Thiết kế và xây dựng bệnh viện ở Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực tế

Nhìn lại lịch sử, công trình Bệnh viện (BV) đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới, nếu như BV như mô hình hoạt động ngày nay thường thấy được xuất hiện rất sớm ở phương Tây (vào thế kỷ thứ 8 thời trung cổ), thì tại Việt Nam, BV điều trị theo phương pháp Tây y được xây dựng đầu tiên vào năm 1894 – Đó là BV Đa khoa Trung ương Huế, BV Hữu nghị 108, sau đó phải kể đến BV Việt Đức, BV Bạch Mai…

Theo những tài liệu lịch sử đã công bố, có thể thấy trước thời kỳ Pháp thuộc, mô hình BV vẫn chưa xuất hiện mà chủ yếu là các nhà thương với quy mô nhỏ, nhằm khắc phục và hạn chế các căn bệnh truyền nhiễm với các công cụ thô sơ, đa phần theo các phương pháp Đông y.

Bệnh viện Radium – KTS. C. Delpech

Có lẽ thời kỳ Pháp thuộc vẫn là thời kỳ nở rộ và phát triển nhất trong việc xây dựng, hình thành và phát triển các công trình BV tại Việt Nam. Các BV ở Hà Nội thời kỳ này được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau, dành cho các đối tượng khác nhau, nên rất phong phú về quy mô, trang thiết bị. Có những BV quy mô rất lớn như: BV Lanessan (BV Hữu nghị và BV 108 ngày nay), BV René Robin (BV Bạch Mai ngày nay), hay BV được trang bị hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ như BV Radium (BV K ngày nay).

Thoạt đầu, các BV tại Việt Nam đa phần được xây dựng theo mô hình BV đa khoa, và thường được tổ chức như những doanh trại quân đội với các khối nhà song song, được kết nối bởi những hành lang cầu rất dài. Các công trình đa phần được xây thấp tầng bởi công nghệ xây dựng lúc bấy giờ chưa cho phép, các khoa thường được bố trí trên tổng mặt bằng, tổ chức phân tán với mỗi khoa là một khối nhà. Về mặt hình thái kiến trúc, các BV thời Pháp thuộc cũng tương đối phong phú, từ những BV xây dựng thời kỳ đầu mang phong cách kiến trúc tiền thực dân đơn giản cho đến các BV xây dựng trong những năm 1930 với phong cách hiện đại “Art Deco”…

Bệnh viện René Robin – KTS. Charles Christian

Các thiết kế BV được thực hiện bởi các KTS của Pháp và áp dụng tất cả các tiêu chuẩn, quy phạm theo “mẫu quốc” là nước Pháp thời bấy giờ. Một trong những công trình BV đặc trưng nhất, tồn tại khá lâu và phục vụ rất nhiều quần chúng nhân dân cả Pháp và Việt Nam phải kể đến là BV René Robin (BV Bạch Mai ngày nay) do KTS Charles Christian thiết kế, khởi công xây dựng năm 1929 theo mô hình BV – Đại học ở Pháp CHU (Centre Hospitalier Universitaire). Bố cục tổng mặt bằng tổ chức theo dạng phân tán, các toà nhà chính được bố trí gần đăng đối theo trục trung tâm. Nhà hành chính hai tầng ở chính giữa. Các khối điều trị được bố trí ở ba phía của toà nhà, gồm khối các phòng khám và điều trị chuyên khoa bên trái, khối phòng điều trị ngoại khoa bên phải và khối điều trị nội khoa bố trí phía sau nhà hành chính, tạo thành một tam giác cân. Các khối điều trị được tạo thành bởi bốn dãy nhà theo trục dọc và một dãy nhà theo trục ngang, bên cạnh các phòng khám, điều trị, trong mỗi khối đều có một giảng đường. Dọc theo trục chính phía sau khối điều trị nội khoa là một giảng đường lớn và các phòng xét nghiệm. Kết thúc trục này là một khối phòng mổ hình tròn hai tầng, tuy nhiên do điều kiện chiến tranh, khối này chưa kịp hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Nối giữa các khối nhà là hệ thống hành lang cầu rộng rãi, cho phép đi lại và vận chuyển bệnh nhân một cách dễ dàng. Đây là một tổng thể kiến trúc theo phong cách “Art Deco”, xây dựng trên diện tích khá lớn và theo mô hình phân tán duy nhất của Hà Nội lúc bấy giờ. Các tòa nhà chính đều có sảnh vào riêng, bố cục theo dạng hành lang giữa kết hợp hành lang bên. Phong cách kiến trúc giản dị toát lên vẻ hiện đại của công trình. Tuy nhiên, tác động của khí hậu nhiệt đới cũng đã được tác giả tính đến với hệ mái bằng cách nhiệt hai lớp, phía trên cửa sổ đều có kết cấu che nắng ngang, đặc biệt, khối bệnh phòng được bao bọc bởi hệ ban công, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của bệnh nhân vừa tạo ra một không gian đệm cho khối phòng này. Một điểm nhấn kiến trúc đáng lưu ý là khối nhà mổ chính, cấu trúc không gian hình tròn kiểu tán xạ với hành lang rộng tới 3,9m bao quanh hệ thống phòng mổ đặt ở trung tâm. Hệ thống cửa kính lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên bố trí theo kiểu nhịp ba rộng rãi, ngoài ra còn có hệ thống lấy ánh sáng từ phía trên bằng các ô kính hình tròn cho phòng mổ trung tâm. Mái kết thúc bằng một dãy lan can với những hình trang trí nhẹ nhàng. Hệ thống hành lang cầu được cấu trúc theo kiểu cuốn vòm liên tục kết hợp với hệ cột đứng cũng là một nét đẹp riêng của công trình này.

Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức

Sau thời kỳ Pháp thuộc, do ảnh hưởng chiến tranh kéo dài, nên việc xây dựng và phát triển các công trình bệnh viện của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn cũng như những thể loại công trình khác. Cho đến ngày nay, ngoài những công trình BV tồn tại từ thời Pháp thuộc để lại, chúng ta chỉ có một số ít các BV được xây dựng thêm dưới sự hỗ trợ của các nước khối XHCN như Liên xô, Cuba…

Sau khi thực hiện “đổi mới” với cơ chế kinh tế mở cửa, Việt Nam cũng bắt đầu chú trọng vào việc phát triển và xây dựng các bệnh viện nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của một xã hội hiện đại. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, việc thiết kế và xây dựng BV vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào các tổ chức và các nhà thầu đến từ các nước phát triển. Ngay cả khi, sử dụng những đội ngũ tư vấn nước ngoài có nhiều kinh nghiệm, thì việc xây dựng các công trình BV tại Việt Nam vẫn gặp rất nhiều hạn chế và khó khăn. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế và khó khăn đó?

Hệ thống tiêu chuẩn quy phạm còn nhiều bất cập, Phức tạp và chưa thực sự khoa học

Trong hơn 70 năm phát triển của ngành y tế, Việt Nam đã ban hành 5 tiêu chuẩn chính về thiết kế bệnh viện đa khoa, gần đây nhất là “Tiêu chuẩn Việt Nam 4470:2012 BV đa khoa – Tiêu chuẩn thiết kế” (TCVN 4470:2012). Ngoài ra, còn có một số tiêu chuẩn ngành (52TCN – CTYT) và tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan khác. Về mặt nguyên tắc, các tiêu chuẩn này được xây dựng nhằm đảm bảo các BV có thể hoàn thành tốt nhất 7 chức năng nhiệm vụ đã được ngành y tế quy định, trên cơ sở các nguyên lý thiết kế bệnh viện nói chung. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể thấy “bộ khung” tiêu chuẩn vẫn chưa đáp ứng được một cách tối ưu yêu cầu đó. Tiêu chuẩn thiết kế BV cần phải được liên tục rà soát, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, với các quan điểm cấp tiến về định hướng và kiểm soát chất lượng, được xây dựng từ sự hội tụ trí tuệ của nhiều lĩnh vực liên quan, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của các nước; cân nhắc lựa chọn áp dụng theo điều kiện đặc thù và những trù tính, dự báo cẩn trọng…

Kể từ văn bản tiêu chuẩn đầu tiên về thiết kế bệnh viện ban hành năm 1978 đến nay, tiêu chuẩn thiết kế bệnh viện đã được soát xét, sửa đổi bổ sung ban hành nhiều lần. Đó là vào các năm 1987 (TCVN 4470:1987); năm 1995 (TCVN 4470: 1995); năm 2007 (TCVN 365: 2007) và gần đây nhất là (TCVN 4470:2012). Bên cạnh đó, theo yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã ban hành một số tiêu chuẩn cấp ngành nhằm đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của BV, nhất là trong bối cảnh hiện nay, mô hình xã hội hóa các cơ sở y tế khám bệnh và chữa bệnh (BV tư nhân và BV có vốn đầu tư nước ngoài) ngày càng nhiều. Ví dụ như một số tiêu chuẩn ngành: Khoa cấp cứu – Khoa điều trị tích cực – chống độc – Tiêu chuẩn thiết kế (52 TCN – CTYT 37: 2005); Khoa phẫu thuật – Tiêu chuẩn thiết kế (52 TCN – CTYT 38: 2005); Khoa xét nghiệm – Tiêu chuẩn thiết kế (52 TCN – CTYT 39: 2005); Khoa chẩn đoán hình ảnh – Tiêu chuẩn thiết kế (52 TCN – CTYT 40: 2005)…Các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn ngành trên đây đã và đang là các cơ sở pháp lý trong việc thẩm định, thẩm tra, tư vấn thiết kế và xây dựng công trình BV mà không phân biệt nguồn vốn đầu tư.

Bệnh viện Việt – Pháp

Có thể đưa ra một số hạn chế trong những tiêu chuẩn này như: Các quy định quá chặt chẽ, cụ thể, không đáp ứng với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế giữa các vùng miền; nguồn vốn đầu tư chưa phù hợp. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, xu hướng xã hội hóa công tác chăm sóc và khám chữa bệnh đang rất phổ biến, có những quy định do áp dụng từ các tiêu chuẩn nước ngoài nên chưa thể áp dụng trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Việc phân cấp, phân hạng BV theo quản lý hành chính làm hạn chế khả năng đầu tư và xây dựng.

Ngoài những quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành y tế thì công trình BV còn phải thoả mãn các quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, các quy chuẩn về an toàn sinh mạng, phải đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế công trình công cộng vốn đã rất lạc hậu… sự chồng chéo và rườm rà của quá nhiều quy chuẩn tiêu chuẩn không nhất quán đã làm cho việc phát triển xây dựng công trình BV gặp rất nhiều trở ngại.

Một số công trình bệnh viện BV xây mới theo quy hoạch nhằm giãn cách về giao thông và hạ tầng thì lại gặp nhiều khó khăn về vận hành do thiếu đội ngũ cán bộ và y bác sỹ. Ngoài ra, ngay từ khâu lập nhiệm vụ thiết kế những công trình đã gặp rất nhiều khó khăn. Chủ đầu tư thường là các ban quản lý của tỉnh, TP hoặc các ban quan lý của bộ y tế và sở y tế. Trong những tổ chức này thường không có cán bộ được đào tạo chuyên sâu để có thể lập một bộ nhiệm vụ thiết kế (công việc quan trọng nhất của dự án này). Đa phần chủ đầu tư phó mặc cho các đơn vị thiết kế tự xây dựng nhiệm vụ thiết kế dựa trên các tiêu chuẩn quy phạm hiện hành. Trong khi đó, đối với công trình BV thì việc lập nhiệm vụ thiết kế BV không hề đơn giản như các công trình nhà ở hay khách sạn, mà nó đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên nghiệp am hiểu không chỉ về kiến trúc, xây dựng mà còn phải rất am hiểu về các kiến thức y tế, các thủ thuật của ngành y học và sinh học. Một dẫn chứng cụ thể khi chúng tôi tham gia thiết kế BV Sản – Nhi Hà Nội, chúng tôi đã thẳng thắn tư vấn cho chủ đầu tư rằng phải có đội ngũ chuyên sâu về vấn đề này, đề xuất phối hợp với các chuyên gia chuyên về xây dựng nhiệm vụ thiết kế BV của CH Pháp để làm việc này (do trong nước chưa có các chuyên gia được đào tạo bài bản về lĩnh vực này). Nhưng lại gặp trở ngại về vấn đề kinh phí khi không có giải pháp nào để có thể hợp thức hoá việc chi tiêu. Hơn nữa, một số chủ đầu tư rất coi thường công việc và không sẵn sàng chi trả chi phí.

Đa phần các BV được xây dựng trong thời gian vừa rồi đều cần đến đội ngũ tư vấn xây dựng đến từ các nước phát triển, bởi một thực tế đây là thể loại công trình khó, các cơ sở đào tạo trong nước cũng e ngại vấn đề hướng dẫn thể loại công trình BV, các sinh viên chuyên ngành thiết kế cũng không muốn đương đầu với nó bởi lẽ trong tương lai khó mà được thực hiện việc thiết kế công trình bệnh viện. Tuy nhiên, ngay cả việc kết hợp các đơn vị tư vấn nước ngoài thì việc xây dựng cũng có nhiều bất cập bởi các vấn đề như kiểm soát chất lượng các đơn vị tư vấn đó, việc phải thực hiện một khối lượng khổng lồ tiêu chuẩn quy phạm địa phương, việc đáp ứng các thói quen sinh hoạt và điều trị của BV tại Việt Nam…

Quy trình thiết kế và xây dựng chưa thực sự chuyên nghiệp, đặc biệt thiếu các nhà chuyên môn chuyên sâu

Việc thiết kế xây dựng BV hiện nay được thực hiện còn thiếu tính đồng bộ, tổ chức triển khai chưa thực sự khoa học. Đơn cử ngay trong quy chuẩn quốc gia về quy hoạch có yêu cầu rất cụ thể về tiêu chuẩn công trình y tế trong đơn vị ở, nhưng thực tế các bệnh viện hiện nay vẫn luôn ở tình trạng quá tải. Các công trình BV hiện hữu trong các TP lớn luôn phải cải tạo, xây thêm các toà nhà mới để đáp ứng nhu cầu trước mắt nên gặp rất nhiều vấn đề về mật độ, hạ tầng kỹ thuật quá tải, các không gian điều trị không đảm bảo tiêu chuẩn, biến BV thành một nơi ai cũng sợ khi phải đến nhưng vì vấn đề sức khoẻ nên lực bất tòng tâm.

Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện tim Hà Nội
(Công ty cổ phần TVTK ADA và cộng sự)

Đâu là giải pháp cho công trình bệnh viện trong tương lai?

Đại dịch Covid19 vừa qua đã cho chúng ta cảnh tỉnh và nhìn nhận lại về tầm quan trọng của hệ thống hạ tầng y tế nói chung và các công trình bệnh viện nói riêng. Hội KTS Việt Nam đã tổ chức Cuộc thi thiết kế ý tưởng kiến trúc cho công trình BV dã chiến, các cơ sở y tế, các bệnh viện cũng phải tổ chức lại và nhìn nhận lại hoạt động của mình. Khi khảo sát thực tế tại bệnh viện Việt – Pháp Hà Nội, theo các y tá ở đây cho biết thì việc chăm sóc bệnh nhân thực hiện được dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều khi không có một lượng lớn người nhà bệnh nhân đến thăm và chăm bệnh nhân tại bệnh viện. Điều đó cho thấy cần phải xem lại và điều chỉnh các thói quen xấu mà một số người bảo thủ cho rằng đó là yếu tố văn hoá địa phương.

Vì thế, để có được hệ thống BV đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong một xã hội hiện đại phát triển, thiết nghĩ các nhà chức trách, các cơ quan liên ngành cần phải ngồi lại để thống nhất các tiêu chuẩn thiết kế, tránh rườm rà, thiếu khoa học và chồng chéo. Cần có các cơ sở đào tạo chuyên sâu về thể loại công trình đặc biệt và hết sức quan trọng này từ khâu lạp nhiệm vụ thiết kế đến các chỉ dẫn kỹ thuật vận hành công trình. Ngoài ra, các KTS cần có cái nhìn khác về công trình BV, để nơi đây trở thành một nơi chăm sóc sức khoẻ thực thụ, một nơi để tĩnh dưỡng tái tạo năng lượng của con người – Rất cần phải xoá đi quan niệm về đau ốm và chết chóc vốn là một hình ảnh rất xấu đã tồn tại từ rất lâu với công trình BV ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

TS.KTS.DPLG Nguyễn Việt Huy
ThS.KTS Vũ Thị Hương Lan
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch trường ĐH Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2020)