Trăn trở kiến trúc Hoà Bình

Tỉnh Hoà Bình nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc trên quốc lộ 6, nối liền với đồng bằng sông Hồng rộng lớn, có nền “Văn hoá Hoà Bình” độc đáo, phong phú và đa dạng. Cộng đồng dân cư Hoà Bình gồm 6 dân tộc chính (Kinh, Mường, Tày, Dao, H’Mông và Thái), sáu kiểu nhà ở, với sáu kiểu làng bản, sáu kiểu y sắc phục, sáu ngôn ngữ, sáu nền văn hoá dân gian, sáu hệ thống lễ hội… Đó chính là kho tàng văn hoá kiến trúc vô giá của tỉnh Hoà Bình. Dân số Hoà Bình hiện có khoảng 80 vạn người, trong đó dân tộc Mường chiếm 60%, dân tộc Kinh chiếm 30%, còn lại là các dân tộc Thái, Dao, Tày, Mông và các dân tộc khác.

Hòa Bình có 10 huyện và 1 thành phố. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, Hòa Bình đã có những bước phát triển về kinh tế-xã hội. Sự phát triển đó đã tác động không nhỏ đến môi trường hành nghề kiến trúc, xây dựng. Là đô thị cấp vùng và nằm trong Vùng Thủ đô Hà Nội, Hoà Bình có điều kiện thuận lợi để các kiến trúc sư thể hiện sức sáng tạo, trình độ chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp để xây dựng một nền kiến trúc hiện đại mang đậm bản sắc riêng.

Nhưng hiện nay, kiến trúc Hòa Bình vẫn chưa có được những nét riêng, không gian riêng, thiếu vắng những quảng trường, tượng đài, điểm nhấn trong đô thị. Đô thị Hoà Bình chưa để lại được trong lòng du khách những ấn tượng mạnh mẽ, sâu đậm và sự gợi nhớ về các công trình kiến trúc mang dáng riêng của một miền đất đậm đà bản sắc dân tộc, giàu truyền thống văn hoá. Họ không cảm nhận và nhìn thấy những đặc trưng của người Mường, người Thái, người Tày… từ lối sống, nếp nghĩ, phong cách sinh hoạt, các không gian lễ hội… phản ảnh trên nền kiến trúc Hòa Bình. Có thể nói, chưa có nhiều những đặc trưng và khác biệt đáng kể khi so sánh kiến trúc đô thị của Hòa Bình với các tỉnh bạn trong cả nước.

Trụ sở Bảo hiểm xã hội Tỉnh

Một điều nói thêm nữa đó là kiến trúc Hòa Bình không những chưa mang được hồn của bản sắc văn hóa vùng miền, mà rất hiếm công trình kiến trúc đẹp, cho dù có nhiều công trình được đầu tư đến vài chục tỷ đồng và hơn thế nữa.

Vậy vì sao kiến trúc Hòa Bình chưa có một diện mạo riêng của nó? Theo tôi được biết, ở Hòa Bình hiện có khoảng hơn 40 đơn vị, tổ chức hành nghề tư vấn xây dựng với tổng số 16 KTS, trong đó khối quản lý nhà nước có 4 KTS. Số lượng KTS như vậy là rất mỏng. Nhiều đơn vị tư vấn không có KTS. Bên cạnh đó, việc quản lý các đơn vị tư vấn theo quy định của Nhà nước còn nhiều bất cập, chất lượng hoạt động của các đơn vị tư vấn chưa cao, còn phân tán, nhỏ lẻ manh mún, vì thế khó có khả năng đảm đương thiết kế những công trình lớn, tiêu chuẩn cao. Tay nghề của một số KTS chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Cái tâm nghề nghiệp chưa thực sự được đặt lên hàng đầu, chủ yếu vẫn chỉ hoạt động với mục đích kinh tế, mà chưa coi trọng đến giá trị thẩm mỹ kiến trúc, chưa coi trọng đến chất lượng tư vấn.

Công tác tư vấn phản biện xã hội chưa thực sự được các cấp chính quyền quan tâm và KTS chưa thể hiện được trách nhiệm và tiếng nói nghề nghiệp của mình với các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư.

Công tác nghiên cứu, lý luận phê bình kiến trúc chưa được đầu tư đúng mức, vì thế chưa có được định hướng phát triển nền kiến trúc đặc trưng của tỉnh Hòa Bình.

Hiện nay vẫn còn tình trạng một số lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước và nhân dân nhìn nhận đánh giá vai trò của người KTS chưa đúng mức. Tỉnh chưa có cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút KTS về làm việc tại tỉnh nhà.

Trong khi đó, môi trường hành nghề tư vấn còn thiếu lành mạnh: có những biểu hiện tiêu cực như áp đặt trong thiết kế, mua chuộc chủ đầu tư…

Vì vậy, là một KTS tâm huyết với nghề, hoạt động trong Hội Kiến trúc sư tỉnh Hòa Bình và là hội viên của Hội KTS Việt Nam, tôi rất mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm đúng mức đến công tác tư vấn phản biện xã hội, tạo điều kiện cho KTS được thể hiện tiếng nói và trách nhiệm của mình trước các công trình kiến trúc cũng như các đồ án quy hoạch trong tỉnh. Thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước trong vấn đề thẩm định các đồ án thiết kế, cũng như quản lý hành nghề tư vấn thiết kế. Có chế độ đãi ngộ thu hút các KTS sau khi tốt nghiệp ra trường về tỉnh nhà làm việc để đóng góp cho sự phát triển chung  của nền kiến trúc Hòa Bình.

Toàn cảnh thành phố Hòa Bình 

Tôi cũng mong muốn các KTS nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình trong hoạt động tư vấn thiết kế, dành tâm huyết và tài năng của mình vào sự nghiệp phát triển kiến trúc của tỉnh nhà.

Hy vọng với đội ngũ KTS trẻ, giàu lòng đam mê, tràn đầy ý tưởng, trong tương lai chúng ta sẽ tạo dựng được một phong cách kiến trúc Hòa Bình hiện đại có bản sắc, phù hợp với con người, văn hóa và môi trường khí hậu nơi đây./.

 KTS Bùi Quang Hiếu