Trường Liên cấp IGC Tây Ninh: Giải Đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia 2022 – 2023

THÔNG TIN CÔNG TRÌNH

  • Tên công trình: Trường Liên cấp IGC Tây Ninh
  • Tư vấn thiết kế: KTS. Đàm Huỳnh Quốc Vũ, KTS. Lê An Ni
  • Địa điểm: Tp Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh
  • Chức năng: Trường học liên cấp
  • Diện tích đất: 13249,3m2
  • Năm hoàn thành: 2020

Công trình đạt Giải Đồng Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2022 – 2023, hạng mục Kiến trúc công cộng

Chi tiết các công trình đạt giải xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2022-2023.html

Trường Liên Cấp IGC Tây Ninh tọa lạc trên một khuôn viên đất vuông vắn và rộng lớn tại trung tâm thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam, nơi có 2 mặt tiếp xúc với 2 trục đường lớn mở ra từ Tòa Thánh Tây Ninh.

Việc thiết kế được thực hiện từ những thảo luận với đơn vị tổ chức giáo dục nhằm tìm kiếm giải pháp cho phòng học – mô đun cơ bản và quan trọng cho quần thể kiến trúc để có thể tối ưu việc giảng dạy và học tập.

Ánh sáng được đưa vào phòng học theo các khoảng mở dài trên tường ở những khu vực mà mặt trời cho ánh sáng dễ chịu. Và chính các khoảng mở này cũng tạo nên những khoảng kết nối liên tục với vùng thiên nhiên rộng lớn bên ngoài, nơi có thể quan sát các địa danh độc đáo trong quần thể của bối cảnh.

Kết nối giữa 2 khoảng sân rộng và dài này là các khu vực chức năng phục vụ việc học tập cùng với nhà ăn lớn; hội trường đa chức năng kiêm nhiệm các hoạt động thể thao và biểu diễn trong nhà; các phòng hoạt động nghệ thuật, sáng tạo và triển lãm,… được tổ chức nhằm tối ưu hóa việc di chuyển và vận hành để các hoạt động liên quan đến học tập được diễn ra liên tục.

Để ứng biến với khí hậu nắng nóng đặc trưng của vùng đất Tây Ninh, kiến trúc sư vận dụng những khả năng có thể mang lại từ các hành lang di chuyển giữa các phòng và giữa các khối nhà. Các hành lang này vừa đóng vai trò chức năng vừa tạo nên những lớp hàng hiên rộng lớn, là những vùng đệm dễ chịu cho các hoạt động giữa trong nhà và ngoài trời, cũng như che phủ và tạo bóng mát cho các hoạt động bên ngoài các lớp học.

Với đường nét uyển chuyển làm mềm mại phông nền kiến trúc cho các hoạt động, các vùng hiên rộng lớn này đã biểu hiện dòng trôi chảy liên tục của năng lượng học tập được kết nối giữa các cấp học trong quần thể ngôi trường liên cấp.

Khi thực hiện việc xác lập chương trình cho vị trí và thuộc tính của mỗi công trình trong quần thể thì các vùng – khoảng giữa – giữa các công trình cũng đồng thời được xác lập. Điều thú vị ở vùng khoảng giữa này chính là không gian rộng, mở trực tiếp lên bầu trời và chắc lọc các góc nhìn về bối cảnh bên ngoài, tạo ra những tương tác sinh động cho con người giữa quần thể với bối cảnh.

Đó cũng là vùng không gian kết nối trực tiếp giữa con người với thiên nhiên, con người sẽ nhận được những điều trực quan nhất về những biểu ứng thiên nhiên thông qua những biến đổi của tia nắng chiếu rọi, cơn gió mát, mùi hơi ẩm, giọt mưa rơi,…

Đóng vai trò hỗ trợ và tăng cường cho các hoạt động ngoài trời cho học sinh, các vùng không gian khoảng giữa tại Trường Liên Cấp IGC Tây Ninh mang đặc tính của chuyển động. Các vùng chuyển động này thông qua quá trình quan sát, phân tích và tiếp nhận những phản hồi để những vùng chuyển động này góp phần:

  • Kích thích học sinh và giáo viên di chuyển giữa các tòa nhà, làm tăng cường mức độ trải nghiệm các vùng tự nhiên diễn ra đồng thời với việc tham gia vào các hoạt động.
  • Tạo ra những tương tác sinh động cho các học sinh ở những độ tuổi khác nhau và giữa học sinh với giáo viên.
  • Tạo ra sự thư giãn, thoải mái tâm lý trong học tập và sáng tạo cho học sinh và giáo viên thông qua việc tiếp xúc với nguồn năng lượng từ thiên nhiên.

Hội đồng giám khảo đánh giá:

“Tổng thể trường là một tổ hợp khối đa chức năng trong một quỹ đất dài, hẹp khá đặc biệt, trải dài 50mx250m. Song, đồ án đã có sự phân khu, phân lớp và bố trí các thành phần chức năng khá hợp lý, có sự kết nối một cách thuận tiện, đồng thời tạo ra những sân trong mang lại cảm hứng và sự thư giãn cho học sinh. Đồ án không chỉ coi trọng mối quan hệ nội bộ và sử dụng bên trong công trình mà đã giải quyết khá hiệu quả hình thức kiến trúc trong việc ứng xử với không gian đường phố”.

Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc