Liên cơ quan Vân Hồ: Giải Đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia 2024 – 2025

THÔNG TIN CÔNG TRÌNH

  • Tên công trình: Liên cơ quan Vân Hồ
  • Tư vấn thiết kế: Nguyễn Anh Đức, Hoàng Hà Ngân, Phạm Thế Vững, Nguyễn Tuấn Ngọc
  • Địa điểm: Hà Nội
  • Chức năng: Công trình trụ sở
  • Diện tích đất: 7441m2
  • Năm hoàn thành: 2024

Công trình đạt Giải Đồng, hạng mục Quy hoạch đô thị.

Chi tiết các công trình đạt giải xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2024-2025.html


Khu đất dự án nằm ở địa chỉ số 52 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng,TP.Hà Nội. Tọa lạc trên tuyến phố Lê Đại Hành sầm uất, mật độ cao. Xung quanh dự án có rất nhiều các trụ sở cơ quan như Quận ủy Hai Bà Trưng, công an quận Hai Bà Trưng, trường tiểu học Tây Sơn, các công trình thương mại dịch vụ, căn hộ cao tầng, nên tuyến phố Lê Đại Hành thường xuyên bị ùn tắc tại các khung giờ cao điểm. Mặt khác công trình là trụ sở làm việc của các Sở ngành nên lượng khách đến liên hệ làm việc, đặc biệt khi có các sự kiện là rất lớn. Do đó một trong những bài toán dự án phải giải quyết là vấn đề tổ chức giao thông đối nội – đối ngoại cho công trình.

  1. Phía Bắc giáp đường Tô Hiến Thành và khu dân cư.
  2. Phía Đông Bắc giáp ngõ Bà Triệu.
  3. Phía Đông Nam giáp tòa Tổng công ty thiết bị điện 22 tầng và khu dân cư.
  4. Phía Nam giáp đường Lê Đại Hành – Phía Tây giáp phố Thể Giao.

Phát triển kiến trúc phải gắn với mục tiêu tạo lập, gìn giữ, nuôi dưỡng môi trường xã hội – nhân văn ổn định, bền vững. Chính vì thế, nối tiếp truyền thống của khu đất, bảo tồn các giá trị lâu đời là bài toán cần thiết khi thiết kế. Một trong những thách thức đặt ra trong quá trình thực hiện dự án là việc bảo tồn được cây đa cổ thụ – vốn là một hình ảnh hết sức thân thuộc với cán bộ công nhân viên chức của Sở Xây Dựng cũ.

Rất nhiều phương án tổng mặt bằng, hình khối công trình, phương án tầng hầm được đưa ra, cân nhắc kỹ lưỡng và kết quả là công trình Liên Cơ Quan Vân Hồ xây mới vẫn bảo tồn nguyên trạng được cây đa cổ thụ này.

Địa điểm xây dựng bền vững

Dự án xây dựng phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, có sự hài hòa với bối cảnh, ứng xử với các công trình liền kề và hiện trạng một cách phù hợp. Đấu nối hạ tầng, giao thông với khu vực được thực hiện một cách đồng bộ, hoàn chỉnh.


Vị trí công trình nằm trong khu vực phố cũ, mật độ dân cư thấp không có các chung cư cao tầng. Vì thế, yếu tố hài hòa với bối cảnh hay tiếp nối cấu trúc khu phố cũ được đề cao trong quá trình thiết kế. Dự án bố trí nhiều diện tích dành cho cây xanh, tiểu cảnh, đường dạo, sân vườn, đóng góp tích cực đến kiến trúc – cảnh quan khu vực Lê Đại Hành – Thể Giao.

Sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả

Sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm VRV/VRF 2 chiều máy nén biến tần có hiệu suất cao giúp giảm lượng tiêu thụ năng lượng, có thể giúp tiết kiệm năng lượng lên đến 15-20% so với việc sử dụng điều hòa VRV/VRF thông thường.- Hệ thống điều hòa và thông gió được thiết kế để dễ dàng bảo trì, nâng cấp, và có tuổi thọ cao, giảm nhu cầu thay thế thường xuyên, từ đó tiết kiệm chi phí và giảm lượng rác thải xây dựng.

Công trình sử dụng thiết bị thông gió thu hồi nhiệt có hiệu suất làm việc cao (HRV) được kết hợp với điều hòa không khí nhằm tối ưu lượng nhiệt đã mất tiết kiệm tối đa năng lượng sử dụng.- Hệ thống điều hòa được kết nối với hệ thống tự động  hóa tòa nhà BMS (Building Management System) để quản lý năng lượng và điều khiển hoạt động của các thiết bị theo nhu cầu thực tế, giúp tối ưu hóa hiệu suất hoạt động.

Thiết bị vệ sinh đạt mức tiết kiệm nước cao (lên tới 15-20% so với thiết bị thông thường). Sử dụng phương pháp tưới cây nhỏ giọt đảm bảo tiết kiệm nước và năng lượng.- Có giải pháp thu gom tái sử dụng nước mưa tại bể nước mưa tầng hầm B1, sau đó tái sử dụng một cách hiệu quả
(tưới cây, dọn rửa).

Công trình sử dụng vật liệu không nung theo các quy định, hướng dẫn hiện hành.

Không gian của sự kết nối

Liên cơ quan được hiểu là tạo môi trường cho sự phối hợp giao lưu:

  • Giữa con người với con người
  • Giữa các sở ngành
  •  Giữa con người với thiên nhiên (thông qua các không gian sân vườn giữa các công trình).

Khu cảnh quan trung tâm công trình đóng vai trò là không gian đệm, lõi xanh giữa các khối công trình, phục vụ các hoạt động giao lưu của các Sở ngành. Cảnh quan công trình thiết kế theo hướng thoáng mở, len lỏi vào từng khối công trình với các không gian cây xanh, thảm cỏ đường dạo, phục vụ cho hoạt động nghỉ ngơi của cán bộ, công nhân viên.

 

Xem thêm:

Khánh Hòa – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc