Mới đây, chính quyền thành phố Manchester đã quyết định “giết chết” công trình Piccadilly Gardens Pavilion, tác phẩm duy nhất do KTS Tadao Ando thiết kế ở nước Anh. Không ít người yêu thích Tadao Ando đã tỏ ý tiếc nuối cho sự kiện “đau thương” này, thậm chí có người còn “trách” người dân Anh kém hiểu biết đã không hiểu nổi những “triết lý cao siêu” của người đã từng đạt giải Pritzker!
Trí tuệ của nhân dân
Người dân Manchester có thật “ngây ngô” khi “không hiểu nổi” công trình của Tadao Ando như một số chuyên gia nhận định? Có thể ai đó nghĩ rằng tính bảo thủ của người Anh rất mạnh khi từ chối Le Corbusier và Tadao Ando, nhưng họ cũng nên hiểu sự thông minh và quyết đoán của người Anh khi quyết tâm rời khỏi EU. Các “chuyên gia” có thể rất ngưỡng mộ Le Corbusier hay Tadao Ando, có lẽ là bởi hào quang của những giải thưởng và sự ca ngợi của truyền thông sách vở – hơn là vì chất lượng nghệ thuật của những công trình kiến trúc. Đừng nên coi thường trí tuệ của nhân dân, dù là người Anh hay người Việt Nam.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng Le Corbusier, Tadao Ando (và nhiều người khác nữa) có khả năng tạo hình không gian kiến trúc khá tốt, nhất là khi họ thiết kế nhà thờ. Nhưng cách họ tôn vinh vật liệu bê tông thô thì đó là một “thảm họa”. Chúng ta hãy thử tưởng tượng ngôi nhà mình ở toàn là gam màu xám xịt và nặng nề từ bê tông. Chúng ta hãy tưởng tượng giữa thành phố có một bức tường xám ngoét và loang lổ rêu mốc (bởi nếu sơn lên thì còn gì là “triết lý” thô mộc của tác giả nữa) Chắc chắn đó không thể nào trở thành một nơi chốn hấp dẫn cho người dân đô thị được.
Rõ ràng, người dân không cần biết “ông nọ bà kia” là ai, họ chỉ biết rằng cái nào không phù hợp thì không dùng, cái nào phù hợp thì dù có cấm họ vẫn dùng. Đó chính là trí tuệ của nhân dân. Còn nhớ mấy năm trước, những người Nhật nào đó có đề xuất làm nhà bê tông ghép hộ ở phố cổ Hà Nội nhưng bị người dân ở đó cự tuyệt từ chối nên đành xây ở trong trường Đại học Xây dựng. Và chúng ta giờ đã biết cái công trình đó trông ra sao.
Thước đo thời gian
Bản quy hoạch thành phố Chandigarh và các công trình kiến trúc do Le Corbusier thiết kế ở đó từng là “niềm vinh hạnh” đối với người dân Ấn Độ và là các tác phẩm kinh điển cho một thế hệ KTS trên toàn thế giới. Nhưng giờ đây nó là biểu tượng cho sự thất bại của Chủ nghĩa Hiện đại nói chung và của Le Corbusier nói riêng. Chandigarh hiện tại gần như là một thành phố chết, một thành phố không có sức sống và không trở thành nơi chốn theo đúng nghĩa mà một đô thị phải có. Công trình Dinh thống đốc đã bị phá hủy vì xuống cấp trầm trọng. Còn Tòa nhà Quốc hội tuy chưa bị phá (bởi đã được công nhận là Di sản thế giới) nhưng gần như trở thành nơi tập kết phế liệu.
Rất nhiều các công trình của Le Corbusier ngày nay đã trở thành di sản thế giới. Lịch sử dù huy hoàng hay đau buồn thì nó vẫn là lịch sử, chúng ta không thể chối bỏ nó, có ngày xưa thì mới có hôm nay. Hơn nữa, việc đề cao và gìn giữ các công trình kiến trúc thất bại cũng là việc cần thiết để răn dạy các thế hệ KTS sau này.
Dù rất đau buồn nhưng phải nói rằng các công trình của Le Corbusier, Tadao Ando và của nhiều KTS “nổi tiếng” khác nữa, lúc mới xây xong được tung hô ngất trời, nhưng chỉ vài chục năm sau đã lỗi mốt, xuống cấp và nhàm chán. Như vậy để chúng ta thấy rằng, trí tuệ của con người nói chung và của các nhà phê bình kiến trúc nói riêng là rất hạn chế nếu so sánh với thời gian.
Chúng ta nên thận trọng với sự tôn vinh vật liệu một cách thái quá trong kiến trúc, từ bê tông thô, kính ngày trước cho tới các vật liệu “bền vững” mà không bền vững tí nào ngày nay, bởi thời gian sẽ chứng minh sự “thái quá” đó nguy hiểm thế nào.
Có lẽ không có thước đo nào cho kiến trúc tốt hơn thời gian.
Kết luận
Chúng ta hãy so sánh: Một công trình của một KTS nổi tiếng thời nay sau 14 năm tồn tại bị phá hủy mà không mấy ai sống xung quanh đó thương tiếc – Với một công trình đã tồn tại cả hàng ngàn năm như Kim tự tháp Giza, không rõ tác giả là ai mà vẫn tràn đầy cảm hứng cho các thế hệ KTS mọi thời đại. Sự khác biệt ở đây là gì?
Có lẽ, câu trả lời là điều mà người Việt hay nói vui: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”.
Xem thêm: Công trình duy nhất của Tadao Ando tại Anh bị phá dỡ – Một sự mất mát của nhiều thế hệ KTS
KTS. Vũ Hiệp
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 4 – 2017)