3 yếu tố quyết định sự Hồi sinh của không gian công cộng và Nâng cao chất lượng sống đô thị

Tầm quan trọng của không gian công cộng trong một đô thị đã được làm sáng tỏ ngay từ thời Hy Lạp cổ đại cho tới ngày nay. Những cơ hội để gặp gỡ và trao đổi, thảo luận trong không gian công cộng giúp người dân tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển đô thị nơi họ sinh sống. Tác động tích cực này sẽ còn được nhân rộng hơn khi mọi cư dân trong đô thị đều có khả năng tiếp cận với các không gian công cộng.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, vai trò chiến lược của những không gian công cộng đang còn bị hạn chế. Theo The City Fix, chuyên trang về quy hoạch đô thị bền vững, một trong những lí do gây ra hạn chế này chính là sự quá tải của phương tiện giao thông cơ giới. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Viện năng lượng và môi trường Brazil, 70% không gian công cộng trong các trung tâm thành phố tại nước này đang bị chiếm hữu bởi các tuyến đường giao thông và các không gian phụ trợ cho xe hơi, trong khi những người chủ xe này chỉ chiếm 20-40% dân số của một đô thị.

Vậy làm cách nào để tái thiết và phát triển cuộc sống trong đô thị? Tạp chí Kiến trúc tckt.vn đã biên dịch để giới thiệu và cùng bạn đọc thảo luận về 3 yếu tố quyết định sau đây:

1) Xây dựng một cộng đồng năng động

Để thu hút người dân và thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động cộng đồng, một không gian công cộng cần phải có được các yếu tố thiết kế phù hợp nhằm bảo đảm sự thuận lợi cho chính những hoạt động cộng đồng này.

Những con phố, quảng trường, phố đi bộ nhằm liên kết các không gian công cộng cần phải có khả năng tiếp cận đồng đều với tất cả cư dân. Điều này chỉ xảy ra khi những thiết kế đô thị tuân thủ theo thủ pháp “complete streets”, có nghĩa là đảm bảo những con phố an toàn, dễ dàng tiếp cận và hướng tới người sử dụng.

Một yếu tố khác cũng đáng lưu tâm đó là sự khai thác nhiều loại hình hoạt động, đảm bảo tính đa năng của mỗi không gian công cộng.

Ví dụ, dự án đô thị “21 chiếc xích du” được đặt tại các trạm dừng xe buýt trên những tuyến phố tấp nập nhất Montreal, Canada. Khi đi qua một trạm dừng xe buýt, với người sử dụng, trò chơi xích đu cũng là cách hay để phá bỏ một lịch trình nhàm chán.

2) Thúc đẩy nền kinh tế địa phương

Dự án phục hồi và cải tạo một con kênh chảy qua khu trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc trở thành công viên Cheonggyecheon có lẽ là ví dụ tiêu biểu nhất cho những tác động tiềm năng của một không gian công cộng với nền kinh tế địa phương.

Năm 2002, chính quyền thành phố Seoul đã cho phá bỏ một đường cao tốc và phê duyệt đề án công viên Cheonggyecheon của TS Kee Yeon Hwang. Mục tiêu của dự án là giải quyết các vấn nạn đô thị liên quan đến đường cao tốc này: ô nhiễm môi trường và tiếng ồn, cản trở các phương tiện giao thông “bền vững” cũng như tạo nên một môi trường tiêu cực trong một đô thị đã có rất nhiều vấn đề tiêu cực.

TS Kee Yeon Hwang đã đề xuất một công viên đô thị rộng lớn mà khi hoàn thành, sẽ trả lại không gian hấp dẫn và trong lành hơn cho cộng đồng nơi đây. Hơn nữa, một phần của 40.000 cư dân từng bị di dời bởi dự án đường cao tốc đã trở lại và rất nhiều cơ hội việc làm đã được tạo ra trong khu vực xung quanh công viên này, nơi mà trước đây, tuyến đường cao tốc đã xoá bỏ 80.000 việc làm.

Các dịch vụ bất động sản cũng hưởng lợi từ dự án này, khi mà diện tích sàn cho thuê đã tăng 25% kể từ quá trình suy giảm do sự có mặt của đường cao tốc trước đó gây ra.

Ngoài giải pháp dài hạn như ví dụ kể trên, cũng có những phương án ngắn hạn khác giúp khôi phục một không gian công cộng trong đô thị như việc tổ chức các hội chợ, lễ hội văn hoá.

3) “Xanh hoá” không gian công cộng để giảm thiểu tác động về môi trường

Nếu những không gian công cộng đều có một khoảng xanh, chúng không những sẽ làm hài lòng người sử dụng mà còn đóng góp vào hệ sinh thái khu vực, qua đó, giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường, gia tăng khả năng phục hồi đô thị và thu hẹp khoảng cách giữa con người với thiên nhiên trong môi trường đô thị.

Một ví dụ điển hình đươc trang The City Flix đưa ra là dự án xây dựng công viên Cantinho do Céu tại quận Grajau, thành phố Sao Paulo. Công viên này là kết quả của chương trình “Water Source”, một sáng kiến của thành phố nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cấp thoát nước cho khu vực trung tâm thành phố. Để thực hiện được điều này, họ cần phải mở rộng hệ thống thoát nước ở các khu vực nhạy cảm, xây dựng các hệ thống thoát nước mưa mới và duy trì cân bằng mạng lưới nước cấp và nước thải.

Qua đó, dự án đã góp phần giúp nâng cao chất lượng nguồn nước tại một khu dân cư mà trước khi có công viên Cantinho do Céu, người dân đã không thể tiếp cận với nguồn nước sạch này.

Đức Thành / TCKT.VN

(Biên dịch từ Archdaily)
© Tạp chí Kiến trúc