THÔNG TIN CÔNG TRÌNH
- Tên công trình: Điều chỉnh QH chi tiết tỷ lệ 1/500 khu du lịch sinh thái Cồn Bắp, tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam
- Tư vấn thiết kế: KTS. Đào Hải Nam, KTS. Dương Việt Hùng, KTS. Phạm Văn Trung, KTS. Viên Thị Thu
- Địa điểm: Quảng Nam
- Năm hoàn thành: 2020
Công trình đạt Giải Đồng Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2022 – 2023, hạng mục Quy hoạch xây dựng các khu chức năng.
Chi tiết các công trình đạt giải xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2022-2023.html
Với mục tiêu phát triển bền vững và bảo tồn, phát huy giá trị bản địa. Đồ án quy hoạch định hướng các tình chất cho khu vực nghiên cứu bao gồm:
a. Trung tâm nghỉ dưỡng kết với vui chơi giải trí – Đồ án hình thành một trung tâm nghỉ dưỡng mật độ thấp với hệ thống khách sạn 5*, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng, bể bơi trung tâm phục vụ toàn khu và khu thể dục thể thao. Các không gian xây dựng được lùi sâu vào bên trong so với mép nước, bố cục hài hòa với cảnh quan tự nhiên, các không gian cây xanh xen cấy vào không gian kiến trúc truyền thống, tạo ra hình ảnh hài hòa với môi trường tự nhiên ngay cả những từ những góc nhìn trên sông.
b. Trung tâm văn hóa – Trung tâm văn hóa là khu vực tôn vinh các giá trị truyền thống, trưng bày các sản phẩm của địa phương, cung cấp các không gian giúp du khách có cơ hội trải nghiệm thực hành quy trình tạo ra sản phẩm bản địa trong văn hóa ẩm thực và tiểu thủ công nghiêp, kiến tạo các không gian trưng bày ảnh và công cụ sản xuất, lao động. Bên cạnh đố tạo ra các không gian thương mại bán đồ lưu liệm và vật phẩm truyền thống. Trung tâm văn hóa đề xuất tôn vinh giá trị âm nhạc và cuộc sống của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đề xuất các không gian biểu diễn, trưng bày các tác phẩm của ông. Không gian biểu diễn trong nhà và ngoài trời là nơi tổ chức các sự kiện và các hoạt động văn hóa khác nhau.
c. Khu nhà phố thương mại – nhà phố thương mại với mô hình truyền thống của Hội An được gợi lại phong cách kiến trúc và không gian trong nhà và ngoài nhà, hình thành trung tâm thương mại mới giúp du khách có thêm lựa chọn và bổ sung một điểm đến đáp ứng nhu cầu mua sắm trong tuyến du lịch tại Hội An. Các tuyến phố thương mại không quá dài và được ngắt tại một số vị trí nhằm bổ sung cây xanh, mặt nước, tạo thành các tuyến cảnh quan hấp dẫn được xen cấy hài hòa trong đồ án.
d. Trung tâm nông nghiệp, trải nghiệm – khu trung tâm nông nghiệp trải nghiệm định hướng gợi lại hình ảnh Cồn Bắp, hình ảnh làng quên, nông thôn của Việt Nam, với cây ngô là hình ảnh chủ đạo. Ngoài ra khu vực nông nghiệp tích hợp với các hoạt động du lịch trải nghiệm cho du khách trong đó ẩm thực là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch. Các khu vực vườn rau, vườn dược liệu kết hợp với cảnh quan cây xanh mặt nước tạo ra một tổng thể hài hòa, đa dang các loại cây trồng.
Giải pháp tổ chức không gian chung:
- Hình dáng khu đất hơi dài và đặc biệt là một thách thức trong quy hoạch tuy nhiên nó lại mở ra một cơ hội cho một ý tưởng quy hoạch độc đáo qua việc phân vùng quy hoạch thành bốn khu chính.
- Sự phân vùng trong quy hoạch này cho phép bố trí các nhóm công trình chức năng một cách sáng tạo ngay từ giai đoạn quy hoạch sơ bộ của đồ án. Bằng cách tạo ra nhiều góc nhìn khác nhau, đồ án có tham vọng làm cho khu đất dự án gần như hòa nhập với cảnh quan khá đẹp xung quanh. Cụ thể là phát triển khu đất sao cho có các góc nhìn đẹp và đặc sắc từ các điểm khác nhau bên trong khu đất cũng như góc nhìn đẹp từ ngoài (sông Thu Bồn) nhìn vào khu đất. Góc nhìn đẹp này không chỉ giới hạn ở các góc nhìn gần mà còn phải đẹp từ các góc nhìn rộng và nhìn xa. Giải pháp kiến trúc để đạt được mục tiêu này là phát triển không gian xây dựng lùi xa so với mặt sông, tạo khoảng đệm cảnh quan thiên nhiên, chuyển tiếp từ môi trường xây dựng ra tới sông.
- Giải pháp tổ chức không gian kiến trúc được xác định trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa với không gian kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên của tổng thể khu vực. Bao gồm kiến trúc nhà phố thương mại, không gian, cảnh quan sông Thu Bồn và làng xóm dân cư hiện hữu.
- Các công trình kiến trúc trong toàn bộ khu vực nghiên cứu được đề xuất có chiều cao công trình thấp, số tầng cao tối đa 3 tầng, các công trình bố trí đan xen với cảnh quan tự nhiên, tránh các cây thông hiện trạng.
- Tổ chức hệ thống cây xanh: gồm hệ thống cây xanh cảnh quan ven đường, sử dụng hoa tạo các cảnh quan đẹp, hấp dẫn. Kết hợp mặt nước trong tổ chức không gian. Tạo vùng cảnh quan đệm cho khu vực ven sông, công trình không tiếp giáp sát mặt sông mà nhường chỗ cho không gian cây xanh, mặt nước. Các không gian nghỉ ngơi thư giãn, đi bộ được bố trí toàn tuyến ven sông.
- Tổ chức hệ thống giao thông, sân bãi và bãi đỗ xe: Trong các khu đất xây dựng công trình tổ chức hệ thống đường vào nhà và đường dạo kết hợp cây xanh sân vườn, chỗ dừng cho xe điện…đảm bảo thuận tiện cho việc vân hành sử dụng.
- Bố cục không gian các khu vực trọng tâm, các tuyến, trục chính và các công trình điểm nhấn: Phân khu chức năng và quy hoạch kiến trúc được bố trí dựa vào những đặc tính cần có của một khu nghỉ dưỡng cao cấp: tính riêng tư cao, tiếp cận dễ dàng thuận tiện, phù hợp với mục đích lưu trú ngắn hạn, tối đa hóa tiếp xúc với thiên nhiên. Ngoài ra việc phân khu chức năng còn phải phù hợp với địa hình, hình dáng và đặc điểm của bản thân khu đất. Hình dạng dài của khu đất theo hướng Đông – Tây là cơ sở cho việc chọn trục quy hoạch và chia khu đất thành 4 phân khu chức năng nối tiếp nhau liên tục, tạo ra sự đa dạng trong tổ chức không gian và hoạt động. Mỗi phân khu chức năng được nghiên cứu kỹ với mục tiêu tận dụng tối đa hình dạng và địa hình của khu đất, qua đó duy trì sự tiếp cận hiệu quả đến các khu chức năng cũng như đưa lại hiệu quả khai thác kinh tế cao trong khi vẫn đảm bảo duy trì mức cân bằng về sinh thái và môi trường tự nhiên.
Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc