1. Căn hộ cạnh nhà tôi đang ở là của một cặp vợ chồng cán bộ nhiều tuổi đã nghỉ hưu, con cái thì ở nơi khác. Từ mấy năm nay họ cũng không ở đấy nữa mà cho thuê. Người thuê ít thì một vài tháng, người thuê lâu hơn tới cả năm. Điều đáng nói là tất cả những người tới thuê căn hộ của hàng xóm của tôi ở khu chung cư cũ này đều là những cặp vợ chồng trẻ, gia đình trẻ. Năm ngoái, khi nói chuyện làm quen với một cặp vợ chồng trẻ mới tới thuê, tôi được biết nhà họ ở… ngay gần đây, và trước khi thuê là ở cùng bố mẹ. Khi được hỏi tại sao lại thuê nhà mà không ở chung tiếp, họ trả lời rằng ở riêng cho thoải mái, tự do; nhưng vẫn muốn ở gần để còn qua lại thăm hỏi cho tình cảm và cũng cần sự hỗ trợ nhất định của ông bà dành cho cháu nhỏ mỗi khi bận bịu hay trái gió trở trời. Một thời gian lâu lâu, họ lại chuyển đi… Sau đó vài hôm, tôi thấy người hàng xóm già quay trở lại, dẫn theo mấy người thợ; căn hộ được sửa chữa, cải tạo trong khoảng 2 tuần, đẹp hơn nhiều. Và tiếp theo là một gia đình trẻ khác dọn tới ở ngay sau khi việc sửa chữa hoàn tất, như thể đã có sự thỏa thuận từ trước. Tôi không hỏi nhưng đoán rằng, họ có nhu cầu thuê nhưng không ưng hiện trạng của căn hộ một số điểm, yêu cầu cải tạo; và chủ nhà buộc phải đồng ý và bản thân chủ nhà cũng muốn chủ động làm việc này để kiểm soát chất lượng của chính nhà mình. Hoặc cũng có thể chủ nhà tự nhận thấy để có khách thuê tốt hơn, giá cao hơn đã chủ động cải tạo, sửa chữa cho căn hộ tiện nghi hơn, đẹp hơn.
Khu chung cư cũ nơi tôi đang ở, hiện có khá nhiều người thuê nhà. Họ đa phần là người trẻ, có công việc ổn định, thu nhập ổn định. Có người thuê ngắn rồi đi, có người thuê đã rất lâu – trở thành “cư dân” của khu nhà. Cuộc sống vội vàng gấp gáp, tôi cũng không có ý tìm hiểu quá sâu vào cuộc sống riêng của người khác. Mỗi buổi sáng gặp ở cầu thang gật đầu chào nhau là thấy vui rồi !
2. Năm ngoái, tôi có làm một công trình cho một khách hàng cũ. Chuyện là hai vợ chồng anh được bố mẹ vợ “chuyển nhượng” cho ngôi nhà mà ông bà đang ở. Anh chị đang ở nhà riêng rồi. Căn nhà bố mẹ cho khóa bỏ không một thời gian, chẳng làm gì, chỉ thi thoảng sang thắp hương. Anh thấy tiếc, và vì nhà bố mẹ cho nên không muốn, không thể bán. Anh gọi tôi tới, khảo sát và cùng trao đổi phương án đầu tư, trước khi làm phương án kiến trúc. Qua đánh giá sơ bộ hiện trạng, tôi tư vấn và phân tích cho anh, anh quyết định làm căn hộ cho thuê; với mức độ đầu tư khá tiện nghi, tất nhiên cùng kiến trúc – nội thất chất lượng cao. Anh có tính toán và nhắm tới một số đối tượng khách hàng. Việc cải tạo kiến trúc khá phức tạp với mặt bằng cũ là một nhà phố bình thường, nay thành căn hộ cho thuê – mỗi tầng một hộ độc lập. Trong suốt quá trình thi công, nhiều lần anh tâm sự với tôi là rất lo vì tình hình bất động sản trầm lắng, dư thừa, nhà cửa đang ế mà mình lại đâm đầu vào đầu tư xây dựng, không biết làm xong có khách hay không? Công trình xong trước Tết chừng 3 tháng. Ngày nọ anh gọi điện cho tôi hồ hởi khoe: Cho thuê hết rồi em ạ! Tranh nhau thuê! Đến xem và ký hợp đồng đặt tiền luôn lúc còn đang sơn bả. Tôi nghe và thấy vui lây, thật vui!
Bất động sản có đóng băng, kinh tế có suy thoái thì nhu cầu thuê nhà vẫn là một nhu cầu rất lớn. Quan niệm về ngôi nhà và nơi cư trú đã khác xưa nhiều. Người thuê nhà có quyền bình đẳng, có tư thế đàng hoàng, chứ không phải là người ở nhờ, ngụ cư. Thậm chí, nhiều khách hàng thuê nhà rất khó tính, đòi hỏi rất cao. Họ biết cách sử dụng đồng tiền bỏ ra và biết tận hưởng giá trị của kiến trúc mang lại. Họ sống trong một cuộc sống hiện đại và cần sự tiện nghi hiện đại, điều đó là lẽ đương nhiên. Nhiều người cần có một ngôi nhà, một căn hộ, một không gian sống hiện đại đúng nghĩa, để đáp ứng nhu cầu sinh sống và làm việc chứ không phải nơi ở tạm hay chui ra chui vào. Do yêu cầu công việc, do dòng chảy xã hội, do tính chất lao động mà sự chuyển dịch con người kéo theo sự chuyển dịch của những ngôi nhà. Những ngôi nhà đã đi theo con người trên những nẻo đường…
3. Tôi có nhiều người bạn ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc nam tiến vô Sài Gòn. Người thì chủ động vào tìm kiếm công việc, môi trường hành nghề, bởi được nghe nói “ở trỏng” làm ăn dễ hơn; người thì theo yêu cầu công tác, đi biệt phái; người theo chồng/vợ; người lại theo chủ nghĩa xê dịch, thích nay đây mai đó… Nhưng có một sự thật rằng hầu hết ai vào trong ấy cũng… chẳng muốn ra, dù luôn mồm kêu… nhớ bắc. Họ đã quen thuộc và gắn bó với Sài Gòn. Có vẻ như mảnh đất Sài Gòn đúng là nơi hiếu khách và dễ hòa nhập. Mấy năm trước ngồi café với nhau trong những chuyến ra bắc ăn Tết, còn nghe chuyện ở trọ chỗ này chỗ kia, rồi ở chung mấy đứa cùng nhau. Vừa rồi hỏi thăm điểm lại, hầu như ai cũng có một nơi rất tử tế. Nhiều người xác định ở luôn trong đấy nên đã mua hẳn nhà; số khác thì thuê nhà, căn hộ đàng hoàng, không còn ở trọ kiểu… sinh viên nữa. Nhiều người khi đi thì một mình, rồi thành đôi thành lứa với người trong đó. Một người bạn Hà Nội công tác ở Sài Gòn cũng lâu rồi, đang có dấu hiệu trở thành người Sài Gòn, hôm rồi gửi (qua mạng) cho tôi xem mấy tấm ảnh chụp ở căn hộ bạn thuê; thì tôi thấy nhà bạn đang thuê được bạn đầu tư, chăm sóc không kém ngôi nhà sở hữu.
Tôi có một anh bạn khác học cùng phổ thông, hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội – ấy là nói về phương diện hành chính – quanh năm đi công tác. Anh bảo: một tháng 30 ngày thì tới 20 ngày không ở nhà. Công việc anh phụ trách hệ thống chi nhánh các địa phương nên phải đi khắp các tỉnh thành. Nơi anh ở nhiều nhất là… khách sạn và đi máy bay nhiều hơn đi đường bộ. Điểm anh phải tới nhiều nhất và lưu trú lâu nhất là Sài Gòn. Bữa nọ anh bảo: Có khi thuê dài hạn một căn hộ trong ấy kinh tế và chủ động hơn là mỗi lần vào lại tới khách sạn. Điều đó không phải là không có lý !
4. Thông thường, ai cũng mơ ước về một ngôi nhà – tổ ấm của riêng mình, một nơi để sáng tiễn ta đi, chiều đón ta về. Nhưng cũng không hẳn là ở mãi một nơi, đi mãi một con đường đã là hạnh phúc. Cuộc sống thì luôn có nhiều chiều và cuộc đời có nhiều nẻo đường; và có những nẻo đường đến với ta không định trước. Với một cuộc sống hiện đại trong một thế giới phẳng cùng internet “phủ sóng” toàn cầu, thì ngôi nhà nhiều khi cũng đi theo ta trên những nẻo đường, dù muốn hay không; như một nhà thơ đã nói “Cái vi-la phải dồn trong cái va-li” . Ngôi nhà – vẫn thường được gọi là bất động sản, lại trở nên một khái niệm “động”, không còn tĩnh tại và có tính tương đối. Những cư dân “di động” ngày càng nhiều hơn, và họ di động liên tục theo đúng nghĩa đen. Nhiều khi mới sáng ngồi uống café với nhau, chiều gọi điện đã bảo cách tới cả ngàn cây số, hay đã ra ngoài biên giới quốc gia. Điều đó bây giờ là quá đỗi bình thường!
Trước kia, thật khó tưởng tượng ra nổi nếu làm việc mà phải rời phòng làm việc và không có giấy bút; thế nhưng giờ đây, ở bất cứ đâu, với một chiếc laptop, một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh là có cả một văn phòng kiêm thư viện; cùng việc kết nối internet người ta có thể đi khắp thế giới và dễ dàng “gặp” nhau. Tất nhiên, ngôi nhà theo đúng nghĩa không thể xách theo như laptop hay điện thoại được; nhưng ngôi nhà – không gian sống thì đã và đang đi theo các cư dân di động trên khắp các nẻo đường. Những thói quen, những nhu cầu của cuộc sống và cả những nét văn hóa cũng theo đó mà lan tỏa…
Những ngôi nhà và những nẻo đường, những sự chuyển dịch ấy – chắc chắn nó không phải quan niệm “Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”; mà nó đã mang một hơi thở, tâm thế của thời đại khác.
KTS Nguyễn Trần Đức Anh
© Tạp chí kiến trúc