chéo, theo Đài truyền hình trung ương nhà nước Trung Quốc.

 

Giống như bệnh viện Tiểu Thang Sơn ở Bắc Kinh, Bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn được tạo ra từ các khối nhà đúc sẵn.

Bệnh viện là các tòa nhà hai tầng gồm các phòng cỡ như container đúc sẵn, theo trang web của China State Engineering Corp. Video và hình ảnh xây dựng tại địa điểm Hỏa Thần Sơn bắt đầu xuất hiện trực tuyến vào ngày 24/1/2020, cho thấy hàng chục máy xúc, máy ủi và các thiết bị làm đất khác đang gấp rút san bằng mặt đất. Các công ty xây dựng sau đó đã đặt một số lớp cốt thép và sau đó đổ bê tông. Các dãy phòng của bệnh viện được đặt trên các trụ nằm dọc để giữ cho chúng khỏi mặt đất để ngăn chặn ô nhiễm và có không gian để chạy các đường ống. Các phòng bệnh được làm bằng các tấm vật liệu phẳng ghép lại với nhau.

Mỗi phòng rộng khoảng 100 feet vuông (khoảng 9,2m2) và có thể chứa hai chiếc giường, theo tờ People’sDaily. Các phòng được giảm áp nên không khí bị hút vào các phòng – một thông lệ trong các bệnh viện để ngăn chặn các vi sinh vật trong không khí lan ra khỏi phòng và vào hành lang, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Trang thiết bị bên trong một phòng bệnh

Xiao Wei, Phó giám đốc Viện Thiết kế và Nghiên cứu Kiến trúc Tổng hợp CITIC và điều phối viên của nhóm hỗ trợ kỹ thuật xây dựng bệnh viện dã chiến nói rằng họ đã nhận được yêu cầu thiết kế các bệnh viện tương tự từ một số quốc gia và có thể hợp tác với những nước này về một số dự án phòng dịch. Ông nói “Chúng tôi sẵn sàng tham gia vào những dự án này và chia sẻ kinh nghiệm cũng như các thiết kế với thế giới”.

Theo Xiao, các bản vẽ và hồ sơ thiết kế gốc của Bệnh viện Hỏa Thần Sơn sẵn sàng được chia sẻ với công chúng để tránh việc các công ty không trung thực sử dụng hồ sơ giả mạo lừa gạt khách hàng. Ông cũng nói rằng các hồ sơ gốc cũng chứng minh rằng một số phương tiện truyền thông đã nói sai về việc bệnh viện này do các nhà thiết kế Nhật Bản thiết kế.Mặc dù các nguồn dữ liệu và kinh nghiệm của Trung Quốc được chia sẻ rộng rãi với thế giới, các tiêu chuẩn xây dựng bệnh viện ở mỗi quốc gia là khác nhau và việc xây dựng thành công một bệnh viện trong vòng 10 ngày khó có thể đảm bảo thành công 100%.

Tiêu chuẩn xây dựng bệnh viện chữa các bệnh truyền nhiễm, từ kết cấu, vật liệu, trang thiết bị cho đến nhiều yếu tố nữa là khác nhau giữa các nước. Dù cho chúng ta đã có thiết kế sẵn, các nước khác vẫn cần thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của nước mình”.

Viện Thiết kế và Nghiên cứu Kiến trúc Tổng hợp CITIC cũng giúp thiết kế một số bệnh viện lắp ghép và hoàn thiện tiêu chuẩn thiết kế phù hợp cho loại bệnh viện này. Các bệnh viện lắp ghép giữ vai trò quan trọng việc đối đầu với sự bùng phát của Covid-19, phải đạt được mục tiêu mà các nhà thiết kế gọi là “năm 0”: 0 bệnh nhân chết, 0 cán bộ y tế bị truyền nhiễm, 0 tái phát sau điều trị, 0 tai nạn về an toàn và 0 có sự phàn nàn của người sử dụng.
Bệnh viên Hỏa Thần Sơn được xây dựng dựa trên thiết kế của Bệnh viện Tiểu Thang Sơn ở Bắc Kinh năm 2003 với một số sửa đổi và hoàn thiện để phù hợp với địa điểm và khí hậu ở Vũ Hán, với tốc độ xây dựng, công nghệ 5G, hệ thống thông gió và các tiêu chuẩn cách ly để bảo vệ nhân viên y tế cũng như bệnh nhân.

Khu đất xây dựng bệnh viện gần một cái hồ, nên nhóm thiết kế đã thêm vào một màng chống thấm để cách ly toàn bộ bệnh viện với môi trường xung quanh, đảm bảo rằng không có bất cứ rác thải y tế nào được thải ra hồ hoặc đất.

Bệnh viện cũng bao gồm vùng phủ sóng 5G và băng thông rộng có dây, được sử dụng để kết nối với một nền tảng tư vấn từ xa được thiết lập để các bác sĩ có kinh nghiệm ở các tỉnh khác trên khắp Trung Quốc có thể tiến hành tư vấn từ xa với bệnh nhân ở Vũ Hán. Ông nói thêm rằng việc truyền hình trực tiếp quá trình xây dựng bệnh viện với hàng triệu người xem Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc động viên các công nhân viên hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này.

“Thật không thể tin được khi thấy hàng triệu người đang giám sát trực tuyến công việc của bạn. Một số đề xuất từ cư dân mạng Trung Quốc là tốt, nhưng do hạn chế về thời gian, chúng tôi không thể thực hiện tất cả các đề xuất của họ.”

Theo Xiao, thách thức lớn nhất mà họ gặp phải khi xây dựng Bệnh viện Hỏa Thần Sơn là thời gian. Thông thường, phải mất gần một năm để thiết kế một bệnh viện do khối lượng lớn nghiên cứu cần thiết.

Tuy nhiên, tình trạng siêu khẩn cấp lần này không cho phép họ tuân theo phương pháp thiết kế thông thường. Họ chỉ có 60 giờ để vẽ các bản thiết kế cho Bệnh viện Hỏa Thần Sơn và ngay lập tức thực hiện các điều chỉnh khi tìm hiểu thêm về khu đất xây dựng.

Nhóm thiết kế được chia thành hai phần: Một phần dành riêng cho thiết kế và phần còn lại để hợp tác với công nhân tại công trường. Các thành viên của cả hai đội là những nhà thiết kế và kỹ sư hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau bao gồm cả cấp nước và sưởi ấm. Kinh nghiệm và kiến thức cho phép họ hợp tác và nhanh chóng đưa ra quyết định về những vấn đề có thể được giải quyết ngay tại chỗ. Họ cũng chia sẻ kinh nghiệm liên quan với đội ngũ phụ trách xây dựng Bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn, bệnh viện được xây dựng ngay tiếp sau Hỏa Thần Sơn.

Nhóm thiết kế làm việc tại công trường xây dựng bệnh viện Hỏa Thần Sơn

Xiao cho biết ông rất ấn tượng về cách các công ty gánh vác trách nhiệm của họ trong cuộc khủng hoảng này. Họ đã đóng góp tất cả các nguồn lực tốt nhất như thiết bị y tế, máy truyền hình, điều hòa không khí và đưa đến bệnh viện đúng giờ, điều này giúp cho việc hoàn thiện bệnh viện vô cùng hiệu quả.

“Xây dựng Bệnh viện Hỏa Thần Sơn chỉ trong 10 ngày là một thành tựu độc nhất vô nhị trên thế giới. Nó cho thấy khả năng xây dựng được cải thiện cao của Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc có khả năng rất mạnh về hậu cần, điều mà các nước khác khó có thể lặp lại“, ông nói.

Xiao nói rằng dự án cho phép anh cảm nhận được tinh thần của người dân Trung Quốc. Ông cho rằng bệnh viện nên được chuyển đổi thành một trung tâm triển lãm hoặc một bảo tàng để những người khác cũng có thể cảm nhận về tinh thần này “Có thể là một ý hay khi biến Bệnh viện Hỏa Thần Sơn thành một bảo tàng để cho thấy những câu chuyện đã xảy ra ở đó và thể hiện tinh thần của người dân Trung Quốc rằng họ có thể đoàn kết để chiến đấu chống lại coronavirus đang lan tràn.

Ông nhấn mạnh rằng mình rất cảm động trước các nhà thiết kế nữ đã làm việc cật lực, không lo sợ khả năng bị nhiễm bệnh mà đến tận công trường. Ông lưu ý rằng khoảng 40% – 50% các nhà thiết kế tham gia thiết kế các bệnh viện cấp cứu như Bệnh viện Hỏa Thần Sơn và các bệnh viện lắp ghép khác là nữ.

Ông cũng cảm động bởi những công nhân đã dành nhiều ngày đêm để xây dựng bệnh viện trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và tinh thần trách nhiệm của những doanh nghiệp nhà nước lớn đã tự nguyện tham gia. “Công nhân là những người tuyệt vời. Tôi nghĩ điều rất quan trọng là một người bình thường có thể đứng lên và đề nghị giúp đỡ vào thời điểm đặc biệt như thế này. Đây là tinh thần Trung Quốc và chúng tôi đã sử dụng tinh thần đó để làm nên một phép màu toàn cầu.”

Nhi Lê dịch và tổng hợp từ Global Times và Reference.vn
© Tạp chí Kiến trúc

Mời tham gia Chuyên đề: “Thiết kế Bệnh viện: Bài toán nhiều lời giải cho kiến trúc hiện đại”
Trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19 kể từ đầu năm 2020 đến nay, y tế trở thành vấn đề cấp thiết nhất đối với toàn xã hội. Tuy nhiên, có thể thấy về cơ bản, kiến trúc bệnh viện ở Việt Nam hiện nay còn một tỷ lệ không nhỏ chưa giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa không gian kiến trúc với quy trình khám chữa bệnh và công nghệ y tế hiện đại. Để góp phần nghiên cứu, lý giải những bài toán khó trong thiết kế kiến trúc bệnh viện hiện đại, Tạp chí Kiến trúc tổ chức Chuyên đề: “Thiết kế Bệnh viện: Bài toán nhiều lời giải cho kiến trúc hiện đại”. Trân trọng kính mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ bài viết cho số chuyên đề đặc biệt này. Chi tiết tham gia xem tại: Link