“Quy hoạch Hà Nội mở rộng với mục tiêu xây dựng Thủ đô Xanh – Văn Hiến – Văn Minh – Hiện đại”

KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam

Với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 – tầm nhìn 2050, tương lai của Thủ đô Hà Nội được kỳ vọng là một Thủ đô Xanh – Văn hiến – Văn Minh và hiện đại. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai các quy hoạch ngành, vùng, phân khu, chi tiết…KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Chủ nhiệm VP thường trực Ban Chỉ đạo và Đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội – đã chia sẻ những ý kiến về quá trình thực hiện hai bản Quy hoạch quan trọng này…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem mô hình quy hoạch Hà Nội

Trong chiến lược phát triển hệ thống đô thị Việt Nam,Vùng Thủ đô Hà Nội đóng vai trò rất quan trọng. Hiện tại, Hà Nội đã được mở rộng theo chủ trương của Đảng và Nhà Nước – Theo đó, Hà Nội được quy hoạch trở thành Thủ đô của một nước 120 triệu dân, xứng tầm phát triển của một đô thị đặc biệt, đa chức năng: Trung tâm chính trị – kinh tế – xã hội, Trung tâm giao dịch thương mại, dịch vụ, tài chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế…
Quy hoạch chung phát triển Hà Nội mở rộng được Thủ tướng phê duyệt ngày 29/7/2011 là bản quy hoạch quan trọng, hoành tráng nhất từ trước đến nay. Đây là đồ án quy hoạch được Đảng, Nhà nước, Quốc hội Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, ngay sau khi phê duyệt đã trưng bày tại Cung Quy hoạch Hà Nội để trưng cầu ý kiến của nhân dân. Chúng ta đã “vào cuộc” với một tinh thần như thế: Chính Phủ chỉ đạo ráo riết, tiến độ sát sao, quy trình bài bản, có sự giám sát của nhân dân, của Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước, tư vấn phản biện nước ngoài, ý kiến chuyên môn của các Hội nghề nghiệp…Sau khi có đồ án Quy hoạch, nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội năm 2030 – tầm nhìn 2050 đã được giao cho Bộ Xây dựng thực hiện với sự phối hợp của Viện Kiến trúc – Quy hoạch đô thị, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và các đơn vị tư vấn nước ngoài.

Hà Nội có đầy đủ yếu tố phát triển các khu đô thị xanh

Sau khi mở rộng, diện tích Hà Nội tăng gấp ba lần, quy mô dân số tăng gấp đôi so với trước, trở thành một trong những Thủ đô có diện tích lớn trên thế giới. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 4.100 – 4.300 USD, đến năm 2020 đạt 7.100 – 7.500 USD. Quy mô dân số đến năm 2015 đạt 7,2 – 7,3 triệu người, năm 2020 khoảng 7,9 – 8 triệu người, năm 2030 khoảng 9,2 triệu dân. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2015 khoảng 46 – 47%, năm 2020 đạt 58-60%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị được cải tạo và xây dựng đồng bộ, ít nhất sẽ có hai tuyến đường sắt đô thị được vận hành.
Mục tiêu của đồ án Quy hoạch thể hiện vị thế của Hà Nội trong quá trình hội nhập quốc tế, hướng tới đạt được các tiêu chí: Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại. Theo đó, Hà Nội trong tương lai sẽ giữ được màu xanh thực sự với những điểm nhấn thể hiện chiều sâu của văn hóa, lịch sử và ký ức đô thị; đồng thời bắt kịp xu thế toàn cầu hóa, hội nhập với sự phát triển chung của thế giới. Đó chính là quan điểm nhất quán xuyên suốt quá trình phát triển hàng thế kỷ để thấy được tương lai của Thủ đô của các chuyên gia quy hoạch trong và ngoài nước.

 

Quy hoạch Thủ đô tầm nhìn 2050

Trong bản Quy hoạch chung, các phân khu chức năng được phân bố phù hợp với quá trình phát triển của Thủ đô – xây dựng TP cho hơn 9 triệu dân, khai thác triệt để các lợi thế của Hà Nội, phát triển thành đô thị Trung tâm bao gồm đô thị hiện có, phát triển hai bờ Bắc – Nam của sông Hồng và chuỗi đô thị vệ tinh: Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên…, tạo điều kiện cho các đô thị này phát triển phù hợp với yêu cầu kết nối Vùng Thủ đô.
Bài toán mà đồ án Quy hoạch đặt ra và giải quyết đã tính đến sự giải tỏa cho các đô thị hạt nhân: đưa trường học, bệnh viện, một số cơ quan hành chính ra khỏi nội đô nhằm giảm áp lực cho khu trung tâm và tạo môi trường lành mạnh để phát triển. Ngoài phân bố dân cư, phân khu chức năng, đồ án Quy hoạch cũng chú trọng việc tổ chức những trục đô thị quan trọng như: trục Ba Đình – cầu Nhật Tân – sân bay Nội Bài: được quản lý và phát triển phù hợp với yêu cầu một Thủ đô lớn, tạo nên trục hướng tâm từ sân bay quốc tế đến các đô thị; trục Ba Vì – Ba Đình: một đề xuất táo bạo và thuyết phục, nối giữa trung tâm Hà Nội và Hà Nội mở rộng, được coi là trục văn hóa – lịch sử quan trọng nối giữa Hà Nội hôm nay và mai sau, trên trục này dự tính sẽ có những công trình văn hóa lớn của cả nước. Mặt khác, đồ án quy hoạch này cũng tạo nên những trục hướng tâm theo những trục cũ, tạo sự gắn bó của khu vực Trung tâm với Vùng Thủ đô, kết nối giao thông đô thị trên cơ sở hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đồng bộ và hiện đại…

Những con đường rợp bóng cây xanh

Tôi đánh giá đây là một đồ án quy hoạch khá thành công, thể hiện ý tưởng gìn giữ kiến trúc, không gian phố cổ, phố cũ; đồng thời xem xét, đánh giá định hướng chiến lược của đồ án: làm sao để Hà Nội phát triển bền vững, ứng phó và giảm thiểu nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu; đồ án cũng tính toán đến nhu cầu đầu tư,  đánh giá khả năng tài chính trong từng giai đoạn cụ thể… Là một đồ án quy hoạch lớn, có tầm nhìn xa, không thể tránh những hạn chế, trong quá trình thực hiện sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp, sát với thực tiễn, nhất là về giai đoạn đầu tư, quy hoạch chuyên ngành…
Còn rất nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn, nhiều vấn đề sẽ nảy sinh – Quá trình thực hiện rất cần sự phối hợp đồng bộ và nhất quán của các cơ quan, ban, ngành và sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và Chính Phủ. Theo tôi, việc trước mắt là phải nhanh chóng hoàn thiện quy chế quản lý quy hoạch làm cơ sở pháp lý cho việc phát triển thủ đô theo đúng quy hoạch với những nội dung sau đây:
– Nhanh chóng rà soát những dự án đã phê duyệt từ trước khi phê duyệt Quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 – tầm nhìn 2050 để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp;
– Triển khai quy hoạch phân khu chức năng và quy hoạch chi tiết cho các khu chức năng đô thị, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp… để quản lý cho hiệu quả;
– Tổ chức và xem xét khả năng triển khai các dự án thành phần, các phân khúc quy hoạch để đầu tư cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, điều kiện tài chính…
– Bộ Xây dựng cần điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô cho phù hợp với Quy hoạch mới được phê duyệt, chú trọng sự kết nối Vùng Thủ đô với các khu vực kinh tế khác.

Công viên Thống Nhất, lá phổi xanh của Thủ Đô

Luật Thủ đô đang được nghiên cứu và sẽ ban hành trong thời gian sắp tới, tạo hành lang để phát triển Hà Nội theo đúng quy hoạch được duyệt, đồng thời tạo môi trường đầu tư tốt, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cũng như Hội Kiến trúc sư Việt Nam luôn sẵn sàng, sát cánh cùng các cơ quan chức năng, làm cầu nối cho các nhà chuyên môn góp sức trong công cuộc triển khai Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, cũng như giải quyết những vấn đề của đô thị.
Với sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và người dân Thủ đô, công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin về quy hoạch, phát triển đô thị sẽ được chú trọng, tạo hiệu ứng tốt trong việc triển khai và quản lý theo quy hoạch – hy vọng trong tương lai Thủ đô Hà Nội sẽ theo đúng định hướng “Xanh – Văn hiến – Văn minh và Hiện đại”.

Bích Vượng (ghi)