Từ kiến trúc cảnh quan đến kiến trúc gắn kết tự nhiên (Biophilic architecture)

Tổng quan về KTCQ

Hình 1. KTCQ là sự gắn kết của bộ ba quy hoạch, thiết kế và quản lý (Holden and Liversedge, 2014).

Dưới góc nhìn của nhà thiết kế, vai trò của kiến trúc cảnh quan (KTCQ) thể hiện rõ qua quá trình phát triển của con người, từ việc tác động lên cảnh quan để khai thác các nguồn tài nguyên tự nhiên và cải thiện chất lượng sống. Cách quy hoạch, tổ chức quần thể kiến trúc (bao gồm cả sân vườn và cách ứng xử với từng không gian chức năng khác nhau) trong các đô thị cổ minh chứng cho vai trò của KTCQ xuyên suốt từ cổ đại đến thời kì hiện đại. Tuy nhiên, đến năm 1828, thuật ngữ “Kiến trúc cảnh quan” mới được đưa bởi Gilbert Laing Meason trong cuốn sách “Kiến trúc cảnh quan của những họa sĩ vĩ đại ở Ý” và sau đó, Frederick Law Olmsted và Calvert Vaux được công nhận là các KTS cảnh quan đầu tiên giữa thế kỷ 19. Chức danh này được công nhận bởi hội đồng ủy viên dự án Công viên Trung tâm (National Mall – Washington DC) khi nhận thấy rằng vai trò của họ trong dự án vượt ngoài các công việc của một KTS thông thường. Thuật ngữ này được sử dụng phổ biến sau khi hình thành Hiệp hội KTS cảnh quan Hoa Kỳ (ASLA) năm 1899 (Murphy, 2016). KTCQ vừa là một ngành khoa học vừa là một ngành nghệ thuật góp phần giúp con người hiểu, định hình và sắp xếp không gian các chức năng, yếu tố gắn liền với các không gian đó để đảm bảo môi trường sống an toàn, thoải mái cho con người (Newton, 1971).

KTCQ đưa ra các hướng dẫn thay đổi trong thiết kế hình thức không gian để kết nối với tự nhiên vừa bảo tồn các giá trị sinh thái, văn hóa, chất lượng nội tại của các không gian này. KTCQ can thiệp vào quá trình quy hoạch, thiết kế và quản lý dựa trên bối cảnh vùng gắn liền trực tiếp với hoạt động của con người và liên vùng. Do đó, KTCQ đòi hỏi sự hiểu biết liên ngành về khoa học đất đai, địa chất, thủy văn, sinh thái cũng như sinh học, hóa học và vật lý (Holden và Liversedge, 2014). KTCQ chú trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người thông qua quá trình xây dựng, thiết kế môi trường sống với nhiều tầng bậc, tỉ lệ các không gian khác nhau, nhiều hệ thống lý thuyết và nguyên tắc (Murphy, 2016).

Thiết kế KTCQ can thiệp vào các không gian chức năng theo các cấp độ từ tỉ lệ con người đến tỉ lệ vùng đô thị (Hình 2).

Hình 2. Các mức độ can thiệp của KTCQ.

Trong KTCQ, sân vườn là không gian cơ bản phát triển từ thời cổ đại và hình thành trong quá trình phát triển của con người từ săn bắn du mục đến thời kì văn minh nông nghiệp và hiện đại ngày nay. Sức ép từ đô thị hóa hình thành đa dạng kiểu mẫu không gian sử dụng với nhiều tỉ lệ khác nhau từ công trình, khu ở, đường phố đến các công viên/quảng trường. Trong đô thị, quy hoạch cảnh quan trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong việc cân bằng sự phát triển của con người với môi trường sinh thái dựa trên văn hóa và đặc điểm địa lý khu vực. Tuy nhiên, dù can thiệp ở mức độ và tỉ lệ nào thì KTCQ vẫn xoay quanh việc cải thiện không ngừng chất lượng không gian sống và môi trường sống cho con người.

KTCQ là sự giao thoa các giá trị về thẩm mỹ, sinh thái và xã hội (Hình 3), KTCQ chú trọng trải nghiệm của con người, duy trì chất lượng môi trường và thiết lập công bằng xã hội thông qua các nguyên tắc tập trung nâng cao sức khỏe tâm lý và thỏa mãn về mặt tinh thần cho người sử dụng trong các không gian sống (Thompson, 2000).

Hình 3. Sự giao thoa các giá trị của KTCQ (Thompson, 2000).

Quan trọng hơn, KTCQ coi trọng sức khỏe tâm lý và mức độ thỏa mãn về mặt tinh thần của con người trong các kết nối xã hội và với môi trường sống xung quanh. Có thể nói, KTCQ tiếp cận toàn diện các vấn đề xã hội, môi trường thông qua tạo dựng không gian đáp ứng với các nhu cầu vật chất từ cơ bản đến nâng cao và đặc biệt là các nhu cầu sức khỏe tinh thần của con người. KTCQ hiện đại cung cấp các không gian phục vụ cho các hoạt động thể chất, phục hồi sức khỏe tinh thần (Hình 4), thúc đẩy các tương tác xã hội, tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên đồng thời cũng giải quyết các vấn đề khác của đô thị như ô nhiễm môi trường, lương thực (Hình 5).

Hình 4. “Rừng” trong thành phố: mang thiên nhiên vào trong công trình kiến trúc tạo sự kết nối trực tiếp với thiên nhiên cải thiện sức khỏe tinh thần – nguồn: https://www.terrapinbrightgreen.com/blog/2015/10/biophilic-urban-acupuncture-biophilia-in-urban-places
Hình 5. Vườn trong đô thị: giải pháp tích hợp giải quyết các vấn đề về lương thực, không gian xanh và không gian công đồng
Nguồn: https://inhabitat.com/6-urban-farms-feeding-the-world/urban-farming-tel-aviv/

Thiết kế gắn kết tự nhiên – Biophilic design – Giải pháp đơn giản truyền tải các giá trị cảnh quan đến con người

Năm 1984 Wilson đã đưa ra khái niệm “Bioplilia” diễn tả sự thôi thúc liên kết con người với các hệ thống sống khác. Khái niệm này nêu rõ sự tiến hóa của con người phụ thuộc vào sự liên kết với môi trường thiên nhiên. Hay nói nói cách khác, môi trường tự nhiên chi phối mạnh mẽ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người thông qua các yếu tố như ánh sáng, âm thanh, mùi hương, gió, thời tiết, nước và thảm thực vật. “Biophilic design” được biết đến là thiết kế gắn kết tự nhiên hay còn gọi là thiết kế xanh hoặc thiết kế ưa sinh học. Thiết kế biophilic xuất hiện là một cách tiếp cận nhằm truyền tải sự hiểu biết về mối quan hệ vốn có của con người để liên kết với các hệ thống và quy trình tự nhiên vào thiết kế môi trường xây dựng. Thiết kế biophilic đưa ra theo chủ trương của Kellert (2008) và Beatley (2010) nhằm xây dựng chiến lược thiết kế bền vững thông qua thúc đẩy kết nối con người với môi trường sống tự nhiên lại với nhau cũng đồng thời làm giảm tác động lên môi trường sống. Sự ra đời của phong cách thiết kế này đã góp phần thay đổi cách tiếp cận trong việc thiết kế và xây dựng ngày nay.

Thiết kế biophilic là đầu mối liên kết các cách tiếp cận đến mục tiêu thiết kế bền vững. Trong khi các thiết kế ít tác động đến môi trường tự nhiên tập trung vào các mục tiêu năng lượng, vật liệu bền vững và hiệu quả sử dụng thì thiết kế biophilic xem xét kĩ hai khía cạnh: (1) hình dạng và hình thái hữu cơ; (2) tính bản địa và đặc trưng của vị trí. Hình dạng và hình thái hữu cơ phản ánh trực tiếp, gián tiếp hoặc tượng trưng mối quan hệ vốn có của con người đối với thiên nhiên. Khi đó, tính bản địa và đặc trưng vị trí phản ánh ý nghĩa về cảm giác nơi chốn, bản sắc nhiều hơn khi đề cao tính kết nối của cảnh quan, văn hóa, yếu tố tự nhiên đặc trưng một khu vực địa lý với cá nhân hoặc tập thể.

Dựa trên hai khía cạnh đã đề cập, thiết kế biophilic đưa ra 3 nguyên tắc thiết kế (1) tự nhiên trong không gian, (2) mô phỏng tự nhiên và (3) tính tự nhiên nguyên bản của không gian. Ba nguyên tắc này tương ứng với 14 kiểu mẫu và các yếu tố thiết kế để nâng cao tính ứng dụng trong các thiết kế KTCQ (Bảng 2). Nguyên tắc thứ nhất: Tự nhiên trong không gian nhằm mang lại kết nối trực tiếp với thiên nhiên thông qua các yếu tố như gió, nước, âm thanh, mùi hương và các yếu tố tự nhiên khác. Việc thiết kế các trải nghiệm trực tiếp các yếu tố tự nhiên mang lại tương tác đa giác quan cho người sử dụng. Nguyên tắc thứ hai: Thông qua thủ pháp mô phỏng tự nhiên để kết nối gián tiếp con người với thiên nhiên. Nguyên tắc này cho phép đa dạng thông tin tự nhiên thông qua một không gian thiết kế và có thể phát triển bằng nhiều phép biến đổi không gian và cấu trúc không gian trong tự nhiên. Nguyên tắc thứ 3 mang lại trải nghiệm môi trường sống tự nhiên hình thành thông qua tạo cảm giác tò mò, hấp dẫn và an toàn cho người sử dụng.

Thiết kế biophilic tập trung cải thiện các chỉ số về sức khỏe và hạnh phúc của con người dựa vào đặc điểm của môi trường sống cụ thể và đặc điểm bối cảnh nơi chốn. Thiết kế biophilic còn dựa trên các chuẩn mực văn hóa xã hội và trải nghiệm mong muốn của người sử dụng để tạo ra không gian tích hợp hệ sinh thái (đô thị) một cách hiệu quả nhất. Trong bối cảnh mật độ xây dựng đô thị ngày càng dày đặc, cùng với giá trị đất đai ngày càng cao, thiết kế ưa sinh học mang tính ứng dụng cao trong việc xây dựng một hệ thống không gian liên tục từ các tòa nhà cũ, mới, đến công viên, cảnh quan đường phố và quy hoạch đô thị. Dựa trên 14 kiểu mẫu và các yếu tố tương ứng, các giải pháp mang tính sinh học truyền tải các giá trị tự nhiên vào quá trình thiết kế KTCQ ở nhiều quy mô khác nhau với các cấp can thiệp khác nhau. Mỗi quy mô khác nhau tích hợp và lồng ghép các nguyên tắc, yếu tố thiết kế khác nhau phù hợp với từng đặc tính địa phương từ đó giúp tạo dựng nên các ma trận xanh, sinh thái trong hệ thống sinh thái đô thị ở tỉ lệ lớn hơn.

Bảng 1. Lợi ích của thiết kế biophilic
Bảng 2. 14 kiểu mẫu trong thiết kế biophilic và các yếu tố thiết kế
(W.D. Browning et al., 2014)

Kết luận:

Con người đã thiết lập các kết nối với môi trường tự nhiên trong suốt quá trình phát triển ngay từ những buổi đầu hình thành các quần cư đầu tiên. Quá trình mở rộng đô thị không ngừng hình thành các kiểu mẫu sử dụng không gian mới. Đô thị hóa không chỉ mở rộng mà còn thay đổi cả chức năng của đô thị gây nhiều tác động lên hệ thống kinh tế xã hội và đặc biệt gây đứt quãng kết nối với môi trường tự nhiên. Thiết kế gắn liền với tự nhiên – Biophilic design xuất hiện cuối thế kỉ 20 một lần nữa nhấn mạnh các giá trị của thiên nhiên đối với đời sống sức khỏe tinh thần con người. Cách tiếp cận này cũng làm rõ nhu cầu xây dựng, tái cấu trúc các không gian sống gắn liền với thiên nhiên thông qua các kiểu mẫu thiết kế và yếu tố thiết kế cụ thể. Thiết kế gắn liền với tự nhiên là nhóm các giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đô thị và dần trở thành nguyên tắc trong mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh.

Nhu cầu kết nối với thiên nhiên của con người không chỉ để đáp ứng cho nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và thẩm mỹ mà còn là cơ sở để phát triển và tồn tại. Thiên nhiên không chỉ là phông nền trang trí mà còn trở thành nguồn tài nguyên vô giá giúp cải thiện chất lượng môi trường sống của con người. Thiết kế biophilic đưa ra 14 kiểu mẫu với các yếu tố thiết kế tương ứng, tuy nhiên cần xem xét áp dụng phù hợp với mục đích sử dụng, điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử và văn hóa địa điểm cụ thể để có giải pháp tối ưu nhất tránh việc áp dụng công thức chung cho các thiết kế. Thiết kế biophilic đang phát triển nhanh chóng và được xem là một trong các giải pháp đơn giản, ít tốn kém để xây dựng thành phố sinh thái hiện đại, thành phố bền vững hay thành phố đáng sống thông qua việc tích hợp các yếu tố tự nhiên theo nhiều cấp độ và tỉ lệ khác nhau. Thiết kế biophilic là một cách tiếp cận hiệu quả cho việc cải thiện môi trường xây dựng bằng cách tập trung lợi ích của thiết kế cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Ngoài ra, để đảm bảo các hiệu quả về mặt sử dụng lâu dài, việc phát triển chiến lược thiết kế kết hợp giữa thiết kế biophilic và mục tiêu sử dụng năng lượng cũng cần được xem xét phát triển hiện nay. Ở góc nhìn rộng lớn hơn, cảnh quan sinh thái học đô thị là một tiếp cận cho phát triển bền vững cần được xem xét đồng thời để phát triển một khung chiến lược toàn diện và dài hạn cho các vấn đề của đô thị hiện tại và tương lai.

Đỗ Duy Thịnh
Khoa Kiến Trúc Đại học Xây dựng Miền Tây
Nguyễn Thị Minh Diệu
Khoa Kỹ Thuật và Công Nghệ Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2021)


Tham khảo:
Holden, R., Liversedge, J., 2014. Landscape architecture: an introduction. Laurence King, London.
Murphy, M.D., 2016. Landscape architecture theory: an ecological approach. Island Press, Washington, DC.
Newton, N.T., 1971. Design on the land: the development of landscape architecture. Belknap Press of Harvard University Press, Cambridge, Mass.
Thompson, I., 2000. Sources of values in the environmental design professions: The case of landscape architecture. Philos. Geogr. 3, 203–219. https://doi.org/10.1080/13668790008573713
W.D. Browning, C.O. Ryan,, J.O. Clancy, 2014. 14 Patterns of Biophilic Design.