Phân tích xu hướng sử dụng ô tô điện (EV) tại tỉnh Quảng Nam, Việt Nam

Ô tô điện là một xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô hiện nay. Việc sử dụng ô tô điện (EV) giúp giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn, giảm tắc nghẽn giao thông và là một trong những giải pháp giúp phát triển giao thông bền vững. Bài báo này trình bày một số vấn đề về nhu cầu sử dụng xe điện tại Việt Nam, những lợi ích cũng như hạn chế của việc sử dụng ô tô điện và phân tích nhu cầu sử dụng xe điện thông qua kết quả khảo sát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Đặt vấn đề

Xe điện đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ nhưng mức độ phổ biến của chúng chỉ tăng đáng kể trong những năm gần đây. Bảng 1 cho thấy xu hướng phát triển xe điện ở một số quốc gia trên thế giới [1]. Với sự phát triển của các công nghệ thân thiện môi trường cũng như mối quan tâm ngày càng tăng về các vấn đề môi trường, ngày càng có nhiều người chọn xe điện hơn các phương tiện chạy bằng khí đốt truyền thống. Xe điện có một số lợi thế so với xe chạy bằng xăng, bao gồm lượng khí thải thấp hơn, giảm ô nhiễm tiếng ồn và chi phí vận hành thấp hơn [2][3][4].

Bảng 1. Xu hướng phát triển của EV ở một số quốc gia [1]
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công bố ngày 26/4 cho thấy doanh số bán xe điện (EV) đang tăng mạnh và dự kiến sẽ chiếm gần 20% số xe bán ra trong năm 2023. Quy mô thị trường xe điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 4.093 nghìn chiếc vào năm 2021 lên 34.756 nghìn chiếc vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 26,8%. Các yếu tố như nhu cầu ngày càng tăng đối với các phương tiện tiết kiệm chi phí và phát thải thấp, cùng với các chính sách hỗ trợ từ chính phủ đã thúc đẩy sự phát triển của xe điện trên toàn cầu. Châu Á Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Châu Âu là những khu vực có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Doanh số xe điện của các quốc gia hàng đầu cùng với thị phần được thể hiện trong Hình 1 (EV-Volumes, 2020) [5]. Hình 2 cho biết số lượng ô tô điện chở khách hạng nhẹ đăng ký và thị phần bán hàng ở một số quốc gia. [5]

Hình 1: Doanh số xe điện toàn cầu (2020) của 17 quốc gia

Hình 2: Đăng ký ô tô điện chở khách hạng nhẹ và thị phần bán hàng
ở các quốc gia điển hình [5]
BEV (Battery Electric Vehicle) là xe sử dụng điện hoàn toàn, được cấp nguồn từ một bộ pin điện, và không phát ra khí thải độc hại. PHEV (Plug-in Hybrid Electric Vehicle) là xe điện lai sạc, có cả động cơ điện và động cơ đốt trong. Xe có thể được sạc như các xe điện hoàn toàn. Tuy nhiên, khi pin điện của xe bị hết, xe có thể chuyển sang sử dụng động cơ đốt trong để tiếp tục di chuyển. PHEV có thể giảm thiểu lượng khí thải so với các xe chỉ sử dụng động cơ đốt trong.

Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông. Đặc biệt, Chính phủ cũng khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện…) nhằm đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình. Theo số liệu cập nhật mới nhất của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 chỉ có 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến năm 2021 có thêm hơn 1.000 xe. Năm 2022, số lượng xe ô tô điện nhập khẩu ở Việt Nam chỉ hơn 2.000 xe và gần như toàn bộ là xe hybrid (dùng cả hai loại động cơ điện và đốt trong), số xe chạy điện hoàn toàn chiếm tỷ lệ rất nhỏ(*).

Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào các hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Với dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam được coi là một thị trường tiềm năng cho các loại phương tiện xanh, thân thiện với môi trường. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hiện một số doanh nghiệp ôtô đã có bước đi đầu tiên, bắt đầu sản xuất kinh doanh xe điện như VinFast, Toyota, Mitsubishi…

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cùng với sự phát triển của xã hội, xu thế ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ là điều kiện tất yếu để góp phần thúc đẩy xe điện phát triển. Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho xe điện, Chính phủ cần ban hành lộ trình phát triển xe điện ở Việt Nam với các yêu cầu và mục tiêu cụ thể. Động lực cho sự phát triển ô tô điện trên thế giới chính là các quy định về bảo vệ môi trường cùng các chính sách về thuế và chế tài xử phạt. Đặc biệt, cần sớm ban hành quy hoạch chi tiết cho hạ tầng xe điện, bao gồm các địa điểm bố trí trạm, trang thiết bị nạp của trạm, công suất các trạm và sự cân bằng giữa công suất trạm nạp sạc với mạng lưới điện cục bộ cũng như lưới điện quốc gia.

Mặc dù xu thế và triển vọng phát triển của thị trường xe điện tại Việt Nam được nhận định là rất khả quan song cũng đặt ra nhiều vấn đề cần sự hợp tác trong công tác quản lý cũng như công tác nghiên cứu, ứng dụng của các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người sử dụng.

Cơ sở hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Nam

Nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam có nhiều lợi thế về phương diện địa lý và có điều kiện tương đối thuận lợi trong quan hệ và giao lưu kinh tế với các địa phương trong cả nước và nước bạn. Hệ thống đường quốc lộ và tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh được xây dựng theo hướng Bắc – Nam và Đông – Tây.

1. Hệ thống giao thông đối ngoại (liên kết tỉnh với vùng và các địa phương khác: Quảng Nam có đầy đủ các loại hình giao thông đối ngoại bao gồm: Đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường hàng không. Giao thông đối ngoại kết nối với giao thông địa phương tạo nên một hệ thống khá thống nhất, liên hoàn và thuận tiện:

  • Giao thông đường bộ: Bao gồm 967 km đường bộ trong đó: Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (91 km) và 10 quốc lộ (876 km): QL1A, QL14G, đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn; QL14D, QL14B, QL14E, QL40B, QL24C và QL14H. Hệ thống giao thông đường bộ được phân bố tương đối hợp lý với các trục dọc Bắc – Nam và các trục ngang Đông – Tây, kết hợp với hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã tạo nên mạng lưới giao thông thuận lợi;
  • Giao thông đường sắt: Tuyến đường sắt Thống Nhất chạy qua tỉnh Quảng Nam 85km nhìn chung chất lượng đảm bảo an toàn cho công tác chạy tàu. Tuy nhiên các ga chưa được xây dựng hiện đại, chưa đủ tiện nghi, chiều dài đường ga ngắn, tất cả đều chưa đạt 500 m;
  • Giao thông thủy nội địa: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 04 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với tổng chiều dài 162,5 km;
  • Giao thông hàng không: Cảng hàng không Chu Lai, cấp 4C, là sân nay nội địa; có diện tích lớn nhất trong các sân bay Việt Nam với 2.006 ha, nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai thuộc tỉnh Quảng Nam. Sân bay này hiện có 1 nhà ga hành khách công suất 1,2 triệu lượt khách/năm;
  • Giao thông đường biển: Tỉnh Quảng Nam hiện có 3 khu bến cảng gồm: Bến cảng Chu Lai, bến cảng Kỳ Hà và bến cảng Gas.

2. Hệ thống giao thông đối nội (liên kết trong tỉnh): Đường bộ: Đường tỉnh: Có 23 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 508,6 km. Đường đô thị: Tổng chiều dài là 567,46 km, trong đó, đường bê tông nhựa dài 332 km chiếm 58,51%; Đường huyện: Tổng chiều dài là 1983,4 km, trong đó, đường bê tông nhựa dài 92,01km chiếm 4,36%; Đường giao thông nông thôn (bao gồm đường xã và đường giao thông nông thôn (GTNT) khác): tổng chiều dài khoảng 6.745 km, trong đó đường đã bê tông hoá dài khoảng 5.725 km chiếm 85%. Mạng lưới đường tỉnh đã được quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp giai đoạn vừa qua đáp ứng nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa, hành khách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, kết nối thuận lợi với hệ thống quốc lộ, cao tốc hiện có.

Tuy nhiên, mạng lưới đường bộ tỉnh phân bố không đồng đều. Mật độ tập trung chủ yếu ở phía Đông. Giao thông vận tải khu vực phía Tây còn nhiều hạn chế do địa hình phức tạp, việc xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều tuyến đường có hướng tuyến quanh co, mặt cắt hẹp, mặt đường xấu và bị xuống cấp chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển.

Nhìn chung, mô hình phát triển đô thị của tỉnh Quảng Nam vẫn phát triển theo chuỗi dựa trên các tuyến trục giao thông chính đã được định hình và các trục giao thông liên kết dự kiến theo quy hoạch.

  • Trục kết nối Bắc Nam: Hiện đang phát triển dọc theo hai hành lang Bắc Nam: Dọc QL1A và dọc tuyến đường ven biển – Võ Chí Công bao gồm Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Chu Lai – Núi Thành và một số đô thị nhỏ khác. Đây là vùng động lực phát triển kinh tế và công nghiệp, có dân cư đông và phân bố khá tập trung, có cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội khá phát triển. Từ tuyến ven biển tạo hành lang giao thông liên vùng nối liền giữa Đà Nẵng và Khu công nghiệp Dung Quất – Quảng Ngãi phục vụ phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ… của tỉnh Quảng Nam.
  • Trục kết nối Đông Tây từ tuyến ven biển: Kết nối với QL14H, QL1A qua khu công nghiệp Đông Quế Sơn; Xây dựng trục chính Tam Hòa kết nối Tuyến ven biển với QL1A… thúc đẩy phát triển khu đô thị mới Tam Hòa, các khu du lịch ven biển.

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch số 3165/KH-UBND [8] triển khai thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, hướng tới giảm tối đa lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Giai đoạn 2023-2030, Quảng Nam sẽ thúc đẩy chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; tiến tới sử dụng hoàn toàn xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe điện đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn tỉnh chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới hoạt động ở đô thị trên địa bàn tỉnh sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2031, tỷ lệ phương tiện hoạt động ở đô thị trên địa bàn tỉnh sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2040, từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp đối với xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, 100% phương tiện tham gia giao thông đường bộ được chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Hoàn thiện hạ tầng các trạm sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn tỉnh đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, hệ thống các trạm sạc của VinFast tại Quảng Nam đã được phân bổ tại nhiều thị xã, huyện và thành phố của tỉnh như: Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành… Những trạm sạc ô tô, xe máy điện VinFast được xem là bước đi quan trọng trong kế hoạch phủ xanh trạm sạc trên toàn quốc của hãng.

Nhu cầu sử dụng xe điện tại tỉnh Quảng Nam

Mục tiêu của cuộc khảo sát là tìm hiểu sơ bộ về nhu cầu sử dụng xe điện của người dân tỉnh Quảng Nam và các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu này. Cuộc khảo sát online được thực hiện trong tháng 7 năm 2023.

Tổng số phiếu trả lời thu được sau khi kết thúc đợt khảo sát là 166 phiếu (114 nam và 52 nữ). Liên quan đến khu vực sinh sống, 97 người được hỏi cho biết sống ở trung tâm thành phố và phần còn lại sống ở vùng ngoại ô. Độ tuổi của người được khảo sát từ 18 đến trên 60 tuổi, trong đó gần một nửa số người là tuổi từ 35 đến dưới 45 là độ tuổi được cho là có thu nhập ổn định. Gần 1/4 số người được hỏi là người dân và đó cũng là số người làm công việc văn phòng, chỉ có 16,5% là người làm trong lĩnh vực giao thông và 3% trong số đó là chuyên gia.

Tổng thu nhập trung bình trong một tháng của gia đình người được khảo sát được chia làm 4 mức: Dưới 10 triệu, từ 10 triệu đến dưới 20 triệu, từ 20 triệu đến dưới 30 triệu và trên 30 triệu. Chiếm chủ yếu trong số những người khảo sát có thu nhập từ 10 triệu đến dưới 20 triệu (42%), những người có thu nhập từ 20 triệu đến dưới 30 triệu chiếm 32% và 8% có thu nhập trên 30 triệu. Hơn một nửa số người được hỏi có giấy phép lái xe hai bánh (xe máy, mô tô), khoảng 40% số người được hỏi có giấy phép lái xe ô tô và rất ít người trả lời là chưa có (4%)

Về phương thức di chuyển, xe máy vẫn đóng vai trò chủ đạo trong phương thức vận chuyển của người dân với khoảng 79% người khảo sát chọn xe máy, xe con (xe ô tô gia đình) ở vị trí thứ 2 với 16%. Điều này đúng với hiện trạng dòng giao thông của Việt Nam.

Về khoảng cách đi lại trung bình: Có khoảng 33% số người được khảo sát có khoảng cách đi lại trung bình trong mỗi chuyến là dưới 10km. Gần 60% người được hỏi khoảng cách đi lại trung bình trên 10 km, 20% trong số đó di chuyển hơn 20km trong 1 ngày.

Các chủ phương tiện được hỏi về tần suất sử dụng phương tiện của họ. 90,0% người được khảo sát cho biết sử dụng phương tiện giao thông chính hàng ngày, 4,9% cho biết sử dụng 3-4 ngày/tuần, tỷ lệ 1-2 lần/tuần và dưới 1 lần/tuần là 3,9% và 1,2% tương ứng.

Về mục đích sử dụng phương tiện giao thông, có 48,2% chủ phương tiện sử dụng xe để đi làm. Các mục đích còn lại có tỷ trọng thấp hơn và khá tương đồng với mục đích việc làm, mục đích khác và đi học lần lượt là 19,5%, 17,1% và 15,2%. Trung bình một chủ phương tiện đi khoảng 3 chuyến/ngày. Cá biệt có chủ phương tiện đi trên 10 chuyến/ngày. Hầu hết các trường hợp này đều là chủ phương tiện sử dụng phương tiện vào mục đích kinh doanh (lái xe taxi, chủ hàng…).

Kết quả khảo sát cho thấy một tương lai khả quan của xe điện. Khoảng 88% người được hỏi trả lời rằng sẽ tìm hiểu về xe điện trong tương lai. Gần 80% người được hỏi đồng ý với các lợi ích mà xe điện mang lại đó là: Xe điện thân thiện với môi trường, việc sử dụng xe điện tạo ra thị trường lao động mới, chi phí vận hành bảo trì xe điện thấp và động cơ an toàn êm dịu. Và cũng gần 80% người được hỏi đồng ý với các lý do vì sao xe điện chưa được sử dụng phổ biến ở Việt Nam, đó là: Người dân thiếu thông tin về xe điện, người dân thiếu tin tưởng tới công nghệ mới, giá xe cao, chi phí bảo dưỡng cao, các vấn đề về pin xe, thiếu trạm sạc, khoảng cách di chuyển phụ thuộc dung lượng pin và vấn đề an toàn khi sử dụng. Do đó 80% người được hỏi cho biết mối quan tâm của họ khi sử dụng xe điện là yếu tố an toàn và thuận lợi khi sử dụng, giá trị của xe, pin xe và hạ tầng sạc pin; 150 người được hỏi trả lời rằng sẽ mua xe trong 2 năm tới nếu trạm sạc được bố trí nhiều hơn, giá xe và phí bảo dưỡng hợp lý.

Biểu đồ thể hiện kết quả khảo sát về ý định mua xe trong 2 năm tới

Những người có ý định mua xe trong 2 năm tới chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 35 đến 45 và có thu nhập từ 10 triệu đến 20 triệu một tháng trong số những người đồng ý mua xe trong 2 năm tới thì chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 35 đến 45 (50%), và độ tuổi từ 18 đến dưới 25 (25%); tổng thu nhập của những người này từ dưới 10 triệu (40%) đến 20 triệu một tháng (40%). Tuy nhiên khảo sát này lại chưa phân biệt loại xe điện theo nhu cầu của người mua là xe máy hay ô tô điện.

Dựa trên kết quả khảo sát có thể thấy, để thúc đẩy phát triển hệ thống và nhu cầu sử dụng xe điện trên cả nước cũng như Quảng Nam nói riêng, cần thiết phải:

  • Cải thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là các trạm sạc điện, bố trí nguồn điện hợp lý tạo thuận lợi cho việc sử dụng xe điện;
  • Đẩy mạnh hợp tác, phát triển, cải tiến công nghệ sản xuất để giảm giá thành cũng như giảm chi phí bảo dưỡng vận hành xe điện;
  • Đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh, chủng loại, công nghệ, tính năng xe điện, đặc biệt là yếu tố an toàn khi sử dụng xe điện; tăng cường trải nghiệm việc sử dụng xe đến người tiêu dùng để người dùng tin tưởng hơn vào việc sử dụng sản phẩm mới.

Kết luận

Sử dụng xe điện mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho giao thông và phát triển đô thị. Tuy nhiên, ô tô điện cũng có một số nhược điểm về sạc điện, về an toàn và tiện lợi trong quá trình sử dụng. Để xe điện trở nên phổ biến cần sự hợp tác của các bên trong quản lý, sản xuất cũng như tiêu dùng. Bài báo đã trình bày một số kết quả nghiên cứu sơ bộ về nhu cầu sử dụng xe điện và các yếu tố tác động đến nhu cầu này. Hy vọng đây là một đóng góp nhỏ cho nghiên cứu phát triển xe điện của Quảng Nam trong tương lai, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh hướng đến đô thị không khí thải.

Nguyễn Hữu Mạnh
Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP. HCM
Cao Thị Xuân Mỹ
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2023)


Tài liệu tham khảo
[1]. K. Rajashekara, (1994) “History of electric vehicles in General Motors,” in IEEE Transactions on Industry Applications, vol. 30, no. 4, pp. 897-904, July-Aug. 1994, doi: 10.1109/28.297905.
[2]. J. J. Gumblton and D. L. Frank (1969) “Special purpose urban cars”, Mid-Year Meeting, pp. 193-222, 1969-May.
[3]. General Motors Corporation (1990) “A brief history of electric vehicles,” a release from General Motors Corporation, Jan. 3, 1990.
[4]. K. S. Rajashekara and R. Martin,(1992) “Present and future trends for electric vehicles: Review of electrical propulsion systems”, IEEE Workshop on Power Electronics in Transportation, pp. 7-12, 1992-Oct.-22-23.
[5]. Vedant Singh, Virender Singh, S. Vaibhav, “Analysis of electric vehicle trends, development and policies in India”; Case Studies on Transport Policy, vol. 9, no. 3, pp. 1180-1197, 2021.
[6]. IEA (2023), Global EV Outlook 2023, IEA, Paris https://www.iea.org/reports/global-ev-outlook-2023, License: CC BY 4.0
[7]. J. Ivanchev, J. Fonseca and A. Knoll, (2020) “Electrification and Automation of Road Transport: Impact Analysis of Heat and Carbon Emissions for Singapore,” 2020 IEEE 23rd International Conference on Intelligent Transportation Systems (ITSC), Rhodes, Greece, 2020, pp. 1-8, doi: 10.1109/ITSC45102.2020.9294274.
[8]. UBND tỉnh Quảng Nam, “Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, Kế hoạch số 3165/KH-UBND, 2023.