Thứ trưởng bộ VHTT – DL Vương Duy Biên.

Nhìn chung, các tác phẩm tham gia Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) 2016 có rất nhiều công trình đẹp. Đặc biệt là nhiều công trình thể hiện rất rõ nét sự quan tâm của KTS – tác giả đến môi trường, cộng đồng. Nhiều tác phẩm chú trọng khai thác các yếu tố văn hóa bản địa, sử dụng chất liệu truyền thống rất ấn tượng, cụ thể như vật liệu tre, đá ong….

Nhà công nhân Lào Cai – Giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia

Điều này làm tôi nhớ đến câu người ta hay nói: Không có KTS tồi, chỉ có chủ đầu tư kém thông minh. Các công trình tham gia GTKTQG 2016 gợi mở cho chủ đầu tư một điều quan trọng: Không cần tìm đâu xa, nếu biết cách làm, vẫn có công trình đẹp, hiệu quả ngay ở Việt Nam.

Trong năm 2016, Hội KTS Việt Nam đã hướng đến xu hướng Kiến trúc vì cộng đồng. Theo đó, vai trò và trách nhiệm xã hội của KTS được nâng cao trong các công trình kiến trúc thực tế với các tiêu chí: Giá thành rẻ, dễ làm, phù hợp nhiều đối tượng, phù hợp với lối sống và văn hóa của người Việt.

Rõ ràng, cùng với xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, kiến trúc không còn là điều gì quá xa vời người dân. Tuy rằng vẫn còn nhiều điều tồn tại, nhưng cần phát huy hơn nữa vai trò của KTS nói riêng và Hội KTS Việt Nam nói chung, cần khai thác thế mạnh của các kênh truyền thông, phổ cập kiến trúc cho toàn dân. các KTS cần cập nhật hơn, tiếp cận tốt hơn với người dân địa phương. Thiết kế ở đâu cần gắn với thổ nhưỡng ở đấy. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao dân trí về thẩm mỹ kiến trúc, góp phần xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và giàu bản sắc.

Những công trình kiến trúc hiện nay nên gắn kết hơn với các tác phẩm nghệ thuật: Hội họa, điêu khắc… Sự kết nối liên ngành sẽ giúp các bên phát huy được hết thế mạnh của văn hóa bản địa, kiến trúc truyền thống và các tiện nghi của cuộc sống kiến trúc đương đại.

Xem thêm: Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2016: Tôn vinh Tác giả – Tác phẩm kiến trúc xuất sắc

PV Vi Khánh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03 – 2017)