Phú Thọ: Ưu tiên phát triển vật liệu xây không nung

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hiện đại của nền kinh tế, đồng thời là xu thế phát triển tất yếu của xây dựng, tỉnh Phú Thọ đã và đang thực hiện lộ trình xóa bỏ vật liệu xây nung (VLXN), ưu tiên và tiến tới sử dụng hoàn toàn vật liệu xây không nung (VLXKN) trong các công trình trên địa bàn.

B0736-tckt-01

Sản xuất và sử dụng VLXKN là xu thế phát triển tất yếu hiện nay.

VLXKN là loại vật liệu dùng trong xây dựng trong đó việc sản xuất ra chúng không sử dụng nhiệt để nung; bao gồm các loại gạch không nung, tấm 3D (panels), thạch cao… Vật liệu này đang ngày càng chứng tỏ ưu thế so với VLXN truyền thống, lạc hậu với nhiều lợi ích như không dùng nguyên liệu đất sét để sản xuất gây ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp; không dùng nhiên liệu như than, củi.. để đốt; sản phẩm tạo ra có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt phòng hoả, chống thấm, chống nước, kích thước chuẩn xác, quy cách tốt giúp giảm thiểu được kết cấu cốt thép, rút ngắn thời gian thi công, tích kiệm…

Mặc dù không thể phủ nhận mặt tích cực của VLXKN và xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) hiện nay đang dần có sự chuyển biến song vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nhiều công trình vốn ngân sách nhà nước, nhà tư nhân… khi tiến hành thi công vẫn sử dụng trên 90% gạch nung truyền thống. Nguyên nhân là do loại hình sản phẩm này chưa thịnh hành, các doanh nghiệp tham gia sản xuất chưa nhiều, mạng lưới cung cấp sản phẩm còn thưa, chưa kể giá thành sử dụng các loại VLXD không nung hiện nay đang cao so với gạch nung thông thường từ 10-30%.

Ngoài ra, việc phát triển vật liệu không nung tại Phú Thọ cũng đang gặp phải nhiều khó khăn do việc đầu tư xây dựng các nhà máy gạch không nung đòi hỏi vốn lớn, quỹ đất rộng; các trình tự đầu tư, thủ tục xây dựng nhà máy mất nhiều thời gian…

Để khắc phục tình trạng này, tỉnh sẽ dần tăng tỉ lệ sản xuất, thay thế nguồn cung cho thị trường vật liệu xây từ 20% – 25% (năm 2015) lên 30% – 40% VLXKN (khoảng 400 triệu viên) vào năm 2020 trong tổng số VLXD sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đa dạng hóa các loại VLXKN như: gạch xi măng – cốt liệu; vật liệu nhẹ (gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm Panel từ bê tông khí chưng áp); tấm tường thạch cao, tấm 3D; các loại gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát ….).

VLXKN từ các nguyên liệu như xi măng, đá mạt, cát… sẽ được phát triển theo hướng công nghệ tiên tiến, quy mô và công suất phù hợp với điều kiện của Phú Thọ và tiêu chuẩn Quốc gia. Các cơ sở sản xuất gạch xi măng – cốt liệu quy mô nhỏ vẫn sẽ được duy trì ở các huyện, xã, thị trấn nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở và các công trình khác ngay tại địa phương.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thành các dự án đầu tư cơ sở sản xuất gạch BT khí chưng áp, công suất đầu tư 20-30 trv (QTC)/năm tại huyện Thanh Thủy; cơ sở SX gạch BT bọt, công suất đầu tư 25 trv (QTC)/năm (thị xã Phú Thọ); đầu tư 01 cơ sở SX gạch BT cốt liệu, công suất đầu tư 15 trv (QTC)/năm (huyện Yên Lập)… Đồng thời mở rộng quy mô đầu tư, nâng công suất đầu tư, đảm bảo cho thị trường về chủng loại cũng như về sản lượng.

Nhà máy xi măng Yến Mao được xây dựng đưa vào hoạt động giai đoạn 2016-2020; công suất đầu tư 910 nghìn tấn/năm. Nhà máy này sẽ cùng với các nhà máy hiện có trên địa bàn hoạt động và cho ra nawg suất khoảng 3,5 triệu tấn vào năm 2020.

Để sử dụng VLXKN thay thế VLXN cũ theo đúng quy hoạch phát triển, Phú Thọ sẽ tích cực tăng cường quảng cáo, tuyên truyền sản xuất và sử dụng VLXKN. Đồng thời, có biện pháp khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất VLXKN.

Theo Nguyễn Nhung/Báo Xây dựng