Tính bền vững trong phục hồi và bảo vệ kiến trúc

Mọi công trình xây dựng – cho dù đó là xây mới hoặc bảo tồn phục hồi – đều được cấu thành từ những dòng chảy của các nguồn lực và tài nguyên sử dụng. Dưới tác động của những tác nhân khác nhau trong suốt vòng đời công trình từ giai đoạn lên kế hoạch, thiết kế, thi công và quản lý vận hành,… nguồn tài nguyên ban đầu sẽ bị biến đổi và gây ra những tác động nhất định tới môi trường tự nhiên và nhân tạo. Một cách tiếp cận trong thiết kế kiến trúc và xây dựng sẽ chỉ được coi là bền vững nếu được khởi dựng từ nền tảng cân bằng của tất cả các nguồn tài nguyên (đầu vào và đầu ra) và đặc biệt trong việc khẳng định được tác động tích cực tới hệ sinh thái.

Anh 1

Các tài nguyên cần thiết cho việc xây dựng một công trình rất đa dạng: Nguyên vật liệu, năng lượng, nước, bức xạ mặt trời, gió, lượng mưa từ khí quyển, tài sản của những người cư ngụ,… Những tài nguyên đầu vào này, sau quá trình chuyển đổi phục vụ mục đích thiết kế xây dựng, sẽ thải vào môi trường những vật liệu đã qua sử dụng (có thể tái chế hoặc không), nước bẩn, không khí ô nhiễm (sản sinh ra từ quá trình đốt cháy nguyên liệu trong sản xuất) và các loại chất thải khác. Diễn giải theo một cách tổng quan hơn thì quá trình chuyển đổi và vòng đời của vật liệu chính là “thể phân tán” của tài nguyên ban đầu và theo tiêu chí bền vững, chúng cần được sử dụng sao cho đem lại hiệu quả cao nhất, các tác động tiêu cực tới môi trường ít nhất.

Thông qua nhiều nghiên cứu 1 các nhà khoa học đã khẳng định rằng nguyên tắc phát triển bền vững trong kiến trúc xây dựng2 – Ngoài những nguyên lý khác, phụ thuộc rất nhiều vào bản chất và giá trị kinh tế của vật liệu (trong đó có bao gồm yêu cầu về bảo quản vật liệu, nước và năng lượng,…) cũng như vòng đời của các tài nguyên dùng trong công trình. Việc tối ưu hoá chất lượng thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn con người cùng sự quan tâm đặc biệt đến khả năng tương tác giữa các đặc tính của môi trường tự nhiên và tiện nghi sử dụng, khả năng cải tạo môi trường (tự nhiên và nhân tạo) của các thực thể kiến trúc là những yếu tố không thể bỏ qua.

Anh 2

 

Phân tích quá trình xây dựng từ bốn khía cạnh nói trên, không khó để nhận ra rằng, với các công trình xây dựng mới, do đặc tính “trung lập” với các cấu trúc hiện hữu, việc áp dụng một cách tổng quát và triệt để các nguyên tắc bền vững dường như dễ tiếp cận và dễ quản lý hơn. Đối với các dự án bảo tồn phục hồi, nhiệm vụ này khó khăn hơn nhiều bởi ngay từ đầu, nhà bảo tồn sẽ phải “đối đầu” với một tạo tác hiện hữu với các đặc điểm lịch sử, kiến trúc, vật liệu, công nghệ và chức năng riêng biệt.

Với các dự án bảo tồn, điểm cốt lõi là xác định xem các loại vật liệu và các yếu tố cấu thành lên công trình cần được bảo tồn có (hay không) phù hợp với các tiêu chí bền vững. Tuy nhiên, thay vì đánh giá các nguyên tắc bền vững của các hoạt động sẽ thực hiện trong quá trình bảo tồn, việc xác minh này sẽ diễn ra theo một quy trình đảo ngược: các nguyên tắc bền vững sẽ được sử dụng như những tiêu chí để đánh giá mức độ bền vững mà công trình sẽ đạt được sau phục hồi. Nói cách khác, bảo tồn bền vững là quá trình tìm kiếm và tái tạo trạng thái cân bằng về năng lượng của tất cả các tài nguyên đã, đang và sẽ sử dụng trong công trình và công trình chính là công cụ để phân tích, nghiên cứu, thẩm định chất lượng môi trường của các hành động bảo tồn.

Anh 3

 

Dưới ánh sáng của giả thuyết này, hơn ai hết, nhà bảo tồn cần trang bị một hành trang vững vàng về các nguyên lý bền vững để tìm ra sự đồng nhất, tính liên tục và cả sự không tương thích giữa các nguyên tắc và thực tiễn của phát triển bền vững (trên phạm vi rộng của thuật ngữ) với công tác phục hồi bảo tồn. Chỉ khi nắm rõ được các yếu tố này, nhà bảo tồn mới đưa ra được những chiến lược đúng đắn, đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc bền vững.

Công tác phục hồi và bảo tồn về cơ bản có nhiều tiêu chí đồng nhất với các nguyên tắc phát triển bền vững. Bảo tồn, phục hồi có thể được coi là một trong các quá trình xây dựng có yêu cầu bền vững cao nhất vì mục tiêu nền tảng và mục đích cốt lõi của bảo tồn chính là nâng cao giá trị của di sản kiến trúc – được hiểu như một nhân chứng và biểu hiện của những giá trị lịch sử, kiến trúc, công nghệ, nhân chủng học, văn hoá và xã hội – tăng tuổi thọ công trình cũng như các hệ thống phụ thuộc (thay vì để bỏ hoang xuống cấp hoặc sẽ bị phá dỡ). Đây cũng chính là hai trong những mục tiêu cơ bản của nguyên tắc bền vững (bảo tồn năng lượng và bảo quản vật liệu)3.

Chỉ cần xét đến khía cạnh năng lượng của vật liệu4, người ta đã có thể thấy được tầm quan trọng của việc “phục hồi và lưu trữ nguồn năng lượng tiêu thụ”5, trong đó bao gồm năng lượng cần thiết cho việc thu hồi các nguyên liệu ban đầu, năng lượng sử dụng trong quá trình sản xuất, chuyển đổi, tạo tác và vận chuyển vật liệu, các nguồn năng lượng sử dụng trong quá trình thi công công trình và các hệ thống phụ thuộc, tài nguyên sử dụng để đảm bảo sự an toàn của người lao động,… Trên thực tế, bảo quản và bảo tồn vật liệu là một trong những chiến lược phổ biến nhất được các nhà bảo tồn theo đuổi – Bởi nó làm hạn chế sự suy giảm hơn nữa của các vật liệu ban đầu (cả vật liệu tái tạo và không tái tạo) cũng như giảm thiểu nhu cầu sử dụng năng lượng, bởi bất cứ việc phải thay thế một loại vật liệu hay cấu kiện nào của công trình bảo tồn cũng đồng nghĩa với việc một lượng năng lượng nhất định sẽ được sử dụng và đi kèm với nó là hàng loạt các loại chất thải ra không khí, nước và đất… tạo ra từ giai đoạn khai thác, sản xuất và đưa nó vào công trình – bởi như chúng ta biết, các thành phần vật liệu của công trình xây dựng từ trước khi có sự kiện cách mạng công nghiệp chủ yếu là gỗ, đá, đất, gạch đất sét được nguồn gốc địa phương – là các vật liệu tự nhiên, tái tạo và có tính sinh thái cao, được trích xuất, sản xuất và đặt vào trong công trình theo một quy trình tiêu thụ năng lượng thấp; ở cuối vòng đời của tòa nhà, chúng sẽ được tái chế và sử dụng trong các công trình khác; sau sự ra đời của thời đại công nghiệp, mọi phương thức đã thay đổi và bắt đầu xuất hiện các vật liệu được sản xuất ở những nơi cách xa địa điểm xây dựng, có nguồn gốc nhân tạo, tiêu hao nhiều điện năng trong quá trình sản xuất và rất khó để xử lý ở cuối vòng đời của tòa nhà. Như vậy, để tăng cao tính hiệu quả, công tác bảo tồn vật liệu cần được song hành với chiến lược tái chế và tái sử dụng vật liệu theo tính tương thích của nó với môi trường và giải pháp xử lý chất thải.

Anh 5

Một nguyên tắc khác của phát triển bền vững, human design – thiết kế con người, hiểu như thiết kế để đem đến phúc lợi và sức khỏe của người dùng – có thể được xem như nền tảng của toàn bộ quá trình phục hồi và bảo tồn, cả trong sự lựa chọn mục đích sử dụng mới cho công trình lẫn trong việc xác định các biện pháp can thiệp củng cố và tái cơ cấu. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc lựa chọn và ấn định mục đích sử dụng mới cho công trình sao cho phù hợp với nhu cầu địa phương và những đặc tính riêng biệt của công trình luôn đem đến sự gia tăng của mức độ hiệu quả của nó bởi như chúng ta biết trong thực tế, với mọi dự án bảo tồn, người ta luôn đưa ra yêu cầu nâng cao chất lượng sống và phúc lợi của người dùng. Và để đạt được mục tiêu đó, người thiết kế và nhà bảo tồn cần đưa ra các giải pháp hợp lý về không gian và chức năng và sử dụng công nghệ phù hợp để tạo ra sự thoải mái, khỏe mạnh, an toàn và dễ tiếp với người dùng.

Ngay cả những hành động củng cố, phục hồi cũng được thực hiện với tầm nhìn sao cho đảm bảo các điều kiện nhất định của sự thoải mái cho người sử dụng. Trong trường hợp đầu tiên, nếu mục tiêu chính có liên quan đến bảo tồn trạng thái tĩnh của công trình, người ta sẽ chú tâm đến những vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh, chất lượng thẩm mỹ và tính toàn vẹn kiến trúc. Vì, dù ít hay nhiều, những yếu tố này ảnh hưởng đến các điều kiện tiện nghi của người sử dụng. Bổ sung vào ý này, người ta sẽ đưa ra các vấn đề về vệ sinh, chất lượng không khí, môi trường, tiện nghi về nhiệt, sự an toàn và thoải mái theo quan điểm tâm sinh lý. Nói cách khác, nhiệm vụ cụ thể sẽ là cân bằng “lợi ích về môi trường” cho người sử dụng và theo đuổi các nguyên tắc phát triển bền vững trong mối liên kết tương hỗ giữa yếu tố môi trường và con người.
Nhiệm vụ tái sinh môi trường tự nhiên và môi trường xây dựng cũng luôn nằm trong các tiêu chí của bảo tồn bền vững: Mọi dự án bảo tồn phục hồi đều không giới hạn ở việc tác động lên bản thân công trình cần phục hồi mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đô thị mà công trình đặt trong đó – Bởi vì sự phục hồi của một tòa nhà đơn lẻ thường là động lực cho việc tái phát triển trên quy mô lớn. Vì vậy, thông qua loại hình can thiệp này, nhiều không gian hoặc công trình bị bỏ hoang sẽ tránh được các hình thức phổ biến của sự suy giảm về thể chất và chức năng và sẽ tìm lại đời sống của mình, trực tiếp góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực.

Trong mối quan hệ giữa các nguyên tắc bền vững và thực tiễn phục hồi bảo tồn các tòa nhà, tồn tại cả các yếu tố của sự không tương thích làm hạn chế khả năng ứng dụng đầy đủ của bảo tồn bền vững. Các dự án phục hồi và bảo tồn các tòa nhà, nhằm khôi phục và bảo tồn sự toàn vẹn về thể chất, hình thức và hiệu suất của vật liệu và các cấu trúc công trình, được hỗ trợ bởi nhiều hướng dẫn, công cụ tích cực để đạt được những mục tiêu này. Đối với cả ba loại hình can thiệp được đề xuất, rất thường xuyên, nhà bảo tồn cần sử dụng các vật liệu khác với các loại vật liệu ban đầu bởi sẽ là không đủ nếu áp dụng lại kỹ thuật và vật liệu truyền thống, hoặc quá tốn kém hay quá phức tạp và gây nguy hiểm cho người thực hiện công tác bảo tồn. Trong trường hợp này, tính hợp pháp về mặt lý thuyết và phương pháp luận nằm trong cơ hội rõ ràng và duy nhất của việc đảm bảo sự tồn tại của công trình6. Rất thường xuyên, nhà bảo tồn không thể đưa ra ngay quyết định giữa lựa chọn kỹ thuật truyền thống hay hiện đại chỉ dựa trên các quan điểm phổ biến là ưu tiên lựa chọn giải pháp đầu tiên bởi trên lý thuyết, người ta cho phép áp dụng công nghệ hiện đại trong bảo tồn nếu đó là giải pháp duy nhất nhằm đảm bảo sự tồn tại của công trình, giúp công trình được bảo quản nhiều nhất những đặc tính nguyên bản. Qua khảo sát thực tế thi công bảo tồn, chúng ta có thể bắt gặp việc sử dụng các vật liệu tổng hợp và nhân tạo như vữa composite, Fiber Reinforced Polymer, xi măng và nhựa tổng hợp mà từ quan điểm môi trường, chúng hoàn toàn không đáp ứng các yêu cầu của phát triển bền vững nhưng lại có các tính năng kỹ thuật tuyệt vời khiến chúng trở thành một trong những loại vật liệu được sử dụng nhất hiện nay trong lĩnh vực xây dựng phục hồi.

Anh 9

Như vậy, nếu ở khía cạnh thứ nhất, việc duy trì các điều kiện ổn định của tòa nhà, sự an toàn, tiện nghi nhiệt, chất lượng không khí và bảo tồn các đặc tính lịch sử, kiến trúc và công nghệ của công trình nhằm mục tiêu đem đến tiện cho người dùng trùng khớp với nguyên tắc nền tảng của phát triển bền vững, thì ở khía cạnh còn lại, mục tiêu này sẽ dẫn đến việc bắt buộc phải sử dụng các vật liệu không đáp ứng các tiêu chí điển hình về tính bền vững, đặc biệt là bền vững môi trường.

Cụ thể hơn: Các mục tiêu của tính bền vững7 đưa đến sự lựa chọn vật liệu xây dựng sử dụng ít năng lượng và ít tác động đến chất lượng môi trường và chất lượng của không nội thất. Điều này dẫn tới yêu cầu cần bãi bỏ việc sử dụng các vật liệu có hại cho con người, tránh các vật liệu mà trong quá trình sản xuất và trong sử dụng có gây ra các chất ô nhiễm (phóng xạ, hơi độc, khí độc, mùi), các vật liệu được sản xuất với các chất độc hại, có hại cho sức khỏe. Song song với yêu cầu này, ưu tiên sử dụng các vật liệu có tác động môi trường thấp, sản xuất tại địa phương, vật liệu tái sử dụng và vật liệu có nguồn gốc từ các nguồn tài nguyên có thể tái sinh hoặc tái chế hay những loại vật liệu có tính năng phân hủy sinh học tự nhiên. Các yêu cầu khác về vật liệu theo tiêu chí bền vững còn liên quan đến độ bền và khả năng bảo trì, theo nghĩa là cần phải lựa chọn vật liệu (nếu có cùng hiệu suất sử dụng) có tuổi thọ lâu hơn và dễ bảo trì hơn theo thời gian, những vật liệu có độ dẫn điện thấp, chịu lửa tốt và không có khói độc trong trường hợp hỏa hoạn. Sau đó, nếu xét đến chất lượng không khí trong nhà, cần phải quan tâm hơn nữa đến các đặc tính môi trường, theo đó, sẽ lựa chọn những vật liệu có ưu điểm về sự hấp thu hơi nước để duy trì độ ẩm không khí, có tính thấm cao và thoáng để tạo thuận lợi cho việc trao đổi khí bề mặt, đảm bảo sự bay hơi của các chất độc hại như Formaldehyde, dung môi tổng hợp, các hydrocacbon clo, vi bụi và xơ hóa…

Trên thực tế, nếu xét riêng đặc tính môi trường của vật liệu thì phần lớn các loại vật liệu hiện đang được sử dụng rộng rãi trong bảo tồn phục hồi như vật liệu có nguồn gốc khoáng sản. thủy tinh, chất kết dính nhựa tổng hợp, keo, keo dán, sơn, nhựa, nhựa tổng hợp, xi măng, các chất phụ gia và thép8,… không đạt tiêu chí sinh thái bởi các tác động đến môi trường của những loại vật liệu trên là khá lớn. Ví dụ như xi măng, do tính xốp và độ thấm thấp, tính dẫn nhiệt và truyền thanh cao khiến nó trở thành một loại vật liệu đáp ứng kém với các nhu cầu của phát triển bền vững. Việc sử dụng các chất phụ gia hóa học đặc biệt để hạn chế một số hình thức suy giảm của bê tông (cacbonat hóa và suy thoái do sự xâm lược của các tác nhân bên ngoài) và để điều chỉnh thời gian đông cứng, cải thiện khả năng làm việc, hạn chế các hiện tượng suy giảm thể tích do bay hơi càng đưa vật liệu này rời xa hơn nữa với tiêu chí bền vững vì những chất phụ gia đều các gốc hóa học (polymer tổng hợp).

Thép cũng đem đến những vấn đề về khả năng tương thích môi trường, đặc biệt là trong giai đoạn sản xuất, vì quá trình sản xuất đòi hỏi lượng năng tiêu thụ cao (nhiệt độ nung trên 600°C), sản sinh ra nhiều chất thải và khí thải có nguy cơ ô nhiễm cao vào môi trường.

Anh 4

Nhựa là các polyme có nguồn gốc từ các phân tử có nguồn gốc từ dầu mỏ, than đá hoặc dầu khí. Nguyên liệu này được gây ô nhiễm cao, rất nguy hiểm cho người sử dụng và luôn đòi hỏi một loạt các biện pháp phòng ngừa (tránh tiếp xúc với da, mắt và tránh tiếp xúc với các thành phần riêng lẻ của hỗn hợp).

Một yếu tố khác có thể dẫn đến sự không tương thích giữa bảo tồn phục hồi và các nguyên tắc phát triển bền vững phát sinh từ yêu cầu về hiệu suất của công trình theo các quy định, quy chuẩn hiện hành và nhu cầu của người sử dụng. Ở khía cạnh thứ nhất, việc ấn định công năng mới cho công trình dẫn đến việc cần đáp ứng những tiêu chuẩn về hiệu suất mới và cao hơn – một yếu tố có lợi cho phát triển bền vững vì sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của công trình, tạo ra một môi trường thoải mái cho con người; ở khía cạnh còn lại, việc điều chỉnh này thường tạo ra các vấn đề về sự đúng đắn và tính tương thích của công năng mới với các đặc tính vốn có của công trình. Bởi, như chúng ta biết, mục tiêu của bảo tồn, phục hồi là để bảo vệ các giá trị lịch sử, kiến trúc, chức năng của công trình đồng thời đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Thất bại trong việc đạt được cùng lúc các mục tiêu đối lập này sẽ dẫn đến một sự suy giảm đáng kể về tính đúng đắn và khả năng tương thích của các can thiệp bảo tồn. Nói cách khác, bảo tồn bền vững vừa phải khôi phục lại mức độ hiệu quả của công trình đã bị suy thoái theo thời gian, vừa phải nâng cao được hiệu suất của công trình sao cho đáp ứng được các nhu cầu sử dụng, tiêu chuẩn tiện nghi và các quy chuẩn quy phạm mới. Hai yêu cầu mang tính đối kháng này tạo nên một bài toán thực sự hóc búa cho các nhà bảo tồn. Bởi vậy mà trong thực tiễn hành nghề, chỉ sau khi đã đánh giá đầy đủ các điều kiện, giới hạn của hành động bảo tồn, so sánh đặc tính của những can thiệp đề xuất vào công trình, nhà hoạch pháp và chuyên gia bảo tồn mới có thể chỉ ra những chiến lược bảo tồn phù hợp nhất, ít gây hại nhất tới giá trị của công trình nói riêng và môi trường sinh thái nói chung.

————————

1. Về chủ đề bền vững trong kiến trúc, độc giả có thể tham khảo thêm các bài viết của tác giả đã đăng trên TCKT các số tháng 02/2011, 04/2014, 05/2014, 04/2015; Sustainable in Architectural and Urban Design from theory to practice – bài phát biểu tại 15th Asian Congress of Architects (Bali 2012); Luận án tiến sỹ: Hình thái học đô thị và kiến trúc bền vững – Phân tích và đề xuất cho một đơn vị ở đương đại (Morfologia Urbana e Architettura Sostenibile – Analisi e proposte per un quartiere contemporaneo), Politecnico di Milano 2012.
2. Lucchini A., Cấu trúc mái sáng tạo – Giải pháp thiết kế và xây dựng (Le coperture innovative – Soluzioni progettuali e costruttive), Milano, Il Sole 24 Ore, 2000, p. 4.

3. Xem note 1 của bài viết này
4. ITACA – Nghiên cứu về vật liệu trong các công trình xanh, Nghị định thư Itaca về đánh giá năng lượng và chất lượng môi trường của một công trình (Protocollo Itaca per la valutazione della qualità energetica ed ambientale di un edificio), Roma, 2003, p. 92, Requisito 2.1.5. Energia inglobata.
5. Để hiểu rõ tầm quan trọng của việc phục hồi và lưu trữ nguồn năng lượng tiêu thụ, có thể chỉ ra một so sánh điển hình: để sản xuất ra 1m3 bê tông cốt thép, lượng năng tiêu thụ sẽ vào khoảng 2770-3.200 kWh/m3; trong khi đó với một khối tích tương tự, gạch đục lỗ sẽ tiêu hao một hàmg lượng năng lượng khoảng 590-1.040 kWh/m3. Nguồn: ITACA – Nghiên cứu về vật liệu trong các công trình xanh, Nghị định thư Itaca về đánh giá năng lượng và chất lượng môi trường của một công trình (Protocollo Itaca per la valutazione della qualità energetica ed ambientale di un edificio), Roma, 2003, p. 92, Requisito 2.1.5. Energia inglobata.

Các hình ảnh minh hoạ trong bài viết thuộc dự án BB – Harbour Brain Building do Xưởng thiết kế C + S Architects thực hiện từ năm 2009 đến 2011. Đây là dự án khôi phục, bảo tồn và chuyển đổi một cấu trúc bỏ hoang trên tuyến giao thông đường thuỷ của Venice thành một trạm kiểm soát – một trung tâm xử lý thông tin hiện đại phục vụ cho dự án xây dựng kè biển MOSE của thành phố. Trong dự án này, C + S Architects đã đưa ra một nguyên mẫu cho việc phục hồi các toà nhà lịch sử với việc đề xuất kết hợp phục hồi bảo tồn “truyền thống” với các công nghệ bền vững sáng tạo nhất.

6. Cordaro M., “Vật liệu xây dựng và vật liệu bảo tồn (Materiali costitutivi e materiali di restauro vecchi e nuovi”, trong Ministero per i Beni Culturali e Ambientali – Istituto Centrale per il Restauro, Nghiên cứu và thiết kế cho việc bảo tồn các vật liệu kiến trúc (Diagnosi e progetto per la conservazione dei materiali dell’architettura), Roma, Edizioni De Luca, 1998, pp. 344.
7. Longhi G., Hướng dẫn thiết kế bền vững (Linee guida per una progettazione sostenibile), Roma, Officina edizioni, 2003, p. 121.

8.  Tham khảo các tài liệu sau: Anderson J., Shiers D., Sinclair M., The Green Guide to Specification an Environmental Profilino SyStem for Building Materials and Components, London, Oxford Brookers University and the Building Research Establishement, Blackwell Science Publishing, 3th Edition (2003), first published 2002; Bigazzi D., Sala M., Capitolato: materiali e tecnologie ecocompatibili – L’utilizzo dei materiali da costruzione ecocompatibili, Alinea, Firenze, 1999; Repertorio dei materiali per la bioedilizia, ‘cura di’ Allen G., Moro M., Burro L., Rimini, Maggioli Editore, 2001; (A cura di) Giannantonio Vannetti, Le quattro vite dell’architetto – questioni, principi e metodi della sostenibilità, Firenze, Alinea Editrice, 2009.

 

KTS Roberta Simocelli
TS. KTS Nguyễn Quang Đạt

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 1+2/2016)

Bài viết nguyên bản tiếng Italy và có tham khảo luận văn tiến sỹ của một số đồng nghiệp: Carla De Fino, Bảo tồn bền vững các công trình xây dựng từ những thập nguyên đầu của thế kỷ XX từ nghiên cứu về vật liệu và kỹ thuật tiên tiến (Il recupero sostenibile dell’edilizia dei primi decenni del ventesimo secolo mediante materiali e tecniche innovative); Angela M. Silva, Bảo tồn bền vững và cải thiện hiệu suất năng lượng trong khu phố cổ của quảng trường Armerina (Per un restauro “sostenibile” – Conservazione e miglioramento energetico nel centro storico di piazza Armerina)