TS. KTS Phan Đăng Sơn: “Các tác giả trẻ tham gia dự thi Giải thưởng KTQG là một tín hiệu rất tích cực”

Chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến hạn nộp bài dự thi Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023. Nhằm giúp các tác giả dự thi hiểu thêm về Giải thưởng năm nay, Tạp chí Kiến trúc xin chia sẻ tới bạn đọc cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam – TS.KTS Phan Đăng Sơn. Trân trọng giới thiệu!

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG), được thành lập theo quyết định phê duyệt số 25-TTg, ngày 19/01/1993 của Thủ tướng Chính phủ, giao cho Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức thực hiện. Đây là giải thưởng chính thống cao nhất, uy tín và lâu đời nhất về kiến ​​trúc tầm quốc gia được nhà nước Việt Nam công nhận.

Giải thưởng bao gồm các lĩnh vực: Quy hoạch kiến ​​trúc xây dựng, Kiến trúc công trình, Kiến trúc cảnh quan, Kiến trúc nội thất và Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình – Phản biện Kiến trúc. Giải thưởng cũng là cơ sở duy nhất về chuyên ngành kiến trúc để làm căn cứ xét chọn giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật. Ba mục tiêu chính của giải rất rõ ràng: một là, thúc đẩy sáng tạo kiến trúc; hai là, tôn vinh các tác giả tác phẩm kiến trúc xuất sắc; ba là, góp phần định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật kiến trúc và những mục tiêu khác. Hành trình của giải đã đi gần trọn 30 năm, nên việc nghiên cứu hoàn thiện quy chế và phương thức tiến hành để giải luôn có tính định hướng, minh bạch, kịp thời và hội nhập là một điều vô cùng cần thiết.

TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam

PV: Chào ông, ông có thể chia sẻ về điểm mới của Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm nay

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm nay có một số điểm đổi mới:

Một là không có giới hạn chủ đề ưu tiên như các kỳ trước. Có nghĩa là các tác phẩm dự giải sẽ có tiêu chí xem xét chọn lựa với sáng tạo theo các trào lưu đa dạng hướng về mục tiêu: xanh – bền vững – gắn kết bản địa – khả thi hội nhập và được cộng đồng ghi nhận.

Hai là thể loại tác phẩm kỳ này được chia thành 4 thể loại chính sát thực tiễn hơn: Kiến trúc công trình; Kiến trúc Nội – Ngoại thất và Kiến trúc cảnh quan – TK đô thị; Quy hoạch; Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình kiến trúc.

Trong đó thể loại A: Kiến trúc công trình, hạng mục Bảo tồn được bổ sung thêm các công trình thích ứng di sản kiến trúc, đây là nhóm công trình hiện đang được cộng đồng và xã hội quan tâm. Thể loại C: Quy hoạch được phân thành các hạng mục đầy đủ theo Luật Quy hoạch. Thể loại D: Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình kiến trúc được bổ sung thêm hạng mục Tác phẩm điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình về kiến trúc. Các hạng mục còn lại cũng được bổ sung và phân nhóm lại để cho việc chấm chọn đảm bảo chính xác và công bằng với các tiêu chí rõ kỹ hơn.

Ba là, kỳ giải thưởng năm nay cũng không còn sự phân biệt giữa tác phẩm KTS quốc tế và KTS Việt Nam.

PV: Độ tuổi của các tác giả tham gia dự thi có phải đang ngày càng trẻ hóa? Ông nghĩ sao về điều này?

Đúng là độ tuổi đạt giải ngày càng trẻ hơn. Thực ra đây cũng là một xu hướng chung của các lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và Văn học Nghệ thuật. Điều đó thể hiện sự trưởng thành chín muồi của những người làm nghề ngày càng sớm hơn, một phần nữa là cơ chế thị trường làm cho sự sâu sát với hơi thở cuộc sống và cơ hội tiếp cận làm nghề tốt hơn những giai đoạn trước. Sự tự tin, dám dấn thân và tài năng của thế hệ trẻ ngày nay cũng là một yếu tố cần trân trọng và ghi nhận.

Tôi cho rằng việc trẻ hóa là một tín hiệu rất tích cực và thể hiện đúng đường lối của Đảng và Nhà nước về yêu cầu phát triển đất nước. Hoạt động của lĩnh vực cũng từ đó đạt nhiều lan tỏa và sâu rộng trong kết nối cộng đồng hơn.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, nên nới rộng thời gian hoàn thành công trình từ 2 năm lên 3 hoặc 4 năm. Ông có thể chia sẻ thêm về ý kiến này?

Giải thưởng hoàn toàn không đặt ra giới hạn thời gian hoàn thành công trình. Những công trình quy mô lớn thì 5 năm thậm chí 10 năm hơn hoàn thành cũng là bình thường. Công trình hoàn thành xong và đưa vào sử dụng là có thể tham dự Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia được ngay. Các công trình hoàn thành do đặc thù nên chỉ có tác phẩm quy hoạch là chấp nhận đồ án đã được phê duyệt của cấp có thẩm quyền là có thể dự thi được.

Sở dĩ đặt ra quy chế 2 năm mới trao giải một lần là vì do đặc thù đa số công trình kiến trúc từ khi thiết kế đến khi xây dựng xong thời gian thường khá lâu (không như phổ biến ở thời gian tính theo tháng như một số loại hình tác phẩm khác) nên nếu trao giải thường niên theo năm thì số lượng tham gia sẽ rất ít. Trong khi đó công tác tuyển, chấm chọn và trao giải cần tổ chức rất quy mô và công phu, vì đây là giải chính thống quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, uy tín nghề nghiệp rất cao, cần lựa chọn rất khắt khe và kỹ càng. Giải cũng còn là cơ sở để xét chọn giải thưởng nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực kiến trúc (bao gồm quy hoạch xây dựng; thiết kế công trình; thiết kế cảnh quan, nội ngoại thất; thiết kế đô thị; thiết kế tu bổ bảo tồn di sản; các ấn phẩm nghiên cứu – lý luận – phê bình chuyên và liên ngành).

PV: Ông có kỳ vọng gì vào kết quả Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm nay?

Kiến trúc Việt Nam ngày càng có nhiều thành công trong sáng tác và nghiên cứu lý luận, sự nghiệp quy hoạch đô thị nông thôn, thiết kế xây dựng công trình cho nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng nhân dân, yêu cầu nghiên cứu lý luận ngày càng phát triển và đòi hỏi tầm cao hơn! Nên chúng ta có quyền kỳ vọng Giải thưởng kiến trúc ngày càng chọn được nhiều tác phẩm xứng đáng. Sự thành công của những tác phẩm kiến trúc, đặc biệt là tác phẩm đạt giải góp phần rất quan trọng cho sự phát triển kiến trúc đất nước xanh – bản sắc – hiện đại – hội nhập, góp phần tạo vị thế, năng lượng phát triển cho đất nước trong đại đồng thế giới tươi sáng và bền vững, rộng mở tương lai!

PV: Ông có thể chia sẻ đôi điều về Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm tiếp theo?

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia các kỳ tiếp theo sẽ luôn giữ vững tiêu chí nhất quán về chuyên môn, luôn xứng đáng là giải thưởng chính thống, uy tín hàng đầu cấp quốc gia về lĩnh vực Kiến trúc – Quy hoạch.

Chúng tôi mong rằng luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Ban, Bộ, Ngành. Mong được sự đồng hành ngày càng rộng mở, bền chặt, thấu hiểu của các nhà đầu tư trong – ngoài nhà nước và toàn cộng đồng. sự tham gia tâm huyết nhiệt thành của mọi giới kiến trúc sư trong và ngoài nước có công trình ở Việt Nam, mọi vùng miền đất nước. Giải thưởng cũng rất mong sự đồng hành quý giá, chung sức chung lòng, vượt qua khó khăn của các nhà tài trợ. Sự góp phần đồng tổ chức của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Xây Dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch là những yếu tố vô cùng quan trọng cho sự thành công của mỗi kỳ giải thưởng. Hội kiến trúc sư Việt Nam rất trân trọng và rất cảm ơn tất cả những sự chỉ đạo và đóng góp đó.

Chân thành cảm ơn Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam – TS.KTS Phan Đăng Sơn với những chia sẻ rất tâm huyết!

Xem thêm: Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022-2023

Theo Phương Thảo/Kienviet.net