Phát triển và sử dụng vật liệu xây dựng mới trong Kiến trúc

 
Mái vòm khẩu độ lớn 
 1. Việt Nam đang trên đà phát triển theo xu thế hội nhập và toàn cầu hoá. Thuận lợi nhiều nhưng cũng không ít khó khăn thách thức. Kiến trúc cũng không nằm ngoài bối cảnh chung đó. Sau hơn 20 năm đổi mới, đặc biệt từ khi chúng ta gia nhập WTO, thì cánh cửa thị trường Việt Nam đã rộng mở, tiếp nhận một cách bình đẳng những thành tựu tiến bộ về khoa học công nghệ của thế giới, trong đó có kiến trúc quốc tế. Nhiều Cty, Văn phòng Kiến trúc nổi tiếng của Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Pháp, CHLB Đức, Mỹ … đã có mặt tại Việt Nam và nhanh chóng khẳng định vị thế của họ qua hầu hết các dự án lớn, quy mô và hoành tráng như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Nhà Quốc hội, Bảo tàng Hà Nội, Khu đô thị mới Bắc An Khánh.v.v và v.v… Trong rất nhiều cuộc thi tuyển kiến trúc có yếu tố quốc tế, thì hầu hết đồ án trúng giải là của KTS nước ngoài. Thi thoảng cũng có sự tham gia một cách nhạt nhoà, hoặc liên danh một cách yếu ớt của KTS nội!
 
Millennium Dome – mái vòm thiên niên kỷ (Anh) 
Tại Hội nghị khoa học đánh giá tình hình phát triển kiến trúc Việt Nam những năm gần đây, do Hội KTS Việt Nam tổ chức vào tháng 9 năm ngoái tại Hà Nội, nhiều KTS đã tỏ ra lo lắng về sự yếu thế của KTS nội trước các đồng nghiệp nước ngoài, về xu hướng sùng ngoại thái quá của các chủ đầu tư, sự xâm nhập mạnh mẽ của các phong cách kiến trúc quốc tế sẽ làm mất đi bản sắc kiến trúc nước nhà. Những lo lắng trên không phải không có lý. 
Nhiều năm nay, Kiến trúc của chúng ta phát triển nhanh về lượng theo tốc độ đô thị hóa, nhưng về chất còn nhiều vấn đề phải bàn, phải suy nghĩ. Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trong các hội thảo lớn nhỏ được tổ chức ở địa phương và trung ương; trên các phương tiện thông tin truyền thông như truyền hình, báo, tạp chí chuyên ngành của Bộ Xây dựng, Hội KTS Việt Nam, sự yếu kém của kiến trúc Việt Nam luôn được các nhà nghiên cứu lý luận phê bình, các KTS mổ xẻ, tìm nguyên nhân với những lý luận mới và cũ, hiện đại và truyền thống.  Thế nhưng, nói như Gớt: “ Mọi lý thuyết đều mầu xám, chỉ cây đời mãi xanh tươi!”. Cuộc sống như dòng sông lớn cứ ào ạt trôi không ngưng nghỉ với các kế hoạch, những chỉ tiêu, những con số tăng trưởng GDP đầy hấp dẫn … kéo theo đó là các dự án đầu tư khổng lồ về phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu đô thị mới… với vốn đầu tư lên tới hàng trăm, hàng ngàn triệu USD. Các công trình cao tầng hiện đại với chức năng thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê, chung cư cao cấp… rất nhanh chóng mọc lên trong các thành phố lớn và nhỏ, trong các khu đô thị mới và cũ, trên những vùng đất mà trước đó chưa lâu là những cánh đồng trắng cánh cò bay… với kiến trúc đa phong cách, hiện đại và xa lạ!  Còn tính “truyền thống” và “ bản sắc”, cái mà nhiều thập niên qua chúng ta đã bàn thảo tốn không biết bao nhiêu giấy mực, thời gian, công sức và tiền bạc (của nhân dân) thì cứ ngày một mờ đi và…xa dần(!). Phải chăng trong khi thế giới đang bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, của kỹ thuật số… thì KTS chúng ta vẫn bế tắc giữa mê hồn trận của những trào lưu, trường phái kiến trúc quốc tế từ cũ đến mới như: Kiến trúc hậu hiện đại; kiến trúc giải tỏa kết cấu; kiến trúc phỏng sinh học; kiến trúc sinh thái; kiến trúc môi trường; kiến trúc xanh…
 
2. Kinh tế thị trường cho dù có sự điều tiết của Nhà nước, thì vẫn rất nghiệt ngã, thậm chí còn khốc liệt như bản chất thực của nó, đó là tính cạnh tranh! Hành nghề của KTS cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nếu như trước đây, thị trường kiến trúc chủ yếu do KTS nội chiếm lĩnh. Hầu hết KTS làm việc trong các cơ quan nhà nước và thực hiện nhiệm vụ thiết kế theo kế hoạch bằng nguồn vốn ngân sách. Thì nay đã khác. Môi trường hành nghề của KTS rộng mở, thông thoáng hơn rất nhiều. Bên cạnh một số ít tổ chức tư vấn thiết kế do Nhà nước quản lý, thì có hàng ngàn công ty, văn phòng tư vấn do các KTS lập ra theo luật Doanh nghiệp đang hoạt động trên khắp cả nước. Chủ đầu tư cũng đa dạng hơn và là những ông chủ khó tính. Họ đã nhanh chóng khẳng định vị thế “khách hàng là thượng đế” trong việc lựa chọn sản phẩm kiến trúc theo ý thích của mình. Sự xuất hiện nhanh chóng các tổ chức tư vấn thiết kế ngoại quốc trên thị trường Việt Nam đã làm cho sân chơi kiến trúc thêm sôi động và mới mẻ. Bằng năng lực tài chính và kinh nghiệm hành nghề trong một thế giới hiện đại đi trước chúng ta vài chục năm, thậm chí trăm năm, các KTS ngoại bước vào thị trường kiến trúc Việt Nam một cách tự tin, đầy kiêu hãnh! Bắt đầu từ những chiến thắng trong các  cuộc thi kiến trúc lớn mang tính quốc gia… họ đã nhanh chóng chiếm được lòng tin (nhiều khi đến mù quáng) của các chủ đầu tư người Việt- vốn từ xưa đến nay đã có tính sùng ngoại – để có trong tay những dự án béo bở với giá thiết kế cao ngất ngưởng gấp nhiều lần so với chi phí phải trả cho KTS nội.
Môi trường hành nghề rất mở, rất thông thoáng. Tốc độ đô thị hóa nhanh. Kinh tế đất nước không ngừng tăng trưởng. Thì lẽ ra đây phải là cơ hội thuận lợi để KTS nội trổ tài sáng tạo, để nền kiến trúc nước nhà phát triển. Nhưng thực tế chưa được như vậy. Đội ngũ KTS của chúng ta khá đông (trên dưới 15000 người), nhưng chưa mạnh. Chưa thực sự có những tên tuổi lớn để tạo ra phong cách, trường phái. Các tổ chức hành nghề kiến trúc manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế phát triển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Đồng Nai, Bình Dương… KTS Việt vốn thông minh, tư duy lãng mạn, tiếp thu cái mới (và cả bắt chước) rất nhanh, nhưng lại không chuyên sâu và thiếu tính hợp tác, hỗ trợ nhau trong nghề nghiệp. Phải chăng đó là những điểm yếu của KTS chúng ta? Thực tế đã cho thấy, trước nhiều dự án lớn có tầm quốc tế, hay những công trình đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, vật liệu hiện đại là chúng ta thường lúng túng, dễ bị ngợp và … thất bại!
Công trình trúc nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng cuối thế kỷ 19
Trong khi đó, tại các tổ chức, văn phòng tư vấn thiết kế nước ngoài hoạt động tại Việt Nam hiện có nhiều KTS nội đang làm việc với mức lương khá cao trả bằng ngoại tệ mạnh. Đó là những người trẻ trên dưới 30 tuổi, được đào tạo bài bản ở các trường đại học Kiến trúc, Xây dựng trong nước. Nhiều người đã đi tu nghiệp, học sau đại học ở nhiều nước Âu- Mỹ có nền kiến trúc phát triển. Họ đã và đang cùng các KTS ngoại thực hiện nhiều công trình, dự án lớn không chỉ của Việt Nam mà còn ở nước khác. Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, kỷ luật và mang tính hợp tác cao này, các KTS Việt Nam đã học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá từ những đồng nghiệp ngoại quốc và trưởng thành qua từng công việc cụ thể. Phải chăng đây cũng là một hướng đi để các KTS trẻ từng bước khẳng định mình trên con đường lao động sáng tạo.
Công nghệ lợp mái hiện đại 
3. Đổi mới để hội nhập! Nhưng hội nhập mà không bị mất bản sắc của mình lại là vấn đề lớn, rất lớn. Đại hội KTS Việt Nam lần thứ VIII sắp tới đây sẽ diễn ra với tinh thần đổi mới: “ Đoàn kết và sáng tạo-Hợp tác để phát triển”. Tinh thần đó cũng chính là hướng đi mà giới KTS lựa chọn để cùng nhau đồng lòng, chung sức, vươn lên bắt kịp sự phát triển của kiến trúc thời đại và vững vàng đi đến đích cuối cùng của mục tiêu cao cả: Xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại và đậm đà bản sắc trong thế kỷ 21.

TS. Võ Quang Diệm