Theo KTS.Trần Ngọc Hùng :”Họa là…họa, cảo là…nháp. Hoạ cảo là bản vẽ …NHÁP, nghĩa đúng hơn… bảng vẽ NHANH, đi tìm Ý TƯỞNG khởi đầu của đồ án”
Nó đánh giá được kiến thức và ý đồ của người sinh viên trong học tập, mà sau này khi ra đời rất hữu ích trong thực hiện dự án. Ý TƯỞNG trước một miếng đất trống, rất cần nhìn ra được ý tưởng chính và phụ trong sáng tạo, làm nền tảng cho khai triển ra công trình có chất lượng.
Tại sao họa cảo nên vẽ bằng tay?
Trong hội họa, tay vẽ, Tê, Ke chỉ là…phương tiện trình diễn của những gì…”tài tử” chính muốn, là…cái đầu và con mắt (có thể vài năm nữa màn hình là…tờ giấy và bàn tay mình là…Têke ngay trên đó…Hậu xét.) nhưng hiện nay computer không thay mình sáng tạo được.
Vẽ có giới hạn thời gian vì đó là nháp, và các diện cần thiết trên đó như mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng, phối cảnh, đều do người thực hiện tự chọn để sao nói lên được cái điều mình muốn thể hiện, ví dụ:
- Ý tưởng liên quan đến mặt bằng, khi muốn mang những cư dân trong một khu sinh hoạt gần gũi nhau hơn.
- Ý tưởng liên quan đến phối cảnh, khi muốn phối hợp các hình khối phức tạp theo một phương thức nghệ thuật mới hơn.
- Ý tưởng liện quan đến mặt cắt, khi liên quan giữa các cao độ, hay trong ngoài để giải quyết ý đồ của tác giả.
- Ý tưởng liên quan đến mặt đứng, khi việc sử dụng cao độ các hình khối hay vật liệu ảnh hưởng.
Tùy vào ý tưởng mà nhấn mạnh phần nào tác giả muốn nói. Do vậy họa cảo là một đề tài mở, không giải thích sinh viên sẽ ngỡ ngàng, nhưng hiểu rồi, và thường xuyên thực hiện, sẽ ích lợi vô cùng khi ra đời làm việc. Với dự án thực thụ, nhiệm vụ thiết kế của chủ đầu tư, cộng kiến thức tự mình đào tìm, sẽ là họa cảo cho Kiến trúc sư, quen định hình trong ý tưởng từ trong trường, để làm những bước nghiên cứu tiếp theo, sâu hơn mà không lạc bước bởi những quy phạm ràng buộc.
KTS. Trần Ngọc Hùng cho hay: “Tôi nhớ vào giữa năm thứ hai, có bài họa cảo…bệnh viện phụ sản…cả đám, toàn 19-20 tuổi làm sao có đươc kinh nghiệm của một bà bầu, nên trên Mặt bằng toàn giấu nhà vệ sinh ra phía sau, phần lớn đều bị rớt. Sau khi thầy giảng mới hiểu rằng, Kiến trúc sư phải hiểu thêm nhiều thứ…ngoài kiến trúc. Thế đấy, KTS bơ vơ lắm trong bể kiến thức, càng bơ vơ càng thấy thế giới này còn nhiều nơi để sáng tạo lắm…Đừng lo lắng chi, học sao cũng được miễn là say nghề thì sẽ thấy nhiều đường đi trong bể bơ vơ lắm…”
Họa cảo của sinh viên khác với họa cảo Dự án thực tế như thế nào?
- Với sinh viên, thầy chỉ cần thấy có ý đồ sáng tạo trong đó, có nghĩa là có nổi lên một tư tưởng nào mới mà hay, dù chưa thực hiện được, cũng đáng giá trị của…. học hành sáng tạo…. làm căn cứ để cho điểm.
- Với Dự án thực tế, nhiệm vụ thiết kế chỉ là yêu cầu cụ thể, nhưng kiến thức chuyên ngành cho công trình thì tự KTS phải tìm hiểu, và phối hợp với nhu cầu thực tế của chủ đầu tư mới ra được họa cảo giá trị. Có bạn nói: Không có KTS dở, chỉ có chủ đầu tư… không hiểu biết… cũng không đúng. Mâu thuẫn muôn đời là, KTS muốn giá tiền cao cho công trình và thiết kế phí, chủ đầu tư muốn giá thấp mà công trình chất lượng (với công trình tư nhân trừ công trình Nhà nước).
Một công trình tốt gồm 3 yếu tố: Thiết kế tốt, người thi công tốt và người sử dụng tốt. Nói về họa cảo, nên mình xét trong điều thứ nhất là : thiết kế tốt.
Muốn thế trong giai đoạn tìm ý, khéo léo của người KTS là… làm sao nắm bắt được ý tưởng (trong sáng, không phải ý…đen tối) của người đầu tư để thực hiện và lái theo lĩnh vực chuyên môn mình, cả hai đều hài lòng do đạt được ý muốn của mình, đó là …win-win (lưu ý: không phải là cả hai cùng có tiền do… chung chi). Ngược lại thiết kế chỉ do ý tưởng người KTS, không màng đến ý kiến của chủ đầu tư, khi sử dụng sẽ có nhiều khó khăn trong đặc tính mỗi ngành nghề, ứng với mỗi chủ nhân, ở mỗi vị trí khác nhau của công trình, đó là…lost-lost.
Như thế để thấy, họa cảo trong sinh viên là một trải nghiệm hành nghề thực thụ khi ra đời, huấn luyện cho người sinh viên nhìn thấy và nắm được những điều chính yếu, trước khi chìm đắm trong chi tiết, mà muôn trùng bủa vây quanh ngành nghề mình theo, như giao thông, tiện ích, năng lượng xanh, an toàn, kết cấu bền vững, tiết kiệm, vật liệu, tuân thủ những quy phạm…v.v…
Còn KTS. LÊ TÙNG thì chia sẻ về BINH PARTIE như sau:
“Partie ( Pháp ) = Part ( Anh ) là các thành phần. Thành ra hồi đi học có từ BINH PARTIE. Chữ BINH này do dân Kiến trúc chế ra. Tưởng tượng khi bạn nhận 13 lá bài rồi bạn phải sắp xếp bài theo cách hiệu quả nhất như dách phé, xám chi, cù lũ rồi lại chuyển qua mậu đầu+ 2 cù lũ…Thì khi BINH bài đồ án bạn cũng phải dời phòng này qua chỗ nọ để có partie hay nhất.”
Cảm ơn những chia sẻ bổ ích của các tiền bối!
Theo T.H.K.T
—————————————————————————————————————————————————————–
Mỗi dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, bên cạnh việc tri ân các thế hệ thầy cô giáo, ghi nhận những thành tựu của các thế hệ sinh viên… thì vấn đề dạy và học nghề Kiến trúc lại “nóng” hơn, thu hút sự quan tâm, và cả những băn khoăn của giới nghề.Chính vì vậy, TCKT số 11/2016 thực hiện Chủ đề: “Đào tạo KTS trong bối cảnh Hội nhập“. Trong số này, Ban biên tập mong muốn đặt vấn đề về Đổi mới Đào tạo từ góc nhìn của Sinh viên, Kiến trúc sư trẻ,…để nắm được những khó khăn, trăn trở và cả những sáng tạo của giới trẻ trong liên kết, học hỏi kiến thức trên con đường lập nghiệp!
Đây là chủ đề được kỳ vọng dành riêng cho những SV kiến trúc, KTS trẻ nên TCKT rất mong nhận được các bài viết, ý kiến chia sẻ những suy nghĩ của bạn đọc về việc dạy và học nghề hiện nay!
Để biết thêm chi tiết về cách thức và nội dung chia sẻ xem thêm tại: Thư mời tham gia diễn đàn “Đào tạo Kiến trúc sư trong bối cảnh Hội nhập”