Re-thinking Industrial Habitat, đề xuất mới cho nhà ở công nhân ở Campuchia

PhnômPênh, thủ đô Vương quốc Campuchia, cũng như một số thành phố khác tại Đông Nam Á, đang trở thành nơi tập trung các nhà xưởng gia công, sản xuất công nghiệp của thế giới. Quá trình đô thị hoá tại đây đang diễn ra một cách nhanh chóng và khó kiểm soát. Hậu quả trước tiên là hiện tượng di dân cơ học ồ ạt từ nông thôn lên thành thị để tìm kiếm việc làm gây nên bùng nổ dân số. Hạ tầng đô thị, đặc biệt là các khu nhà ở xã hội đã sớm trở nên quá tải, hàng nghìn công nhân với mức thu nhập thấp tại đây phải sống trong các khu nhà ổ chuột. Các khu nhà ở chật hẹp, thiếu ánh sáng, thông gió và nước sạch này thường xuất hiện xung quanh các điểm công nghiệp lớn tại ngoại ô thành phố. Vì vậy, đề xuất mô hình nhà ở phù hợp cho công nhân đang là thách thức lớn đối với các nhà quản lí đô thị và hoạch định chính sách.

Hình 1 Việc những gia đình đông người sống trong một căn nhà nhỏ lụp xụp thiếu ánh sáng, thông gió, nước sạch là điều dễ dàng gặp phải tại các khu công nghiệp. Ảnh : Chin Sambath, 2016

Re-thinking industrial habitat (RIH) là một dự án được thực hiện trong năm 2018 vừa qua bởi nhóm 3 kiến trúc sư trẻ Việt Nam, nhằm hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở công nhân tại PhnômPênh. Được đánh giá cao bởi tính đa chiều trong cách tiếp cận vấn đề, cũng như các giải pháp thiết kế phù hợp, dự án Re-thinking Industrial Habitat – Thiết kế nhà ở công nhân cho Đặc khu kinh tế PhnômPênh đã đạt giải Ba, hạng mục Kiến trúc sư trẻ cuộc thi Kiến trúc xanh SPEC GO GREEN INTERNATIONAL AWARDS 2018 vừa qua.

Địa điểm thiết kế nằm trong Đặc khu kinh tế PhnomPenh (PhnomPenh Special Economic Zone – PPSEZ)- cách trung tâm thành phố 20km về phía Tây Nam.  Thành lập từ năm 2006, PPSEZ là một khu công nghiệp đặc biệt quan trọng với thủ đô PhnômPênh bởi hoạt động của hơn 88 doanh nghiệp cùng 17000 lao động thường trực. Tổng diện tích 357ha, PPSEZ bao gồm 3 giai đoạn phát triển. Trong đó, khu đất 7ha được dành cho dự án xây dựng nhà ở công nhân giá rẻ, cũng là khu đất thí điểm của dự án RIH.

Hình 2 Vị trí của dự án RIH trong Đặc khu PPSEZ và đô thị PhnômPênh

Nằm trong giai đoạn 3 của PPSEZ, vị trí của dự án có nhiều thuận lợi như nằm cạnh dòng sông Prek Thnout và vùng canh tác nông nghiệp của các làng quê lân cận, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ thuận lợi. Tuy nhiên, thách thức đặt ra không hề nhỏ khi xây dựng một khu dân cư với mật độ cao (ít nhất 2000 hộ) với chi phí thấp (16000$ – khoảng 350 triệu VND/căn hộ – bao gồm chi phí hạ tầng, xã hội). Không những vậy, cần đảm bảo giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của dự án xây dựng lên hệ thống làng mạc nông nghiệp xung quanh. Giải pháp của các KTS đề ra là dung hoà giữa thiết kế nhà ở tập thể mật độ cao với các yếu tố truyền thống trong lối sinh hoạt của người dân Campuchia

Hình 3 Ngoài yếu tố về chất lượng và giá xây dựng, mối tương quan giữa khu nhà ở công nhân với các yếu tố tự nhiên, nông nghiệp xung quanh cần phải được lưu tâm

Dự án tập trung vào hai khía cạnh chính:

1. Về mặt kiến trúc:

Dự án hướng tới hình thức nhà ở công nhân mới, hiện đại, trong đó tích hợp các yếu tố của kiến trúc nhà ở truyền thống. Năm tiêu chí thiết kế bao gồm: đa dạng, linh hoạt, giá rẻ, lối sống sẻ chia và định hướng phát triển trong tương lai.

Hình 4 Chiến lược thiết kế dự án, hướng tới thoả mãn 5 tiêu chí nêu trên và xây dựng mô hình một thành phố thu nhỏ bên trong dự án nhà ở công nhân
Hình 5 Nghiên cứu tập quán, truyền thống, vật liệu địa phương của dự án (Nguồn : Pauline Gabert)

Xuất phát từ mô hình nhà sàn truyền thống Campuchia, phù hợp với vị trí của dự án nằm tại khu vực ven sông có nguy cơ ngập lụt, các tác giả đã phát triển mô hình quần cư theo đơn nguyên nhà ở khoảng 20 hộ. Các hộ gia đình sẽ cùng chia sẻ các không gian tiện ích chung nằm tại tầng trệt và tại mỗi tầng (nhà trẻ, tạp hoá, bãi xe đạp…). Các tầng trong mỗi đơn nguyên được đặt so le nhằm tạo mối liên kết xuyên suốt theo trục giao thông đứng. Nhờ vậy, thúc đẩy sự giao lưu, mối quan hệ, tình hàng xóm giữa các cư dân trong mỗi đơn nguyên.

Hình 6 Thiết kế một đơn nguyên nhà ở gồm 20 hộ (4-5 tầng), giao thông đứng cùng các không gian xanh trong thiết kế
Hình 7 Mặt cắt đơn nguyên nhà ở thể hiện các yếu tố vi khí hậu của dự án

Để đảm bảo giá thành xây dựng thấp và tính bền vững, các căn hộ được cấu thành từ các vật liệu sau:

  • Hệ khung thép hộp (là vật liệu có thể tái chế sử dụng nhiều lần mà không mất đi phẩm chất) theo module 4×6 mét (tương đương diện tích một gian nhà truyền thống của Campuchia, khoảng 24m2).
  • Hệ sàn được tạo nên từ các tấm bê-tông tái chế, đúc sẵn, nhằm giảm tải trọng và dễ dàng tháo dỡ, có thể tái sử dụng cho các dự án tiếp theo.
  • Ngoài không gian kĩ thuật là toilet và bếp, phần vách của các căn hộ được lắp ghép từ hệ vách xếp bằng tre – vật liệu sẵn có của địa phương. Loại vách này có rất nhiều ưu điểm : rẻ, thông thoáng tốt, che nắng hiệu quả giúp tiết kiệm năng lượng sử dụng. Hệ vách tre di động này giúp cho phòng sinh hoạt trong căn hộ dễ dàng trở thành một không gian mở (tương tự hiên nhà) – một yếu tố tối quan trọng với lối sống cộng đồng, quần cư truyền thống. Ngoài ra, việc sử dụng vách đan bằng tre cũng góp phần lưu giữ và phát huy những kĩ năng thủ công truyền thống của người dân.

 

Hình 8 Căn hộ được thiết kế dạng module với các vật liệu bền vững, phù hợp với lối sống truyền thống của người Campuchia

2. Về mặt quy hoạch

Dự án xây dựng mô hình một thành phố tích hợp, nhằm phục vụ tối đa nhu cầu sinh hoạt của cư dân cũng như tạo ra một liên hệ mật thiết với trung tâm Phnom Penh và thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, nông nghiệp xung quanh.

Hình 9 Tổng mặt bằng, mặt cắt và các yếu tố liên kết tương tác lẫn nhau trong quy hoạch dự án

Được thiết kế như một thành phố thu nhỏ, nhằm trả lời cho sự phức tạp của các cư dân tương lai với nhiều độ tuổi, giới tính, tình trạng và tính cách khác nhau, phương án quy hoạch dạng hoá các loại hình ở (căn hộ gia đình, căn hộ cho các cặp đôi trẻ, khu vực ở ghép co-living…). Đồng thời, các không gian công cộng (quảng trường, chợ, các trục tiện ích thương mại, công viên…) được thiết kế phong phú, liền mạch, tận dụng mối liên kết với các trục cảnh quan xanh, cảnh quan nông nghiệp xung quanh.

Hình 10 Phối cảnh tổng thể dự án – Sự tương tác với con sông và kết nối hoạt động nông nghiệp hiện tại.

Việc gia tăng tối đa các kết nối hoạt động thể thao, giáo dục, nông nghiệp, thương mại, việc làm.. nhằm liên kết các cộng đồng mới – cũ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển mối quan hệ, sự gắn bó của cư dân với dự án, qua đó, gia tăng giá trị các căn hộ theo thời gian. Đây là một yếu tố mới trong thiết kế khi so sánh với sự xuống cấp, giảm giá trị nhanh chóng của các khu nhà ở công hiện nay đang gặp phải.

Hình 11 Các hoạt động xã hội đa dạng được xem như sợi dây liên kết cư dân, gia tăng tính bền vững theo thời gian của khu ở

Sự hấp dẫn của dự án chính là tạo ra mối tương tác giữa công trình kiến trúc, cảnh quan, không gian công cộng và con người. Điều này tạo ra sự đa dạng trong quá trình sử dụng, tăng chất lượng sống cho người lao động tại khu công nghiệp và cộng đồng xung quanh, giữ được tính bản địa, chia sẻ hệ thống phục vụ cộng cộng và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh tự nhiên môi trường. Tầm nhìn hướng đến là một khu ở bền vững, nơi để người lao động và gia đình có thể an cư, phát triển kinh tế và gia tăng các quan hệ xã hội.

Hình 12 Phối cảnh một góc không gian công cộng của dự án

Đậu Sỹ Nghĩa-Nguyễn Xuân Trường-Đỗ Đức Thành

© Tạp chí kiến trúc