7 điều dẫn đến thất bại trong sự nghiệp kiến trúc

Kiến trúc vốn được biết đến là một ngành nghề khó, đòi hỏi người theo đuổi nó phải có sự đam mê và am hiểu trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, trên con đường hành nghề có lẽ đã có rất nhiều kiến trúc sư gặp thất bại. Vậy những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại này là gì? Ở bài viết này, TCKT xin chia sẻ đến bạn đọc một vài ý kiến rất thú vị của Sahiba Gulati trên Arch2O về 7 nguyên nhân dẫn đến thất bại trong sự nghiệp kiến trúc. Trân trọng giới thiệu!

Sahiba Gulati: “Có vài kiến trúc sư có vẻ như đã hiểu rõ tất cả về ngành nghề kiến trúc. Vậy ở họ có gì khác biệt – trình độ học vấn, kinh nghiệm, hay đơn giản họ chỉ may mắn được sinh ra với một bộ óc sáng tạo và con mắt tài năng?

Những bức tranh bóng bẩy, những hình ảnh nổi bật vừa truyền cảm hứng vừa khiến người ta bàng hoàng, bởi làm thế nào mà những người này, dù họ cũng chỉ là con người bình thường, lại có thể tạo ra những thiết kế, ý tưởng và tòa nhà vô cùng đặc biệt? Việc nghiên cứu về những tòa nhà này có thể giúp ta hiểu cách chúng hoạt động, và tôi muốn tìm hiểu cách những kiến trúc sư này làm việc. Có một câu văn của tác giả người Nhật Kaneko Ikeda đã gây ấn tượng mạnh và luôn làm tôi nhớ tới: Điều quan trọng hơn chiến thắng là không bị đánh bại. Trong nhiệm vụ để không bị đánh bại này, tôi đã khám phá ra 7 nguyên nhân dẫn đến thất bại với cương vị là một kiến trúc sư.

Danh sách những nguyên nhân sẽ dẫn đến thất bại trong nghề kiến trúc

1. Thái độ tự mãn, không chịu học hỏi

Kẻ thù lớn nhất của kiến trúc sư chính là sự trì trệ đến từ niềm tin rằng họ đã biết hết tất cả những gì cần biết. Họ đã tạo ra một vài tác phẩm tốt và tiếp tục tái sử dụng những ý tưởng và khái niệm quen thuộc liên tục; điều đó sẽ mang lại một sự yên tâm sai lầm, và cuối cùng dẫn đến sự trì trệ. Điều cần làm là phải liên tục trau dồi, học hỏi từ sách vở, những bài báo, công trình, triển lãm, hội thảo, khóa học online, và những bậc thầy trong ngành. Sự đổi mới, đánh giá lại và tái tạo bản thân là điều kiện tiên quyết để tránh khỏi thất bại, cũng như việc học hỏi từ những sai lầm của người khác. Năm 1948, Frank Lloyd Wright đã nói: “Khi bất cứ ai trở thành một người có thẩm quyền, đó là dấu chấm hết cho người đó về mức độ phát triển.

Hình vẽ từ trang bìa của cuốn Trường học Mới cho Thị trấn Mới – William Cannady, Trường Kiến trúc, Đại học Rice và Phòng thí nghiệm Cơ sở Giáo dục

2. Đặt thiết kế lên trước bối cảnh

Hãy nhìn vào thiết kế mới đây của Karim Rashid, có vẻ như bối cảnh cụ thể không được cung cấp. Kiến trúc sư này đã hỏi những người theo dõi mình trên Facebook bình chọn giữa bốn mặt ngoài công trình, trong đó có bao gồm hình ảnh này. Có thể thấy, cả bốn đều trông giống một chiếc hộp bị đặt nhầm giữa hai tòa nhà theo phong cách thông thường. Dù rằng tôi thích sự táo bạo của Karim Rashid, nhưng lần này đã đi quá xa rồi.

Điều này dẫn đến kết luận rằng dù kết xuất đồ họa và bản vẽ có thể trông tuyệt vời khi tách khỏi bối cảnh, hiệu ứng thực sự của chúng sẽ chỉ được thể hiện ra khi đặt vào thực tại. Phớt lờ những điều này sẽ dẫn đến sự thất bại trong công trình, cũng chính là sự thất bại với cương vị là một kiến trúc sư.

Bức ảnh của Karim Rashid

3. Sợ hãi trước những điều mình chưa biết

Bạn có lo lắng khi nghĩ về cách giải quyết vấn đề nảy sinh trong thiết kế của mình? Liệu bạn có thể hiện được những ý tưởng trong đầu mình lên những trang giấy? Liệu thiết kế có đi theo đúng hướng mà bạn đã định trước không? Bạn sẽ không nhận được câu trả lời nếu không bắt tay vào làm! Quá trình soạn thảo, rồi soạn thảo và phác thảo lại chính là thứ mang đến sự tinh vi và tiềm năng của mọi thiết kế. Giữ mãi suy nghĩ trong đầu, phân vân giữa những ý tưởng sẽ khiến bạn lãng phí một tuần mà vẫn chưa đụng đến file CAD, dù cho cuộc họp bàn ý tưởng đã đến rất gần! Bạn sẽ không bao giờ biết được kết quả cuối cùng nếu bạn không chịu dành 100% thời gian và nỗ lực cho ý tưởng của mình.

Đường chân trời biến đổi tại Triển lãm Bảo tàng Nhà chọc trời Mới – Ảnh của Bảo tàng Nhà chọc trời, New York

4. Không chịu tiếp thu nhận xét của người khác

Mọi người đều có quyền đưa ra ý kiến riêng, và không phải lúc nào sếp hay đồng nghiệp cũng sẽ trầm trồ trước tác phẩm của bạn ngay khi nhìn thấy lần đầu. Cảm thấy thất vọng và tức giận ư? – Nếu đây không phải là một sự cố cá biệt mà lại xảy ra thường xuyên, rất có thể đó là hậu quả của sự cứng đầu và một cái tôi bị tổn thương. Trong khi thái độ và uy tín nghề nghiệp của bạn tụt dốc, đồng nghiệp của bạn sẽ vượt lên và bỏ qua bạn. Ngay từ khi bắt đầu đào tạo kiến trúc, liên tục đánh giá và thiết kế lại nhiều lần chắc chắn là một phần quan trọng, và cũng chính là thứ sẽ tạo ra một đề xuất được xây dựng tốt. Vì vậy, điều cần làm là hiểu rõ từng quan điểm, và bạn sẽ có thể trở thành một nhà thiết kế giỏi hơn!

Nguồn ảnh: http://moss-design.com/

5. Thiết kế chỉ coi trọng đến tính thẩm mỹ

Bạn đã từng thấy tòa nhà nào có vẻ như được tạo ra nhằm mục đích chứng minh một thiết kế hơn là để con người sử dụng chưa? Bản chất ngành kiến trúc cho phép bạn sáng tạo, để kiểm tra khả năng của những ý tưởng của bạn khi đặt trong thực tế. Nhưng hãy lùi lại một bước để nhìn lại mục đích cơ bản của kiến trúc. Trích từ mục đích của Giải thưởng Pritzker: “Để tôn vinh một kiến trúc sư còn sống hoặc những kiến trúc sư có công trình thể hiện được sự kết hợp của những phẩm chất như tài năng, tầm nhìn và sự tận tâm, đã mang lại những đóng góp nhất quán và đáng kể cho nhân loại và môi trường thông qua nghệ thuật của kiến trúc”, nhấn mạnh ở từ “nhân loại”. Kiến trúc là do con người tạo ra, để phục vụ cuộc sống của con người, và nếu điều cơ bản này bị lãng quên, việc tiến xa hơn sẽ trở thành bất khả thi.

Hãy nhìn vào dự án nhà ở nổi tiếng này, được xây dựng ở Paris sau chiến tranh do thiếu nhà ở. Công trình Aillaud Towers ở Nanterre, Paris đã bị nhà phê bình nghệ thuật Robert Hughes miêu tả là: “Thiếu đi sự tôn trọng toàn thể hay ký ức xã hội, sẽ không có thứ gọi là kiến trúc khả thi hoặc nhân văn. Và đó là lý do tại sao một nơi như thế này – La Defense bên ngoài Paris, bị mọi người, kể cả những người sống ở đó, coi như một mảnh mô sẹo xã hội của chủ nghĩa hiện đại phô trương, trịch thượng. Biến chúng thành những chiếc hộp bê tông ở sân chơi, sau đó dùng các màu sơn tươi sáng, bởi vì đó là những gì bọn trẻ thích, và nếu bọn trẻ không thích, chúng có thể viết thư phàn nàn gửi Bộ trưởng!

Ảnh của Emile Aillaud – Nhiếp ảnh: Laurent Kronental

6. Thiếu hụt động lực

Bạn cảm thấy thiếu động lực? Không sao, bởi con người không thể lúc nào cũng năng động được. Nhưng đó không phải vấn đề. Nếu công việc của bạn thiếu đi sự hào hứng, đam mê, năng lượng hay sự tươi mới, thì đã đến lúc phải đứng dậy để nhìn lại bản thân. Nếu thứ duy nhất khiến bạn làm việc là hạn nộp đang đến càng lúc càng gần chứ không phải là tầm nhìn của dự án và những thứ bạn có thể làm được, bạn cần phải đánh giá xem bạn đang làm gì và bắt đầu lại. Trích lời kiến trúc sư Steven Holl: “Vào đầu thế kỉ 20, nền kiến trúc ở Mỹ chất chứa nhiều tham vọng hơn. Đó là lý do chúng ta có những thứ tuyệt vời như tòa nhà Empire State, tòa nhà Chrysler và cây cầu George Washington. Chúng ta đã xây nên những công trình tuyệt đỉnh.” Khi miêu tả Manhattan, ông cảm thấy phần lớn những thứ đang được xây dựng ngày nay chỉ là “không gian thu tiền cho thuê” và “rác phẩm”.

Ảnh của Steven Holl Architects

7. Tôi chỉ muốn làm một kiến trúc sư

“Tôi chỉ muốn làm một kiến trúc sư, được đưa ra những đề xuất thiết kế độc đáo” – đây là một trường hợp đáng khen ngợi miễn là nó gắn liền với thực tế. Tuy nhiên, những sinh viên mới tốt nghiệp trường kiến trúc thường bắt đầu hành nghề với những kỳ vọng lý tưởng của riêng họ. Đó không phải là lỗi của họ, mà là lỗi của nền giáo dục kiến trúc đã thất bại trong việc giới thiệu về thực trạng của ngành nghề này. Nền giáo dục này chỉ xoay quanh những thí nghiệm kiến trúc tập trung vào suy nghĩ và ý tưởng mà hoàn toàn phớt lờ việc hiện thực luôn phức tạp hơn rất nhiều.

Ảnh của Architexts.us

Kiến trúc sư cần phải kiêm luôn vai trò của một doanh nhân có khả năng tự lực. Sự kỳ vọng của khách hàng thường sẽ mâu thuẫn với tầm nhìn của bạn. Đây là lúc những kĩ năng của một doanh nhân sẽ phát huy tác dụng, để giữ được tầm nhìn cá nhân và đảm bảo vai trò “kiến trúc sư” của mình, đồng thời vẫn kiếm được thu nhập. Kiến trúc sư Gurjit Singh Matharoo, người được trao Học bổng Quốc tế Trọn đời của RIBA vào năm 2012, đưa ra lời khuyên: “Mười năm đầu tiên sẽ là lúc bạn giữ vững ý tưởng của mình hoặc hoàn toàn từ bỏ chúng. Kiến trúc sư phải học cách giữ vững quan điểm của riêng mình và không bỏ cuộc, nếu không sẽ có trường hợp tương tự như khi bệnh nhân ra lệnh cho bác sĩ về những loại thuốc anh ta sẽ dùng cũng như cách anh ta nên được điều trị.

Miễn là bạn vẫn tiếp tục chiến đấu bất chấp những lúc thất bại, và học hỏi từ những sai lầm của mình, bạn sẽ không bị khuất phục, và sau cùng sẽ giành được chiến thắng.

Ngọc Thủy (Biên dịch từ Arch2O) – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc

Xem thêm: