Đền thờ liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên Phủ: Giải Đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia 2022 – 2023

THÔNG TIN CÔNG TRÌNH

  • Tên công trình: Đền thờ liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên Phủ
  • Tư vấn thiết kế: KTS. Phạm Trung Hiếu
  • Địa điểm: Đồi F, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
  • Diện tích đất: 49.534 m2
  • Năm hoàn thành: 2022

Công trình đạt Giải Đồng Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2022 – 2023, hạng mục Kiến trúc công cộng

Chi tiết các công trình đạt giải xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2022-2023.html

Công trình được xây dựng nhằm mục đích:

  • Đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
  • Giáo dục truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ tiếp bước.
  • Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua việc thu hút người dân, du khách đến tham quan, du lịch.

Quy hoạch khu Đền thờ là cơ hội để tạo nên sự kết nối, liên hoàn và hoàn chỉnh cho tổng thể cả khu vực các khu tưởng niệm và di tích xung quanh, mang lại sự trải nghiệm đầy đủ và sâu sắc đối với du khách tham quan. Từ đó cho thấy yêu cầu về quy hoạch tổng thể khu Đền thờ không chỉ là một không gian khép kín, mà cần có sự sáng tạo với các thành phần chức năng mới để tạo nên một “công viên tưởng niệm“, xem đó là trung tâm của sự kết nối với hệ thống các khu tưởng niệm và di tích về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của thành phố Điện Biên Phủ. Về kiến trúc công trình cần đạt được các tiêu chí về kiến trúc như sau:

  • Có ý tưởng sáng tạo và độc đáo.
  • Có bản sắc văn hóa dân tộc và địa phương.
  • Có công năng phù hợp với tính chất và chức năng sử dụng của công trình.
  • Thể hiện được tính thời đại.

Trục tâm linh của Đền thờ nằm dọc theo tuyến của đỉnh khu đồi F, và vị trí Đền nằm ở trên điểm cao cuối tuyến, phía Bắc của khu đồi. Xung quanh ranh giới đất là phần cuối nhà các hộ cư dân, đa số là phần không gian phụ, được thay thế bằng hàng rào rặng tre dày 3m trồng san sát tạo cảnh quan như lũy tre làng trong các làng mạc Bắc bộ truyền thống bao quanh khu đất. Hàng rào mềm này vừa giới hạn, bảo vệ khu đất, vừa che chắn tầm nhìn ngang và gần từ ngoài vào, không cản trở tầm nhìn từ trên đồi F, đồng thời ngăn tiếng ồn từ bên ngoài. Phần kết nối với đồi A1 sẽ không trồng để mở rộng góc nhìn phía Nam khu đất về phía thung lũng và toàn cảnh thành phố. Đồi F sẽ nằm trong tuyến tham quan giữa Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nghĩa trang A1, di tích lịch sử đồi A1 đóng góp trải nghiệm hoàn thiện với du khách tham quan, đóng góp một không gian văn hóa cho người dân thành phố Điện Biên.

Tổng thể Đền thờ khu đồi F kế thừa bố cục không gian kiến trúc truyền thống được quy hoạch thành nhiều lớp không gian xen kẽ: Không gian giao lưu – Cây Xanh – Mặt nước – Công trình, từ phía đồi A1 dẫn dắt vào trong quần thể. Có thể chia tổng thể thành 05 lớp không gian xen kẽ: 03 lớp không gian chính và 02 lớp không gian phụ, được kết nối bằng 02 khoảng đệm giao thông khác cote.

 

Lớp không gian đầu tiên nằm giáp đồi A1: là không gian giao lưu kết nối cộng đồng, được tổ chức như 01 quảng trường tập trung với công viên cây xanh bao quanh, bố cục hướng tâm, tầm nhìn thoáng đãng ra bốn phía. Không gian chuyển tiếp này sẽ đóng vai trò kết nối tuyến tham quan A1, đồng thời cũng kết nối với các hoạt động đương đại của đô thị, mang hơi thở cuộc sống bên ngoài hòa cùng lớp ngoài của Công viên.

Lớp thứ 2 là không gian đệm chuyển tiếp từ lớp ngoài vào không gian trung tâm, bằng 01 bậc thềm đi xuống, du khách tiếp cận dần với các nội dung của công trình qua các hình ảnh được chắt lọc qua các cấu trúc xây dựng.

Lớp thứ 3 nằm ở trung tâm của khu đất có ý nghĩa là không gian tưởng niệm, các đồi đất được tạo hình hướng vào mặt nước trung tâm, mặt nước in bóng mây trời vùng Tây Bắc, và vòng cung hoa ban giúp khách tham quan tĩnh tâm tưởng niệm. Ở lõi của của mặt nước có đường dẫn xuống sân tưởng niệm, bức tường đá hình vòng cung xếp đá phiến như bia mộ các anh hùng liệt sĩ, ở trung tâm của sân này được bố trí 56 chiếc đèn cây xếp thành hình ngôi sao – tượng trưng cho nén hương tưởng nhớ công ơn của các liệt sĩ.

Lớp thứ 4 tiếp tục là không gian đệm chuyển tiếp, từ sân giữa vào công trình chính của khu đền. Cầu thang đi lên, nằm trong lòng một quả đồi nhỏ, định tuyến giao thông và tuyến thị giác hướng lên cao, cuối đường là hình ảnh mái đền cong vút linh thiêng, gần gũi. Cảm giác đi trong lòng quả đồi, ánh sáng được tiết chế từ 09 cửa lấy sáng từ mái tạo cảm giác linh thiêng và đôi chút huyền bí, cảm nhận của du khách sẽ vỡ òa khi đến cuối con đường với hình ảnh mái đền sáng bừng trước mặt.

Lớp thứ 5 là Đền thờ chính: không gian tâm linh của cả đồ án. Bố cục Đền chính kế thừa và phát triển từ bố cục chữ Đinh trong kiến trúc truyền thống. Hai khối tả hữu vu được kết nối với khối chính tạo thành hình vòng cung ôm lấy sân đền. Hậu cung là một khối vuông 15mx15m, nằm gọn trong lòng sân trong đền chính, dựa vào thế núi, vươn cao so với khối tiền tế bên ngoài, là điểm thu hút thị giác cho toàn bộ không gian cảnh quan của khu đồi.

05 không gian trên nằm trên trục tâm linh của đền theo thứ tự từ ngoài vào trong. Bên ngoài các không gian này, ở các cote cao độ thấp hơn, chúng tôi tổ chức các không gian cảnh quan theo các lớp từ cao xuống thấp, xen giữa là các sườn đồi trồng hoa, đường dạo và tiểu cảnh.

Hội đồng giám khảo đánh giá:

“Tổng thể Đền thờ là một không gian rộng, được thiết kế như một công viên tưởng niệm, sinh hoạt, văn hóa gồm một chuỗi không gian dẫn dắt cảm xúc cho khách tham quan. Công trình có tính sáng tạo, hiện đại nhưng khai thác được bản sắc văn hóa dân tộc và địa phương, gắn kết hài hòa cảnh quan thiên nhiên, đô thị”.

Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc