Đào tạo Nghề Kiến trúc từ thực tế

Bên cạnh những bài giảng ở trên ghế nhà truờng, nghề kiến trúc cần được trải nghiệm qua thực tế.  TCKT đã có cuộc gặp gỡ trò chuyện với một số KTS nhiều năm qua đã nỗ lực bươn chải trong sáng tác thực tế Đã gặt hái những thành công đáng kể được xã hội thừa nhận. Giờ đây, cũng qua thực tiễn, họ đang cố gắng giúp đỡ, tạo điều kiện cho các KTS trẻ mới ra trường trưởng thành và góp sức vào việc định hướng trở lại chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy tại nhà trường.
 
“Sinh viên Việt Nam thiếu nền tảng triết học và văn hoá xã hội”
THS.KTS Nguyễn Ngọc Minh – Giám đốc Cty MORDEN PLUS
 
TCKT: Được biết anh đã có thời gian đi tham quan và du học ngành kiến trúc tại nhiều nước trên thế giới, Anh có thể cho biết khác biệt chủ yếu của đào tạo kiến trúc ở phương Tây so với Việt Nam? 
 
KTS Ngọc Minh: Tôi có may mắn  được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều môi trường đào tạo khác nhau. Môi trường đào tạo của  Đức so với ở Mỹ đã có khác biệt khá  lớn, ngay cả đào tạo kiến trúc ở Virginia Technology (Mỹ) cũng có những đặc thù riêng. Điểm chung của những môi trường trên là đều do những giáo sư danh tiếng và những KTS hàng đầu tham gia giảng dạy. 
Khi bước chân vào trường đại học ở Weimar (Đức), tôi ngạc nhiên là ở  đây không có khái niệm sách giáo khoa. Mỗi giáo sư sẽ có giáo trình giảng dạy riêng, hay nói cách khác, chính họ là sách giáo khoa. Thú thật là kiến trúc hiện nay biến đổi rất nhanh, nếu không linh động thì mình đã chậm lại càng chậm.  
Về phương pháp giảng dạy ở nước ngoài luôn lấy sinh viên làm trung tâm, nên sinh viên phải chủ động. Sinh viên ở nước mình tôi có cảm giác không khác học sinh phổ thông nhiều. 
 
TCKT: Còn về sinh viên, anh thấy sinh viên của của ta so với họ thế nào?
 
KTS Ngọc Minh: Các bạn sinh viên kiến trúc của ta so với các bạn nước ngoài rất thiếu  kiến  thức văn hoá xã hội và nghệ thuật, những môn có quan hệ mật thiết với kiến trúc. Môi trường đào tạo ở nước ngoài có tính cạnh tranh, sàng lọc cao, số lượng sinh viên ra trường thường chỉ xấp xỉ 50% số lượng đầu vào, do vậy thư viện cũng như xưởng của trường thường sáng đèn đến nửa đêm. Trước khi sang Đức, tôi cứ nghĩ sinh viên mình chăm chỉ, nhưng chứng kiến những bạn cùng học của tôi mỗi ngày chỉ ngủ 4 tiếng trong suốt năm, sáu năm học, tôi nghĩ chúng ta cần nỗ lực hơn rất nhiều. 
Ở Đức, sinh viên kiến trúc thường nghỉ một năm, có bạn nghỉ lâu hơn, để đi thực tập ở những văn phòng kiến trúc. Không ít bạn làm cho những văn phòng hàng đầu thế giới như của Rem Koolhaas, Herzog de Meron hay Kengo Kuma. Những lần thực tập dài như vậy giúp họ định hình rõ hơn mình muốn gì. 
Sinh viên ở ta từ năm thứ ba cũng bắt đầu làm thêm ở văn phòng thiết kế. Song môi trường hành nghề của ta còn quá thiếu chuyên nghiệp, nên làm cho các bạn sinh viên mất phương hướng hơn là mở mang tầm nhìn.
 
TCKT: Trên thực tế, số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường ở Việt Nam rất nhiều, hàng nghìn sinh viên mỗi năm, nhưng số lượng KTS sau khi ra trường 5 năm vẫn làm thiết kế  còn lại rất ít. Anh nghĩ sao về thực tế này? 
 
KTS Ngọc Minh: Đúng là đến hơn 90% sinh viên kiến trúc tốt nghiệp ra trường không làm thiết kế mà làm những ngành liên quan như bất động sản, quản lí dự án. Điều này cho thấy nhu cầu của xã hội về những ngành kinh tế xây dựng cao hơn nhiều so với nhu cầu về kiến trúc. Tôi thiết nghĩ nhà trường nên điều chỉnh qui mô đào tạo, nên chăng giảm bớt số sinh viên đầu vào cho ngành kiến trúc, mà phát triển thêm ngành kinh tế kiến trúc, xây dựng. 
Lý do thứ hai khiến KTS Việt Nam không trụ được với nghề là thiếu nền tảng triết học và lý luận văn hoá xã hội. Do vậy, ra trường một vài năm, cảm thấy không phát triển được, hết vốn sáng tác và chán nghề. Theo tôi đây là thiếu sót trong đào tạo ở trường đại học ở nước ta. 
 
TCKT: Anh cũng về nước được gần hai năm, sau chín năm “tầm sư học đạo”, anh đã “nhập cuộc” thế  nào? 
 
KTS Ngọc Minh: Sau khi về nước, tôi và hai người bạn nữa, cũng là du học sinh, cùng nhau lập ra một nhóm lấy tên là Modernplus. Tiêu chí của nhóm là chắt lọc những cái hay, tinh tế của kiến trúc trên thế giới để áp dụng vào Việt Nam. Kiến trúc cũng là nghệ thuật, nên kiến trúc phải mang hơi thở của thời đại. Đã đến lúc KTS phải mạnh dạn thoát ra khỏi cái bóng của kiến trúc thuộc địa. 
 Phương án thiết kế chung cư của Morden Plus
 
TCKT: Nếu cho sinh viên kiến trúc một lời khuyên, anh sẽ  nói gì?
 
KTS Ngọc Minh: Tôi nghĩ các bạn ai cũng biết Tadao Ando, ông là một KTS không qua trường lớp nào cả, xuất thân là võ sĩ quyền anh, nhưng ông lại là tấm gương của nhiều thế hệ KTS trên thế giới. Ông học kiến trúc qua những chuyến đi thực tế, bằng cách quan sát và ghi chép của mình. Palladio xuất thân chỉ là thợ đá, ông học kiến trúc bằng cách vẽ lại, đo kích thước của nhiều công trình kiến trúc cổ ở Roma. Kiến trúc không nằm trong trường học, không nằm trong cuốn sách giáo khoa dày cộp, kiến trúc là những công trình bạn thường gặp trong cuộc sống, đôi khi chỉ là góc sân nhỏ sau vườn. Nếu có điều kiện hãy đi nhiều, và vẽ lại cùng với tỉ lệ, số đo. Bạn nào có điều kiện kinh tế hơn, thay vì một khóa cao học tốn hàng chục ngàn đô la, hãy nghĩ đến những chuyến đi sang Ấn Độ, có thể châu Âu và xa hơn, học bằng đôi mắt và cái bút chì của mình. Tôi không nghĩ bằng cấp làm nên những kiến trúc sư vĩ đại, mà là niềm đam mê. Nên câu cuối cùng muốn nói các bạn sinh viên: “Phải đam mê!” 
 
“Cần mở rộng tầm nhìn cho sinh viên, KTS trẻ”
KTS Manuel Der Hagopian– Giám đốc Cty GROUP 8ASIA
 
TCKT: Ông nhận xét và đánh giá như thế nào về năng lực KTS trẻ Việt Nam? 
 
KTS Manuel Der Hagopian: Tôi nhận thấy các bạn KTS trẻ mới ra trường có khả năng hòa nhập rất tốt. Họ nắm vững và sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dụng (Cad, 3D…) và rất ham học hỏi. Đa số các bạn đã từng làm việc với tôi đều ý thức được rằng quá trình học tập của mình vẫn tiếp tục ngay cả khi đã rời ghế nhà trường. Nói chung, các bạn KTS trẻ Việt Nam có thái độ ứng xử đúng mực và thân thiện trong công việc. 
 
TCKT: Được biết, ông đã từng giảng dạy tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, ông có nhận xét gì về việc dạy và học ở Việt Nam ?
 
KTS Manuel Der Hagopian : Tôi đã từng tham gia giảng dạy master tại Trường đại học Kiến trúc Hà Nội. Đây là một khóa học giảng dạy nhiều môn khác nhau: quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, bảo tồn di sản. Tôi nhận thấy : 
– Cách tiếp cận dự án kiến trúc của các bạn sinh viên rất cụ thể nên không đủ để hình thành ý tưởng cho dự án. Cách tiếp cận này phải trừu tượng hơn thì các dự án mới có thể phát triển được, ý tưởng do đó sẽ không bị gò bó và cho phép các KTS khai thác được dự án trên nhiều khía cạnh. Các bạn sinh viên chưa ý thức được rằng quá trình học tập ở trường là quá trình thử nghiệm khai thác và phát triển dự án chứ không giống như khi thực hiện các dự án trong quá trình công tác.
– Cách tiếp cận về ý tưởng và sáng tạo trong giảng dạy còn hạn chế do bị giới hạn về thời gian và các phương tiện giảng dạy còn thiếu. Vì vậy cần mở rộng tầm nhìn cho sinh viên và dạy cho họ thoát ra khỏi “lối mòn” khi nghiên cứu các dự án.   
 
TCKT : Là một Công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, các KTS trẻ tại công ty được làm việc trong môi trường như thế nào?
 
KTS Manuel Der Hagopian: Các bạn KTS trẻ khi làm việc tại Group8Asia được tham gia vào các cuộc họp chuyên môn trong đó mỗi người được nêu ý kiến của mình để góp phần làm cho dự án phát triển tốt hơn. Nếu các bạn đến thăm văn phòng Group8Asia, các bạn sẽ thấy chúng tôi có một đội ngũ đông đảo các kiến trúc sư nước ngoài và không gian làm việc tại công ty chúng tôi là một không gian mở nên tạo cho các KTS trẻ Việt Nam có thể giao tiếp và học hỏi được nhiều hơn. Nhờ đó trình độ ngoại ngữ (cả Tiếng Anh và Tiếng Pháp) của họ cũng được cải thiện đáng kể. Các kiến trúc sư khi đã làm việc từ 1 đến 2 năm tại Group8Asia có thể tham gia các khóa học nâng cao và được công ty hỗ trợ một phần học phí. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường tổ chức các cuộc thi sáng tạo ý tưởng trong nội bộ nhân viên với mục đích tạo điều kiện cho tất cả đều có cơ hội hình thành và phát huy trí sáng tạo của mình. Tất cả các nhân viên trong công ty Group8Asia của chúng tôi, kể cả các bạn sinh viên thực tập đều được giao trách nhiệm cụ thể cho phần công việc của mình và có nhiệm vụ phối hợp với các bộ phận khác. Điều này tạo cho các bạn KTS, nhất là các KTS trẻ thói quen làm việc có tổ chức theo nhóm và có tinh thần trách nhiệm cao. Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao là một tố chất không thể thiếu được trong công việc nhất là đối với các kiến trúc sư.
 
“KTS trẻ sẽ nâng cao trình độ, năng lực trong quá trình đồng hành cùng công ty”
KTS Nguyễn Thành Tân – Giám đốc Cty CP Tư vấn Thiết kế Xây dựng SAGEN
 
TCKT: Ông có nhận xét gì về hành trang của thế hệ KTS trẻ hiện nay khi rời ghế nhà trường?
 
KTS Nguyễn Thành Tân: Hiện nay chương trình đào tạo ở trường Đại học chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, vì vậy, khi các KTS trẻ rời ghế trường đại học, tùy thuộc vào nơi tuyển dụng họ sẽ tự thích nghi với môi trường làm việc. Nếu môi trường làm việc ở đó phù hợp với họ thì họ sẽ tiếp tục gắn bó trong một thời gian, nếu chưa phù hợp thì họ sẽ lựa chọn một môi trường khác, do vậy trong một thời gian ngắn có nhiều KTS trẻ đã thay đổi công việc đến vài lần. 
Theo tôi, nghề kiến trúc cũng xem như nghề y, muốn KTS hành nghề đúng với sở trường thì phải có công tác đào tạo chuyên sâu từng ngành nghề.
 
TCKT: Là người điều hành một Công ty quy mô lớn, có lực lượng hùng hậu là các KTS trẻ, ông và Công ty đã tạo điều kiện như thế nào để các KTS trẻ trưởng thành về nghề nghiệp?
 
KTS Nguyễn Thành Tân: Thông thường, trước khi tuyển KTS vào vị trí Công ty đang cần, nếu ở cấp Trưởng bộ phận, chúng tôi kiểm tra năng lực và kinh nghiệm. Với KTS mới ra trường, chúng tôi quan tâm tới quá trình học tập chủ yếu ở các môn học đòi hỏi tư duy sáng tạo.
Một yếu tố quan trọng nữa, chúng tôi cũng đánh giá rất cao, đó là thái độ làm việc, tinh thần trách nhiệm, ham học hỏi. Chúng tôi xem xét KTS đó có thế mạnh về lĩnh vực nào, về công trình dân dụng hay công nghiệp, về công tác triển khai bản vẽ hay giỏi về làm ý tưởng phương án kiến trúc hoặc mạnh về dựng phối cảnh 3D… mà bố trí cho phù hợp để phát huy tối đa năng lực của họ trong lĩnh vực mà họ yêu thích.
Hiện Công ty đang triển khai thực hiện tư vấn trên 20 dự án trong cả nước từ Nam ra Bắc. Đối với công trình dân dụng, chúng tôi tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng. Đối với công trình công nghiệp, chúng tôi tập trung chủ yếu vào công trình mang tính công nghệ cao như nhà máy sản xuất dược phẩm theo tiêu chuẩn GMP – WHO… Tôi nghĩ đó là một trong những thuận lợi để các KTS trau dồi kiến thức, phát triển kỹ năng, nâng cao năng lực trong quá trình đồng hành cùng Công ty.
 
TCKT: Ông có thể chia sẻ những quan điểm dạy và học nghề kiến trúc hiện nay?
 
KTS Nguyễn Thành Tân: Theo ý kiến của tôi, ngành kiến trúc hiện nay đang góp phần quan trọng trong việc phát triển đất nước. Việc đào tạo phải gắn liền với nhu cầu thực tế và phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài, nhiều trường đại học Kiến trúc mở ra nhưng chất lượng đào tạo không đạt chuẩn, KTS khi ra trường chỉ làm thợ vẽ và khi ra làm việc họ cần được đào tạo lại.