Tìm hiểu về Hội chứng nhà kín và những nguy cơ tiềm ẩn cùng PGS Naoki Kagi

Những năm gần đây, thuật ngữ “Hội chứng nhà Kín” (sick house syndrome) hay “Hội chứng nhà cao tầng” ngày càng phổ biến hơn ở Việt Nam. Hội chứng này bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản vào những năm 1955, khi kinh tế Nhật Bản bước vào giai đoạn tăng trưởng. Ngay sau đó, hội chứng này đã trở thành mối lo ngại của không chỉ riêng Nhật Bản mà trên toàn thế giới với nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe con người.

Theo sau sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970, các tòa nhà được xây kín hơn và giảm trao đổi không khí để bảo toàn năng lượng. Điều này khiến cho những chất ô nhiễm sinh ra bị tích tụ lại bên trong và làm cho nồng độ ô nhiễm trong không khí tăng cao. Những người ở trong tòa nhà hít thở không khí ô nhiễm sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe, được gọi là hội chứng nhà kín. Theo nghiên cứu, có đến 90% hoạt động của con người diễn ra trong nhà. Không khí kém chất lượng có thể gây những ảnh hưởng tức thì như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, kích ứng mắt, dị ứng mũi và đau họng.

Nguy hiểm hơn, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cũng cho thấy, mỗi giờ có khoảng 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp ba lần số tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm. Cũng theo WHO, Việt Nam có 34.232 người tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Ông Naoki Kagi – PGS Khoa Kiến trúc và Kỹ thuật xây dựng – Đại học Môi trường và Xã hội – Học viện Công nghệ Tokyo, Nhật Bản chia sẻ:

“Chúng ta quan tâm tới nguồn nước uống nhưng lại ít để ý tới không khí xung quanh mà ta hít thở. Chúng ta có xu hướng lấy nước uống từ nguồn nước vệ sinh như vòi nước chẳng hạn. Nhưng việc chúng ta hít thở không khí trong nhà giống như chúng ta lấy nước uống từ bể bơi vậy. Đối với thức ăn và nước uống, chúng ta có quyền lựa chọn thứ mình thích, nhưng đối với không khí, chúng ta chỉ có một sự lựa chọn duy nhất đó là hít thở bầu không khí xung quanh”

Ông Naoki Kagi là người có nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về chất lượng không khí tại Nhật Bản. Nhằm chia sẻ chi tiết hơn về các nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí bên trong nhà ở, các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra, gây nguy hại đến sức khỏe con người, cùng cách khắc phục hiệu quả nhất.

Sắp tới, ông Naoki Kagi  sẽ có bài trình bày cụ thể tại Hội thảo: “Giải pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở đô thị” diễn ra vào ngày 14/11/2020 tại TP. Hồ Chí Minh và ngày 28/11/2020 tại Hà Nội. Đây là hoạt động tiếp nối sau số báo chuyên đề cùng tên mà Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã phối hợp thực hiện cùng Tập đoàn Panasonic.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học và nhà cung cấp không chỉ cùng thảo luận, đánh giá, đề xuất về các giải pháp nâng cao chất lượng không khí trên phương diện quy hoạch – kiến trúc mà còn được nhìn nhận từ nhiều góc độ: Quản lý môi trường đô thị, công nghệ ứng dụng, kinh nghiệm hoạt động từ các dự án lớn, các đô thị thông minh trên thế giới. Các giải pháp được đề xuất và phân tích một cách thấu đáo từ bản chất của xã hội học đô thị, bao gồm sự tương tác giữa thiết chế xã hội và văn hóa đô thị, điều này có ý nghĩa quyết định đến chất lượng môi trường sống.

Thông tin chi tiết về Hội thảo sẽ sớm được cập nhật tại website: Tapchikientruc.com.vn và Fanpage: www.facebook.com/tckt.ktsvn

Về diễn giả Naoki Kagi – PGS Khoa Kiến trúc và Kỹ thuật xây dựng – Đại học Môi trường và Xã hội – Học viện Công nghệ Tokyo, Nhật Bản

Sau khi hoàn thành luận án Tiến sỹ của Học viện Công nghệ Tokyo vào năm 1999, ông Naoki Kagi trở thành nghiên cứu sinh tại Hiệp hội thúc đẩy khoa học Nhật Bản (Japan Society for the Promotion of Science Research Fellow). Với những dự án nghiên cứu chuyên sâu về chất lượng không khí, năm 2008, ông được bổ nhiệm là Nghiên cứu trưởng tại Khoa nghiên cứu xây dựng nhà ở thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe (National Institute of Technology Department of Healthy Building and Housing Chief Researcher) thuộc Học viện công nghệ quốc gia. Sau đó, ông công tác tại Viện y tế công cộng quốc gia (National Institute of Public Health Department of Healthy Building and Housing Chief) và thực hiện những nghiên cứu tạo ra không gian sống lành mạnh. Từ năm 2012-2016, ông trở thành Phó giáo sư của Viện công nghệ Tokyo, Khoa cơ khí và tin học môi trường, ngành sau đại học Công nghệ thông tin và kỹ thuật. (Tokyo Institute of Technology Department of Mechanical and Environmental Informatics, Graduate School of Information Science and Engineering Assoc. Prof).

Trong quá trình công tác của mình, ông Naoki Kagi đã có nhiều dự án đóng góp cho xã hội, trong số đó phải kể đến dự án nghiên cứu về đặc điểm nồng độ của các hợp chất carbonyl ở thể khí trong nhà ở đô thị tại hai vùng khí hậu khác nhau ở Trung Quốc và đánh giá rủi ro sức khỏe cho trẻ em trong trường học.

Với những thành tựu đã đạt được trong quá trình nghiên cứu, ông Naoki Kagi nhận được nhiều giải thưởng uy tín như giải thưởng JAABE Best Paper Award 2011 trao bởi Tạp chí kiến trúc kỹ thuật Châu Á và giải thưởng “Những bài báo được trích dẫn nhiều nhất” trong năm 2005-2008 thuộc ngành Môi trường và Xây dựng. Bằng thành công và kinh nghiệm của mình, ông truyền cảm hứng cho những nghiên cứu sinh qua thông điệp: “Ngay từ khi bước chân vào Khoa Kiến trúc và Kỹ thuật xây dựng, Học viện Tokyo, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ ngừng nghiên cứu và phân tích các chất hóa học. Tôi nhận ra rằng, đây chính là sứ mệnh của mình. Chúng ta không thể biết được khi nào cơ hội đến, vì vậy phải luôn nỗ lực để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện tại song hành với việc chuẩn bị cho tương lai. Tôi luôn khuyến khích sinh viên hãy theo đuổi đam mê của một nhà nghiên cứu, khám phá tìm hiểu để tìm ra những giải pháp mang lại môi trường sống trong lành, an toàn và khỏe mạnh hơn”.

© Tạp chí Kiến trúc