35 năm giải thưởng Loa Thành: Đồng hành sáng tạo cùng SV ngành Kiến trúc – Xây dựng

Sáng ngày 25/12/2023, Lễ trao Giải thưởng Loa Thành lần thứ 35 – năm 2023 vinh danh các đồ án xuất sắc nhất của sinh viên khối ngành Xây dựng và Kiến trúc trên cả nước đã diễn ra tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng Quốc gia, Hà Nội. Đây cũng là sự kiện chào mừng 35 năm Giải thưởng Loa Thành. 

Ông Nguyễn Tường Văn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Loa Thành năm 2023 phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc tại Lễ trao giải, Ông Nguyễn Tường Văn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Loa Thành năm 2023 đã nhìn lại hành trình của Giải thưởng: “35 năm qua, Giải thưởng Loa Thành đã trở thành cái tên thân thuộc, luôn đồng hành với sự nghiệp đào tạo của các trường đại học khối ngành Xây dựng – Kiến trúc trên cả nước. Đây là giải thưởng cao quý mà các bạn sinh viên năm cuối chuyên ngành Xây dựng – Kiến trúc luôn mong muốn giành được và coi như là hành trang, một nguồn động viên để có thêm sự tự tin bước ra đời, phát triển bản thân và mang hoài bão đi xây dựng đất nước. Giải thưởng Loa Thành không chỉ đề cao ý tưởng sáng tạo của sinh viên mà còn được các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá cao tính thực tiễn nghề nghiệp của các đồ án đạt giải.”

Các sinh viên nhận giải Nhất

Giải thưởng Loa Thành lần thứ 35 – 2023 do Bộ Xây dựng đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên Hội đồng giải thưởng. Năm nay, Giải thưởng nhận được 182 đồ án dự thi của 22 trường đại học trên cả nước. Các đồ án được chia về 06 hội đồng chuyên ngành: Kiến trúc – Quy hoạch, Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Công trình giao thông, Công trình thủy, Kỹ thuật hạ tầng & Môi trường đô thị, Kinh tế và quản lý xây dựng. Ngày 06/12/2023, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Loa Thành năm 2023 đã chủ trì cuộc họp Hội đồng giải thưởng và Ban Tổ chức giải, với sự tham gia của các Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành để nghe báo cáo kết quả chấm và đề nghị chọn đồ án đoạt giải năm 2023. Căn cứ vào thể lệ và tiêu chí cuộc thi, sau khi thảo luận, Hội đồng Giải thưởng Loa Thành năm 2023 quyết định chọn số lượng đồ án đoạt giải như sau: Không có giải đặc biệt; có 04 giải Nhất; 15 giải Nhì; 20 giải Ba; 19 giải Khuyến khích.

Các sinh viên nhận giải Nhì
Các sinh viên nhận giải Ba
Các sinh viên nhận giải Khuyến khích

Trong những năm gần đây đã có những chuyển hướng rất đáng mừng khi nhiều đồ án của sinh viên đã tập trung vào các vấn đề của xã hội như: Bền vững, xây dựng môi trường xanh, sử dụng năng lượng tái tạo. Đây là sự chuyển hướng rất đáng mừng, mang tính thực tiễn cao, phù hợp với xu thế của thế giới. Một số ít đề tài có quan tâm đến các vấn đề xã hội có nghiên cứu, khai thác các yếu tố văn hóa, bản sắc địa phương. Nhiều đồ án có phương pháp nghiên cứu, phân tích khoa học, trình bày chuyên nghiệp. Xu hướng hình thức chủ nghĩa có giảm bớt, yêu cầu thực tiễn được chú trọng hơn. Tuy vẫn còn những đồ án chưa thực sự có sự đầu tư, vẫn chưa bám sát thực tiễn, nặng hình thức, còn có những đồ án có nội dung “kế thừa” nhiều các nội dung từ các đề tài dự án hoặc nội dung không đồng nhất trong một địa phương,… Về phía nhận xét của Hội đồng giám khảo Giải thưởng, các đồ án năm nay đa dạng về thể loại, cũng như cách tiếp cận theo xu hướng đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong nước và cập nhật các xu hướng phát triển kiến trúc và xây dựng, ứng dụng công nghệ xây dựng hiện đại trên thế giới.Giải Nhất giải thưởng Loa Thành 2023 là những đồ án xuất sắc nhất, được các hội đồng chuyên ngành đánh giá rất cao. Các đồ án đạt giải Nhất gần như đạt điểm tối đa ở tất cả các tiêu chí, nhất là các tiêu chí về tính tổng hợp, tính xã hội và tính sáng tạo và độc đáo. Năm nay cuộc thi đã trao giải Nhất cho 4 đồ án: Thiết kế cầu Mạnh Tân; Lập hồ sơ mời thầu gói thầu Thi công xây lắp khối nhà 9 tầng – Trụ sở tiếp công dân của Trung Ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội; Khách sạn 21C Museum By Mgallery và TK kiến trúc cảnh quan làng nông nghiệp “Thông minh” kết hợp du lịch trải nghiệm không gian văn hóa Tây Nam Bộ.

TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam trao tặng Bằng sáng tạo Kiến trúc cho các tác giả đạt Giải Nhất và Giải Nhì thuộc khối ngành Kiến trúc – Quy hoạch

Theo thông lệ hằng năm, để ghi nhận những đồ án thiết kế có ý tưởng độc đáo, tinh thần sáng tạo của các bạn sinh viên chuyên ngành kiến trúc – quy hoạch đạt thành tích xuất sắc tại Giải thưởng Loa Thành năm 2023, Hội KTS Việt Nam cũng quyết định trao tặng Bằng sáng tạo Kiến trúc cho các tác giải Giải Nhất và Giải Nhì thuộc ngành Kiến trúc – Quy hoạch.

Bên cạnh đó, để ghi nhận sự đóng góp của các cá nhân cho thành công của giải thưởng Loa Thành trong những năm qua, Trung Ương Đoàn TNCS HCM đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” – phần thưởng cao quý nhất của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành tặng hoặc truy tặng cho cá nhân từ đủ 30 tuổi trở lên và có nhiều đóng góp, cống hiến trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” cho các cá nhân đã có đóng góp

Nhìn lại chặng đường 35 năm đã qua. Ban tổ chức đã vinh danh, tri ân các các nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Giải. Trong 35 năm, sinh viên dự thi chủ yếu đến từ các trường lớn như Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Thủy Lợi và ĐH Kiến Trúc TP HCM… Tuy nhiên, những năm gần đây, sinh viên của nhiều trường có quy mô nhỏ hơn và ở các địa phương cũng đã đoạt các giải cao nhất. Điều đó cho thấy hiệu ứng lan tỏa của Giải thưởng Loa Thành đến các trường và xã hội. Đặc biệt, hợp tác quốc tế trong đào tạo được đẩy mạnh ở một số trường đã góp phần nâng cao chất lượng các đồ án tốt nghiệp.

Kết thúc chương trình, Ông Nguyễn Tường Văn – Thứ trưởng Bộ Xây Dựng, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Loa Thành lần thứ 35 đã trao cờ luân lưu cho TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đơn vị đăng cai tổ chức Giải thưởng Loa Thành lần thứ 36 năm 2024.

Những thành công và sức lan toả của các giải đã được trao là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn cho các cơ quan tổ chức giải, đã và đang là niềm tự hào của các trường tham gia, của giảng viên hướng dẫn và của tất cả sinh viên đoạt giải.

Kết quả Giải thưởng Loa Thành 2023 – Khối ngành Kiến trúc, Quy hoạch

Giải Ba (11) Giải Khuyến Khích (11)

02 Giải Nhất Giải thưởng Loa Thành 2023

1. Khách sạn 21C Museum By Mgallery 

  • Tác giả: Trương Thanh Quí – ĐH Kiến trúc TP. HCM
  • GVHD: ThS. Nguyễn Hữu Vinh

21CMUSEUM HOTELS là một hiện thực độc đáo, hoàn hảo kết hợp giữa nghệ thuật và sự tiến bộ nhân loại, đồng thời duy trì mô hình kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng. Đây thực sự là một cách tiếp cận đáng chú ý để mang đến kiến thức ý nghĩa và giá trị to lớn. Khách hàng đến đây không chỉ để thư giãn mà còn để bắt đầu một hành trình sáng tạo, đắm chìm trong những câu chuyện về tiến bộ của văn tự, chữ viết và những ý tưởng đột phá từ cách nhìn nhận trên góc độ của một người làm và đam mê nghệ thuật. Ý tưởng chính là “Những thời đại văn tự” chuyển thể vào 4 không gian chính mượt mà: Không gian sảnh với ý tưởng “Khởi nguồn ngôn ngữ”, Không gian nhà hàng với ý tưởng “Tàng thư ký tự”, Không gian ngủ với ý tưởng “Ngôn ngữ thời đại”, Không gian Spa – Tri liệu với ý tưởng “Ký ức văn minh”

2. Thiết kế kiến trúc cảnh quan làng nông nghiệp “Thông minh” kết hợp với du lịch trải nghiệm không gian văn hóa Tây Nam Bộ

  • Tác giả: Nguyễn Thị Bảo Ly – ĐH Kiến trúc TP. HCM
  • GVHD: TS. KTS Trần Mai Anh

Trước bối cảnh đô thị hóa, việc rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn nhằm nâng cao chất lượng đời sống – tinh thần của dân cư vùng nông thôn là mục tiêu hướng đến ở các vùng đất gắn liền với nền kinh tế nông nghiệp. Nhưng đi đôi với cải tiến đó là sự nhạt phai dần bản sắc nông thôn, không còn những điều gần gũi đã ăn sâu vào tiềm thức, nếp sống, những không gian cảnh quan nuôi dưỡng con người thay vào đó là những khối bê tông “đồng phục hóa”.

Đồ án đã đề xuất giải pháp quy hoạch không gian và các giải pháp thiết kế phù hợp đối với các vùng gắn liền với nền nông nghiệp lâu đời, phát triển dựa trên những giá trị có sẵn, phát huy tiền năng kinh tế từ cảnh quan nông nghiệp. giữ lại yếu tố đặc trưng vùng nông thôn. Phát triển theo mục tiêu: Tài nguyên cũ – Hình thức mới – Giá trị cao.

08 Giải Nhì Giải thưởng Loa Thành 2023

1. Không gian văn hóa cộng đồng người Hà Nhì

  • Tác giả: Trịnh Lan Hương – ĐH Kiến trúc Hà Nội
  • GVHD: Ths. KTS Phạm Trung Hiếu

Đồ án lựa chọn đề tài này với mong muốn đóng góp một không gian văn hóa cộng đồng phát huy mạnh mẽ các giá trị truyền thống của người Hà Nhì vùng ngã ba biên giới xa xôi trong một thời điểm nhạy cảm: Khi các dự án phát triển kinh tế đang làm mất đi phần nào bản sắc văn hóa tại nơi đây dưới tác động của xu hướng sùng bái hàng hóa, tiền tệ… mà quên đi các giá trị cốt lõi làm nên bản sắc dân tộc Hà Nhì.

2. Cải tạo thích ứng nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông

  • Tác giả: Phùng Huy Việt – ĐH Kiến trúc Hà Nội
  • GVHD: ThS. KTS Phạm Trung Hiếu

Ở Hà Nội, vụ hỏa hoạn tại nhà xưởng Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, phường Hạ Đình vào tháng 8/2019 đưa mối lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường lên đến đỉnh điểm. Những nhà xưởng này đã gây ô nhiễm trong quá trình hoạt động và khi có sự cố thì hậu quả không thể kiểm soát.

Đáp lại thách thức này trong trường hợp nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đồ án đề xuất đưa ra một mô hình đa chức năng: Cải tạo vùng đất ô nhiễm, gìn giữ và phát huy một số cấu trúc sẵn có, xây mới các hạng mục công trình nghiên cứu về môi trường đô thị…làm chất xúc tác cho sự phát triển của khu vực xung quanh. Đồ án xác lập 03 vùng không gian áp dụng tương ứng đặc điểm hiện trạng với các chức năng: Tái tạo, Tái sử dụng và Tái thiết. Các chức năng thích ứng trong đồ hướng tới các nhu cầu mà đô thị Hà Nội đang bỏ quên hoặc thiếu thốn: Cải tạo môi trường sau khi di dời cơ sở công nghiệp, tái tạo không gian xanh, không gian công, và không gian nghiên cứu chuyên sâu về Môi trường đô thị.

3. Bảo tàng văn hóa biển – miền Trung – Bình Thuận

  • Tác giả: Trần Thị Chi – ĐH Văn Lang
  • GVHD: ThS. KTS Đỗ Quốc Hiệp

Sự đô thị hóa, sự phát triển của công nghiệp đã xâm chiếm và lấy mất những tinh hoa của nghề biển và cả những sinh hoạt văn hóa phong phú của người dân. Và tôi nhận ra tầm quan trọng của những đặc trưng đấy chính là di sản của vùng đất quê hương. Di sản văn hóa biển này cần phải được khôi phục, phải được gìn giữ lưu truyền để mãi mãi những giấc mơ vẫn còn là kim chỉ nam cho những đứa trẻ đang lớn lên ở đây.
Vậy nếu một công trình xuất hiện có làm mất đi vẻ đẹp vốn có của nơi này? Giải pháp nâng toàn bộ công trình từ khối bảo tàng, triển lãm và khối khán phòng lên cao giúp giải phóng không gian trệt. Cộng với việc hạ nền các chức năng phụ giúp trả lại cảnh quan biển một cách tuyệt đối. Bảo tàng Văn hóa biển là nơi lưu giữ và tái hiện những giấc mơ của những đứa trẻ con vùng biển,khao khát được níu giữ những ký ức tuổi thơ về những thói quen lao động, lễ hội, văn hóa đặc sắc của quê hương mình.

4. Làng chài Cửa Vạn hồi sinh

  • Tác giả: Nguyễn Long Vũ – ĐH Xây dựng Hà Nội
  • GVHD: TS. KTS Trần Minh Tùng

Mục tiêu của đồ án là tìm kiếm hướng đi khác nhằm giúp tỉnh giải quyết vấn đề làm thế nào để người dân có được cuộc sống tốt để vừa biến nơi đây thành ngôi nhà khang trang dành cho họ vừa là điểm đến thu hút khách du lịch. Với quan điểm để người dân trở thành người quản lý cho vùng vịnh sẽ giúp cải thiện tình hình môi trường tại đây đồng thời giữ lại nét đẹp văn hóa làng chài và biến những công trình của hôm nay sẽ là “di sản” để lại cho thế hệ sau.

5. Chợ Đồng Hới

  • Tác giả: Vũ Quốc Hưng – ĐH Kiến trúc Đà Nẵng
  • GVHD: ThS. KTS Võ Thành Nghĩa

Phương án kiến trúc được lấy cảm hứng từ cây đa, đình làng nhằm gợi nhớ tới âm hưởng của quá khứ kết hợp với đường nét hiện đại nhằm tạo ra những giá trị thẩm mĩ mới. Chợ Đồng Hới gồm 2 chợ và có tính chất khác biệt: Chợ truyền thống và chợ cá ở 2 khu đất liên hệ với nhau qua Hành lang văn hóa. Với lợi thế giáp sông, chợ được xem như là góp phần vào cảnh quan đô thị, đồng thời là điểm đến du lịch lý tưởng mỗi khi ghé chân tới TP Đồng Hới…

6. Học viện minh triết Phương Đông

  • Tác giả: Võ Trường Duy – ĐH Kiến trúc TP. HCM
  • GVHD: TS. KTS Nguyễn Thị Kim Tú

Minh triết đã xuất hiện hàng ngàn năm ở phương đông, đó là một hệ thống triết học và tư tưởng xuất phát từ các bậc vĩ nhân châu Á, có xu hướng tập trung vào cuộc sống nội tâm, đạo đức, đối tác xã hội và sự kết hợp giữa con người với tự nhiên. Theo chiều dài lịch sử, minh triết trải qua nhiều biến động và dần bị mai một, lệch lạc cho đến khi khoa học kĩ thuật phát triển đến ngưỡng chạm vào cửa ngõ triết học và tôn giáo. Người ta dần nhận ra giá trị đương đại ở minh triết phương đông có thể trả lời cho những câu hỏi lớn của nhân loại và mở ra thời kì phục hưng minh triết.

Đề tài là hành trình khám phá ra giá trị của minh triết Phương Đông trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện đại thông qua sự biểu đạt bằng hình thức kiến trúc và tương quan giữa công trình với nơi chốn. Học viện tọa lạc bên bờ sông Sài Gòn với kiến trúc như một dấu gạch nối giữa đô thị với tự nhiên, giữa nhịp sống xao động với sự tĩnh lặng của bầu trời mặt nước; giữa tâm đời và tâm đạo. Kiến trúc trong bối cảnh này như một phương tiện trợ duyên, che chở con người khỏi những bộn bề xung quanh, tạm trở về với sự hiện diện của bản thân để nhận lại sự minh triết vốn có sẵn trong nguồn cội chúng ta.

 

Kiến trúc mang ngôn ngữ truyền thống đối thoại cùng thời đại với tổng thể được bố cục cân bằng từ những hình khối cơ bản thuần nhất. Được ẩn dụ như con đường đi đến minh triết, từng lớp hình khối và những ý niệm không gian gợi mở dần những triết lí cơ bản của minh triết Phật. Để rồi điểm kết của cả kiến trúc và mục đích tối thượng của người tu học chính là nhìn thấy cái chân không – tức là giác ngộ được vô ngã.

Học viện minh triết phương đông sẽ là nơi nuôi dưỡng tâm thức con người, giúp ta tìm hiểu, khám phá sự tồn tại bản thân. Tác động tích cực lên đời sống tinh thần của xã hội, xây dựng một môi trường con người sống tỉnh thức và hòa hợp với tự nhiên. Dù chỉ là một đồ án trên giấy, em vẫn mong muốn được góp một cánh tay vào công cuộc xây dựng nền minh triết Việt tiến bộ hơn, hòa vào dòng chảy phục hưng minh triết của thế giới.

7. Resort Zannier Hồ Lắc

  • Tác giả: Nguyễn Minh Toàn – ĐH Kiến trúc TP. HCM
  • GVHD: ThS. Trần Hồng Ngọc

Câu chuyện “Lối về chốn ngàn voi” được kể qua bốn không gian như bốn trạm dừng chân với những câu chuyện riêng biệt. Lần theo dấu chân voi, ta khám phá ra những nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyễn như: Văn hóa sử thi, văn hóa lễ hội, đời sống, không gian sinh hoạt,… của con người nơi đây.

8. Thiết kế kiến trúc cảnh quan không gian văn hóa tín ngưỡng Đạo mẫu Khu vực Đầm trị, Bán đảo Quảng An, Hà Nội

  • Tác giả: Nguyễn Thị Thu Ngân – ĐH Kiến trúc Hà Nội
  • GVHD: TS. KTS Trần Nhật Kiên

Đồ án Không gian Văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được đưa ra như một gợi ý thú vị cho khu vực bởi sự phù hợp về mặt văn hóa lịch sử cũng như cảnh quan với Thủ pháp xử lý Không Gian Âm nhằm bảo tồn diện tích và giá trị cảnh quan mặt nước Đầm Trị.
Nước và Lửa là 2 yếu tố nguyên thủy được lắng cảm từ sự mênh mang của Tây Hồ và lễ Hầu Đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Sự thú vị, kỳ ảo, đa sắc thái của nó được nghiên cứu và sử dụng như chất liệu chính để xây dựng đồ án.

Nguyễn Ánh Dương
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2023)