KTS Huỳnh Tuấn Huy: Sự trong sáng là khởi đầu của việc thiết kế một công trình tốt

Trước thềm Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023, Tạp chí Kiến trúc xin chia sẻ tới bạn đọc cuộc phỏng vấn KTS Huỳnh Tuấn Huy để khám phá câu chuyện phía sau công trình “Nhà mệ Loan” – ngôi nhà đã mang về giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2020 – 2021.

KTS Huỳnh Tuấn Huy – Công ty H-H Studio

PV: Chào anh, anh có thể chia sẻ cảm xúc khi đạt giải bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2020 – 2021 với công trình “Nhà Mệ Loan”?

Đây là lần đầu tiên tôi tham dự và đạt giải bạc. Tôi rất ngạc nhiên và không nghĩ ban giám khảo Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia đã chọn trao giải cho một dự án khiêm tốn về mặt quy mô, kinh phí và vị trí xây dựng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ đó là một quyết định dũng cảm, tôi vui và cảm ơn ban giám khảo.

PV: Anh hãy chia sẻ thêm về công trình “Nhà Mệ Loan”?

Nhà Mệ loan được thiết kế dựa trên một cấu trúc đơn giản và rõ ràng: sự đan xen giữa các khối chức năng và các khoảng trống. Cấu trúc này đã giúp sự hình thành và tồn tại của công trình tiến gần đến với sự tự nhiên. Nghĩa là ở một mức độ nào đó Nhà Mệ Loan là một cá tính riêng, một hình ảnh riêng, một lựa chọn riêng và dĩ nhiên là không hoàn hảo.

Nhà Mệ Loan là một ví dụ cụ thể trong việc thiết kế. Với cá nhân tôi thì việc tìm kiếm một cấu trúc, một trục đối xứng lớn hơn nhiều so với việc giải quyết những vấn đề trong kiến trúc: nhu cầu sử dụng, thẩm mỹ, xu hướng, không gian, vật liệu…

2 khối nhà với tầng trệt thiết kế mở 2 đầu mang đến cảm giác thông thoáng như ở ngoài trời
Không gian thư giãn với bộ bàn ghế đơn giản mang nét hoài cổ
Khoảng thông tầng giúp tạo sự thoáng đãng và mang ánh sáng vào Nhà Mệ Loan

PV: Theo anh những yếu tố nào cần có tạo nên thành công của một công trình?

Có một yếu tố quan trọng với cá nhân tôi: biên độ tự do của người thiết kế, biên độ càng lớn, bứt ra khỏi sự phụ thuộc vào khách hàng, vào kinh tế, mối quan hệ…và vào chính những ham muốn của bản thân người thiết kế. Ý tôi muốn nói đến sự trong sáng để khởi đầu của việc thiết kế một công trình tốt – không có yếu tố này công trình không có gì đáng nói bất kể người kiến trúc sư tài ba như thế nào.

PV: Chủ đề Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm nay đề cao yếu tố “Kiến trúc xanh”, theo anh xu hướng này đã biến đổi như thế nào trong những năm gần đây?

Tiến trình này dễ dàng nhận biết qua các cách trồng cây: vài bồn hoa trên ban công – trồng cây trong nhà – phủ xanh bề mặt, phủ xanh mái nhà và tôi hoàn toàn không dự đoán được tiếp theo các kiến trúc sư sẽ nghĩ thêm cách trồng cây gì mới. Tôi kỳ vọng với vai trò của mình: hội kiến trúc sư sẽ tác động, đề xuất các chính sách vĩ mô trong quy hoạch sử dụng đất điều này quan trọng trong việc xanh hóa đô thị, xanh hóa đất nước tươi đẹp này thay vì những công trình nhỏ lẻ.

PV: Anh có suy nghĩ như thế nào về vai trò và trách nhiệm của KTS trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa bản sắc, bản địa?

Tôi nghĩ gìn giữ và phát huy văn hóa là một thôi thúc hoàn toàn tự nhiên, điều chúng ta cần làm là khai thác vẻ đẹp, sức mạnh, tính độc đáo của bản sắc văn hóa. Điều này may mắn lại là vấn đề lớn, cần thiết và quan trọng trong việc thiết kế.

PV: Anh nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa và sức lan tỏa của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia nói chung?

Tôi nghĩ mỗi cá nhân kiến trúc sư nên có giải thưởng kiến trúc quốc gia một lần. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình khám phá, tìm kiếm sâu hơn nữa vào bên trong con người mình để nhận thức rõ ràng về bản thân: những mặt tiêu cực và tích cực đó là một cơ hội lớn để bạn đem những quan điểm, những mộng mơ vào trong công trình. Qua đó chia sẻ, tìm kiếm những khách hàng có chung tần số với bạn.

PV: Theo anh, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia có cần thay đổi, điều chỉnh gì để phù hợp với sự phát triển của nền kiến trúc hiện nay?

Tôi tin những người trong ban tổ chức sẽ thấy rõ hơn tôi về vấn đề này

Theo Phương Thảo/Kienviet.net

Xem thêm: Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022-2023