Đào tạo kts với bảo tồn di sản và phát triển bền vững ở Hà Nội

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Khóa X Kỳ họp thứ IX thông qua năm 2001 đã khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của Di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có ý nghĩa quan trọng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng hình ảnh một đô thị giàu bản sắc. Tuy nhiên, trên thực tế việc đào tạo KTS chuyên ngành Bảo tồn tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Trong khuôn khổ bài viết này xin được đề cập đến công tác bảo tồn di sản, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và thực tế đào tạo KTS chuyên ngành bảo tồn hiện nay.

Đền Bạch Mã (Thăng Long tứ trấn)
Đền Bạch Mã (Thăng Long tứ trấn)

Hà Nội là vùng đất có quỹ di sản văn hoá hàng đầu của Việt Nam, cả về di sản vật thể lẫn phi vật thể. Trải qua hơn 1000 năm, Hà Nội ngày nay chính là trung tâm chính trị – văn hóa – kinh tế của Thăng Long xưa, bao gồm hai phần thành và thị. Thành là nơi ở của Vua, Chúa; Thị là nơi ở của quan lại và thương nhân. Hai phần này có sự bổ trợ cho nhau không tách rời. Phần Thị nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Quận Hoàn Kiếm hiện có diện tích 5,28 km2 bao gồm Khu Phố cổ, Khu phố cũ và khu vực hồ Hoàn Kiếm với trên 188 di tích, tạo thành một quần thể các di sản văn hoá đô thị của Hà Nội.
– Khu Phố cổ: Được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 2004, có diện tích 82ha với 121 công trình di tích, là khu vực có mật độ các công trình di tích cao nhất cả nước. Có thể liệt kê ra như: đình, đền, chùa, miếu, am,…nổi bật là đền Bạch Mã (Thăng Long tứ trấn), các đình thờ tổ nghề gắn với các phố nghề truyền thống; ô Quan Chưởng (là cửa ô còn lại duy nhất trong 18 cửa ô của Hà Nội) và theo kết quả điều tra năm 2013 còn 550 công trình nhà ở có giá trị… Bên cạnh đó, các di sản phi vật thể cũng tồn tại sống động với mật độ cao trong Khu Phố cổ. Tại đây, các hoạt động văn hoá, thương mại, dịch vụ truyền thống lẫn hiện đại đồng thời diễn ra. Trong một không gian không lớn, chúng ta thấy được mọi hoạt động của người dân Hà Nội qua các phố nghề, phố chuyên doanh, các lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, đời sống, văn hoá ẩm thực… Đó chính là những giá trị văn hóa tiêu biểu của Hà Nội hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
– Khu Phố cũ: Do người Pháp xây dựng ở Hà Nội cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố hiện đại (thành phố vườn), là thủ phủ của Đông Dương. Với các công trình dinh thự, công thự, biệt thự đa phong cách… khu phố cũ đã để lại cho Hà Nội hàng nghìn công trình kiến trúc đẹp có giá trị, tiêu biểu, được Luật Thủ đô xác định và bảo vệ, nay là khu vực tập trung nhiều cơ quan nhà hàng, khách sạn sang trọng và trung tâm tài chính của Thủ đô. Không gian này là một phần di sản kiến trúc quan trọng trong tổng thể lịch sử phát triển của Hà Nội.
– Khu vực hồ Hoàn Kiếm: Là nơi chuyển tiếp hài hòa giữa khu phố cổ và khu phố cũ với không gian kiến trúc cảnh quan cây xanh, mặt nước, là điểm du lịch hấp dẫn giữa lòng Thủ đô. Giá trị của hồ Hoàn Kiếm đã được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia năm 1980 và trở thành Di tích cấp Quốc gia đặc biệt năm 2013.

Với quỹ di tích lớn như vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa chính là mục tiêu, giải pháp và động lực để phát triển kinh tế của quận Hoàn Kiếm theo hướng Thương mại – Dịch vụ – Du lịch gắn với văn hoá một cách bền vững. Trong điều kiện hiện nay thì việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đúng cách còn gặp nhiều khó khăn phức tạp. Đặc biệt do điều kiện kinh tế – xã hội, kinh phí đầu tư cho bảo tồn di sản còn hạn chế, nhận thức của cộng đồng về hiệu quả từ việc bảo tồn di sản chưa cao, và việc đào tạo về chuyên ngành bảo tồn di sản tại Việt Nam còn chưa được xem trọng và chưa thực sự tương xứng với giá trị hiện hữu mà chúng ta đang có.

Để tiếp cận kịp với xu thế bảo tồn di sản và phát triển bền vững trên thế giới, trong thời gian qua quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội đã tiến hành hợp tác với nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đẩy mạnh công tác nghiên cứu bảo tồn phát huy giá trị di sản, nhiều dự án liên quan đến công tác bảo tồn được triển khai. Tập trung hợp tác về bảo tồn với các trường đào tạo chuyên ngành trong nước như trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Đại học Xây dựng; Viện kiến trúc Quốc gia; Viện Quy hoạch Quốc gia và Viện Bảo tồn di tích Quốc gia. Tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế như Pháp (vùng Ile de france, Thành phố Toulouse), Nhật Bản (Đại học Nữ Chiêu Hòa, Đại học Tokyo), Hàn Quốc, Australia, Italy… Việc trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, đưa ra giải pháp trong lĩnh vực bảo tồn di sản đô thị đã giúp cho đội ngũ cán bộ chuyên gia của Việt Nam thêm hiểu biết và tiếp cận với kinh nghiệm, kĩ thuật bảo tồn của quốc tế.

Việc kết hợp nghiên cứu đào tạo của các trường đại học với các cơ quan quản lý nhà nước đã giúp cho sinh viên có điều kiện vừa học tập vừa thử nghiệm. Quận Hoàn Kiếm tiến hành hợp tác với Bộ môn Bảo tồn – Khoa Kiến trúc – Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội tổ chức các bài tập, các đợt điều tra về công trình nhà ở trong Khu Phố cổ, cải tạo chỉnh trang các tuyến phố như Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường – Hàng Giấy, tuyến phố Phùng Hưng. Quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục tập trung đầu tư cho triển khai đồng loạt bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn. Các dự án quy hoạch, thiết kế đô thị được triển khai gắn với đề án giãn dân Khu Phố cổ, mở rộng các phố đi bộ trong Khu Phố cổ Hà Nội cho chúng ta thấy sự cần thiết phải có ngay một đội ngũ KTS bảo tồn có chuyên môn sâu, lành nghề.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc đào tạo về KTS bảo tồn tại Việt Nam vẫn chưa được toàn diện, chuyên sâu. Hiện tại, đào tạo bảo tồn chỉ là một môn học trong các trường đại học ở Việt Nam. Cơ quan nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về di sản là Viện bảo tồn di tích – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có mở các lớp bồi dưỡng về bảo tồn di sản nhưng cũng chỉ trong thời gian 03 tháng, chủ yếu là trùng tu kết cấu gỗ, gạch và quy hoạch một cụm công trình trong một quần thể di tích. Chưa có chương trình giảng dạy, nghiên cứu về bảo tồn khu đô thị di sản, các khu di sản thiên nhiên cũng như các loại hình di sản khác. Tại các nước phát triển như Italia, Pháp, Thụy Sỹ, Anh… thì KTS di sản là một chuyên ngành được đào tạo chuyên sâu. Ví dụ như tại trường École de Chaillot – Pháp có lịch sử đào tạo 110 năm về chuyên ngành bảo tồn di sản, khi thi tuyển vào trường phải là những KTS đã có ít nhất 02 năm kinh nghiệm làm việc thực tế và sẽ qua một kỳ thi của trường. Mỗi khóa học tại trường Ecole de Chaillot kéo dài ít nhất là 2 năm và chỉ đào tạo nhiều nhất là 50 KTS. Các học viên tham gia các khoá học lý thuyết, thực hành tại các di sản cụ thể, học tập các phương pháp đánh giá di sản, phương pháp đề xuất và thiết lập phương án gắn kết di sản với việc phát triển bền vững. Sau khi tốt nghiệp họ sẽ được công nhận là KTS bảo tồn và khi đó mới được tham gia nghiên cứu, thiết kế các công trình bảo tồn tại Pháp. Trong 10 năm trở lại đây, trường đại học Kiến trúc Hà Nội đã kết hợp với Trường đại học Kiến trúc Toulouse – Cộng hoà Pháp đào tạo các KTS về Thiết kế đô thị, di sản và phát triển bền vững. Kết quả đó góp phần đào tạo các KTS có trình độ làm công tác thiết kế đô thị, bảo tồn di sản và phát triển bền vững.

Nói tóm lại, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản cần bắt đầu ngay từ công tác đào tạo với việc hoàn thiện chương trình đào tạo, kết hợp với các cơ qan chức năng để sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tế, củng cố lý luận, gắn kết bảo tồn di sản với phát triển bền vững, xây dựng đô thị giàu bản sắc. Với chức năng của đơn vị quản lý Nhà nước, chúng tôi sẵn sàng liên kết, phối hợp và hỗ trợ với các trường để góp phần hoàn thiện quá trình đào tạo này.

TS.KTS Dương Đức Tuấn
Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm – Trưởng Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội