Quận Hoàn Kiếm: Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, quản lý kiến trúc quy hoạch khu phố cổ, phố cũ Hà Nội

Đó chính là nhiệm vụ quan trọng được UBND quận Hoàn Kiếm xác định tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội và triển khai kế hoạch thực hiện Quy chế quản lý khu phố cũ tổ chức ngày 5/11 vừa qua.

a1109_tckt_01

Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc khu phố cổ Hà Nội

Sau hai năm thực hiện, Quy chế quản lý Quy hoạch- kiến trúc khu Phố cổ (KPC) Hà Nội đã giúp cho quận Hoàn Kiếm, chính quyền các phường có khung pháp lý trong việc thực thi công tác quản lý Quy hoạch – kiến trúc, đáp ứng được nguyện vọng của người dân trong việc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà, góp phần quan trọng cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản KPC Hà Nội. Trật tự xây dựng được kiểm soát chặt về tầng cao và khoảng lùi các công trình, không để xảy ra sai phạm lớn, khiếu kiện phức tạp. Trật tự đô thị, trật tự giao thông có nhiều chuyển biến. Công tác quản lý hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật đã tiếp tục được đầu tư cải thiện rõ rệt. Các công trình di tích lịch sử – văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng đã được tập trung bảo vệ gắn với các kế hoạch bảo tồn, tu bổ theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa….

Báo cáo tại Hội nghị, KTS Phạm Tuấn Long, Phó Trưởng Ban thường trực BQL phố cổ Hà Nội cho biết về việc thực hiện Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc KPC Hà Nội: Trong năm 2015, quận Hoàn Kiếm triển khai các đồ án thiết kế đô thị riêng các tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, các tuyến phố trong khu bảo tồn cấp I và khu vực trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao Đồng Xuân – Bắc Qua. Ban quản lý Phố cổ Hà Nội dành toàn bộ địa điểm 38 phố Hàng Đào làm nơi hướng dẫn người dân trong công tác bảo tồn nhà ở và hướng dẫn xin phép xây dựng. Chất lượng hồ sơ xin phép xây dựng được nâng lên một bước, việc cấp phép xây dựng đã sát với thực tế, theo đúng các quy định của Quy chế quản lý Quy hoạch – Kiến trúc khu Phố cổ Hà Nội. Đồng thời BQl phố cổ cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các phát sinh, kịp thời báo cáo UBND Thành phố xem xét giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện Quy chế. 

Đối với các di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc có giá trị hiện đang xuống cấp, từng bước lập hồ sơ và thực hiện theo Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 18/9/2012 của UBND quận Hoàn Kiếm về giải phóng mặt bằng và tu bổ.

Quận đã tập trung cho các dự án bảo tồn trùng tu trong khu Phố cổ: 

Một trong những nội dung quan trọng Quận Hoàn Kiếm đã tập trung thực hiện trong giai đoạn vừa qua chính là Đề án Giãn dân Phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân số, cải thiện điều kiện và chất lượng sống cho người dân Phố cổ – phù hợp với định hướng tổ chức phát triển không gian khu vực nội đô theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (giảm số dân trong 

nội đô lịch sử từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người). Ngày 09/01/2013, UBND Thành phố đã có Quyết định số 168/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Giãn dân Phố cổ quận Hoàn Kiếm. 

Quận đã giao Ban quản lý Phố cổ dành điểm 28 Hàng Buồm – Trung tâm thông tin di sản Phố cổ là nơi triển lãm Đề án, tập trung  tuyên truyền về Đề án để người dân và cộng đồng hiểu rõ mục tiêu và trách nhiệm đối với bảo tồn Phố cổ Hà Nội. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án. Đến nay đã hoàn thành công tác khảo sát, thống kê, phân loại đối tượng cần di dời, đề xuất  phương án kiến trúc khu nhà ở dành cho Giãn dân Phố cổ, phù hợp với đặc thù và nguyện vọng của người dân Phố cổ. 

pdf my viet

Tuy nhiên, công tác thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc – quy hoạch KPC Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn như: Chưa thu hút được sự tham gia của cộng đồng; việc chỉnh trang tuyến phố, kiểm soát biển hiệu, biển quảng cáo.. còn nhiều hạn chế; việc phối hợp triển khai xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch phân khu, các đồ án thiết kế đô thị riêng còn chậm so với yêu cầu… 

Khắc phục các tồn tại, trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tập trung các nguồn lực để phát huy hiệu quả các tiềm năng của di sản KPC Hà Nội. Cụ thể là: 

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về việc thực hiện Quyết định 6398/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quy chế quản lý Quy hoạch- kiến trúc KPC Hà Nội.

–  Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Quy hoạch Kiến trúc KPC Hà nội, đào tạo rộng và sâu về lĩnh vực bảo tồn di tích.

– Tập trung triển khai đề án Giãn dân Phố cổ; sang khu nhà ở giãn dân tại khu đô thị Việt Hưng, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách để quản lý đối với các diện tích nhà, đất của các hộ dân đã di chuyển còn lại trong KPC Hà Nội.

– Đầu tư GPMB, tu bổ, tôn tạo 100% các công trình di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng, bảo tồn các công trình nhà ở có giá trị kiến trúc, cải tạo không gian công cộng trong KPC.

– Tiếp tục cải tạo hạ tầng, từng bước tổ chức lại giao thông trên địa bàn, để khu Phố cổ trở thành không gian đi bộ gắn với khu vực Hồ Hoàn Kiếm, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

– Tiếp tục phát huy giá trị di sản phi vật thể KPC Hà Nội; phát triển du lịch văn hóa liên kết trong hệ thống di sản Quốc gia. Tiếp tục khôi phục các lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân và đa dạng hóa các loại hình văn hóa nghệ thuật để KPC trở thành Trung tâm văn hoá của cả nước. 

Triển khai thực hiện Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cũ Hà Nội

Đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, ThS.KTS Trần Việt Thắng đã trình bày tóm tắt Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cũ Hà Nội mới được TP thông qua tháng 9/2015. Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Quy chế, UBND quận Hoàn Kiếm quán triệt các cấp, ban, ngành phối hợp chặt chẽ, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm và hành động trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc cảnh quan và các công trình di tích; nâng cao chất lượng công tác quản lý phát triển đô thị, quản lý đầu tư xây dựng, cấp phép cải tạo, chỉnh trang theo đúng quy định hiện hành.

Nhìn chung, với vị trí quan trọng của KPC, khu phố cũ Hà Nội đối với sự phát triển chung của Thủ đô, UBND quận Hoàn Kiếm chủ trương tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng nội dung của Quy chế đến đông đảo người dân, thu hút sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản KPC, khu phố cũ Hà Nội; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước để việc triển khai Quy chế quản lý được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, lâu dài, công khai, minh bạch. Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP, UBND quận Hoàn Kiếm, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ban, ngành và mỗi người dân Hà Nội, trong thời gian tới công tác quản lý kiến trúc – quy hoạch KPC, khu phố cũ Hà Nội sẽ được triển khai hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển Thủ đô theo hướng Xanh – Hiện đại – Văn minh – Văn hiến!

Trúc Linh

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10 – 2015)