Kiến trúc xanh và xu hướng thế giới

Không còn nghi ngờ gì nữa về việc ngày một gia tăng các sáng kiến phát triển bền vững và các sản phẩm có trách nhiệm với môi trường. Điều này hiển nhiên đã tác động rất nhiều đến kiến trúc xanh. 

Không còn nghi ngờ gì nữa về việc ngày một gia tăng các sáng kiến phát triển bền vững và các sản phẩm có trách nhiệm với môi trường. Điều này hiển nhiên đã tác động rất nhiều đến kiến trúc xanh. 

Kiến trúc xanh trên quy mô toàn cầu 

Trên thế giới ngày càng có nhiều công trình từ quy mô nhỏ như nhà ở, trường học đến quy mô lớn như quy hoạch đô thị, phát triển đô thị đều mang tính bền vững. Và điều đó cũng tương tự cả trong phát triển xây dựng mới và các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có. Đáng mừng là ở chỗ, kiến trúc xanh không chỉ diễn ra trong một phạm vi quốc gia, khu vực bởi liên quan đến nền kinh tế xanh và biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiển nhiên, kiến trúc xanh cũng đang ngày một phát triển ở tất cả các nơi trên thế giới. 


Toà nhà khoa công nghệ gỗ Trường đại học Khoa học ứng dụng Salzburg, Áo (nguồn: Ashui.com) 

Kiến trúc xanh hay gọi cách khác là kiến trúc bền vững được dùng để đề cập đến công tác kiến tạo các công trình kiến trúc và sử dụng những phương pháp mang tính thân thiện với môi trường và hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong suốt “vòng đời” của công trình…

(Wikipedia) 

Để hiểu được tầm quan trọng của kiến trúc xanh cũng như tiến triển, xu hướng của nó trên thế giới, Tập đoàn McGraw-Hill và United Technologies với sự hỗ trợ của Hội đồng Công trình xanh thế giới và Hội đồng Công trình xanh của Mỹ cùng hợp tác nghiên cứu về vấn đề này. Các chuyên gia đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại gián tiếp và trực tiếp, khảo sát để đưa ra kết luận xác đáng. Qua đó có thể thấy được, kiến trúc xanh đã có ảnh hưởng nhất định đến quá trình thiết kế và xây dựng nhằm tạo ra môi trường xây dựng bền vững hơn. Đồng thời, chính sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng nói chung và nhận thức của công chúng cũng giúp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ xanh. 

Theo nghiên cứu, các công ty xây dựng và các nhà phát triển bất động sản đã và đang dịch chuyển hướng kinh doanh của họ tới công trình xanh, sẽ ngày càng nhiều công trình xanh so với hiện tại. Điều đáng chú ý nhất là sự tăng trưởng này không phải là xu hướng của một khu vực mà là trên toàn cầu nói chung. Từ năm 2012 – 2015, số lượng công trình xanh của các công ty xây dựng dự đoán tăng hơn 60%. 

Gia tăng nhận thức trên toàn xã hội 

Một vấn đề đáng mừng hơn là có sự gia tăng về nhận thức và phát triển ở hầu hết các tầng lớp xã hội, đặc biệt khu vực chủ sở hữu công trình và các nhà phát triển bất động sản. Theo các chuyên gia, tác nhân chính góp phần đáng kể trong kiến trúc xanh chính là ở cộng đồng, chủ sở hữu công trình, các công ty xây dựng. Họ ngày càng nhận biết được tầm quan trọng của kiến trúc xanh, đặc biệt các DN xây dựng bắt buộc phải đi theo xu hướng thế giới: Phát triển kiến trúc xanh để đáp ứng thị trường.

Trong một báo cáo của McGraw-Hill đã chỉ ra rằng kiến trúc xanh là điều đúng đắn mà các công ty xây dựng cần phải hướng tới và thực hiện. Những năm gần đây, kiến trúc xanh nổi lên như một nhu cầu thị trường, là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường xây dựng. Chính vì thế, thiết kế và xây dựng phải đảm bảo tính hiệu quả về năng lượng, môi trường, cảnh quan… 

Thị trường sản phẩm xanh 

Kiến trúc xanh phát triển, do đó thị trường cho sản phẩm và dịch vụ cũng cần đổi mới theo hướng xanh hóa. Trong năm qua, đã có rất nhiều DN xây dựng trên toàn cầu báo cáo về việc họ ứng dụng sản phẩm xanh. Có thể nói, chưa bao giờ làn sóng “sản phẩm xanh” lại phát triển như ngày nay. Theo dự đoán, xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong vài năm tới. Như vậy, sản phẩm không thân thiện môi trường sẽ ngày càng không có chỗ đứng và buộc phải thay thế cho phù hợp xu thế thị trường. 

Tóm lại, kiến trúc xanh ngày một khẳng định vị thế của nó và kiến trúc xanh sẽ là xu thế tất yếu của toàn cầu, đặc biệt trong hoàn cảnh thế giới phải đối mặt với nguy cơ và hiểm họa ngày càng tàn khốc do biến đổi khí hậu. 


Ngôi nhà Passivhaus đầu tiên ở Pháp do công ty kiến trúc Karawitz thiết kế. 


The Marina Barrage (Singapore) 

Lợi ích của Kiến trúc xanh

Lợi ích môi trường

Đây là lợi ích điển hình của kiến trúc xanh. Kiến trúc xanh thúc đẩy và bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng không khí và nước, giảm chất thải rắn và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Theo các chuyên gia của Hội đồng xanh thế giới, nếu so sánh với một công trình thương mại thông thường, công trình xanh sẽ sử dụng ít hơn 26% ít năng lượng, chi phí bảo trì ít hơn 13% và lượng phát thải nhà kính ít hơn 33%.

Lợi ích kinh tế

Có rất nhiều lợi ích kinh tế từ kiến trúc xanh, bao gồm giảm chi phí trong quá trình sử dụng công trình. Cụ thể giảm đáng kể hóa đơn chi phí vận hành bao gồm điện, nước, rác thải… và khả năng thu hồi số tiền đầu tư xây dựng nhanh hơn. Giá thành tài sản lúc này cũng tăng đáng kể so với một công trình xây dựng không mang tính bền vững, sự lựa chọn khách hàng bao giờ cũng nghiêng về công trình xanh.

Lợi ích xã hội 

Lợi ích xã hội của kiến trúc xanh ngày càng thể hiện rõ rệt. Kiến trúc xanh sẽ tạo môi trường thân thiện cho người sử dụng ở nhiều khía cạnh, bao gồm chất lượng không khí trong nhà tốt hơn, tối ưu hóa sự thoải mái mọi công năng trong công trình. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng các yếu tố thiết kế của kiến trúc xanh làm giảm sự xuất hiện của bệnh liên quan đến đường hô hấp, triệu chứng dị ứng và hen suyễn. 

Khánh Phương 

ASHUI