Đổi mới mô hình, phương pháp và đào tạo ngành kiến trúc tại các trường Đại học của Việt Nam

Thế kỷ 21, nhân loại không chỉ thuần túy đối mặt với những vấn đề có tính toàn cầu như: Năng lượng, lương thực, tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái, biến đổi khí hậu,… mà còn gặp những nguy cơ từ chính sự phát triển như vũ bão của kỷ nguyên công nghệ số và tự động hóa. Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực trong lĩnh vực Kiến trúc của Việt Nam vừa đứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng cũng không ít những khó khăn và thách thức, không chỉ tiếp thu, tiến tới làm chủ và hội nhập về công nghệ số để hướng tới văn minh và hiện đại, mà còn phải gánh vác sứ mệnh sao cho các công trình, tác phẩm luôn bền vững, phù hợp và tôn trọng, gìn giữ môi trường tự nhiên, văn hóa bản địa…

Việc nhìn nhận, đánh giá một cách khoa học và khách quan về thực trạng công tác giảng dạy và đào tạo cũng như tìm ra những đổi mới, hướng đi mới cho nguồn lực KTS từ góc độ hệ thống chương trình, giáo trình giảng dạy và đội ngũ giáo viên tại các trường Đại học của Việt Nam hiện nay là hết sức cấp bách.

Thực trạng hệ thống chương trình, giáo trình và nguồn nhân lực trong đào tạo KTS tại các trường Đại học của Việt Nam

Nhìn chung, tại các trường đại học của Việt Nam hiện nay, cả công lập và dân lập – Việc đào tạo KTS thường có khung thời gian khoảng 5 – 5,5 năm với hệ thống chương trình gồm 3 phần chính: Cơ sở ngành bao gồm các môn học về Cơ sở kiến trúc, Cơ sở tạo hình, Lý thuyết sáng tác kiến trúc, Lịch sử kiến trúc, Xã hội học và Mỹ học; Các môn học chuyên ngành về Nguyên lý thiết kế kiến trúc cho Nhà ở, Công trình công cộng, Công trình công nghiệp…Song hành với các bộ môn về kỹ thuật như Kết cấu, Vật liệu, Vật lý Kiến trúc, Điện, Cấp thoát nước…; Các đồ án kiến trúc công trình có qui mô, độ phức tạp và tổng hợp từ thấp đến cao.

Chương trình và hệ thống giáo trình giảng dạy này, về cơ bản mang các nội dung thuộc về Bản chất và Nguyên lý, có tính dẫn hướng cho sinh viên (SV). được xây dựng, cải biến qua nhiều giai đoạn, chủ yếu được biên dịch từ các tài liệu của các nước XHCN trước đây và sau này có hiệu chỉnh, đưa thêm nhiều nội dung mới trong thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các đồ án chuyên ngành, SV còn được biết đến các hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật… cho từng lĩnh vực chuyên ngành và công trình kiến trúc.

Tuy nhiên, hiện nay, sự phát triển Kiến trúc hết sức đa dạng, có tính tổng hợp liên quan đến nhiều ngành trong xã hội như kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, tài nguyên, di sản, khoa học và công nghệ….Đó là chưa kể đến các xu thế, xu hướng mà Việt Nam đang mong muốn hướng tới các mô hình về công trình và đô thị thông minh, kiến trúc xanh và tiết kiệm năng lượng… đồng hành với việc gìn giữ, bảo tồn các sắc thái văn hóa của Quốc gia, vùng miền, địa phương. Bên cạnh đó, các công nghệ thông minh hỗ trợ về mặt kỹ thuật và quản lý như công nghệ BIM, BMS,… và hàng loạt các công nghệ SMART trong hệ thống ME của công trình kiến trúc. Vì thế, hệ thống giáo trình hiện nay đã rất lạc hậu, thiếu tính liên kết giữa lý thuyết và thực hành, nhất là xâu chuỗi tích hợp giữa phần Concept của SV liên quan đến các phần kỹ thuật ME và các vấn đề có liên quan đến văn hóa xã hội. Đặc biệt, trong các đồ án chuyên ngành, SV vẫn phải, vẫn bị chi phối bởi các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã hết sức lạc hậu.

Với nguồn nhân lực đào tạo hiện nay, nhìn chung, lực lượng giáo viên thường chú trọng tới các phần lý thuyết, nguyên lý; đa phần chưa có điều kiện hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng hoặc chuyển giao công nghệ về lĩnh vực kiến trúc nên thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Giáo trình giảng dạy ở các bộ môn, chuyên ngành khác nhau chưa có điều kiện tích hợp chung trong những lĩnh vực có tính tổng hợp, nhất là các đồ án công trình kiến trúc cho SV. Còn thiếu sự phối hợp trong đào tạo giữa trường Đại học, Viện nghiên cứu, Hội nghề nghiệp và Doanh nghiệp. Và hệ quả đó, thường làm cho đội ngũ giáo viên mòn mỏi dần, ít chịu đổi mới, thiếu tính linh hoạt và sáng tạo…

Một số cách thức, hướng đi mới trong đào tạo KTS tại Việt Nam

Trước hết, các trường đại học đào tạo về lĩnh vực Kiến trúc cần cấu trúc lại chương trình đào tạo. Xây dựng, bổ sung, điều chỉnh hệ thống giáo trình theo xu hướng kết hợp giữa Lý thuyết và Thực hành. Ở đó, ngoài việc cung cấp cho SV những Kỹ năng mềm thông qua các môn học lý thuyết cơ sở có nội dung thuộc về Bản chất và Nguyên lý, thì rất cần thông qua quá trình liên kết, phối hợp đào tạo với các Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp, sẽ tạo dựng cho SV Kỹ năng nghề thông qua học thực tế, thực nghiệm, hướng tới tự chủ và độc lập trong sáng tác, sáng tạo. Đây là một mô hình mới, quá trình học có nội dung Trải nghiệm liên tục, từ quá trình tiếp thu đến tự học, đến học nhóm, thực hành tại các xưởng thiết kế và sau cùng là thực tế ứng với các mong muốn vị trí làm việc sau này của SV. (Hình 1)

– Cần xây dựng các môn học chuyên ngành mang tính nguyên lý thiết kế, tích hợp với các xu thế mới về năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo, môi trường, văn hóa, di sản văn hóa, công nghệ và kỹ thuật… Đây cũng là bước đi tiên phong, trong quá trình xây dựng các giải pháp và mô hình thiết kế cho các công trình kiến trúc có tính thụ động, trong khi các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của Ngành Xây dựng Việt Nam chưa đầy đủ cả về số lượng lẫn các nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra. (Hình 2)

– Xây dựng các nguyên lý thiết kế về kiến trúc được tổ hợp cùng với các nguyên lý thiết kế của các bộ môn chuyên ngành kỹ thuật khác, được trợ giúp bởi các công nghệ thông minh như kết cấu, ME, BIM, BMS… Đặc biệt, cần tăng cường giảng dạy thông qua mô hình trực quan để giúp SV hiểu kỹ về các vấn đề như chức năng sử dụng, công suất, vị trí làm việc của các trang thiết bị, từ đó linh hoạt trong tổ chức sắp xếp, ứng với các không gian, chức năng sử dụng khác nhau của công trình. (Hình 3)

– Xem xét, điều chỉnh, bổ sung các môn học mới vốn lâu nay thường được dạy ở bậc sau đại học như Văn hóa Kiến trúc, Di sản Kiến trúc, Tiêu chuẩn và quy chuẩn, Lý luận và phê bình, Các phương pháp thuyết trình… để SV có thể hiểu rõ, nhận biết rõ về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tính nhân văn…của đất nước mình, cũng như các kỹ năng, khả năng lập luận, trình bày trong thể hiện quan điểm, ý tưởng. Bởi lẽ, khi tốt nghiệp, KTS có thể đảm nhiệm ở các vị trí công tác, hành nghề khác nhau như quản lý nhà nước, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo, phản biện xã hội, cho nên những môn học này rất cần thiết. Hơn thế, SV cần hiểu rõ một cách sâu sắc những tinh hoa, cốt cách về văn hóa, lịch sử, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được cô đọng thành bản sắc, từ văn hiến, đến văn hóa và tiếp nối đến văn minh của nhân loại thông qua tiếp thu có chọn lọc khoa học công nghệ của thế giới vào điều kiện của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần bổ sung các môn học về phương pháp luận trong cách tiếp cận, nhận diện, phân tích, đánh giá, phản biện các vấn đề trong quá trình SV xây dựng ý tưởng thiết kế. Các môn học này, nếu bổ sung, có thể kéo dài thời gian đào tạo khoảng 6 năm, khi đó SV ra trường có thể nhận thêm bằng Thạc sỹ kiến trúc (nếu thấy cần thiết và khả thi). (Hình 4)

– Xây dựng lại các giáo trình cho hệ thống cấu tạo chi tiết kiến trúc ứng với các công nghệ và kỹ thuật mới, vật liệu mới, đặc biệt là các phần chi tiết liên kết, đấu nối, tổ hợp cho các cấu kiện, vật liệu có tính chất bao che thuộc phần vỏ của công trình kiến trúc như mái, cửa, lam chắn nắng đi đôi với việc cách điệu hóa, thay thế hóa các vật liệu từ tự nhiên và truyền thống bằng các vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường nhưng có hình thức tương đối tương đồng với vật liệu tự nhiên. (Hình 5)

– Cần tăng cường sự phối hợp toàn diện trong liên kết đào tạo SV với các Viện nghiên cứu, các Doanh nghiệp, tổ chức Hiệp hội nghề nghiệp ở cả trong và ngoài nước theo xu hướng tạo nguồn nhân lực KTS công nghệ, KTS thực hành cho thị trường. Đặc biệt là các phần học trải nghiệm thông qua thực tập tại các doanh nghiệp tư vấn thiết kế, công trường xây dựng, thi công trang trí nội ngoại thất. Nên đào tạo theo mô hình CDIO: Viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Conceive – Design – Implement – Operate (Hình thành ý tưởng, Thiết kế, Triển khai thực hiện và Vận hành). (Hình 6)

– Bổ sung các giáo trình về lịch sử kiến trúc, các yếu tố truyền thống, bản sắc, văn hóa bản địa có yếu tố vùng miền, di sản, cần phải được làm rõ về hình thức biểu hiện, phong cách và nghệ thuật, chi tiết cấu tạo, liên kết, có thể áp dụng, vận dụng, khai thác phát huy vào đâu? Ở vị trí nào trong công trình, tác phẩm kiến trúc, chi tiết kiến trúc?(Hình7)

– Với nguồn nhân lực giáo viên, cần tăng cường phối hợp cùng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, giảng dạy đào tạo với các Viện nghiên cứu, Hiệp hội nghề nghiệp, Doanh nghiệp… Tăng cường phối hợp cùng xây dựng, biên soạn hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn. (Hình 8)

– Cần phát huy và tăng cường cho đội ngũ giáo viên hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kiến trúc để tăng thêm phần thực tiễn, bổ sung lại cho lý thuyết của phần giáo trình giảng dạy. Các yêu cầu lâu nay về hướng nghiên cứu, bài báo khoa học… có thể giảm liều lượng, thay bằng các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kiến trúc thì có ý nghĩa hơn.

– Lực lượng giáo viên trẻ, cần bồi dưỡng, đào tạo học tập nâng cao tại một số quốc gia có điều kiện văn hóa, kiến trúc tương đồng với Việt Nam.

Thay lời kết

Ngày nay, nguồn lực phát triển của mỗi quốc gia thường chủ yếu tập trung ở 4 thành phần cơ bản, bao gồm: Tài nguyên, Lao động, Nguồn vốn và Công nghệ. Tuy nhiên, trong Công nghệ lại được phân ra gồm 4 thành phần bao gồm: Con người, Quản lý tổ chức, Thiết bị và Thông tin. Như vậy, bất luận trong hoàn cảnh và điều kiện nào, yếu tố con người vẫn là quyết định.

Để đáp ứng với các yêu cầu, nhu cầu mới trong lĩnh vực Kiến trúc – Cần đổi mới và cải cách các chương trình đào tạo KTS thông qua hệ thống chương trình đào tạo, hệ thống giáo trình và nguồn lực giáo viên. Trước mắt cũng như về lâu dài, việc đổi mới này sẽ song hành giải quyết nguồn nhân lực ngành Kiến trúc hiện nay, đáp ứng xu thế phát triển bền vững của quốc gia theo xu hướng gìn giữ bảo vệ hệ môi trường sinh thái tự nhiên, hệ văn hóa bản địa và tiếp thu nền văn minh của kỷ nguyên công nghệ số – Đó cũng chính là giải quyết song hành và cơ hữu giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và tiên tiến – Góp phần xây dựng phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.

TS.KTS Nguyễn Tất Thắng
Nghiên cứu viên Cao cấp – Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2019)