Xây dựng nông thôn cấp cơ sở ở châu Á với thực tiễn Việt Nam

Tìm ra cách thức, mô hình có hiệu quả trong phát triển nông thôn nói chung và phát triển nông thôn cấp cơ sở nói riêng luôn là công việc khó khăn do vấn đề về kỹ thuật, huy động nguồn lực và quản lý, văn hóa xã hội. Trong quá trình xây dựng mô hình nông thôn cần tham khảo và tiếp thu học hỏi từ kinh nghiệm và bài học đã có từ các nước đi trước cũng như thực tiễn tại Việt Nam. Ðến thời điểm hiện nay, số lượng các chương trình, mô hình thử nghiệm trong và ngoài nước, đặc biệt là tại các nước châu Á tương đối nhiều, có thể đưa ra các kinh nghiệm và bài học phong phú cho việc thiết kế chương trình xây dựng nông thôn cấp cơ sở.


Bộ mặt của xã nông thôn mới tại tỉnh Thái Bình đang thay đổi từng ngày.

Nhìn rõ những tồn tại phát triển nông thôn cơ sở các nước

Thực tế qua xem xét, phân tích và so sánh các chương trình phát triển nông thôn cấp cơ sở ở một số nước châu Á như Hàn Quốc với phong trào Làng mới Seamaul Undong, mô hình “công nghiệp hưng trấn” tại Trung Quốc, Chương trình phát triển nông thôn tăng tốc – Tăng thu nhập của nông trại và tăng cường chương trình tái cấu trúc nông thôn – Chương trình cải cách ruộng đất giai đoạn 2 tại Đài Loan, Chương trình mỗi vùng một sản phẩm, Chương trình một triệu bạt mỗi bản của Thái Lan… dễ nhận thấy sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn cấp cơ sở nếu chọn được một hướng đi đúng, trên cơ sở chọn lọc và phát huy các giá trị cốt lõi đặc trưng riêng.

Bên cạnh những mặt được, kinh nghiệm quốc tế tại các nước châu Á đi trước cũng chỉ ra những góc khuất cần khắc phục và chưa đạt được thực sự của chương trình nông thôn cấp cơ sở các nước.


Mô hình quy hoạch cánh đồng mẫu lớn tại Hàn Quốc.

Ví dụ như phong trào “Làng mới” của Hàn Quốc là một trong các phong trào điển hình thực hiện phát triển nông thôn cấp cơ sở. Việc thực hiện phong trào được đánh giá là rất thành công khi có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Hàn Quốc từ một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu trong những năm 1960 trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào những năm 1990 trở lại đây. Tuy nhiên, phát triển nông thôn tại Hàn Quốc, sau quá trình thực hiện phong trào Làng mới thực hiện thành công đến đầu những năm 1990, khu vực nông nghiệp, nông thôn có dấu hiệu phát triển chững lại. Trong khi đó khu vực thành thị và các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ có sự phát triển vượt bậc tạo ra nguồn thu lớn có thể hỗ trợ trở lại cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Để duy trì và hỗ trợ khu vực nông thôn, Chính phủ đã xây dựng mô hình phát triển nông thôn toàn diện tại 112 điểm trên phạm vi toàn quốc. Chính phủ thực hiện đầu tư toàn bộ công trình cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội đồng bộ và đạt tiêu chuẩn hiện đại tại từng điểm.

Tuy nhiên vì không duy trì được sự phát triển có tính bền vững của mô hình thí điểm nên chương trình đã không được triển khai nhân rộng bắt nguồn từ các nguyên nhân do công việc vất vả thu nhập thấp, còn do các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa không thể tốt và thuận lợi bằng như ở khu vực đô thị. Đây là bài học Việt Nam cần tính đến trong lộ trình thực hiện sau quá trình xây dựng nông thôn cấp cơ sở (nông thôn mới) của mình, có phải xây các công trình có chất lượng quá tốt tại khu vực nông thôn không?

Xây dựng nông thôn mới Trung Quốc tạo nên một hình ảnh mới đầy ấn tượng về một “nông thôn Trung Quốc” đẹp tráng lệ. Tuy vậy, dù với rất nhiều cố gắng, phát triển nông thôn cấp cơ sở và nông thôn mới tại Trung Quốc cũng chưa đạt được các mục tiêu đề ra hoàn toàn.

Theo các đánh giá khách quan mô hình nông thôn mới (NTM) của Trung Quốc chưa được coi là thành công khi hiện nay khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn vẫn đang ngày càng rộng ra, làn song người dân rời bỏ khu vực nông nghiệp, nông thôn diễn ra ngày càng mạnh.

Vấn đề ô nhiễm môi trường xảy ra ở đại đa số các vùng nông thôn có sản xuất làng nghề. Những tồn tại trong khu vực nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc hiện nay cũng là câu chuyện cũng tương tự với những quốc gia khác như Thái Lan, Đài Loan mà Việt Nam cần nhận rõ trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới.

Phát triển nông thôn Làng mới tại Hàn Quốc, đến đầu những năm 1990 có dấu hiệu chững lại và đi xuống. Nguyên nhân do công việc vất vả thu nhập thấp, còn do các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa không thuận lợi bằng như ở khu vực đô thị. Đây là điều Việt Nam có thể học học khi tính đến điều gì cần thực hiện sau quá trình xây dựng NTM của mình, có phải xây các công trình có chất lượng quá tốt tại khu vực nông thôn không? Một chương trình phát triển nông thôn cấp cơ sở thành công có thể tạo ra những thay đổi sâu sắc về cả kinh tế, xã hội và môi trường, thúc đẩy sự phát triển nói chung của cả mỗi vùng, mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, có thể tóm tắt 3 nguyên tắc chính từ các nước đi trước có thể áp dụng vào xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam là phát huy vai trò và sự tham gia cộng đồng, xác định mục tiêu và nội dung, phát huy vai trò hỗ trợ.


Bảo tồn không gian ruộng bậc thang, phát triển nông nghiệp bền vững và du lịch tại Đài Loan.

Bài học kinh nghiệm với NTM ở Việt Nam

Phát triển nông thôn cấp cơ sở là một phần quan trọng trong phát triển nông thôn, nhưng vẫn có gắn bó hữu cơ, không thể tách rời các phần khác trong phát triển nông thôn như phát triển khoa học kỹ thuật, xây dựng thể chế, chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, phát triển y tế, giáo dục…. Các nội dung khác nhau của phát triển nông thôn cấp cơ sở được tổ chức triển khai ngay tại địa bàn nông thôn cụ thể, tác động qua lại đến từng hộ dân, từng cộng đồng dân cư.

Một chương trình phát triển nông thôn cấp cơ sở thành công có thể tạo ra những thay đổi sâu sắc về cả kinh tế, xã hội và môi trường, thúc đẩy sự phát triển nói chung của cả mỗi vùng, mỗi quốc gia. Tuy nhiên, có thể tóm tắt một số bài học chính từ các nước đi trước có thể áp dụng vào chương trình xây dựng NTM ở Việt Nam.

Phát huy vai trò và sự tham gia của cộng đồng, sự tham gia của cộng đồng có vai trò quan trọng, huy động được sự tham gia tự nguyện của cộng đồng vào việc thực hiện các nội dung khác nhau quyết định đến việc thực hiện thành công, đến khả năng triển khai trên diện rộng của chương trình phát triển nông thôn cấp cơ sở. Ngược lại để có thể triển khai trên diện rộng, cần thực hiện phân cấp và phải giao được quyền làm chủ cho cộng đồng.

Thông qua thực hiện quyền làm chủ để nâng cao năng lực của cộng đồng, cộng đồng chủ động không chỉ tham gia đóng góp nguồn lực cho đầu tư xây dựng mà còn tham gia mạnh mẽ từ khâu xây dựng định hướng thực hiện, quy hoạch nông thôn mới và quan trọng nữa là tham gia giám sát quá trình thực hiện tại cơ sở.

Hỗ trợ vật chất của bên ngoài, của Nhà nước cho các cộng đồng thông qua hình thành Quỹ phát triển (địa phương, hay thôn ấp, xã tùy theo cách gọi) để cộng đồng chủ động quản lý sử dụng, trong đó cộng đồng sẽ quyết định việc sử dụng cho hoạt động ưu tiên gì, cách thức như thế nào… đang chứng tỏ có nhiều triển vọng thành công.

Xác định rõ mục tiêu và nội dung, điều kiện xem xét, yêu cầu phát triển nông thôn cấp cơ sở bao gồm nhiều nội dung khác nhau như về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội, môi trường,… đi kèm theo điều kiện phải được triển khai trên diện rộng trong những điều kiện về tổ chức, nguồn lực cao nhất có thể đã chỉ ra các khung yêu cầu chung cho một chương trình phát triển nông thôn cấp cơ sở.

Việc thực hiện là một quá trình cần được thiết kế thành các giai đoạn khác nhau trong đó mỗi giai đoạn sẽ có nội dung được ưu tiên quan trọng như ưu tiên về phát triển cơ sở hạ tầng, hay phát triển kinh tế,…

Việc tập trung vào cơ chế mới hơn là mặt kỹ thuật cho phép tạo ra sự thay đổi nhanh, trên diện rộng.

Xây dựng tính đồng nhất về đặc trưng cơ bản dựa trên đó làm căn cứ để triển khai chương trình. Ở đây là khu vực nông thôn so với khu vực đô thị, tham vọng chương trình tổng hợp đa dạng cùng tập trung đáp ứng các loại hình khác nhau về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội là không khả thi.

Phát triển kinh tế, phát triển kinh tế thành công quyết định thành công của phát triển nông thôn cấp cơ sở, bất kỳ chương trình phát triển nông thôn cấp cơ sở nào thành công đều là nhờ việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ đó dẫn đến cải thiện điều kiện vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Các chính sách về đất đai, liên kết sản xuất và tiêu thụ, chế biến nâng cao giá trị gia tăng, tín dụng, bảo hiểm, đào tạo nghề, phát triển ngành nghề phi nông nghiệp,… có vai trò quan trọng.

Chỉ có sự đột phá về ý tưởng với cách làm mới, cơ chế mới, khác với cách làm thông thường mới có thể xây dựng một chương trình NTM thật sự có hiệu quả, làm đòn bẩy cho phát triển nông thôn cấp cơ sở; các cách làm thông thường vẫn có thể hỗ trợ cho việc thực hiện, nhưng sẽ khó có thể tạo ra một chương trình NTM thực sự thành công vì chỉ có tốc độ phát triển bình thường.

Phát huy vai trò của tổ chức hỗ trợ, Nhà nước có vai trò quan trọng trong hình thành, tổ chức và hỗ trợ thực hiện các chương trình phát triển nông thôn cấp cơ sở. Do đặc điểm của mình, phát triển nông thôn cấp cơ sở cần đến sự hỗ trợ tối đa từ Nhà nước về cơ chế chính sách, về kinh phí và kỹ thuật.

Tùy theo trình độ phát triển của khu vực nông thôn, hình thức và mức độ hỗ trợ sẽ khác nhau. Trình độ phát triển thấp, mức độ đói nghèo cao đòi hỏi sự giúp đỡ to lớn hơn của Nhà nước, các hỗ trợ dưới hình thức trực tiếp, xây dựng và cung cấp các điều kiện sống cơ bản cho cộng đồng dân cư như phát triển sản xuất, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, xây dựng nhà ở xóa bỏ tình trạng nhà tranh tre dột nát…

Trình độ phát triển cao hơn, sự giúp đỡ của Nhà nước được thực hiện thông qua các cơ chế chính sách là chính để tháo bỏ các rào cản, giải phóng sức sản xuất, từ đó tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế có hiệu quả, trên cơ sở đó quay lại hỗ trợ cho các lĩnh vực khác như văn hóa, xã hội, môi trường phát triển theo.

Nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển nông thôn cấp cơ sở là công việc lâu dài và nhiều thách thức. Để tìm ra cách thức, mô hình có hiệu quả trong phát triển nông thôn nói chung và phát triển nông thôn cấp cơ sở nói riêng luôn là công việc khó khăn do vừa là vấn đề kỹ thuật vừa là vấn đề quản lý, xã hội. Việc xây dựng mô hình thử nghiệm cần có sự tiếp thu và học hỏi từ các kinh nghiệm và bài học đã có trước đây.

Đến thời điểm hiện nay, số lượng các chương trình, các mô hình thử nghiệm trong nước và ngoài nước đã tương đối nhiều có thể đưa ra các kinh nghiệm và bài học phong phú cho việc thiết kế chương trình xây dựng nông thôn cấp cơ sở.

Điều cần thiết của việc thử nghiệm mới là tiếp tục củng cố các vấn đề đã được khẳng định tương đối rõ, tìm tòi thử nghiệm các vấn đề mới cho thấy có khả năng thành công. Bên cạnh đó, để tiết kiệm thời gian và nguồn lực, cũng cần lưu ý tránh lặp lại các vấn đề, các nội dung và cách làm trước đây đã được khẳng định là không thành công.

Nguyễn Quang Dũng – Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT/TCKTVN