75 năm nhìn lại – Những dấu ấn của Hội KTS Việt Nam

Chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển, Hội KTS Việt Nam đã khẳng định vai trò và vị thế của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo dựng những không gian sống nhân văn, an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường.

75 năm là một chặng đường dài của Hội KTS Việt Nam, đi cùng với những dấu mốc lịch sử của đất nước

Hội KTS là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tuy nhiên được Đảng và Nhà nước tín nhiệm giao thêm một sứ mệnh lớn hơn – Một tổ chức Chính trị – Xã hội – Nghề nghiệp. Đó là một trách nhiệm, vinh dự của Hội KTS Việt Nam, của giới kiến trúc Việt Nam. Điều đó xác định được vị thế, vai trò, tính chất cũng như nghĩa vụ của giới KTS Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, giải phóng đất nước cũng như trong thời gian xây dựng phát triển đất nước. Hội KTS Việt Nam cũng tự hào là Hội nghề nghiệp đầu tiên được thành lập trong khối văn học nghệ thuật, cũng như trong khối các hội nghề nghiệp, từ 27/04/1948, (trước cả Liên hiệp Nghệ thuật).

Trong suốt 75 năm thành lập, chúng ta có thể ghi nhận lại một số dấu ấn của sự trưởng thành phát triển của Hội, cụ thể như sau:

  • Dấu ấn đầu tiên: Hội KTS của chúng ta từ ngày thành lập đến giờ, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trong mưa bom bão đạn, trong khó khăn thiếu thốn vẫn luôn luôn đoàn kết, trung thành, đồng hành với đất nước. Trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng luôn hoàn thành sứ mệnh của mình. Trong chiến tranh, đội ngũ KTS tham gia vào công cuộc xây dựng cơ sở chiến khu, mặt trận, trung ương. Và trong hòa bình, chúng ta hoàn thành xuất sắc chức trách của mình trong xây dựng cơ sở vật chất của đất nước. Đó là dấu mốc quan trọng của sự đoàn kết, đồng lòng của anh em KTS. Những lớp KTS đầu tiên theo lời kêu gọi của bác Hồ, đều đi theo kháng chiến – Đó là dấu mốc vàng son của thế hệ KTS cha chú.
  • Dấu ấn thứ 2: Trong hoàn cảnh nào, giới KTS luôn đoàn kết, cùng chung ý kiến xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc trưng này ảnh hưởng đến tính dân tộc trong hành nghề của từng thế hệ. Tôi nhớ khi mới hình thành thế hệ KTS đầu tiên, các KTS đã đưa ra một loại hình Nhà ánh sáng – Đó là một loại hình công trình kết hợp nhà ở Đông Dương, tiến bộ, tiết kiệm. Tương ứng với thời điểm đó, ở miền Nam là thể loại công trình kiến trúc nhiệt đới. Việc phát triển kiến trúc thời kỳ đó luôn luôn coi trọng tính dân tộc. Ngày nay, chúng ta tiếp tục phát triển tinh thần này – Giới KTS Việt Nam là những người tiên phong trong phong trào Kiến trúc xanh, đưa ra Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam, thúc đẩy kiến trúc xanh ở Việt Nam. Sau đó chúng ta lại tiếp tục thúc đẩy phong trào kiến trúc vì cộng đồng, vì người nghèo như các tác phẩm đạt giải thưởng của KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Võ Trọng Nghĩa, KTS Đoàn Thanh Hà. Nói chung phong trào kiến trúc hiện đại luôn coi trọng tính dân tộc, tính bản địa.
  • Dấu ấn thứ 3: Nói về sự phát triển của đội ngũ, trong 75 năm qua, đội ngũ KTS Việt Nam phát triển một cách mạnh mẽ, từ 8 KTS thời kỳ đầu mới thành lập, tới đội ngũ khoảng 50 KTS tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương thời đó, đến nay, Hội KTS cả nước đã có trên 25.000 thành viên. Quan trọng hơn, các KTS được phân bổ trên khắp các tỉnh thành, địa phương, chứ không chỉ riêng các thành phố lớn. Từ nông thôn, tới hải đảo đều có mặt các KTS. Không chỉ phát triển nhiều về số lượng, chất lượng đội ngũ KTS cũng được nâng cao. Nếu như các thế hệ đầu các KTS Việt Nam được giải thưởng Rome, Giải thưởng Khôi Nguyên La Mã, thì sau giải phóng đến nay, các KTS Việt Nam đều tham gia các giải thưởng quốc tế và đạt được thành tích cao, ví dụ công trình nhà nổi ĐB Sông Cửu Long, cùng nhiều tác phẩm khác của thế hệ KTS trẻ với nhiều gương mặt xuất sắc như KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Võ Trọng Nghĩa, KTS. Hoàng Mạnh, … Nhiều thế hệ KTS giỏi nối tiếp nhau và đảm nhận được những vai trò lớn trong công cuộc xây dựng đất nước. Như vậy là phát triển kể cả mặt chất lượng lẫn số lượng.
  • Dấu ấn thứ 4: Nói về sự phát triển trong hoạt động tổ chức, khi mới thành lập, Hội KTS Việt Nam (lúc đó là Đoàn KTS Việt Nam) chỉ có 8 thành viên. Ngày nay, chúng ta có số lượng Hội viên hùng hậu, có mặt ở tất cả các tỉnh thành phố, nơi nào có KTS, nơi đó có Hội dành cho các KTS – nơi tập hợp, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các KTS dù đã trở thành hội viên Hội KTS Việt Nam hay chưa phải Hội viên. Hiện nay, có rất ít các tổ chức có hệ thống hoạt động chặt chẽ như Hội chúng ta. Ngoài việc kiện toàn các tổ chức, chúng ta cũng tổ chức nhiều hoạt động khác như: Liên hoan sinh viên kiến trúc toàn quốc 2 năm một lần, quy tụ sinh viên từ 25 trường đào tạo KTS trên cả nước, và đến lần tổ chức thứ XIII vừa qua, đã mở rộng với sự tham gia của sinh viên quốc tế; Liên hoan KTS trẻ toàn quốc của CLB KTS trẻ Việt Nam được sự ủng hộ của tất cả các KTS trên toàn quốc, các CLB KTS trẻ của từng vùng miền; Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia; Giải thưởng Loa Thành tôn vinh những tác giả xuất sắc, phát hiện tài năng trẻ cũng đạt được nhiều thành tựu lớn… Đó là đặc điểm đổi mới của Hội KTS Việt Nam, luôn luôn mở rộng và đổi mới, chứ không mãi rập khuôn. Tôi tin rằng trong thời gian tới, chúng ta sẽ có thêm nhiều chương trình hoạt động mới, thiết thực và hiệu quả.
  • Dấu ấn thứ 5: 75 năm qua, chúng ta phát triển cả về lượng, chất, tổ chức, mô hình, nhưng quan trọng là Hội của chúng ta đã tập hợp anh em KTS trong mái nhà chung – Hội KTS Việt Nam đã che chở, bảo vệ, cổ súy nhiệt tình lao động của anh em KTS trên cả nước. Và hôm nay, chúng ta làm việc trong một xã hội phát triển, lấy Luật pháp làm nền tảng cho mọi hoạt động. Việc tham gia xây dựng Luật Kiến trúc vừa qua của Hội KTS Việt Nam là một bước đi ban đầu, lấy luật pháp bảo vệ quyền lợi của KTS trong hành nghề, giảm được sự can thiệp vào hành nghề KTS, làm tác phẩm có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo của KTS, từ đó cũng sắp xếp lại tổ chức của chúng ta, tạo ra nhiều hoạt động nghề nghiệp, tạo thời cơ bảo vệ quyền lợi cho KTS. Tôi chắc rằng, nếu chúng ta có thể hoàn thiện thêm về Luật Kiến trúc này, sẽ làm cho KTS chúng ta yêu nghề và tự tin hành nghề hơn. Và nói thực ra, hoạt động này cũng làm cho KTS chúng ta tự tin chủ động hoà nhập, tham gia hoạt động cùng cộng đồng KTS thế giới.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, còn nhiều băn khoăn về Hoạt động của Hội KTS Việt Nam

Đầu tiên, số lượng đông nhưng chất lượng chưa đồng nhất với số lượng đó. Với những nhiệm vụ của nhà nước, các KTS còn chần chờ, ngần ngại. Với sự tham gia của các KTS thế giới, đây vừa là cơ hội nhưng cũng khiến chúng ta ngỡ ngàng. Chúng ta vẫn chưa biết cách để biến kiến trúc thế giới phù hợp với kiến trúc của chúng ta, chứ không phải quốc tế hóa kiến trúc của chúng ta như hiện nay.

Ngoài ra, tuy lực lượng KTS của chúng ta đông, nhưng tính chất hành nghề còn lỏng lẻo, thiếu vắng nhiều công ty lớn, đủ sức đảm đương các công trình lớn. Điều này dẫn đến kiến trúc thiếu vắng nhiều công trình lớn, lâu dài để định hình ra một phong cách kiến trúc bản địa, kiến trúc thiếu bản sắc và dấu ấn. Chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn trong việc hợp tác với các KTS lớn, nên chỉ làm được các công trình nhỏ.

Bên cạnh đó, Luật hành nghề Kiến trúc mới có những bước đi đầu tiên, nên khó có thể bảo vệ được nhiều quyền lợi của KTS Việt Nam. Việc này cũng cần thời gian để thực hiện và đi vào thực tiễn.

Kiến trúc Việt Nam hiện nay phấn đấu xây dựng nền văn hóa có bản sắc, mặc dù trong định hướng nhà nước đã đề ra nhưng chưa lan tỏa. Vậy nên những chủ đầu tư có tiền vẫn tùy ý làm theo sở thích, dẫn đến nhiều công trình méo mó. Điều này cũng một phần do Luật pháp chưa có những quy định cụ thể, nhưng cũng một phần do hoạt động tuyên truyền của Hội KTS Việt Nam còn hạn chế, cần tìm cách để người dân hiểu về bản sắc, và điều cần phải làm.

Nhiệm vụ của Hội KTS Việt Nam là theo dõi, đánh giá Luật Kiến trúc đi vào đời sống như thế nào, để có những nhìn nhận, điều chỉnh phù hợp hơn sau 5 năm đi vào thực tiễn, tăng cường bảo vệ quyền lợi của các KTS. Nếu Luật Kiến trúc điều chỉnh sát thực tế, Kiến trúc chúng ta càng có điều kiện phát triển tốt hơn.

Hội cũng cần tổ chức, đánh giá, rà soát lại hành nghề, xem vai trò của Hội đối với hành nghề của các KTS. Kiến trúc chúng ta cần có nhiều đổi mới, thu hút sự tham gia của các KTS. Hội KTS của chúng ta là Hội quy tụ sự tham gia đó, vậy nên, Hội cần có nhiều hoạt động hơn nữa, để thu hút sự tham gia của các anh em KTS. Chúng ta hãy tham gia chủ động học hỏi kinh nghiệm của thế giới, chuyển giao công nghệ mới – Đồng tâm xây dựng nền kiến trúc hiện đại.

KTS Nguyễn Tấn Vạn – Nguyên chủ tịch Hội KTS Việt Nam
(Bài viết được lấy từ Kỷ yếu Hội thảo kỷ niệm 75 năm Hội kiến trúc sư Việt Nam: Vai trò Kiến trúc với phát triển bền vững văn hoá – kinh tế – xã hội)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2023)