THÔNG TIN CÔNG TRÌNH
- Tên công trình: Nhà hàng Akaari Premium
- Tư vấn thiết kế: KTS. Trần Đại Nghĩa, KTS. Nguyễn Phương Hiếu
- Địa điểm: Shop House 04-05, Tòa N03-T3 Khu Ngoại giao đoàn, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
- Chức năng: Nhà hàng
- Diện tích đất: 720 m2
- Năm hoàn thành: 2022
Công trình đạt Giải Đồng Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2022 – 2023, hạng mục Kiến trúc nội – ngoại thất.
Chi tiết các công trình đạt giải xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2022-2023.html
Akaari là một trong những chuỗi nhà hàng ẩm thực mang phong cách truyền thống Nhật Bản lâu đời tại Hà Nội. Không gian nội thất của công trình mới này của chuỗi nhà hàng lần này được kì vọng sẽ mang một đột phá mới, trở thành một niềm tự hào của việc ứng dụng những tinh hoa của Văn hóa Việt vào một nhà hàng Nhật Bản thông qua thiết kế nội thất, hướng tới cho thực khách một không gian tinh tế sang trọng nhưng thân thiện và ấm cúng.
Ý tưởng “Nhà trong vườn – Vườn trong nhà ” đóng vai trò chủ đạo trong thiết kế nội thất của Nhà hàng Akaari. Để lột tả được không gian mang chiều sâu văn hoá và trân trọng tự nhiên, các vật liệu thủ công truyền thống của Việt Nam được sáng tạo triệt để. Vật liệu mây tre đan không chỉ còn dừng lại ở ứng dụng thường nhật như đan lát đồ gia dụng nhỏ. Chất liệu này được thiết kế ứng dụng trên một quy mô lớn, trở thành những thành phần chính của kiến trúc nội thất, như trần – tường – sàn – vách – cửa,… Những ứng dụng mới mang tính quy mô và triệt để với mong muốn khơi dậy sức sống mới cho các ngành nghề thủ công Việt Nam có những cơ hội đóng góp sáng tạo và bền vững cho cuộc sống hiện đại.
Tiểu cảnh được sắp xếp trong hành lang, ngoài ban công khiến cho những phòng ăn như được đặt trong khu vườn Nhật Bản xum xuê, tạo cho thực khách cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên, dù ở bất kì không gian nào trong nhà hàng. Với chiều cao tầng 4.5m cho mỗi tầng, thiết kế tận dụng những chiều cao này ở không gian giao thông chung tạo độ thoáng. Các không gian lớn như sảnh vào và không gian ăn chung tầng 2 được bố trí hệ mái gỗ ở phía trong. Các phòng ăn riêng cũng tạo ấn tượng như bước vào một không gian khác ở trong chính nhà hàng, tương phản với hình ảnh khô cứng của khối nhà bên ngoài.
Trần tầng 2 là một hệ mây thả vừa che một phần thiết bị vừa tạo ra hiệu ứng như làn mây trôi lơ lửng trong không gian. Phòng riêng ở tầng 2 được thiết kế lửng, lên theo một thang sắt, vách ngăn phòng được cấu tạo từ vách mây đan lớn, tôn chất sân vườn trong tổng thể. Diện kính mặt tiền của tòa nhà hướng ra công viên lớn phía trước nhưng tiếp xúc với hướng Tây. Do đó một lớp không gian vườn đệm được bố trí ngay sát vách kính vừa để ngăn ánh sáng tự nhiên quá mạnh vào phòng đồng thời cũng để trang trí cho các phòng. Các phòng ăn được được bố trí ở cao độ thích hợp và thiết kế hệ cửa để từ trong phòng ăn, thực khách có thể cảm nhận được các lớp vườn trải nối tiếp nhau từ dải vườn giáp với phòng ra tận ra phía công viên phía trước. Từ mặt tiền , các hình khối mái nhà và mái vòm của các phòng ăn thấp thoáng hiện xuyên qua diện kính tạo sự hấp dẫn cho nhà hàng, đặc biệt ánh sáng buổi tối từ nội thất làm hiệu ứng này thêm rõ nét.
Sàn nhà từ sảnh vào và các không gian chung được làm bằng betong mài có trộn sỏi. Riêng sàn chân quầy Sushi phòng ăn chung lớn sàn được lát bằng gạch gốm đa sắc có nguồn gốc ở Bát Tràng-làng Gốm nổi tiếng ở Hà Nội. Lối đi lại trong tầng dẫn đến các phòng được thiết kế đổi hướng uyển chuyển, vừa thư thái ẩn hiện không giới hạn, thực khách sẽ một trải nghiệm như đang dạo chơi trong một khu vườn. Cầu thang chính của nhà được làm từ thép, gỗ và hệ lan can bằng mây vừa có hiệu ứng trang trí nội thất cho nội thất đồng thời đảm bảo độ đối lưu không khí theo chiều đứng trong căn nhà 4 tầng được bao bọc xung quanh. Nội thất bên trong được thiết kế sử dụng nhiều vật liệu mây, tre trong các vách ngăn,trần ,… và được tạo hình mềm mại, nhẹ xen kẽ là các tiểu cảnh. Tầm nhìn thấp thoáng mảng xanh của khu công viên đối diện tòa nhà được khai thác tối đa tạo thành một tổng thể giúp thực khách có cảm giác hít thở bầu không khí thoáng và tạo cảm gi`ác nhẹ nhàng khi trải nghiệm không gian trong nhà hàng.
Mặt tiền sảnh đón tiếp tầng 1 là một hệ mái gỗ gợi nhớ tới cấu trúc mái nhà dân gian Nhật Bản trên những con phố cổ. Từ ngoài phố, các khu vườn đã được nhận diện lấp ló xuyên qua mặt tiền công trình. Cầu thang chính của nhà được làm từ thép, gỗ và hệ lan can bằng mây vừa có hiệu ứng trang trí nội thất cho nội thất đồng thời đảm bảo độ đối lưu không khí theo chiều đứng trong căn nhà 4 tầng được bao bọc xung quanh. Các hình khối mái nhà và mái vòm của các phòng ăn thấp thoáng hiện xuyên qua diện kính tạo sự hấp dẫn cho nhà hàng, đặc biệt ánh sáng buổi tối từ nội thất làm hiệu ứng này thêm rõ nét.
Kích thước và tỉ lệ đan các thanh tre này được nghiên cứu sao cho vừa đảm bảo là chức năng ngăn cách nhưng nhẹ nhàng, không tạo cảm giác là những bức tường hoặc vách đặc kín cứng nhắc. Để thi công các chi tiết này, chúng tôi đã làm việc rất kĩ với nhóm nghệ nhân trong các làng nghề truyền thống ngoại ô Hà Nội, cùng họ tìm ra lối đan, tỉ lệ đan và phương pháp thi công hiệu quả và khả thi nhất.
Akaari Premium là một tác phẩm sử dụng triệt để các chất liệu thủ công của các làng nghề Việt Nam, mà khéo léo đặt để chúng trong một thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của Nhật Bản.
Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc