Thiết kế đô thị trong quảng trường và không gian công cộng khu vực trung tâm nội đô Hà Nội

Các không gian công cộng (KGCC) như quảng trường, vườn hoa, khu vực tượng đài tại Trung tâm nội đô Hà Nội cơ bản đã được định hình về mặt hình thái. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng không gian về thẩm mỹ, bản sắc và tính văn hóa tương xứng với vị thế của không gian của khu vực trung tâm của Thủ đô vẫn còn là vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu và cần có các giải pháp thông qua thiết kế đô thị.

Qua nghiên cứu đánh giá về các không gian quảng trường, KGCC hiện nay cho thấy các hạn chế cơ bản đó là thiếu sự đa dạng về hình thái không gian và sự đơn điệu trong chức năng của quảng trường. Cả hai yếu tố này đã làm giảm đi đáng kể sức hút của các KGCC.

Tạo lối xuống KG ngầm, tạo ra các chức năng mới, các hướng nhìn đa dạng hơn

Những quảng trường quan trọng như Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Quảng trường Đông kinh Nghĩa thục hay Quảng trường 1-5 (trước Cung văn hóa Hữu Nghị Hà Nội), một số không gian tượng đài, vườn hoa đều gặp phải hạn chế này.

Có thể tạo lối xuống KG ngầm dưới quảng trường bằng lối từ phía 2 công viên

Sự đơn điệu trong chức năng quảng trường thể hiện qua việc thiếu sự tham gia của các công trình xung quanh có chức năng khác liên kết với quảng trường. Nguyên nhân là các công trình xung quanh KGCC vẫn còn có hiện tượng quay lưng vào quảng trường, tiếp xúc bằng tường rào, không có mối quan hệ giữa chức năng công trình và không gian. Ví dụ như công trình Bộ Giao thông vận tải, Bệnh viện Tim Hà Nội cạnh quảng trường 1-5, Sở Văn hóa TT&DL, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội bên cạnh không gian Tượng đài quyết tử cạnh hồ Hoàn Kiếm. Tình trạng này làm giảm đi sự đa dạng về hoạt động trên quảng trường, rõ nét nhất là quảng trường 1-5.

Đây là nhược điểm khá phổ biến của việc thiết kế các quảng trường ở nước ta hiện nay, không chỉ riêng ở Hà Nội. Việc coi quảng trường chỉ như một sân trống hoặc nếu có quan tâm thiết kế cũng chỉ có thêm tượng đài, vườn hoa là một thiếu sót về ý đồ tạo sự đa dạng các chức năng cho KGCC này. Chỉ khi không gian quảng trường được kết nối với các công trình công cộng xung quanh mới tạo nên được chuỗi các hoạt động phong phú cho quảng trường, sức sống hàng ngày của quảng trường, tránh việc chỉ là không gian dùng cho metting vài lần trong năm.

Với khu vực nội đô Hà Nội, do các công trình xung quanh đã định hình, rất khó có thể mở rộng hoặc điều chỉnh, thiết kế hình thái không gian mới hoặc công trình kiến trúc xung quanh. Các không gian dành cho đi bộ không thể mở rộng, trừ khi thay đổi hoàn toàn thành tuyến phố đi bộ, quảng trường đi bộ. Đây là yếu tố hạn chế của các đô thị lịch sử.

Phân tích về mặt thị giác cho thấy hiện tại các không gian này mới chỉ tổ chức hoạt động được ở một cốt duy nhất là cốt mặt đất. Quảng trường, đường phố, chỗ dừng chân hay công viên bờ hồ … đều được nhận diện cơ bản qua không gian du nhìn. Nếu có các bức ảnh chụp từ trên cao như ảnh bờ hồ Hoàn Kiếm, quảng trường Cách mạng tháng Tám…đều là từ tầng cao của các công trình kiến trúc lân cận chứ không phải từ chính các KGCC đó.

Đặc điểm này cũng là một hạn chế trong tổ chức KGCC do điểm du nhìn thường có tầm nhìn khá hạn chế, lại thường xuyên bị các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy qua lại ngăn cách nên đã làm giảm khá lớn đến hiệu quả nhận thức không gian, thị giác và tác động đến hiệu quả của nhận thức.

Vận dụng những lý luận về thiết kế đô thị với các vấn đề của KGCC, quảng trường khu vực nội đô hiện nay có thể có các giải pháp sau:

Giải pháp tạo lập không gian ngầm và khai thác sự chênh cốt trong tổ chức không gian

Việc tạo các không gian ngầm là giải pháp có ý nghĩa quan trọng đối với thiết kế đô thị quảng trường và KGCC, nhất là với khu vực nội đô lịch sử. Không gian ngầm bổ sung được rất nhiều chức năng còn thiếu trên quảng trường như các cửa hàng đồ lưu niệm, thời trang, công trình phục vụ khách du lịch, khu vệ sinh, ăn uống…Không gian ngầm cũng tạo thêm các liên kết giao thông mà không làm gián đoạn các liên kết giao thông trên mặt đất.

Từ tầng 2, 3 của các tòa nhà xung quanh cần cải tạo để có chỗ ngắm về Quảng trường Nhà hát lớn

Từ việc tạo không gian ngầm sẽ hình thành được nhiều KGCC mới xung quanh quảng trường hiện hữu với sự đa dạng về cả chức năng lẫn hình thái. Trong đó hình thái không gian mới chủ yếu hình thành từ các không gian chênh cốt. Các KGCC chênh cốt có thể tạo lập bởi:

  • KGCC là lối xuống trực tiếp các không gian ngầm bên dưới quảng trường. Ví dụ con đường trước Nhà hát Lớn có thể được tạo lập 1 hoặc 2 tầng hầm để làm trung tâm dịch vụ, du lịch, thương mại. Lối xuống tầng hầm đó có thể đi trực tiếp từ bên ngoài (từ 2 công viên bên cạnh) qua việc tạo các không gian dốc bậc vào thẳng các tầng hầm;
  • KGCC bố trí ở tầng 2 và 3 của các tổ hợp công trình lớn xung quanh quảng trường. Từ tầng này có thể kết nối với không gian thấp hơn (tầng trệt) hoặc cao hơn (tầng 3,4) bằng tuyến đi ngoài nhà;
  • Không gian chênh cốt từ các yếu tố tự nhiên, với Hà Nội có thể là sự chênh cốt của mặt các tuyến đê sông Hồng so với bên trong đê.

Sự chênh cốt này sẽ tạo ra một có hội để chúng ta tạo ra những không gian mới với những góc nhìn mới, sống động hơn cho đô thị. Cụ thể:

  • Chênh cốt tạo ra một tầm nhìn rộng, bao quát hơn (*). Ví dụ từ độ cao 6-8 m của công trình xung quanh Nhà hát lớn nhìn xuống quảng trường sẽ thấy vẻ đẹp mới với tầm nhìn rộng, cho tầm nhìn mới, lạ hơn so với điểm nhìn du nhìn. Về tâm lý, mọi người cũng rất thích ngồi ở các bậc dốc nhìn cảnh quan hoạt động bên dưới. Với không gian Nhà Hát lớn, việc có chỗ ngồi ngắm nhà hát là rất cần thiết vì điểm nhìn Nhà hát đẹp nhất hiện nay lại ở lòng đường, rất hạn chế cho việc ngắm nhìn, chụp ảnh với công trình;
  • Chênh cốt tạo ra các không gian đóng mở hấp dẫn hơn, do sự thay đổi dẫn dắt không gian không chỉ ở sự đóng mở ngang mà còn đóng mở lên, xuống theo lối đi bậc, dốc. Tạo ra các điểm nhấn kiến trúc mới và các vị trí cho quảng cáo thương mại;
  • Tại vị trí chênh cốt có thể hình thành thêm các không gian nửa trong và ngoài, bổ sung thêm cho các các hoạt động của cộng đồng, giao lưu, quảng bá thương mại;
  • Chênh cốt cũng tạo ra các dạng kiến trúc mới: Ví dụ có thể thiết kế các loại hình dốc bậc khác biệt về hình thái, chất liệu đá, gỗ. Các tuyến hành lang cầu nối các cốt cao, cầu trên cao…đều có thể tạo ra các hình thái kiến trúc mới. Tại một số không gian trọng tâm có thể bố trí tượng nghệ thuật, các thác nước, bố trí chiếu sáng dọc theo bậc;
  • Chênh cốt cũng đòi hỏi nền đường được thiết kế có thẩm mỹ, các thủ pháp về tạo mầu, chất liệu, thắp sáng nghệ thuật sẽ phát huy tác dụng trên các tuyến đường thay đổi cốt cao độ này. Hiện nay thiết kế nền trên quảng trường chưa được chú ý, các chất liệu lát hè đi bộ đều đơn điệu và có chỗ dùng vật liệu lát khá rẻ tiền. Trong khi đây là bề mặt thường được quan sát nhiều, nhất là với không gian đi bộ. Việc lát nên sử dụng các chất liệu bền và đẹp như đá, đồng có chạm khắc, kính chịu lực. Những dấu ấn lịch sử, câu chuyện lịch sử có thể được tái hiện trên những nền đường này.

Giải pháp tạo thêm KGCC từ tầng trệt của các công trình công cộng xung quanh

Các công trình công cộng xung quanh các quảng trường hiện nay hầu hết là sử dụng tối đa diện tích tầng trệt, cho bản thân công trình đó. Vì vậy, các hướng tuyến không gian dẫn đến quảng trường chỉ còn chính là các tuyến phố. Với sự song hành của giao thông cơ giới, các tuyến liên kết này khó tạo nên điểm mới để tổ chức không gian đi bộ.

Tuy nhiên, ngoài những công trình thương mại thấp tầng, trong khu vực nội đô vẫn có nhiều công trình công cộng khác cao 4-5 tầng, hoặc đến 9 tầng có thể xem xét để sử dụng một phần tầng trệt, tầng trệt được để trống, mọi người có thể đi qua.

Khi có tầm nhìn mới xuyên qua được một đường phố, hướng về quảng trường sẽ cho ta thấy những góc nhìn mới, phố như được rộng ra hơn, các liên kết đi bộ được linh hoạt hơn.

Giải pháp này đã được áp dụng ở khá nhiều nước. Tất nhiên, để chủ các lô đất đồng ý để một phần diện tích đất tầng trệt cho KGCC, chính quyền TP phải có những ưu đãi khuyến khích, ví dụ về việc cho phép nâng tầng cao hay về chi phí thuê đất…

Gìn giữ các trục cảnh quan lịch sử, tạo lập thêm các hướng nhìn và liên kết về không gian quảng trường

Việc thiết kế trục không gian, cảnh quan hướng về quảng trường, hướng về công trình trọng tâm trên quảng trường là một thủ pháp thường được áp dụng. Các KTS người Pháp đã thiết kế quy hoạch rất tốt, ví dụ tuyến đường Tràng Tiền hướng về Nhà hát Lớn, tuyến không gian từ Ngân hàng Nhà nước hướng ra hồ Hoàn Kiếm…

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa nhận thấy các ý đồ này và đã vô tình hay cố ý làm mất đi các trục không gian này. Ví dụ, việc xây các công trình mới là Tượng đài Lý Thái Tổ cắt đứt tuyến không gian từ Ngân hàng Trung ương ra hồ Hoàn Kiếm; hay như vô tình để cây xanh mọc với tán lớn đã che hết tầm nhìn trên trục đường Tràng Tiền – Nhà hát Lớn… Hiện nay nếu đứng từ đầu đường Tràng Tiền sẽ không thấy được Nhà hát Lớn ở cuối trục, do bị cây xanh che khuất. Trong ảnh chụp thời Pháp, không có các tán cây xanh này, các trục cảnh quan được lộ rõ. Trục đường Quán Sứ là để dẫn hướng nhìn về Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, công trình chính trên quảng trường 1-5, rất tiếc lại là đường một chiều với hướng nhìn ngược lại.

Vì vậy, cần rà soát để gìn giữ hoặc tạo tầm nhìn về phía quảng trường từ cách khoảng 200-250m. Từ đây có các công trình dẫn hướng. Không để có các công trình che chắn tầm nhìn về công trình trọng tâm.

Tầm nhìn về Nhà hát lớn trên trục đường Tràng Tiền chụp thời Pháp (bên trái) và hiện nay (bên phải) đã bị cây xanh che chắn.

Nâng cấp và chỉnh trang các kiến trúc xung quanh quảng trường

Các công trình kiến trúc xung quanh quảng trường, KGCC tác động lớn đến thẩm mỹ không gian. Vì vậy, việc chỉnh trang tạo vẻ đẹp cho công trình kiến trúc là quan trọng. Với mỗi một khu vực có sẽ có các giải pháp khác nhau. Với khu vực kiến trúc xung quanh là nhà phố có quy mô nhỏ, nhà liên kế cần tạo màu sắc hài hòa cho cả một đoạn phố, tránh sự vụn vặt màu sắc mạnh. Với công trình công cộng, hình thái kiến trúc mảng lớn cần giảm thiểu các tác động tới thị giác như: Tránh dùng kính phản quang, màu chói hoặc màu quá tối; rất cần chú ý đến tính đặc trưng của kiến trúc khu vực, tốt nhất là gìn giữ hoặc tạo lập được các đặc trưng theo một phong cách nào đó, mang rõ dấu ấn lịch sử của không gian.

Kết luận

Với một số giải pháp trên cho thấy vẫn có thể dùng các giải pháp Thiết kế đô thị để tạo nên những giá trị chức năng, thẩm mỹ mới cho các quảng trường ở khu vực nội đô lịch sử Hà Nội. Các giải pháp tạo tầng hầm, chênh cốt, tạo thêm không gian phụ, dẫn hướng không gian, chỉnh trang kiến trúc…đều có thể thực hiện với sự can thiệp phá dỡ hay dịch chuyển là ít nhất nhưng vẫn tạo được hiệu quả cao.

Hiện nay còn thiếu chính sách để thu hút đầu tư trong thiết kế đô thị quảng trường. Vì vậy rất cần được sự quan tâm đầu tư của các quận, của thành phố để từng bước các đồ án thiết kế đô thị được triển khai thực hiện.

PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2022)


Tài liệu tham khảo
(*) Phạm Hùng Cường (Chủ biên). Phân tích và cảm nhận không gian đô thị. Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật.2006