Đào tạo KTS chất lượng cao theo xu hướng hội nhập quốc tế

Trong những năm gần đây, các trường đại học có xu hướng phát triển đa ngành và nâng cao chất lượng đào tạo bằng nhiều giải pháp khác nhau, nhằm hướng tới một mô hình đào tạo đại học theo hướng ứng dụng. Tuy nhiên, việc tuyển sinh với chỉ tiêu lớn của một số ngành, đặc biệt là các ngành kiến trúc là nguyên nhân của việc chênh lệch về trình độ giữa sinh viên (SV) trúng tuyển là rất lớn. Căn cứ nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; để đảm bảo chất lượng chuẩn đầu ra về đào tạo KTS, đồng thời tạo động lực cho các SV học tập có thành tích tốt, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh trong quá trình học tập, nhiều Trường xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao.

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO VÀ CHUẨN ĐẦU RA

– Mục tiêu đào tạo

Nếu đào tạo là mô hình kim tự tháp, thì đào tạo KTS chất lượng cao có mục đích đào tạo 15% KTS có tư duy sáng tạo và chất lượng ở TOP trên, có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm; ngoài việc nắm vững các kiến thức cơ bản về kiến trúc, còn những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về thiết kế và hành nghề kiến trúc đáp ứng nhu cầu xã hội và xu hướng hội nhập Quốc tế. KTS tốt nghiệp chương trình chất lượng cao phải có khả năng sử dụng ngoại ngữ một cách hiệu quả cho các hoạt động nghề nghiệp.

Chương trình và nội dung đào tạo được tham khảo từ nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới, đã được kiểm chứng bởi hệ thống đánh giá uy tín, điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh đào tạo và thực trạng đào tạo kiến trúc ở Việt Nam. Chương trình đào tạo cũng cần đạt được tiêu chuẩn liên thông ngang với chương trình đào tạo KTS truyền thống, phát triển kỹ năng cơ bản trong thiết kế kiến trúc và tạo cho SV có khả năng phát triển kiến thức chuyên ngành và những kỹ năng nghề nghiệp.

– Chuẩn đầu ra

Đào tạo kiến trúc chất lượng cao quan trọng là hỗ trợ và thúc đẩy sự đam mê trong học tập, tạo ra “cộng đồng học tập, đối thoại, nghiên cứu và thực hành”, giúp SV kiến trúc phát triển và hoàn thiện các kỹ năng:

  • Khả năng tự nhận thức, nghiên cứu độc lập; kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin;
  • Thúc đẩy và tạo sự cảm hứng sáng tạo cho SV; phát triển tư duy phản biện;
  • Xây dựng sự tự tin, tác phong và đạo đức nghề nghiệp;
  • Thay đổi cách nhận thức và tiếp thu kiến thức;
  • Phát triển các mối quan hệ, tương tác trong học tập;
  • Quan tâm các vấn đề xã hội và môi trường.

PHƯƠNG THỨC ĐÀO TẠO KTS CHẤT LƯỢNG CAO

Đào tạo KTS chất lượng cao cần một cách tiếp cận tổng hợp từ nền tảng lý luận kiến trúc, dựa trên các chiến lược định hướng phát triển giàu tính khoa học, gắn lý thuyết với thực tiễn từ chương trình, nội dung đến phương pháp giảng dạy.

Các thành phần phát triển ý đồ sáng tạo kiến trúc
  • Nền tảng kiến thức cần thiết:

Chương trình đào tạo tiên tiến hiện nay thường được xây dựng từ các modul để đảm bảo các kỹ năng và kiến thức cần thiết của chuẩn đầu ra. Với chương trình đào tạo KTS chất lượng cao, các nền tảng kiến thức cần thiết cho sinh viên sẽ bao gồm:

  • Nền tảng Kiến thức bổ trợ: Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học, Pháp luật;
  • Nền tảng thiết kế kiến trúc, quy hoạch;
  • Nền tảng khoa học, kỹ thuật và công nghệ kiến trúc;
  • Nền tảng khoa học văn hóa xã hội;
  • Nền tảng nghiên cứu, lý luận kiến trúc;
  • Và Hệ thống Đồ án (Lý thuyết và thực hành).
  • Cấu trúc của chương trình đào tạo

Được xây dựng trên nền tảng hệ thống đồ án với cấp độ phức tạp tăng dần, gắn với các học phần lý thuyết và chuyên đề bổ trợ. Mỗi đồ án thiết kế có một đề tài cụ thể và các đồ án có xu hướng gắn kết với nhau để tạo thành một hệ thống. Việc thực hiện đồ án bao gồm các yêu cầu từ nghiên cứu lý thuyết, phân tích, chủ yếu gắn liền với kỹ năng giải quyết và mở rộng vấn đề một cách sáng tạo. Các phương pháp nghiên cứu kiến trúc được trú trọng ngay từ giai đoạn đầu của chương trình đào tạo.

Chương trình đào tạo được xây dựng trên nền tảng chương trình đào tạo KT hiện hành, và nên được điều chỉnh theo modul 3+2 phù hợp với các mô hình đào tạo tiên tiến, như vậy khối lượng kiến thức cũng sẽ được chia thành 2 giai đoạn.

  • Giai đoạn I: Ba năm đầu tiên là các kiến thức và kỹ năng cơ bản của nghề nghiệp. SV được cung cấp kiến thức nền tảng của kiến trúc về cơ sở kiến trúc, phân tích nghiên cứu, phát triển ý tưởng theo chủ đề, phương pháp thể hiện và truyền đạt ý tưởng, triển khai thiết kế kiến trúc. Nghiên cứu, khảo sát thực địa và làm bài tập thực hành là nội dung quan trọng và xuyên suốt của chương trình đào tạo, bao gồm:
    • Khảo sát/ phân tích địa điểm;
    • Phân tích kiến trúc/ đô thị;
    • Nghiên cứu lý thuyết;

SV sẽ phát triển các kỹ năng trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc theo cả chiều rộng và chiều sâu, khả năng nghiên cứu, tư duy độc lập sáng tạo ở các kỳ tiếp theo. Đồ án sẽ tập trung phân tích địa điểm và phương pháp nghiên cứu để tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách tối ưu theo hướng tiếp cận xã hội/môi trường hướng đến kiến trúc bền vững,

  • Giai đoạn II: Phát triển tư duy sáng tạo thiết kế kiến trúc bền vững về kỹ thuật và văn hóa. Giai đoạn này SV sẽ được cung cấp các kiến thức chuyên sâu tăng cường các môn tự chọn và chuyên đề liên quan đến văn hóa/ lịch sử, xã hội /nhân văn và kỹ thuật/môi trường. Các đồ án được thực hiện theo phương pháp “học từ vấn đề” và “học từ dự án” với các chủ đề có thể là:
    • Không gian, cấu trúc/vật liệu;
    • Công nghệ/kỹ thuật;
    • Kiến trúc bền vững;
    • Cải tạo thích ứng và bảo tồn

SV sẽ tham gia workshop, làm việc theo nhóm, học chuyên đề, nghiên cứu tiền tốt nghiệp bổ trợ phục vụ đồ án tốt nghiệp. Tốt nghiệp sẽ là nghiên cứu cá nhân, triển khai thiết kế kiến trúc theo định hướng nghề nghiệp sau này.

Phương pháp giảng dạy

Đào tạo KTS chất lượng cao sẽ tập trung thúc đẩy sự sáng tạo cho SV, mỗi giảng viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà cần tập trung vào cách thức mà SV tạo ra ý tưởng, theo những nguyên tắc:

  • Học tập dựa trên vấn đề – lựa chọn chủ đề phù hợp phát triển tư duy sáng tạo;
  • Gắn kiến thức lý thuyết vào thực tế – giải quyết các vấn đề và thách thức đặt ra;
  • Đề cao tính sáng tạo – xem xét tư duy trái chiều, các quan điểm khác nhau;
  • Khái quát hóa – bằng việc mô phỏng, mô hình hóa và thực hành ngoài hiện trường;
  • Thảo luận theo nhóm – câu hỏi mở đa chiều và thảo luận về các ý tưởng của SV;
  • Đánh giá, phản hồi – thông tin ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề trọng tâm.

Trong quá trình giảng dạy các học phần lý thuyết, ngoài việc cung cấp các tri thức mới, người thầy đóng vai trò trung gian, khuyến khích việc học tập của SV, giúp họ tiếp cận và hiểu sâu vấn đề:

  • Hiểu bản chất của đối tượng;
  • Các bài học kinh nghiệm;
  • Phát triển kỹ năng để tìm kiếm và xử lý thông tin, nghiên cứu;
  • Kết nối các kiến thức lý thuyết với nghề nghiệp và các vấn đề thực tiễn.

SV ngoài việc tiếp thu kiến thức, tích lũy thông tin, cần tập trung vào bản chất của hoạt động học tập để phát triển sâu rộng kiến thức, cần được chuẩn bị kỹ năng phản biện, có cái nhìn và lý luận đa chiều, suy nghĩ độc lập, sự quan tâm tích cực với xã hội và thời cuộc.
Giảng dạy đồ án kiến trúc: Phương pháp học từ vấn đề và từ dự án đã phát triển ở nhiều ngành học, trong đó đặc biệt hiệu quả đối với ngành kiến trúc. Học từ vấn đề giúp SV phát triển kiến thức một cách linh hoạt, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả, kỹ năng tự nghiên cứu, hợp tác và động lực trong việc giải quyết vấn đề. Học từ dự án là một phương pháp giảng dạy, cung cấp cho SV nhiệm vụ phức tạp dựa trên những vấn đề thực tiễn – “case study”, kỹ năng phân tích, lựa chọn và cách ra quyết định. Học từ dự án thúc đẩy những thói quen học tập mới, nhấn mạnh các kỹ năng tư duy sáng tạo của SV thông qua thực tế rằng có rất nhiều cách để giải quyết một vấn đề.

Quá trình thiết kế đồ án rút gọn

LỜI KẾT

Trong bối cảnh giáo dục cạnh tranh mạnh mẽ và quá trình hội nhập Quốc tế sâu rộng hiện nay, đào tạo KTS chất lượng cao là cơ hội để Nhà trường có điều kiện áp dụng những mô hình đào tạo hiện đại, khả năng sử dụng giảng viên nước ngoài của các chương trình đào tạo liên kết tham gia giảng dạy, phát huy tài năng và trí tuệ của các giảng viên có kinh nghiệm, trình độ cao… giúp cho các trường có được những đánh giá chính xác để điều chỉnh chương trình đào tạo đại trà; là cơ hội để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Lớp chất lượng cao tập trung đào tạo mũi nhọn, nhằm nâng cao vị thế về đào tạo, tăng khả năng hội nhập Quốc tế của Nhà trường.

 

*PGS.TS.KTS. Nguyễn Vũ Phương
Trường Đại học Xây dựng Miền Trung

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2018)

––––––––––––––––––––––––––––––––

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đề án Xây dựng Đào tạo KTS chất lượng cao – ĐH Kiến trúc Hà Nội
2. GREHA, Symposium on New Directions in Architectural Education
3. Himanshu D.S.Rai Chhaya, Architectural Education in a Holistic Framework, 2000
4. Proceedings of an International Seminar in Kuwait; Architectural criticism and Journalism: Global perspectives.
5. Akhtar Chauhan, Humanise Architectural Education for the 21st Century –
6. Wolfgang F.E Preiser; Architecture beyond Criticism; Routledge