Sau đổi mới, đời sống xã hội có những chuyển biến cả vật chất và tinh thần. Trước đòi hỏi của định hướng chiến lược phát triển nền văn hóa Việt Nam, Nghị quyết TƯ Khóa VIII đã nêu: Giới trí thức thấy cần nhìn nhận lại những gì đã đóng góp cho đất nước trong những năm tháng gian truân vừa qua cũng như xác định trách nhiệm của mình trong bước đường mới, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng một quốc gia phồn vinh theo hướng CNH-HĐH.
Nhằm ghi nhận thành tựu của giới văn nghệ sỹ cũng như khuyến khích sáng tạo tiếp theo, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng cho lập “Quỹ Giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Chính phủ” (1/1993).
Kiến trúc với đặc thù sáng tạo, được coi như một lĩnh vực nghệ thuật, được tổ chức “Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia” 2 năm một lần với sự đồng chủ trì của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Hội KTS Việt Nam.
Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) lần thứ 1 được tiến hành năm 1994 tại Hà Nội – tính đến nay đã 25 năm trôi qua với 13 kỳ Giải thưởng. Đất nước trải qua chiến tranh tàn phá liên miên, việc xây dựng rất hạn chế, đời sống còn khó khăn, kinh tế còn nghèo nàn nên ít có kiến trúc lớn với chất lượng kỹ thuật công nghệ cao, một số công trình chủ đạo ở các TP đều do Pháp, Mỹ hay các nước XHCN xây dựng trước có. Tuy nhiên, cơ sở vật chất cho phục vụ chiến tranh và xây dựng đất nước trong bối cảnh thực tiễn ấy đều do sự đóng góp sáng tạo của KTS bản địa, mà nhiều người cho rằng nước ngoài chắc gì đã làm được. Vì vậy, GTKTQG là một hình thức tôn vinh giới nghề một cách khách quan, công bằng.
GTKTQG ra đời đã được đông đảo KTS các địa phương hưởng ứng, có nhiều tác phẩm được đánh giá tốt, gây được phong trào sáng tác có giá trị sáng tạo.
GTKTQG làm cho KTS xích lại gần nhau – Không phân biệt thế hệ, vùng miền, không giới hạn quy mô tác phẩm công trình, đa chức năng, đa thể loại. Thành quả giải thưởng được thông tin rộng rãi, KTS có điều kiện học hỏi lẫn nhau, biết và tự hào về sự nghiệp kiến trúc chung, biết và tôn vinh đồng nghiệp.
Mỗi kỳ GTKTQG cũng là dịp để các nhà quản lý và dư luận xã hội nhận thức, đánh giá được sự đóng góp của giới kiến trúc, thực trạng của nền kiến trúc nước nhà, đề ra định hướng và các chính sách phù hợp nhằm phát triển kiến trúc cũng như tạo điều kiện tốt phát huy sáng tạo của KTS trong nước.
GTKTQG gần đây có quy chế cho các công trình do nước ngoài thiết kế tham gia, biểu hiện sự bình đẳng cho mọi sự đóng góp trên lãnh thổ Việt Nam, qua đó khuyến khích nhiều sáng tác có chất lượng cao, đồng thời tạo cơ hội cho KTS Việt Nam có động lực phấn đấu vươn lên dần hội nhập khu vực và quốc tế.
GTKTQG thể hiện quan điểm của Hội KTS Việt Nam, định hướng phát triển nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại, bản sắc, cổ súy cho các sáng tạo tiến bộ, phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, con người Việt Nam, sàng lọc và phê phán các xu hướng tiêu cực, lạc lõng với thời đại, đồng thời qua đó góp phần hướng dẫn dư luận xã hội về kiến trúc, thẩm mỹ kiến trúc lành mạnh, nhân văn, sinh thái, phát triển bền vững. GTKTQG các kỳ không giống nhau, phụ thuộc vào tình hình kinh tế xã hội của đất nước, sự quan tâm của KTS tác giả. Vẫn còn những công trình kiến trúc có giá trị nhưng không tham gia vào giải thưởng. Ban tổ chức giải thưởng đã cố gắng thay đổi, tìm kiếm giải pháp làm cho giải thưởng lan tỏa rộng khắp hơn, kích thích niềm đam mê cũng như hy vọng của các tác giả để GTKTQG ngày càng phong phú và nâng tầm giá trị
GTKTQG 2019 mở ra trang mới cho các gương mặt sáng tạo trẻ (thế hệ thứ 3). Hy vọng họ sẽ tạo nhiều đột phá. Không có quá khứ thì không có hiện tại, hiện tại là bước đệm cho tương lai (ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay). Hãy chăm chút hiện tại để cho tương lai kiến trúc Việt Nam đích thực sáng lạn.
KTS Nguyễn Thúc Hoàng
Nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2019)