Bằng con đường thâm nhập hòa bình(2), và quan trọng hơn cả là sự phù hợp với văn hóa bản địa, văn hóa Ấn Độ đã được người Chăm tiếp nhận và nhanh chóng ảnh hưởng đến hầu hết các phương diện về văn hóa vật chất và tinh thần của vương quốc cổ này. Dấu ấn văn hóa Ấn Độ được thể hiện trên các lĩnh vực, từ: Ngôn ngữ, chữ viết, văn học, nghệ thuật, phong tục đến thể chế chính trị và đặc biệt là tôn giáo như Hindu giáo, Phật giáo và Hồi giáo.
Không như các tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo… đều có người sáng lập; đạo Hindu là sự tổng hợp các hệ thống tôn giáo – tín ngưỡng – triết học và đã được hình thành và hoàn thiện dần theo suốt chiều dài lịch sử của Ấn Độ. Với tư tưởng triết lý tôn sùng sự tích, công đức của các vị thần có nguồn gốc gắn liền với các hiện tượng tự nhiên và xã hội, người Ấn rất sùng thượng, cầu nguyện và hiến tế để được thần linh ban ơn huệ cho họ: “Họ cầu khẩn, hiến tế không chỉ do sự mê tín mà chính là do lòng tin thuần thành, niềm say mê cuộc sống tự nhiên và sự khẳng định sự tồn tại, lẽ sống của mình” [2, tr. 21].
Do ảnh hưởng tư tưởng triết lý Ấn Độ và sự sùng thượng tín ngưỡng bản địa, ngay từ thời kỳ đầu lập quốc, nhằm cầu mong sự phồn thịnh cho vương quốc và củng cố vương quyền, vương triều Champa đã cho xây dựng thánh đường thờ các vị thần bảo hộ. Đó chính là nguyên nhân cơ bản khi du nhập vào Champa, ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ là cơ sở quan trọng để cho ra đời thánh địa tôn giáo ở Mỹ Sơn, gồm quần thể kiến trúc các đền thờ mà Siva là vị thần được tôn sùng và đề cao nhất.
Nhưng vì sao vị vua Champa đầu tiên là Bhadravarman lại chọn thung lũng Mỹ Sơn làm đất thiêng để xây dựng Thánh địa thờ phụng đấng thần-vua Bhadresvara(3) mà không chọn một nơi khác?
Mỹ Sơn là tên gọi của một làng thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; nơi có Thánh địa tôn giáo linh thiêng của vương quốc cổ Champa. “Tên làng cũng được đặt tên cho thung lũng chứa quần thể kiến trúc đền tháp được Camille Paris phát hiện năm 1898” [4].
Nằm trong một thung lũng khép kín, hiểm trở; địa thế này rất phù hợp với yêu cầu của giáo lý Ấn Độ giáo. Bởi tư tưởng của Ấn Độ giáo cho rằng không gian thần linh là không gian thiêng, và con người có thể đạt đến thần linh bằng con đường sùng tín với thần linh. Để thăng hoa linh hồn tinh khiết của mình đạt đến chỗ hòa nhập vào linh hồn tối thượng, thì con người phải “…trải qua một quá trình tu luyện công phu gạt bỏ những dục vọng trong lòng, những đòi hỏi lạc thú của thân xác, giác quan…để tìm được sự hòa nhập với Bản ngã tối thượng đó” [3, tr.151]. Tư tưởng chính của tôn giáo Ấn là thoát tục nên họ cần nơi có không gian yên tĩnh để thực hiện phép thiền định, họ xa rời đời thường, vào sống trong rừng sâu, ngồi dưới bóng cây hoặc trên đá, tách biệt khỏi mọi việc đời, tập trung tâm trí suy nghiệm chân lý. Do chịu ảnh hưởng của tư duy Ấn Độ giáo, người Chăm cũng quan niệm đi tu là hành hương, là đi vào miền núi rừng u tịch, và không gian Mỹ Sơn đã đáp ứng được yêu cầu đó của các tín đồ Bàlamôn giáo.
Theo kinh Brhat Samhita của Ấn Độ giáo: “Chư thần thường vui đùa ở những vườn cây gần sông, núi, suối nguồn…” [8]. Hơn nữa, dòng Sông Thiêng cũng tượng trưng cho nữ thần Ganga, vợ của thần Siva. Ở Thánh địa Mỹ Sơn, dòng suối Khe Thẻ khởi nguồn từ ngọn núi thiêng (Mahaparvata) đổ xuống thung lũng và chảy về hướng Bắc hòa vào sông Mẹ Thu Bồn – biểu tượng cho dòng sông thiêng Ganga trên thiên giới đổ xuống sông Hằng. Sông thiêng Thu Bồn, còn gọi là Mahadani trong văn bia Champa, bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Linh – ngọn núi thiêng hùng vĩ cao nhất vùng Amaravati quanh năm mây phủ, là hiện thân của đỉnh Hymalaya, nơi trú ngụ của Thần linh; chảy ngang qua phía Bắc thung lũng Mỹ Sơn nhận thêm nước từ suối Khe Thẻ chảy ra, đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong mạng lưới thương mại đường sông của tiểu quốc Amaravati. Vì lẽ đó, việc chọn lựa một địa điểm kề cận sông ngòi, nơi có nguồn Nước Thiêng như địa bồn Mỹ Sơn để tổ chức nghi lễ tế tự là một điều quan trọng khi dựng đền thờ.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Tín ngưỡng sùng kính những ngọn núi thiêng là một sáng tạo của văn hóa bản địa Đông Nam Á trong quá trình tiếp cận với văn minh Ấn Độ. Đó là sự kết hợp giữa tín ngưỡng thờ những tảng đá lớn hay Megalithic, là nơi cư trú của linh hồn tổ tiên, từ thời đại đá mới của cư dân Đông Nam Á với ngọn núi thiêng Meru trong thần thoại Ấn Độ giáo. Vậy nên, những “ngọn núi Thiêng tượng trưng cho vị Đại Sơn Thần là thần Siva…” [8] giữ vai trò quan trọng trong việc chọn địa điểm để xây dựng đền thờ. Ở thung lũng Mỹ Sơn, ý nghĩa không gian thiêng được gắn liền với núi Đại Sơn (Mahaparvata) (theo văn bia) hay núi Răng Mèo hoặc núi Chúa (theo người dân địa phương), đồng thời cũng như là Lingaparavata (Dương vật thiêng) “… cắm xuống bồn địa Mỹ Sơn được xem là đại Yoni (Âm vật thiêng) với dòng suối chảy ngang bồn địa được xem là kẽ Yoni. Đây chính là lý do địa lý (Geomantic) – tâm linh – phồn thực khiến người Chăm chọn bồn địa Mỹ Sơn làm thánh địa …”(4). Riêng hệ thống núi bao quanh thung lũng Mỹ Sơn đã có nhiều hình dáng, tư thế gần gũi biểu tượng của Bàlamôn giáo. Đặc biệt là Hòn Đền hay núi Chúa (núi chủ), với thế dáng nổi bật khác lạ có thể nhìn thấy khắp nơi từ đất liền cho tới biển cả trong phạm vi tiểu vương quốc Amaravati-Champa. Ngọn núi thiêng với đỉnh núi quắp nhọn độc đáo này: “mang dáng hình chim thần Garuda khổng lồ xoãi cánh ra biển” [5, tr.38] tượng trưng cho đấng hộ trì bình an và thịnh vượng cho vương quốc và đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cho Thánh địa của hoàng gia.
Địa thế hiểm trở, khép kín của thung lũng Mỹ Sơn ngoài việc phù hợp với yêu cầu của giáo lý tôn giáo, thì mặt khác, cũng phù hợp với sự an toàn của công trình kiến trúc và cho hoàng tộc, phòng khi có biến động ở kinh thành Simhapura – Kinh thành Sư tử “Nơi đây còn mang tính chất của một khu vực phòng ngự, được bảo vệ bằng những chiến lũy thiên nhiên hiểm trở. Chọn Mỹ Sơn làm Thánh địa ngoài ý nghĩa tôn giáo ra, hẳn các vua Champa xưa kia đã có ý định tìm một nơi có thể rút lui vào ẩn náu kín đáo, mỗi khi kinh đô bị uy hiếp” [7, tr.6]. Về khoảng cách địa lý, Thánh địa Mỹ Sơn – trung tâm thần quyền nối liền với kinh thành Simhapura (Trà Kiệu) – trung tâm quyền lực bằng một dãy núi thấp. Bằng đường bộ, theo con đường mòn ngoằn ngoèo ven theo dãy núi thấp thẳng về hướng Tây, sẽ đến Thánh địa nằm trong lòng một thung lũng. Mặt khác, bằng đường thủy, xuôi theo dòng suối Khe Thẻ, từ trung tâm tôn giáo này sẽ dẫn xuống Trà Kiệu. Điều đó cho thấy vương triều Champa lựa chọn địa điểm xây dựng Thánh địa nơi rừng núi thâm u cách biệt với đô thị Trà Kiệu náo nhiệt nhưng vẫn đảm bảo điều kiện thuận lợi để dễ dàng ngược xuôi mỗi khi đi hành lễ.
Trong thời gian điền dã ở tỉnh Quảng Nam, cố GS. Trần Quốc Vượng có một phát hiện thú vị khi đứng trên ngọn Bửu Châu ở kinh đô cũ Trà Kiệu (nay là nhà thờ Núi hay nhà thờ Đức Mẹ, Duy Xuyên, Quảng Nam). Từ đây, “nhìn về Tây thấy ngọn núi Chúa mà dưới chân nó là thánh địa Mỹ Sơn, nhìn về Đông thấy Cù Lao Chàm, cả ba ngọn núi – đảo này gần như ở trên cùng một đường thẳng” [10]. Cũng theo giáo sư, cùng trên trục thẳng đó, chiêm cảng Hội An cũng kết hợp để thành mô hình quy hoạch vùng văn hóa Champa với mối quan hệ Núi – Biển như sau:
Bản thân tác giả trong quá trình điền dã, lúc đứng ngay giữa cầu Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nhìn về phía Tây, cũng nhận thấy sự trùng hợp lạ lùng của dòng sông đào(5) hướng thẳng tắp về phía ngọn núi Chúa sừng sững, uy nghi. Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, thì Thánh địa Mỹ Sơn nằm trong mô hình tổng thể của tiểu quốc Amaravati(6), đã “xuất hiện trong văn bia của Java Harivarmadeva tại Mỹ Sơn (C.101) khoảng năm 1157…, là khu vực hạ lưu sông Thu Bồn bao gồm Mỹ Sơn là thánh địa, Trà Kiệu là hoàng thành và Đại Chiêm Hải khẩu là cảng – thị” [6].
Như vậy, có thể cho rằng, có nhiều yếu tố, quan trọng nhất vẫn là những vấn đề về giáo lý tôn giáo; trong đó, phức hệ đất thiêng, núi thiêng, thành phố thiêng, cửa biển thiêng là phức hệ quan trọng trong việc hình thành và phát triển của Mỹ Sơn cũng như của tiểu quốc Amaravati, mà “Dựa vào núi thiêng Mahaparvata phía Nam và sông thiêng Ganga phía Bắc, Đại vương Bhadravarman đã chọn thung lũng Mỹ Sơn để xây dựng đền – tháp dâng cúng cho thần – vua Bhadresvara vào cuối thế kỷ thứ IV” [1]. Cũng từ đó, Mỹ Sơn đã trở thành Thánh địa, là trung tâm tín ngưỡng hoàng gia quan trọng bậc nhất của tiểu quốc Amaravati và vương quốc Champa.
CHÚ THÍCH
(1): Champa là ghi âm theo ký tự Latinh tên của vương quốc này. Còn có nhiều cách gọi khác nhau của các tác giả: Cyamba (Marco Polo), Cambe (Odrie de Pordenone), Tchampa (E.Aymonier), Campa (A.Bergaigne)… Thư tịch cổ của Đại Việt gọi là Lâm Ấp, Hoàn Vương và Chiêm Thành. Trong Luận văn này, tác giả dùng từ Champa để chỉ về văn hóa – nghệ thuật, vương quốc cổ Champa ; dùng từ Chăm để chỉ về con người, dân tộc Chăm.
(2): Nguyễn Tấn Đắc, Văn hóa Ấn Độ, trang 13 ghi: “Ấn Độ là nước điển hình trên thế giới đã truyền bá văn hóa của mình ra ngoài chỉ bằng con đường hòa bình”.
(3): Vị vua Champa đầu tiên trong các văn bia chữ Phạn nói tới là Bhadravarman, người thành lập Thánh địa thờ thần Bhadresvara ở Mỹ Sơn. Đây là sự kết hợp giữa tên vua và tên của vị thần Siva (Bhadravarman + Ishvara = Bhadresvara), một tục thờ cúng tổ tiên và vua – thần, tín ngưỡng chính của nhiều vương triều Champa, được tiếp diễn ở các đời vua sau đó.
(4): Dẫn theo Lê Đình Phụng: Trần Quốc Vượng, Để hiểu thêm xứ Quảng – Di tích và danh thắng Quảng Nam, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam 2002, tr. 38.
(5): Được đào từ thời Minh Mạng (1824), mà nguyên trước đó là một lạch nhỏ – phải chăng đây là công trình thủy và cũng là ý đồ về quy hoạch hay tín ngưỡng của người Chăm xưa.
(6): Trần Kỳ Phương, Khảo luận đền-tháp Champa tại miền Trung Việt Nam 1: Cứ theo những yếu tố môi sinh và địa lý cảnh quan tại miền Trung Việt Nam, cho phép chúng tôi đi đến giả định rằng, mỗi tiểu quốc trong vương quốc Champa có thể được hình thành dựa vào năm yếu tố phong thủy như : 1) Núi thiêng, tượng trưng thần Siva; 2) Sông thiêng, tượng trưng nữ thần Ganga vợ thần Siva; 3) Cửa biển thiêng; nơi giao dịch buôn bán, trung tâm hải thương; 4) Thành phố thiêng, nơi cư ngụ của vua và hòang tộc, trung tâm vương quyền; 5) Ðất thiêng, nơi thờ tự thần linh và tổ tiên, trung tâm thần quyền. Theo đó, tiểu quốc Amaravati ở vùng Quảng Nam được hình thành dựa trên những yếu tố sau: Núi thiêng là Mahaparvata hay núi Mỹ Sơn/Răng Mèo; Sông thiêng là sông Thu Bồn; Cửa biển thiêng là Cửa Ðại Chiêm/Hội An; Thành phố thiêng là Simhapura/Thành Sư Tử tại Trà Kiệu; Ðất thiêng là Khu đền thờ Srisanabhadresvara tại Mỹ Sơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn – Phòng Trưng bày (2013), “Di sản chung của chúng ta”, Tài liệu Unesco, panei 1.
2. Doãn Chính (chủ biên,), Vũ Quang Hà, Nguyễn Anh Thường (2001), Veda Upanishad – Những bộ Kinh triết lý tôn giáo cổ Ấn Độ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
3. Nguyễn Tấn Đắc (2000), Văn hóa Ấn độ, Nxb TP Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
4. Lê Đình Phụng (1998), “Mỹ Sơn trong tổng thể di tích Văn hóa Champa”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, (7), tr. 31.
5. Lê Đình Phụng (2004), Kiến trúc – Điêu khắc ở Mỹ Sơn, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
6. Trần Kỳ Phương, “Bước đầu tìm hiểu về địa – lịch sử của vương quốc Chiêm Thành (Champa) ở miền Trung Việt Nam: với sự tham chiếu đặc biệt vào hệ thống trao đổi ven sông” của lưu vực sông Thu Bồn ở Quảng Nam”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật miền Trung, tr.221-222.
7. Trần Kỳ Phương (1988), Mỹ Sơn trong lịch sử nghệ thuật Chăm, Nxb Đà Nẵng, TP. Đà Nẵng.
8. Trần Kỳ Phương, “Khảo luận đền-tháp Champa tại miền Trung Việt Nam 1” cập nhật ngày 04/01/2012, http://www.vanchuongviet.org
9. Uỷ Ban Nhân dân huyện Duy Xuyên (2001), “Mỹ Sơn – Di sản Thế giới”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, tr. 8.
10. Trần Quốc Vượng (1998), “Từ một cái nhìn Thánh địa Mỹ Sơn”, Tham luận Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ I về Mỹ Sơn, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Nam, tr. 29.