Thuật ngữ Công trình xanh / Kiến trúc xanh đã xuất hiện và lần đầu được sử dụng ở Bắc Mỹ, dần lan sang Úc, Châu Âu và đã trở thành xu hướng toàn cầu. Công trình xanh ngày càng khẳng định vị thế của nó, đặc biệt là trong hoàn cảnh thế giới phải đối mặt với nguy cơ và hiểm họa ngày càng tàn khốc do biến đổi khí hậu.
Đồ án tốt nghiệp của Bùi Minh Hà, khóa 2009-2014, đạt Giải Nhất Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam
Kiến trúc là khoa học có liên quan tới việc xác định và hiện thực hoá mối quan hệ hài hoà giữa nơi cư trú của con người với môi trường một cách bền vững. Bởi vậy, quan điểm đào tạo hướng đến phát triển bền vững là cách tiếp cận thích hợp nhất được xem xét ở ngữ cảnh cũng như đặc tính văn hoá xã hội Việt Nam. Nhiệm vụ đào tạo KTS là phải trang bị cho sinh viên khả năng phân tích – tư duy sáng tạo và các kỹ năng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, mục tiêu đào tạo phải phù hợp với chiến lược phát triển ngành và yêu cầu hội nhập quốc tế – Đó là: Kiến trúc bền vững về mặt kỹ thuật và văn hoá, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Công trình xanh hay gọi cách khác là Kiến trúc bền vững được dùng để đề cập đến việc kiến tạo các công trình kiến trúc bằng cách tìm kiếm các giải pháp thân thiện với môi trường; sử dụng có hiệu quả năng lượng, nước, vật liệu và không gian để giảm thiểu ảnh hưởng của quá trình xây dựng tới sức khoẻ của con người và môi trường. Trong đó, hiệu quả năng lượng trong toàn bộ vòng đời của một công trình là mục tiêu quan trọng nhất của kiến trúc bền vững, bao gồm: Tìm kiếm địa điểm hợp lí, thiết kế, xây dựng, hoạt động, bảo trì, và phá dỡ.
Thiết kế công trình xanh
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cùng với sự gia tăng các sáng kiến phát triển bền vững, sự xuất hiện mới các sản phẩm và dịch vụ “xanh” có trách nhiệm hơn với môi trường đã tác động rất nhiều đến phát triển kiến trúc xanh. Mặt khác, kiến trúc xanh lại có ảnh hưởng nhất định đến quá trình thiết kế và xây dựng nhằm tạo ra môi trường xây dựng bền vững hơn. Trên thế giới và ở Việt Nam, ngày càng có nhiều công trình từ quy mô nhỏ như nhà ở, trường học đến quy mô lớn như quy hoạch đô thị, phát triển đô thị được thiết kế mang tính bền vững trong phát triển xây dựng mới và các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có. Theo nghiên cứu của Tập đoàn McGraw-Hill và United Technologies, các công ty xây dựng và phát triển bất động sản đã và đang dịch chuyển hướng kinh doanh tới “công trình xanh”. Đây không chỉ là xu hướng của một khu vực mà có phạm vi toàn cầu, từ năm 2012 – 2015, số lượng công trình xanh của các công ty xây dựng dự đoán sẽ tăng hơn 60%, trong tương lai khi các nước áp dụng các tiêu chuẩn môi trường mới, sẽ buộc các doanh nghiệp xây dựng phải đi theo xu hướng thế giới này.
Hiện nay, nhiều nước đã áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh, mục đích là để hướng dẫn và quản lý thiết kế và xây dựng một cách có hiệu quả về năng lượng và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của xây dựng đối với môi trường. Các công trình được đánh giá và xếp hạng theo bậc (sao) dựa trên một hệ thống đánh giá điểm trên các tiêu chí, ví dụ: Tại Israel, từ năm 2005 đã áp dụng tiêu chuẩn IS-5281 để đánh giá và xếp hạng công trình xanh, và được điều chỉnh và bổ sung năm 2011. Các công trình đánh giá về môi trường và tiết kiệm năng lượng dựa trên 8 tiêu chí.
Nếu như thời kỳ đầu các tiêu chuẩn môi trường công trình xanh áp dụng với nhà ở và các công trình văn phòng, thì nay nó đã được mở rộng đối với nhiều thể loại công trình khác như: Công trình giáo dục, y tế, khách sạn, công cộng, cửa hàng… Theo tổ chức Nghiên cứu Xây dựng Anh (BRE), đối với hạng mục kiến trúc ở vào các giai đoạn khác nhau thì nội dung đánh giá tương ứng cũng khác nhau, bao gồm 3 vấn đề: 1/ Tính năng Kiến trúc; 2/ Thiết kế Xây dựng; 3/Vận hành quản lý. (Ví dụ: Đối với Tính năng kiến trúc ở giai đoạn thiết kế, giai đoạn mới xây và giai đoạn mới xây xong và đang tu sửa thì đánh giá 2 mặt: Tính năng kiến trúc, thiết kế xây dựng; đối với công trình hiện đang được sử dụng thì đánh giá 2 mặt: Tính năng kiến trúc và Quản lý – vận hành). Mặc dù còn tồn tại các hệ thống tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá khác nhau, nhưng điều quan trọng là khi đánh giá một công trình xanh cần xem xét nó tác động thế nào đến môi trường tự nhiên và xã hội chung quanh, phải trả lời được các câu hỏi một cách ngắn gọn và cụ thể:
– Công trình có sử dụng năng lượng hiệu quả không?
– Có tận dụng ánh sáng tự nhiên và tiết kiệm nước không?
– Công trình có hoà nhập với môi trường và cộng đồng chung quanh không ?
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, hầu hết các công trình xây dựng tại Việt Nam đều chưa có sự quan tâm đúng đắn đến hiệu quả năng lượng. Ngay từ khâu thiết kế, lựa chọn vật liệu cho đến vận hành đều gây lãng phí năng lượng. Ngoài ra, ý thức người sử dụng cũng như chính sách quản lý năng lượng còn hạn chế cũng là nguyên nhân chính khiến mức tiêu hao năng lượng trong các công trình vẫn cao. Mặt khác, quá trình đô thị hóa quá nhanh, ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong thiết kế, xây dựng. Vì lợi ích trước mắt, nhiều dự án đã bỏ qua các nguyên lý cơ bản trong thiết kế quy hoạch, kiến trúc, dẫn đến các công trình chưa hài hoà và nhiều nơi còn phá vỡ môi trường tự nhiên. Hiện trạng này nếu không sớm được cải thiện sẽ đẩy các dự án phát triển đô thị và các công trình thành “thủ phạm” chính trong việc lãng phí năng lượng và tài nguyên.
Ở Việt Nam, năm 2013, Hội KTS Việt Nam đã đề ra 5 tiêu chí đánh giá công trình xanh gồm:
1. Địa điểm bền vững
2. Sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả
3. Chất lượng môi trường trong nhà
4. Kiến trúc tiên tiến bản sắc
5. Tính xã hội nhân văn bền vững.
Các tiêu chí được phân loại A: Tốt; B: Đạt; C: Không đạt. Các công trình được công nhận là công trình xanh phải đạt 70% tiêu chí loại A và không có tiêu chí loại C.
Hội đồng Công trình xanh Việt Nam cũng đã xây dựng bộ công cụ đánh giá LOTUS, được xây dựng dựa trên các hệ thống đánh giá công trình xanh quốc tế khác nhau (công cụ LEED, Green Star, BREEAM, GBI, và Green Mark). Đây là một hệ thống đánh giá mang tính tự nguyện theo định hướng thị trường được xây dựng riêng cho môi trường xây dựng của Việt Nam.
Đào tạo KTS hướng đến thiết kế công trình xanh
1. Đào tạo ở các nước tiên tiến: Chương trình đào tạo KTS trên thế giới cho thấy có sự chuyển dịch đáng kể của hệ thống các học phần lý thuyết và thực hành theo hướng phát triển kiến trúc bền vững. Các SV luôn được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia nghiên cứu phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng. Các kiến thức về công trình xanh mà SV thu nhận được không chỉ từ một môn học lý thuyết trên giảng đường, mà nó được hình thành một cách có hệ thống trong suốt quá trình đào tạo: Xây dựng ý thức; tiếp cận với công nghệ mới; học tập, nghiên cứu; thực hành, tham quan; nghiên cứu định hướng trong thiết kế đồ án… Các trường đại học kiến trúc có uy tín trên thế giới cũng đồng thời là các trung tâm nghiên cứu phát triển công trình xanh, từ nghiên cứu lý thuyết đến việc xây dựng mô hình thí điểm và chuyển giao công nghệ phục vụ xã hội. Bên cạnh đó, việc liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các công ty xây dựng nhằm tạo ra các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ “xanh” đã tạo điều kiện để sinh viên và giảng viên có cơ hội tiếp cận một cách thực tế nhất với các tiêu chuẩn của công trình xanh. Các công trình khi thiết kế phải đáp ứng được một số yêu cầu cụ thể như đưa kiểm soát năng lượng vào thiết kế, mô hình hóa năng lượng chi tiết, thiết kế kiểm soát, đánh giá tác động môi trường. Kết quả kiểm toán năng lượng là cơ sở để nghiệm thu và cấp chứng chỉ tiết kiệm năng lượng đối với công trình. Mặt khác, khi thiết kế một công trình phải tận dụng được tối đa nguồn năng lượng tự nhiên, tận dụng được nguồn sáng này sẽ giúp cắt giảm lớn trong chi phí chiếu sáng các tòa nhà.
2. Bối cảnh trong nước: Tại Việt Nam, mặc dù đã có những thay đổi và điều chỉnh qua các thời kỳ khác nhau cho phù hợp với môi trường đào tạo trong nước, nhưng nhìn chung mô hình và phương thức đào tạo KTS vẫn trên nền tảng hệ thống và chương trình đào tạo hàn lâm của các nước XHCN và Liên Xô trước đây, với quan điểm xuyên suốt là:
– Kiến trúc là tổng hoà của khoa học – kỹ thuật và nghệ thuật;
– Kiến trúc phản ánh xã hội, mang tính tư tưởng và tính giai cấp;
– Kiến trúc chịu ảnh hưởng của điều kiện thiên nhiên và khí hậu;
– Kiến trúc mang tính cách dân tộc rõ rệt
Trong đó, các đặc tính và yêu cầu của Kiến trúc như: “Thích dụng – Bền vững – Kinh tế – Mỹ quan” luôn được chú ý và quan tâm trong quá trình giảng dạy các môn lý thuyết chuyên ngành và hướng dẫn đồ án kiến trúc. Nhiều người cho rằng: Chương trình đào tạo KTS hiện nay còn nhiều bất cập, chưa trang bị cho SV các kiến thức về công trình xanh, điều này dẫn đến các công trình thực tế chưa đáp ứng các yêu cầu phát triển kiến trúc bền vững. Cũng cần phải nhìn nhận rằng, việc thúc đẩy phát triển công trình xanh không chỉ là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, mà phải có sự quyết tâm từ nhiều phía, trong đó vai trò chỉ đạo của Nhà nước là vô cùng quan trọng.
Đào tạo KTS theo hướng công trình xanh trước nhất là cung cấp các kiến thức và hiểu biết sâu sắc về môi trường tự nhiên và xã hội Việt Nam trước khi đề ra các giải pháp thiết kế và kỹ thuật phù hợp. Tuy chưa được đề cập một cách trực diện trong nội dung chương trình đào tạo trước đây, nhưng với những kiến thức hàn lâm từ hệ thống các môn học lý thuyết chuyên ngành (Nguyên lý Kiến trúc – Quy hoạch; Lịch sử Kiến trúc – Quy hoạch; Bảo tồn di sản; Phương pháp luận thiết kế kiến trúc; Vật lý kiến trúc; Văn hoá Việt Nam…) được chuyển hoá luận sang thiết kế đồ án theo định hướng “xanh” sẽ đảm bảo rằng SV có đủ các tri thức cần thiết để phát triển kiến trúc bền vững phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Chúng ta cũng cần chọn lọc khi du nhập sản phẩm và công nghệ “xanh” cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam, bởi luôn có sự khác biệt về môi trường tự nhiên – văn hoá – xã hội – kinh tế giữa các vùng miền và khu vực trên thế giới. Không phải lúc nào các vấn đề mà ở các nước phát triển như Bắc Mỹ và Tây âu quan tâm cũng là những vấn đề của chúng ta.
3. Đổi mới chương trình đào tạo KTS tại ĐH Kiến trúc Hà Nội: Năm học 2013 – 2014 là năm bản lề về đổi mới đào tạo của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Khoa Kiến trúc đã hoàn thành đổi mới chương trình đào tạo ngành Kiến trúc với tổng số hơn 60 đề cương các học phần đã được điều chỉnh và xây dựng mới, tạo cơ hội để đổi mới căn bản đào tạo theo hướng kiến trúc bền vững. Chương trình đào tạo mới được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về thiết kế chương trình hiện đại của các trường đào tạo kiến trúc tiên tiến, nhưng vẫn kế thừa các yếu tố tích cực của chương trình đào tạo hiện có. Chương trình mới được xây dựng với 160 tín chỉ (TC) – (rút ngắn 4 TC so với chương trình cũ 164 TC), các hạn chế của chương trình trước đây về cơ bản đã được khắc phục, đó là:
– Cân bằng lại giữa các khối kiến thức: Kiến thức giáo dục đại cương / Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp; giữa khối Xã hội – Nhân văn / Kỹ thuật – Xây dựng. Xây dựng các nhóm môn tự chọn bao gồm: Công nghệ thông tin, Mỹ thuật, Xã hội, Lý thuyết chuyên ngành và Chuyên đề, đáp ứng yêu cầu và quy định của học chế tín chỉ, đảm bảo tính linh hoạt và khả năng phát triển của chương trình theo hướng hiện đại, công trình xanh.
– Loại bỏ các học phần lạc hậu không cần thiết, bổ sung các học phần mới đáp ứng các yêu cầu của xã hội như: Kiến trúc Á Đông; kiến trúc nhiệt đới; kiến trúc đương đại, thiết kế đô thị… Rà soát, thay đổi mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ và phương pháp giảng dạy ở một số học phần phù hợp với xu hướng hội nhập Quốc tế.
– Tăng cường khối kiến thức chuyên ngành gồm các học phần về Lý thuyết kiến trúc và Hệ thống đồ án, các học phần lý thuyết kiến trúc được phân bổ hợp lý để hỗ trợ cho hệ thống đồ án và đảm bảo tính liên thông ngang cho các ngành học.
– Đổi mới nội dung, phương thức dạy và học đồ án: Chất lượng đào tạo KTS phụ thuộc vào chất lượng đồ án của SV. Yêu cầu đổi mới phương thức học đồ án tại các xưởng sẽ có ý nghĩa quyết định để nâng cao chất lượng học tập của SV. Quan điểm dạy và học đồ án sẽ tập trung chủ yếu vào cách mà SV phát triển tư duy sáng tạo, đề cao tính chất Nghiên cứu / Phân tích và vận dụng chúng sang giai đoạn thiết kế. Với cách tiếp cận như vậy, quy trình thực hiện đồ án được chia và kiểm soát theo các giai đoạn với những yêu cầu cụ thể: 1. Nghiên cứu – phân tích; 2. Phát triển ý tưởng; 3. Phát triển thiết kế kiến trúc/Thiết kế chuyên sâu. SV học cách tư duy logic để giải quyết hài hoà giữa các yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật theo cách “tích hợp”, một số đồ án sẽ được định hướng về công trình xanh từ khâu nghiên cứu, đây là phương thức đang được áp dụng tại nhiều trường đào tạo kiến trúc tiên tiến trên thế giới
4. Tăng cường hợp tác trong đào tạo: Khoa Kiến trúc đã hợp tác với Hội đồng công trình xanh; Hãng DAIKIN hàng năm trao giải thưởng cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc và đồ án môn học theo hướng công trình xanh và tiết kiệm năng lượng; Từ năm 2011, Khoa Kiến trúc phối hợp với Viện Kiến trúc nhiệt đới tổ chức các hội thảo, khoá học nâng cao, Workshop với các chủ đề kiến trúc xanh – kiến trúc bền vững có sự tham gia của các Chuyên gia và SV Quốc tế. Năm 2014, Khoa Kiến trúc hợp tác với hãng sơn SPEC phát động Giải Kiến trúc Xanh SPEC dành cho SV Kiến trúc. Thông qua đồ án môn học, với nhiệm vụ thiết kế, địa điểm xây dựng công trình, SV tìm ý tưởng và giải pháp hướng đến những tiêu chí kiến trúc xanh. Giải thưởng sẽ trao cho những đồ án có giải pháp sáng tạo và tiếp cận được nhiều tiêu chí nhất. Tháng 10/2014, Khoa Kiến trúc ký hợp tác với Công ty tư vấn Gansam – Hàn Quốc trong thiết kế và chuyển giao công nghệ theo hướng bền vững.
Kết luận
Nhu cầu công trình xanh và thiết kế năng lượng tại các tòa nhà ở Việt Nam là rất lớn, để giảm mức độ tiêu thụ năng lượng trong công trình xây dựng đòi hỏi phải có một giải pháp đồng bộ từ trang thiết bị, vật liệu… Điều quan trọng hơn cả là cần bắt đầu từ khâu thiết kế, trong đó, vật liệu và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng cho công trình. Các ý tưởng và sáng kiến về tính bền vững, hoặc thiết kế sinh thái – kiến trúc xanh để đảm bảo rằng các hành động và quyết định của chúng ta hôm nay không làm mất đi cơ hội của thế hệ mai sau (phát triển bền vững).
Với kinh nghiệm thu được từ hợp tác Quốc tế trong đào tạo, với đội ngũ giảng viên tâm huyết đã từng học tập ở các cơ sở đào tạo kiến trúc hàng đầu trong nước và trên thế giới, tin tưởng rằng sự nghiệp đào tạo KTS của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội theo định hướng; Đổi mới để hội nhập Quốc tế kiến trúc bền vững sẽ thành công.
Tài liệu tham khảo:
1/ GREHA, Symposium on New Directions in Architectural Education
2/ Himanshu D.S.Rai Chhaya, Architectural Education in a Holistic Framework, 2000
3/ Max Plank institute, Tài liệu khoá học quốc tế: Phát triển bền vững – Beyond Kyoto, 2000. Hamburg – Đức
4/ Unhabitat, Tài liệu khoá đào tạo Quốc tế: Đổi mới đào tạo kiến trúc, quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng, Philippines 2010.
5/ Kỷ yếu hội thảo KH, Trường Đại học kiến trúc Hà Nội: Đào tạo KTS – Đổi mới và Hội nhập, 11/2011
6/ Kỷ yếu hội thảo KH, Trường Đại học Xây dựng: Đổi mới đào tạo đồ án kiến trúc, 11/2012
7/ Kỷ yếu hội thảo KH, Viện Kiến trúc nhiệt đới – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: Đổi mới giáo trình giảng dạy hướng đến công trình xanh và biến đổi khí hậu, 10/2014
8/ Nguyễn Vũ Phương, Đổi mới đào tạo kiến trúc sư – Cơ hội và thách thức; Tạp chí Kiến trúc, 10/2011
9/ Nguyễn Vũ Phương, Đào tạo theo hệ thống tín chỉ chuẩn hoá đầu ra ngành Kiến trúc; Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, 10/2013
10/ Nguyễn Vũ Phương, Xu hướng hội nhập trong đào tạo Kiến trúc sư; Tạp chí Kiến trúc và Xây dựng, 12/2013
TS.KTS Nguyễn Vũ Phương
Trưởng Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội