1. Tôi yêu xe đạp và thường đạp xe đi làm, hay dạo khắp các con phố náo nhiệt ở Hà Nội vào dịp cuối tuần. Xe đạp khiến tôi dễ dàng di chuyển thoát khỏi giao thông hỗn độn trên phố. Nó linh hoạt và tiện lợi. Khi đạp xe, gió lướt trên mặt, cảm giác được rèn luyện và thư giãn, nhưng đó không phải là tất cả. Tôi đạp xe còn vì một lý do quan trọng khác – nó cho phép tôi lắng nghe thành phố (TP).
Đạp xe chầm chậm trên phố như một hình thức “nghe trộm” nhịp sống của đô thị, một cách để nghe lỏm âm vang của đường phố. Khi bạn mắc kẹt trong một chiếc xe hơi, nó giống như khi bạn ở trong một cái bong bóng – Bạn không thể nghe bất cứ thứ gì diễn ra bên ngoài. Nhưng khi đạp xe, bạn có thể hòa nhập với không khí xung quanh. Bạn có thể cảm thấy mọi người làm công việc của họ. Đó là một kiểu kết nối.
Tôi cũng thích những ô cửa mở rộng, để ngắm những chuyển động của TP trong từng thời khắc, hay nghe âm thanh của con phố tràn vào, một chút ồn ào, nhắc tôi về nơi mình đang sống. Tất cả những ý tưởng chợt đến, đọng lại mà tôi có được đều đến từ TP, hay nói chính xác hơn là những lúc chầm chậm lắng nghe TP như thế. Nếu bạn nhìn và nghe TP, bạn sẽ thấy tâm trí mình tự động mở ra. TP giống như một máy trộn, mỗi đường phố là một cuốn băng hỗn hợp đầy màu sắc.
2. TP mở rộng trí tưởng tượng của chúng ta và bộc lộ những điều không ngờ đến, những giai điệu sôi nổi, những bè trầm nghịch tai hay cách xếp đặt trừu tượng. Bạn có thể thu lượm được nhiều điều từ việc đi chợ, vào hiệu cắt tóc, hoặc xuống phố đông, nhiều như những gì bạn thu hoạch được từ viện bảo tàng. Khi tập trung chú ý, lắng nghe, quan sát mọi thứ diễn ra, bạn để cho mọi thứ ngấm vào. Khi về phòng, chúng để lại những dư âm rất đậm, khiến chúng ta không thể ngăn bản thân đưa những ý tưởng đó vào tác phẩm của mình (văn thơ, âm nhạc, hội họa, múa, thời trang…có đầy những chất liệu sống động từ đường phố). Đó là lý do tại sao các TP như một cỗ máy ngầm sản sinh năng lượng – Bạn không bao giờ biết khi nào một ý tưởng đến với mình.
Tại sao những TP tồn tại? – Đây là một câu hỏi hóc búa, bởi xét cho cùng, TP là một chốn khó ưa. Nó ồn ào, bụi bặm, đắt đỏ và nguy hiểm nữa. Nói cách khác, cuộc sống đô thị chẳng hề dễ dàng. TP luôn chứa đựng sự căng thẳng và đầy áp lực. Chúng ta chen chúc với nhau, nhưng tất cả sự chen chúc đó đều có cái giá của chúng. Thay vì chết đi và lụi tàn vì quá tải, các TP ngày càng phình to, bung ra và nén vào ở khắp nơi trên thế giới. Đô thị hóa là chủ đề lớn của đời sống hiện đại, xu hướng di trú, dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị đang trải rộng khắp nơi. Lần đầu tiên trong lịch sử, đa số nhân loại sống ở khu vực thành thị. Trong thế kỷ tới, chắc chắn sẽ còn nhiều người chuyển tới sống và làm việc ở TP hơn nữa.
3. Một thống kê khoa học được nghiên cứu cẩn thận cho thấy khi người ta gặp gỡ nhau, mỗi người sẽ làm việc trở nên năng suất hơn là làm việc một mình. Gặp gỡ, va chạm khiến họ trao đổi nhiều ý tưởng hơn và làm ra nhiều phát kiến hơn. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là “sự tăng trưởng quy mô siêu tuyến tính”. Một TP đang phát triển khiến mọi người năng động hơn, điều này khuyến khích nhiều người chuyển đến TP đó hơn và cứ thế. Những kiểu mẫu siêu tuyến tính này đã giải thích cho câu chuyện các TP sẽ tồn tại mãi mãi và là công trình sáng tạo quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại – Một kiểu định cư có khả năng quay vòng tự tái sáng tạo.
Khi các TP phình to ra, mọi thứ đều gia tốc, các liên kết được hình thành, nhào trộn với nhau và là suối nguồn bất tận cho các ý tưởng. Mỗi đơn vị cá nhân trở nên năng suất hơn và sáng tạo hơn. Chúng ta không thể hiểu đời sống hiện đại nếu không hiểu các TP và nguồn sức mạnh ẩn sau sức sống của TP, chúng là nơi phát xuất của mọi điều mới mẻ. Các nhà khoa học ở Mỹ đã phát hiện ra một điều thú vị rằng tốc độ sống gắn kết mật thiết với dân số của TP, càng đông dân thì người dân có xu hướng di chuyển, hoạt động càng nhanh hơn. Mật độ cao khiến chúng ta nhanh hơn. Họ cũng phát hiện ra một tương quan khác rất thú vị, dường như có sự liên hệ nhất quán giữa tốc độ đi bộ và quá trình phát minh ra bằng sáng chế. Các TP với những khách bộ hành đi nhanh bất thường tạo ra nhiều ý tưởng mới hơn. Họ rút ra kết luận: Những TP sáng tạo nhất đơn giản là những TP có nhiều va chạm nhất.
Tất nhiên, những va chạm liên cá nhân này – ma sát của con người trong một không gian đông đúc cũng gây ra cảm giác không mấy dễ chịu. Chúng ta không phải lúc nào cũng thấy thoải mái và muốn nói chuyện với người lạ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khẳng định rằng tất cả những TP thành công đều có chút không thoải mái. Quy hoạch đô thị xét cho cùng cũng là tìm một phương cách để tối thiểu hóa sự không thoải mái của con người, đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực và tối đa hóa những tương tác giữa họ.
4. Ở Israel, biểu đồ xã hội rất đơn giản: Mọi người đều biết nhau. Sự gần gũi của mạng lưới xã hội Israel có nghĩa là các ý tưởng quay vòng với tốc độ nhanh đáng ngạc nhiên, lan tỏa tri thức diễn ra không ngưng nghỉ. Bởi thế nên Israel – quốc gia nhỏ bé với đầy những bất lợi, lại vươn lên trở thành vườn ươm công nghệ cao của thế giới. Những liên kết lỏng tràn ngập ở đây trở thành nguồn cội của những ý tưởng mới. Tất cả có được là do kết cấu xã hội đặc thù và chính sách nghĩa vụ quân sự rất đặc biệt của đất nước này. Đàn ông, thanh niên đều phải nhập ngũ không có ngoại lệ. Quân đội luân chuyển họ đến khắp nơi, việc luân chuyển này giúp duy trì mạng lưới rộng lớn các liên kết lỏng khắp đất nước. Cứ mỗi năm các quân nhân này lại làm quen với những người khác trong đơn vị thay vì chỉ chơi với bạn thân, họ buộc phải hòa nhập với đủ loại người khác nhau. Ban đầu, người ta dễ dàng bỏ qua những mối quan hệ lướt qua, bởi đó là những người chúng ta hiếm gặp, ảnh hưởng của họ xem chừng không lớn. Tuy nhiên, những mối liên kết yếu hóa ra lại là thành phần thiết yếu của sáng tạo.
Một nghiên cứu khác cho thấy các doanh nhân với mạng lưới nhiễu động đầy những mối liên hệ yếu có mức độ sáng tạo cao hơn gấp ba lần so với những người có mạng lưới nhỏ chỉ gồm những người bạn thân. Thay vì mắc kẹt trong đường mòn của những khuôn mẫu – nghĩ cùng những ý tưởng chán phèo hệt như những người khác – họ có thể nảy ra những ý tưởng mới sinh lợi. Chúng ta thường thần thánh hóa các sáng tạo và tôn sùng những cá nhân sáng tạo, nhưng những phân tích đã chỉ ra rằng việc chỉ chú tâm vào các cá nhân đơn lẻ đã khiến câu chuyện thực sự về sáng tạo bị bỏ lỡ. Những ý tưởng sáng tạo nhất, hóa ra, không xảy ra khi chúng ta ở một mình. Chúng nảy mầm từ những nhóm xã hội, từ tập hợp những người quen của chúng ta, những người truyền cảm hứng cho lối suy tư mới mẻ. Đôi khi, những người quan trọng nhất trong đời lại là người chúng ta mới quen và không hiểu nhiều – Khi những người lạ trao đổi tri thức, tri thức mới được hình thành.
Nghiên cứu xuất sắc nhất luôn được làm ra khi các nhà khoa học làm việc trong phạm vi 10m so với đồng nghiệp của mình, trong khi những nghiên cứu dở nhất có xu hướng đến từ những cộng sự ở cách xa nhau. Những phát hiện này càng củng cố nhu cầu tạo ra những kiến trúc và tiện nghi hỗ trợ tương tác thể chất thường xuyên. Nói cách khác, những ý tưởng mới quan trọng nhất của chúng ta không đến từ màn hình mà nảy mầm từ những cuộc chuyện phiếm, từ rất nhiều nhà khoa học cùng chia sẻ trong một không gian chung.
Tăng cường giao tiếp, chia sẻ, va chạm giữa con người sẽ kích thích sáng tạo không còn là điều mới mẻ. Tại các tập đoàn, công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới như Google, Facebook, Apple…các không gian mở, không gian làm việc chung, các hoạt động đội nhóm, sinh hoạt cộng đồng, những bữa ăn miễn phí giữa giờ, các hành lang, khu vệ sinh đều được thiết kế rất có ý đồ… Chúng cùng hướng tới mục tiêu để nhân viên tăng cường giao tiếp và chia sẻ từ đó tạo nên một sức sống, sự sáng tạo rất lớn cho doanh nghiệp.
Những phát hiện này không có nghĩa từ nay chúng ta nên từ bỏ những không gian riêng tư hay rời xa internet. Thay vào đó, giới hạn của công nghệ nên tạo cảm hứng cho ta nghĩ lại về bản chất những tương tác trực tuyến của mình. Điều đầu tiên chúng ta cần chắc chắn là những mối liên lạc điện tử mới không tách rời khỏi những liên lạc thực sự của chúng ta, khỏi những cuộc trò chuyện tương tác trong thế giới vật chất. Mạng xã hội có công dụng, nhưng nó không thể thay thế được những liên kết lỏng của cuộc sống. Những ý tưởng quan trọng nhất đôi khi lại là cái chúng ta hay phớt lờ. Điều này đưa chúng ta trở lại với sức mạnh trường tồn của những đô thị khổng lồ, nơi luôn bày ra trước mắt chúng ta những điều không ngờ tới đầy thú vị. Chính những không gian đông đúc buộc chúng ta tương tác. Chúng dẫn dắt chúng ta khám phá các ý tưởng mà tự chúng ta sẽ không khám phá nổi, giúp ta nói chuyện với những người lạ mà chúng ta có khi đã chẳng để tâm. Đôi khi những cuộc gặp gỡ tình cờ này sẽ dẫn đến một ý tưởng mới, hoặc nghĩ về vấn đề cũ theo cách hơi khác đi – tri thức len lỏi khắp mọi nơi.
5. Vậy nên, xét cho cùng để tạo dựng một TP sáng tạo không phải là đầu tư thật nhiều cho công nghệ mà đôi khi chỉ bằng việc kiến tạo các không gian công cộng, duy trì và kết nối các tụ điểm sinh hoạt cộng đồng một cách hấp dẫn, khai thông hè phố cho đi bộ, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và các dịch vụ dùng chung… với mục tiêu tạo ra nhiều các liên kết lỏng trong thực tế – càng nhiều càng tốt. Bất luận những liên kết diễn ra ở đâu, điều quan trọng nhất là tăng cường các giao tiếp và chia sẻ trong cộng đồng để các dòng chảy ý tưởng phải luôn được chia sẻ, lan truyền và hoàn thiện góp phần tạo nên các giá trị mới, tạo nên sức sống của TP.
Ths.KTS Lê Hữu Trúc
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2020)
Tài liệu tham khảo
- “Cuộc sống trong lòng những con phố” – Lê Hữu Trúc, Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 383.
- “Va chạm đô thị – Sáng tạo Jonah Lehrer” – NXB Lao động 2014.
- “Con đường sáng tạo” – Nguyễn Hữu Hiệu, NXB trẻ 2002.